10 sự vụ VT-CNTT nổi bật trong tuần: Tin tặc Trung Quốc tấn công trang web, máy tính ở Việt Nam
Trong tuần 20 (từ 12/5 - 18/5/2014), sự vụ VT-CNTT nổi bất lên là việc Lào đã đưa vào khai thác thử nghiệm dịch vụ 4G, trong khi Việt Nam dự kiến triển khai vào năm 2015.
- 10 sự vụ VT-CNTT nổi bật trong tuần: Cứ 2 giờ lại có 1 website Việt Nam bị tin tặc kiểm soát
- 10 sự vụ VT-CNTT nổi bật trong tuần: Cô gái Canada gốc Việt được Tạp chí Forbes vinh danh
- 10 sự vụ VT-CNTT nổi bật trong tuần: Tốc độ Internet của Việt Nam?
- 10 sự vụ VT-CNTT nổi bật trong tuần: 7 xu hướng công nghệ đang làm thay đổi kinh tế toàn cầu
- 10 sự vụ VT-CNTT nổi bật trong tuần: Thủ tướng luận về tái cơ cấu VNPT
- 10 sự vụ VT-CNTT nổi bât trong tuần: Chính phủ đồng ý tách MobiFone khỏi VNPT
- 10 sự vụ về VT-CNTT nổi bật trong tuần: Cái tên Flappy Bird nay trở nên rắc rối
- 10 sự vụ VT-CNTT nổi bật trong tuần: Dùng biện pháp kinh tế “quản” thuê bao trả trước
- Tìm hiểu về một số công nghệ Pin
1- Tin tặc Trung Quốc đồng loạt tấn công trang web, máy tính ở Việt Nam
Những ngày cuối tuần qua và sang tuần này, hàng trăm website của Việt Nam, bao gồm cả một số trang mang tên miền .gov, đã bị các tin tặc (hacker) tự nhận là từ Trung Quốc tấn công.
Theo ông Ngô Tuấn Anh, Phó chủ tịch phụ trách an ninh mạng thuộc công ty Bkav, trong các ngày từ ngày 8 - 11/5, đã có 220 trang web của Việt Nam bị những hacker trên tấn công, trong đó có 6 website mang tên miền gov.
Ngoài ra, các chuyên gia bảo mật cũng cho biết, hacker Trung Quốc đang tăng cường thả nhiều malware, spyware dưới dạng file .doc và .pdf để gây hại cho người dùng máy tính Việt Nam. Phương thức phát tán lây lan mã độc chủ yếu thông qua email bằng cách giả mạo mail, gửi mail spam, thông báo, báo cáo... đến người dùng.
Nếu người dùng đang sử dụng phiên bản office hoặc trình đọc pdf bị lỗi mà chưa update bản vá của nhà cung cấp hoặc chưa được phát hiện thì khi tải file về và mở ra sẽ bị nhiễm mã độc được chèn trong văn bản. Dấu hiệu nhận biết đã bị lây nhiễm mã độc đầu tiên là máy tính chạy chậm hơn, các cổng bị mở bất thường... hoặc khi mở file văn bản hay bị lỗi, không đọc được nội dung.
Vụ việc này gây sự chú ý lớn, bởi nó xảy ra đúng lúc Việt Nam phản đối Trung Quốc triển khai giàn khoan trái phép ở vùng biển Việt Nam, tương tự như nhiều vụ khác trên thế giới, vào thời điểm mối quan hệ giữa các nước đang có căng thẳng, chẳng hạn như trường hợp của Ukraine và Nga mới đây. “Đây là chuyện tất yếu mà các quốc gia, tổ chức, doanh nghiệp có website buộc phải chuẩn bị ứng phó,” ông Ngô Tuấn Anh nói.
