10 sự vụ VT-CNTT nổi bật trong tuần: Giải thưởng Nhân tài Đất Việt 2014 bước sang năm thứ 10
Trong tuần thứ 22 (từ 26/5 – 1/6/2014), sự vụ VT-CNTT nổi bật lên là sự kiện Giải thưởng Nhân tài Đất Việt với hành trình 10 năm.
- 10 sự vụ VTCNTT nổi bật trong tuần: Cái tên Nguyễn Hà Đông vẫn có sức ảnh hưởng lớn
- 10 sự vụ VT-CNTT nổi bật trong tuần: Tin tặc Trung Quốc tấn công trang web, máy tính ở Việt Nam
- 10 sự vụ VT-CNTT nổi bật trong tuần: Cứ 2 giờ lại có 1 website Việt Nam bị tin tặc kiểm soát
- 10 sự vụ VT-CNTT nổi bật trong tuần: Cô gái Canada gốc Việt được Tạp chí Forbes vinh danh
- 10 sự vụ VT-CNTT nổi bật trong tuần: Tốc độ Internet của Việt Nam?
- 10 sự vụ VT-CNTT nổi bật trong tuần: 7 xu hướng công nghệ đang làm thay đổi kinh tế toàn cầu
- 10 sự vụ VT-CNTT nổi bật trong tuần: Thủ tướng luận về tái cơ cấu VNPT
- 10 sự vụ VT-CNTT nổi bât trong tuần: Chính phủ đồng ý tách MobiFone khỏi VNPT
- Tìm hiểu về một số công nghệ Pin
1- Lần đầu tiên đòi được tên miền .VN nhờ tòa
Vụ tranh chấp tên miền Lafarge.com.vn do Toà án nhân dân thành phố Đà Nẵng xét xử được coi là trường hợp điển hình và đầu tiên giúp nguyên đơn đòi được tên miền.
Theo quyết định của Toà án nhân dân thành phố Đà Nẵng, tên miền Lafarge.com.vn đã được thu hồi và ưu tiên cho công ty Lafarge đăng ký sử dụng. Mặc dù trước khi công ty Lafarge đăng ký chính thức, bà Phạm Thị Ngọc Hân đã “nhanh tay” đăng ký trước qua Công ty Mắt Bão, nhưng không đủ căn cứ pháp lý cũng như việc dùng tên miền đã đăng ký với ý đồ không lành mạnh, vi phạm quyền đối với nhãn hiệu "Lafarge".
Việc tranh chấp tên miền ở Việt Nam không phải là chuyện hiếm do nhiều kẻ lợi dụng "đầu cơ tên miền" hoặc "chiếm dụng tên miền". Nhưng hầu hết các vụ tranh chấp tên miền .VN trước đây đều được giải quyết theo cách hai bên ngầm thoả thuận với nhau, hoặc có khởi kiện nhưng không đi đến hồi kết do hai bên đàm phán thành công.
Hiện các vụ việc tranh chấp tên miền tại Việt Nam được giải quyết thông qua 1 trong 3 hình thức quy định tại Điều 76 Luật CNTT và các quy định liên quan tại Điều 16 Nghị định số 72/2013/NĐ-CP ngày 15/7/2013 của Chính phủ về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng.
2- Mã độc đe dọa gần 50% số máy tính tại Việt Nam
Nghiên cứu bảo mật SIR v16 của Microsoft Trustworthy Computing (TwC) phát hành mới đây cho thấy, Việt Nam nằm trong năm quốc gia có tỉ lệ máy tính bị mã độc đe dọa cao nhất thế giới năm 2013, chiếm 49,22% trong số 100.000 máy tính được khảo sát.
Các loại mã độc chủ yếu gồm Trojan (23%), sâu máy tính (Worm, 17,5%) và Downloader (13,9%). Đáng chú ý, cứ 1.000 website của Việt Nam thì có 10 website lừa đảo và gần 36 website chứa mã độc lây nhiễm cho người truy cập. Các tỉ lệ này luôn cao hơn tỉ lệ trung bình của thế giới.