Trong tuần, đã có trên 240 website của Việt Nam bị tấn công, trong đó chủ yếu là tấn công từ chối dịch vụ (DDoS), thay đổi giao diện... Những cuộc tấn công mạng này chưa gây ra những ảnh hưởng nghiêm trọng, bởi đa số các trang web bị tấn công là của các doanh nghiệp nhỏ hoặc thuộc sở hữu cá nhân.
2- Việt Nam đứng thứ 7 thế giới về lượng phát tán thư rác
Theo Báo cáo hiện trạng các mối đe dọa bảo mật Internet lần thứ 19 (ISTR) của Symantec về các mối đe dọa bảo mật Internet tại Việt Nam năm 2013, Việt Nam vẫn đứng ở vị trí số 6 thế giới về lượng mã độc, nhưng xét về tỷ lệ thì chỉ chiếm 2,8% tổng số mã độc trên thế giới, giảm nhẹ so với tỷ lệ 3% của năm trước đó.
Việt Nam vẫn “thăng hạng” về việc phát tán thư rác, đã “leo” lên vị trí số 7 (năm 2013) trong khi năm 2012 đứng ở vị trí số 10 thế giới. Tỷ lệ thư rác của Việt Nam chiếm 5% thế giới, tăng gần gấp đôi so với tỷ lệ 2,6% của năm 2012. Về số lượng dịch vụ web, máy chủ tạm thời bị tin tặc dùng để gài mã độc, Việt Nam vẫn chiếm 0,5% tổng số toàn cầu nhưng thứ hạng đã được cải thiện 5 bậc, đứng ở vị trí 29, trong khi năm 2012 giữ vị trí 24.
3- Công bố xếp hạng ứng dụng CNTT: Hà Nội hướng tới “Chính quyền điện tử”
Ngày 10/5, Ban chỉ đạo (BCĐ) Chương trình ứng dụng CNTT TP.Hà Nội đã tổ chức lễ công bố xếp hạng ứng dụng CNTT năm 2013. Việc xếp hạng nhằm kịp thời biểu dương, khen thưởng, đồng thời giúp các đơn vị khác nhìn vào đó để hoàn thiện mình.
Việc đánh giá, xếp hạng mức độ ứng dụng CNTT trong cơ quan nhà nước TP.Hà Nội năm 2013 được đánh giá trên 4 nhóm nội dung chính: Hạ tầng kỹ thuật CNTT; Ứng dụng CNTT trong hoạt động nội bộ và phục vụ người dân, doanh nghiệp; Nguồn nhân lực triển khai ứng dụng CNTT; Và, cơ chế chính sách và quy định thúc đẩy ứng dụng CNTT. Về mức độ xếp hạng được chia thành các nhóm: Hạng tốt từ 85% điểm tối đa trở lên; Hạng khá từ 65% đến dưới 85% điểm tối đa; Hạng trung bình từ 50% đến dưới 65% điểm tối đa; Và, hạng yếu dưới 50% điểm tối đa hoặc đơn vị gửi phiếu đánh giá, xếp hạng không đúng thời hạn, không gửi phiếu đánh giá.
Kết quả đánh giá, xếp hạng tổng thể về ứng dụng CNTT năm 2013, khối sở, ngành có 3 đơn vị xếp hạng ứng dụng CNTT tốt (Sở KH-ĐT, Sở Tài chính, Sở TT-TT), 12 đơn vị xếp loại khá, 4 đơn vị xếp loại trung bình và 1 đơn vị xếp loại yếu (Ban Dân tộc).
Do đặc thù của Văn phòng UBND thành phố và Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và HĐND thành phố chủ yếu ứng dụng CNTT phục vụ điều hành nội bộ nên không xếp hạng ứng dụng CNTT tổng thể, chỉ xếp hạng các ứng dụng CNTT thành phần. Khối quận có 2 đơn vị xếp hạng tốt (Long Biên, Tây Hồ), 8 đơn vị khá và 1 đơn vị trung bình (quận Ba Đình). Khối huyện có 7 đơn vị xếp hạng khá, 9 đơn vị trung bình và 2 đơn vị xếp hạng yếu là Phú Xuyên, Mỹ Đức. Khối phường, thị trấn tham gia đánh giá, xếp hạng năm 2013 gồm 15 đơn vị được UBND các quận, huyện, thị xã đề cử. Kết quả, có 2 đơn vị xếp loại ứng dụng tốt là phường Thượng Thanh và phường Gia Thụy (quận Long Biên), 10 đơn vị xếp hạng khá và 3 đơn vị xếp hạng trung bình. Tương tự, khối xã gồm 17 đơn vị tham gia đánh giá, xếp hạng, có 8 xã xếp loại ứng dụng CNTT khá và 9 xã xếp hạng trung bình.
Nhân dịp này, 19 đơn vị được nhận Bằng khen vì có thành tích cao trong ứng dụng CNTT tổng thể năm 2013.
4- Việt Nam liệu có bị tụt hậu về 4G?
Liệu những thông tin gần đây về việc người dân Viêng-chăn (Lào) bắt đầu được sử dụng mạng 4G với tốc độ khoảng 10Mbps liệu có khiến các nhà mạng và các nhà quản lý lĩnh vực TT-TT của Việt Nam phải... tự vấn?
So với các quốc gia khu vực, liệu Việt Nam có bị "tụt hậu về 4G"?
Mạng 4G đã được thử nghiệm tại Viêng-chăn vào cuối năm 2012. Hiện nhà mạng Laotel đã thương mại hóa 4G, đang phát sóng 20 trạm BTS 4G LTE ở Viêng-chăn với tốc độ 10Mbps.
Laotel bán gói truy cập không giới hạn lưu lượng trong 30 ngày với giá 250.000 Kíp (khoảng 600.000 đồng); gói truy cập dung lượng 10GB có giá 100.000 Kíp (240.000 đồng) và 50GB có giá 500.000 Kíp (1,3 triệu đồng). Trên trang chủ của mình, Laotel khẳng định, 4G LTE có tốc độ nhanh gấp 5 lần 3G và tự hào khi cho biết Lào là nước thứ 2 trong khu vực Đông Nam Á thử nghiệm thành công 4G.
Còn nhớ, cuối năm 2013, sau khi Trung Quốc tuyên bố sẽ có mạng 4G, nhiều ý kiến đề nghị Việt Nam nên sớm triển khai mạng 4G. Song, nhiều nhà quản lý cho rằng, Việt Nam cần theo đúng lộ trình phát triển công nghệ 4G, sớm nhất cũng phải đến năm 2015, lý do: Mạng 3G còn chưa khai thác hết, hơn nữa, chi phí đầu tư cho công nghệ 4G sẽ khiến giá dịch vụ tăng cao, chưa phù hợp với chi tiêu của người dân Việt Nam.
Người Việt chưa có nhu cầu và chưa đủ khả năng tài chính để sử dụng dịch vụ 4G? Không hẳn vậy. Theo báo cáo của Công ty nghiên cứu thị trường GFK, trong năm 2013, tổng doanh số của riêng điện thoại di động trên thị trường Việt Nam tới 40.432 tỷ đồng, tăng 36% so với năm 2012. Còn trang Business Insider dẫn nguồn kết quả khảo sát của hãng nghiên cứu công nghệ Jana: 40% người Việt được hỏi trả lời rằng sẵn sàng bỏ ra 600 USD để sở hữu một chiếc iPhone.
5- Các “siêu phẩm” Hàn Quốc thua ngay trên sân nhà
Trong một cuộc thăm dò mới đây về sự thỏa mãn và hài lòng khách hàng đã được tiến hành ở Hàn Quốc. Theo đó, iPhone 5S đã bỏ xa nhiều thiết bị do Samsung và các công ty Hàn Quốc sản xuất, theo Apple Insider.