Nhận định về thông tin trên, giám đốc Trung tâm An ninh mạng Athena cho biết, số lượng người dùng Internet và mạng xã hội tại VN tăng mạnh các năm qua, nhưng tư duy và nhận thức về bảo mật dữ liệu, thông tin riêng tư còn rất kém, dẫn đến tình trạng trở thành một trong những thị trường béo bở cho tội phạm mạng và mã độc.
Ngoài ra, theo chuyên các gia an ninh mạng, thói quen thích dùng lậu, bẻ khóa (crack) phần mềm bản quyền của người tiêu dùng VN tạo ra nguy cơ lây nhiễm mã độc rất lớn.
3- Các mạng kiên quyết thu hồi SIM chưa đăng ký và kích hoạt
Từ năm 2011, VNPT đưa ra quy định về thời hạn lưu hành SIM trả trước áp dụng cho hai mạng di động MobiFone và VinaPhone. Cụ thể, SIM phát hành trước 00 giờ 00 ngày 1/8/2011, thời hạn sử dụng đến 24 giờ 00 ngày 31/12/2013. SIM của VinaPhone phát hành sau ngày 1/8/2011 có thời hạn sử dụng là ngày 31/12 của năm thứ hai liền sau năm phát hành.
Sau đó, Viettel và cũng đưa ra quy định về thời hạn phát hành SIM tương tự như VNPT.
Lãnh đạo Cục Viễn thông (Bộ TT-TT) cho biết, số thuê bao là tài nguyên của quốc gia và giao cho doanh nghiệp quản lý. Vì vậy, khi khách hàng ký hợp đồng với nhà mạng thì họ được quyền sử dụng số thuê bao này một cách có điều kiện với dịch vụ đi kèm. Số thuê bao này không phải là tài sản của người sử dụng mà là tài nguyên quốc gia.
Hiện nay, nhà mạng căn cứ vào tình hình kinh doanh của mình và quy định về thời hạn lưu hành của SIM. Vì vậy, những số thuê bao này có thể bị cắt khi quá thời hạn lưu hành như bị khóa hai chiều, sử dụng không đúng quy định... Nhà mạng cũng có quyền thu hồi SIM sau thời gian không được kích hoạt sử dụng để đảm bảo sử dụng hiệu quả tài nguyên kho số. Nếu SIM được lưu thông trên hệ thống không được đưa vào sử dụng sẽ gây lãng phí nguồn lực của nhà mạng và lãng phí tài nguyên quốc gia.
Trên thực tế, cơ quan quản lý đã đưa ra nhiều chính sách để đảm bảo nhà mạng sử dụng hiệu quả tài nguyên kho số. Mới đây, Bộ Tài chính vừa ban hành thông tư quy định về phí sử dụng tài nguyên kho số, áp dụng từ ngày 6/2/2014. Phí kho số được lũy tiến theo số lượng thuê bao với mức cao nhất là 4.000 đồng/thuê bao/năm thay cho mức trước đây là 1.000 đồng/thuê bao/năm.
Đây được xem là biện pháp mạnh để ngăn chặn vấn nạn dùng SIM thay thẻ và chống nạn SIM rác đang hoành hành, gây nhiều phiền toái cho xã hội, lãng phí cho cả nhà mạng lẫn tài nguyên của quốc gia.
4- Học viện BCVT - Đơn vị đào tạo duy nhất được vinh danh tại Vinh Quang Việt Nam 2014
Chương trình “Vinh quang Việt Nam” lần thứ XI với chủ đề “Đột phá - Thành công” do Tổng Liên đoàn Lao động (TLĐLĐ) Việt Nam, Ban Thi đua Khen thưởng Trung ương phối hợp với Báo Lao động, Đài truyền hình Việt Nam tổ chức vừa diễn ra tuần qua.
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và Chủ tịch TLĐLĐ Việt Nam Đặng Ngọc Tùng trao tặng kỷ niệm chương cho Học viện Công nghệ BCVT.
Đây là một chương trình tôn vinh cấp nhà nước để giới thiệu và tôn vinh 19 cá nhân và 10 tập thể có thành tích đặc biệt xuất sắc trong các lĩnh vực đã góp phần tích cực vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc.