Thăm dò này được hãng nghiên cứu thị trường Hàn Quốc Marketing Insight thực hiện, cho thấy iPhone 5S của Apple đã vượt nhiều đối thủ dùng hệ điều hành Android, trong đó có Galaxy 5S của Samsung vừa ra mắt, G Pro2 của LG, và Nexus 5 của Google.
Kết quả của cuộc điều tra, iPhone 5S đứng trên Galaxy S5 về mọi đánh giá thỏa mãn, trong đó có thiết kế, màn hình, tốc độ xử lý, đa phương tiện, kích thước và trọng lượng, độ khả dụng, sức bền, phản hồi “chạm”, công nghệ mới nhất, và thiết kế giao diện. “Siêu phẩm” mới nhất của Samsung được cũng được xếp hạng thấp hơn nhiều thiết bị đời cũ hơn, trong đó có iPhone 5 và nhiều thiết bị được đối thủ trong nước LG sản xuất. G Pro 2 và G2 của LG đều xếp hạng cao hơn Galaxy S5, cũng như Google Nexus 5 do LG sản xuất.
Các điểm số được cho điểm theo 10 tiêu chí, iPhone 5S của Apple nhận được tổng điểm thỏa mãn khách hàng là 810, trong khi iPhone 5 xếp thứ hai với tổng điểm 742. Galaxy S5 của Samsung xếp vị trí thứ 6 với tổng điểm 652. Còn điểm số thỏa mãn của các sản phẩm của Apple là 798 trong tổng số 1000, giúp Apple xếp vị trí thứ Nhất, bỏ xa các sản phẩm trong nước của Hàn Quốc gần 200 điểm - LG, Samsung và Pantech dành được 609, 600, và 577 điểm - trang OhMyNews của Apple Insider cho biết.
Ngoài ra, cuộc thăm dò này cho thấy, gần 90% người sử dụng iPhone của Hàn Quốc cho biết họ “thỏa mãn” hay “rất thỏa mãn” với các thiết bị của mình. Mặt khác, chỉ khoảng một nửa số nhà sản xuất smartphone ở Hàn Quốc nhận được sự tán thành tương tự. “Khoảng cách thỏa mãn giữa Apple và các nhà sản xuất trong nước đã khá gia tăng”, OhMyNews cho biết.
Thua ngay trên sân nhà là một thực tế cay đắng đối với Samsung. Nó cũng sẽ là “điểm đáng lưu ý” cho giới mê công nghệ ở Việt Nam.
6- VTV sẽ phát sóng miễn phí World Cup 2014
Sau một thời gian dài thương thảo, đại diện VTV đã đạt được thỏa thuận với đối tác MP&Silva về vấn đề bản quyền truyền hình World Cup 2014. Và Đài Truyền hình Việt Nam (VTV) đã chính thức sở hữu bản quyền truyền thông, trở thành hãng phát sóng chính thức của Vòng Chung kết FIFA World Cup 2014 tại Việt Nam.
Theo đó, VTV được cấp phép toàn bộ quyền sản xuất, khai thác, sử dụng trên cơ sở truyền thông miễn phí hoặc trả tiền tất cả các chương trình liên quan tới FIFA World Cup 2014. Cụ thể, VTV sở hữu độc quyền truyền hình (mặt đất, cáp, vệ tinh) và radio trên lãnh thổ Việt Nam. Cùng với đó là quyền truyền phát trên di động và internet trên lãnh thổ Việt Nam.
Gần đến "phút chót", người hâm mộ có thể yên tâm sẽ được coi World Cup 2014.
VTV cho biết, tại Worl Cup sắp tới, VTV sẽ cử 3 ekip sang Brazil để tác nghiệp, với sự trang bị đầy đủ các thiết bị. VTV sẽ sản xuất nhiều chương trình đồng hành cùng World Cup, các phóng sự… Ngoài ra, sẽ mời các chuyên gia giỏi để tham gia bình luận.