Với những thành tích nổi bật trong công tác đào tạo, nghiên cứu trong lĩnh vực thông tin và truyền thông (TT&TT hoặc ICT), Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông (BCVT) vinh dự là đơn vị đào tạo phát triển nguồn nhân lực tiêu biểu đại diện cho ngành TT&TT và trở thành 1 trong 10 tập thể được tôn vinh tại Vinh quang Việt Nam 2014.
Trong gần 17 năm qua, Học viện đã cung cấp cho xã hội và cho Ngành viễn thông và CNTT Việt Nam hàng chục ngàn kỹ sư, cử nhân về điện tử, viễn thông, CNTT, quản trị kinh doanh; gần 2.000 thạc sỹ và trên 70 tiến sỹ đã hoàn thành luận án từ các cơ sở đào tạo của Học viện, nhiều người trong số họ đã trở thành các cán bộ khoa học đầu ngành; các nhà quản lý, các kỹ sư giỏi, nhiều doanh nhân thành đạt, nhiều cán bộ lãnh đạo của các doanh nghiệp, các Bưu điện, Viễn thông tỉnh thành trong cả nước, trong các Bộ, Ban, Ngành… cùng với những chính sách, cách thức đào tạo mới, hữu ích.
5- Nguy cơ hacker Trung Quốc lại tấn công mạng
Hàng trăm hacker đến từ nhiều quốc gia (gồm cả Việt Nam) vừa có đợt tấn công quy mô lớn, đánh sập 368 website Trung Quốc để lên án hành vi xâm phạm chủ quyền trên biển Đông. Vì thế, nguy cơ xảy ra đợt phản công từ hacker Trung Quốc có thể lại xảy ra và Việt Nam là một mục tiêu bị nhắm tới.
"Hiện vẫn chưa có thông tin chính thức từ phía Trung Quốc, hacker Trung Quốc về đợt tấn công này. Nhưng rất có thể hacker Trung Quốc sẽ phản hồi lại và nạn nhân chính là website của các quốc gia có hacker tham gia tấn công Trung Quốc, trong đó có Việt Nam. Các quản trị website nên chuẩn bị dần các biện pháp phòng thủ, biện pháp khắc phục cho việc sẽ có thể là nạn nhân của các cuộc tấn công này", đại diện Security Daily khuyến cáo.
6- Giải thưởng Nhân tài Đất Việt 2014: Có thêm giải Ứng dụng di động
Giải thưởng Nhân tài Đất Việt 2014 đã chính thức được phát động hôm 28/5. Đây là lần thứ 10 liên tiếp (2005-2014) của giải thưởng này và đây cũng năm thứ 10 Tập đoàn VNPT đồng hành cùng Giải thưởng với vai trò là đơn vị đồng tổ chức và tài trợ chính.
Họp báo phát động Giải thưởng Nhân tài Đật Việt năn 2014.
Trong 9 năm qua, đã có 5.000 tài năng Việt tham gia Giải thưởng với 2.000 sản phẩm hoàn thiện có tính ứng dụng cao. Trong đó có 81 tác giả và nhóm tác giả đã được tôn vinh thuộc các lĩnh vực CNTT, Khoa học Tự nhiên, Y dược và Môi trường.
Để tiếp tục đẩy mạnh và thu hút sự tham gia đông đảo của những người yêu thích CNTT và quan tâm đến Giải thưởng. Nhân tài Đất Việt 2014 tiếp tục tranh giải ở các lĩnh vực CNTT, Khoa học Tự nhiên, Y dược và Môi trường. Đặc biệt, Ban Tổ chức đã đưa Giải thưởng dành cho các sản phẩm ứng dụng công nghệ trên thiết bị di động thành hệ thống Giải thưởng chính trong nhóm lĩnh vực Giải thưởng CNTT trong năm nay.
Như vậy, sẽ có 3 hệ thống sản phẩm dự thi chính trong lĩnh vực CNTT: Sản phẩm CNTT Thành công; Sản phẩm CNTT Triển vọng; Sản phẩm CNTT Ứng dụng trên thiết bị di động.