Về vấn đề kinh phí mua bản quyền World Cup, đại diện của VTV cho biết: “Chúng tôi không thể tiết lộ số tiền bỏ ra mua bàn quyền”. Theo điều khoản bảo mật hợp đồng cũng như các thông lệ khác, điều khoản tài chính không được tiết lộ và không được bình luận.
Dù không tiết lộ thông tin về số tiền mua bản quyền World Cup 2014, nhưng đại diện của VTV cho biết thương vụ này chắc chắn bị lỗ và VTV phải huy động từ nhiều nguồn khác nhau để đáp ứng kinh phí bản quyền. Chuyện bù đắp cho kinh phí bỏ ra, lâu nay ở các giải bóng đá, sự kiện thể thao lớn, khi VTV mua bản quyền luôn xác định phục vụ khán giả và có quảng cáo để bù đắp.
7- Gmail trở thành ứng dụng Android đầu tiên đạt kỷ lục 1 tỷ lượt cài đặt
Theo dữ liệu của hãng nghiên cứu thị trường comScore, Facebook liên tục là ứng dụng di động có số lượng người dùng hàng tháng cao nhất, thậm chí Google Search và YouTube cũng có xu hướng được sử dụng nhiều hơn Gmail. Tuy nhiên, Gmail đã trở thành ứng dụng đầu tiên lọt vào danh sách những ứng dụng có số lượt cài đặt từ 1 tỷ - 5 tỷ trên Google Play.
Vào tháng 9 năm ngoái, Google đã tuyên bố, hệ điều hành Android của hãng đã chạm mốc "kích hoạt mới" thứ 1 tỷ và họ vẫn tiếp tục thống trị vị trí "đầu bảng" khắp toàn cầu. Vì vậy, về cơ bản, chỉ là vấn đề thời gian trước khi có một ứng dụng trên Google Play Store đạt lượt cài đặt thứ 1 tỷ. Và nay ứng dụng đó đã xuất hiện, chính là ứng dụng Gmail của Google.
Mặc dù không rõ Gmail chạm mốc 1 tỷ lượt cài đặt vào thời điểm nào, nhưng kho ứng dụng AppBrain đã ghi nhận sự kiện này vào ngày 6/5 vừa qua. Về mặt kỹ thuật, dịch vụ Google Play đã đạt mốc 1 tỷ lượt cài đặt cách đây vài tháng, nhưng nó không chính xác là một ứng dụng đúng nghĩa.
Tất nhiên, Gmail là ứng dụng được tích hợp sẵn trên nhiều smartphone chạy Android, vì vậy, có thể Gmail không được chủ động tải về bởi 1 tỷ người dùng, đặc biệt số lượng người dùng có hoạt động hàng tháng của Gmail cũng không nhiều tới 1 tỷ.
Hiện, một số ứng dụng đã đạt mức từ 500 triệu tới 1 tỷ lượt cài đặt như Google Search, Google Maps, YouTube, Facebook và WhatsApp... Vậy, chúng ta hãy chờ xem ứng dụng nào tiếp theo sẽ đạt mức từ 1 tỷ - 5 tỷ lượt cài đặt sau Gmail.
8- Đọc báo trên thiết bị di động sẽ lên ngôi
Sáng 14/5, tại Hà Nội, gần 250 lãnh đạo và phóng viên thuộc nhiều cơ quan báo chí trong nước đã chia sẻ kinh nghiệm về làm báo qua điện thoại thông minh (smartphone) tại buổi hội thảo “Smartphone với truyền thông hiện đại”. Hội thảo do Thời báo Việt Hàn và Báo điện tử VietnamPlus của Thông Tấn xã Việt Nam (TTXVN) phối hợp tổ chức với sự chủ trì của TTXVN và Hội Nhà báo Việt Nam.
Tại hội thảo, ông Lê Quốc Minh, Tổng biên tập Báo điện tử Vietnam Plus nhận định, dân số Việt Nam hiện có hơn 91 triệu người nhưng trong đó có tới 31 triệu người dùng Internet (đứng thứ 18 thế giới) và 19 triệu người đang sử dụng Internet trên di động.