Khi tham gia dự thi các hệ thống sản phẩm này, các thí sinh ở mỗi hệ thống sản phẩm sẽ có cơ hội nhận được 1 giải Nhất trị giá 100 triệu đồng, 1 giải Nhì trị giá 50 triệu đồng và 1 giải Ba trị giá 30 triệu đồng cùng phần thưởng của các đơn vị tài trợ.
Giải thưởng Khoa học tự nhiên tiêp tục được dành tặng cho tác giả hoặc tập thể tác giả công trình hoặc cụm công trình nghiên cứu xuất sắc về khoa học tự nhiên (toán học, vật lý, hóa học, các khoa học về sự sống, các khoa học về trái đất) đã được ứng dụng vào thực tiễn đạt được hiệu quả kinh tế-xã hội có ý nghĩa lớn. Mỗi Giải thưởng trị giá 100 triệu đồng.
Giải thưởng trong lĩnh vực Y dược được tặng cho tác giả hoặc tập thể tác giả công trình hoặc cụm công trình nghiên cứu xuất sắc về Y dược đã được ứng dụng vào thực tiễn đạt được hiệu quả cao trong khám chữa bệnh và và có ý nghĩa kinh tế - xã hội lớn. Mỗi Giải thưởng trị giá 100 triệu đồng.
Giải thưởng Bảo vệ môi trường được tặng cho tập thể hoặc tổ chức trong cộng đồng dân cư, doanh nghiệp hoặc cơ quan (gọi tắt là tập thể) có thành tích xuất sắc trong hoạt động bảo vệ môi trường và đã xây dựng thành công khu dân cư xanh.
Có 3 mức Giải thưởng: Giải Nhất trị giá 100 triệu đồng, Giải Nhì trị giá 50 triệu đồng và Giải Ba trị giá 30 triệu đồng được tặng cho tập thể xây dựng thành công khu dân cư xanh có quy mô huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh (Giải nhất); xã, phường, thị trấn (Giải nhì); thôn, ấp hoặc khu dân cư tương đương thôn, ấp trong phường (Giải ba).
Thời gian nhận bài dự thi Nhân tài Đất Việt năm nay bắt đầu từ ngày 21/11/2013 đến hết ngày 30/9/2014 và Lễ trao giải sẽ được tổ chức tại Hà Nội vào ngày 20/11/2014.
7- Sẽ buộc chủ mạng xã hội vào thương mại điện tử
Sáng 30/5, Cục Thương mại điện tử (TMĐT) và Công nghệ thông tin (Bộ Công Thương) đã tổ chức Hội thảo về đẩy mạnh quản lý TMĐT.
Theo đó, trong năm 2014, Cục đang tìm giải pháp cho một số vấn đề như quản lý giao dịch điện tử qua điện thoại, trách nhiệm của các chủ sàn giao dịch TMĐT, chủ của các mạng xã hội.
Theo Cục TMĐT, việc bán hàng qua các mạng xã hội, nhất là Facebook đã xuất hiện khá nhiều, trong khi chủ mạng xã hội thì không phải chịu trách nhiệm nếu có xảy ra thiệt hại cho bên mua hàng.
Theo thống kê của Cục, hiện có khoảng 2% website TMĐT đã làm thủ tục đăng ký, thông báo. Cụ thể, có khoảng 4.000 website thông báo, 600 website đăng ký. Sắp tới, Cục sẽ triển khai việc kiểm tra, xử phạt nếu không tuân thủ quy định về TMĐT khi bán hàng qua mạng.
Việc làm này của Cục TMĐT nhằm bảo vệ người tiêu dùng, nhưng chắc chắn sẽ có ảnh hưởng lớn đến việc kinh doanh qua mạng xã hội của nhiều người hiện thời.
8- Apple chính thức mua lại Beats Audio với giá 3 tỷ USD
Sau nhiều đồn đoán, thương vụ Apple - Beats đã trở thành sự thật. Giá trị của thương vụ này lên đến 3 tỷ USD, trong đó 400 triệu USD sẽ được trả dần về sau.
Hai nhà sáng lập của Beats là Jimmy Lovine và Dr Dre cũng sẽ chuyển đến trụ sở của Apple ở Cupertino để làm việc.
"Chúng tôi đã có được một dịch vụ âm nhạc tốt hiếm có, phát triển lượng thuê bao nhanh và kinh doanh tốt các mẫu tai nghe cao cấp, nhưng cả ba yếu tố này đều không phải là lý do cho thương vụ này", CEO Tim Cook nói với tờ USA Today.
Năm ngoái, Apple đã mua lại 15 công ty và năm nay đã mua được 12 thương công ty khác. So với lượng tiền mặt 160 tỷ USD hiện có, cái giá 3 tỷ USD cho Beats là không nhiều, nhưng đây vẫn là thương vụ khiến Apple tốn tiền nhất từ trước đến nay.
Beats Music được xây dựng bằng sự chuyên sâu dành cho cả các nghệ sĩ và fan hâm mộ. Apple và Beats tin rằng một dịch vụ âm nhạc lớn cần phải có một đội ngũ biên tập và chỉnh sửa mạnh.
Và chúng ta có quyền hy vọng rằng, việc Beats gia nhập ngôi nhà chung Apple sẽ tạo nên dòng iTunes lạ thường, thậm chí tốt hơn nữa, mở rộng kết nối cảm xúc của người dùng chúng ta với âm nhạc.
9- Google sẽ sản xuất xe tự lái
Chiếc xe tự lái sẽ chỉ có một nút chạy và dừng (On/Off), không có bàn điều khiển, tay lái hay chân ga. Google cho biết sẽ sớm ra mắt mẫu xe theo ý tưởng này.
"Loài người có lẽ là thứ duy nhất mà hãng Google không thể can thiệp được" - Nhật báo New York Times khẳng định.
Trong vòng hơn 4 năm qua, Google đã đầu tư vào nghiên cứu kế hoạch sản xuất xe tự lái trong nỗ lực giúp người lái xe tránh khỏi những tình huống nguy hiểm.
Google đang thử nghiệm loạt phương tiện chạy điện, đáp ứng mọi tiêu chuẩn của ngành công nghiệp ô tô hiện đại. Theo đó, chiếc xe 2 chỗ ngồi có vẻ ngoài đầy đặn như một chiếc Fiat 500 hoặc xe Mercedes-Benz Smart từ đó ra đời. Chiếc xe này sẽ chỉ có một nút chạy - dừng mà không có bàn điều khiển, tay lái hay chân ga.
Phương tiện nhỏ "thân thiện" này sẽ được điều khiển thông qua một ứng dụng trên điện thoại thông minh. Bằng việc sử dụng ứng dụng điện thoại này, chiếc xe sẽ đón chủ nhân và tự động lái đến điểm đã định trước.
Google không cho biết hãng có dự định đưa sản phẩm xe tự lái vào kinh doanh hay cung cấp cho công ty ô tô/công nghệ nào khác hay không. Song họ khẳng định, có vô số cơ hội để đưa chiếc xe vào sử dụng, như dùng xe tự lái để làm xe taxi là một phương án đầy tiềm năng.
10- Cư dân mạng chia sẻ 1,8 tỷ bức ảnh mỗi ngày
Theo một báo cáo được chuyên gia phân tích tài chính Mary Meeker công bố tại hội thảo Code Conference (California, Mỹ), hiện mỗi ngày người dùng Internet đăng tải và chia sẻ tới 1,8 tỷ tấm ảnh trên các mạng xã hội.
Nếu so sánh với năm 2008, con số này ấn tượng hơn rất nhiều, bởi khi đó người dùng chỉ chia sẻ khoảng vài ngàn tấm ảnh mỗi ngày. Các mạng xã hội mà người dùng Internet thường chia sẻ ảnh là Facebook, Instagram, Flickr, Snapchat và WhatsApp.
Trong số 1,8 tỷ ảnh được chia sẻ, phần lớn là ảnh "tự sướng". Thuật ngữ "tự sướng" xuất hiện lần đầu tiên vào năm 2002 tại một diễn đàn Internet ở Australia, sử dụng để miêu tả hành động dùng điện thoại chụp ảnh chính mình. Sau đó, những bức ảnh "tự sướng" xuất hiện ngày càng nhiều trên Facebook, cho dù năm 2009 Facebook đã giới hạn tối đa 60 ảnh trong album mỗi cá nhân.
Thanh Trà (tổng hợp)