Cạnh đó, năm 2013, tại Việt Nam có khoảng 17 triệu chiếc điện thoại được bán ra, với 38% trong số này là các dòng smartphone. Qua đó cho thấy, xu hướng người dùng đọc tin tức trên thiết bị di động sẽ là một tiềm năng rất lớn trong thời gian tới.
Bà Kwon Tae Sun, Tổng biên tập Báo điện tử Huffington Post Korea cho biết, tại Hàn Quốc, trung bình số người xem tin tức bằng smartphone chiếm 40%, trong khi số người xem tin tức bằng máy tính là 60%. Dự báo, trong thời gian tới, xu hướng đọc tin tức từ thiết bị di động sẽ ngày càng gia tăng.
Ông Lê Duy Truyền, Phó tổng giám đốc Thông tấn xã Việt Nam cho rằng, hiện xã hội đang chuyển sang giai đoạn truyền thông mobile và báo chí cũng phải chuyển biến cho phù hợp với đối tượng sử dụng, tiếp cận thông tin theo phương thức mới. Các phương tiện di động, nhất là smartphopne, đang trở thành công cụ làm việc và giải trí phổ biến, nhất là trong giới trẻ. Vì thế, người làm báo nếu không quan tâm đến việc phát triển nội dung trên thiết bị di động, sẽ khó có thể tiếp cận với đối tượng độc giả hiện nay.
Còn ông Hà Minh Huệ, Phó Chủ tịch thường trực Hội Nhà báo Việt Nam thì nhận định, văn hóa đọc của độc giả đang thay đổi nhanh chóng cùng với sự phổ biến của các phương tiện di động đầu cuối, đặc biệt là smartphone. Do đó, cơ quan báo chí trong nước cần nắm bắt và có những thay đổi nhằm thích ứng với nhu cầu của công chúng.
9- Vietnam Mobile Day 2014 – Sự kiện lớn về di động trong năm
Vietnam Mobile Day là hội thảo Cộng đồng về Mobile được tổ chức thường niên từ năm 2011 tới nay. Năm nay, Hội nghị Vietnam Mobileday 2014 lần thứ 4, diễn ra vào ngày 17/5 tại Hà Nội và 24/5 tại Hồ Chí Minh, là sự kiện công nghệ Mobile thường niên xoay quanh chuỗi giá trị ngành Truyền thông Di động số.
Chương trình là cơ hội để các cá nhân, doanh nghiệp và các tổ chức đang hoạt động trong ngành di động chia sẻ, trao đổi kiến thức và kinh nghiệm, đồng thời cũng là dịp để các doanh nghiệp mở rộng quan hệ hợp tác và giới thiệu các sản phẩm của mình tới cộng đồng.
Qua 3 năm tổ chức, chương trình đã nhận được rất nhiều sự quan tâm, ủng hộ và tham dự của các cá nhân, doanh nghiệp và các tổ chức làm việc trong lĩnh vực CNTT nói chung và lĩnh vực di động nói riêng.
Khác với những lần trước, năm 2013 chương trình được tổ chức tại cả Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh và đã thu hút số lượng người tham dự lên tới 3000 người.
10- Flappy Bird sẽ trở lại vào tháng 8
Ngày 14/5, cha đẻ trò chơi game nổi tiếng Flappy Bird Nguyễn Hà Đông đã xuất hiện trực tiếp trên chương trình "Closing Bell" từ Sàn chứng khoán New York (NYSE). Trả lời người dẫn chương trình Kelly Evans, anh cho biết, sẽ cho chú chim đập cánh "bay" trở lại vào tháng 8 tới với nhiều chức năng mới.
Điều này trùng khớp với thông tin mà nhà phát triển game độc lập Nguyễn Hà Đông đã tiết lộ trên tài khoản Twitter của mình hôm 20/3 rằng anh đang lên kế hoạch để đưa trò game "gây nghiện" Flappy Bird quay trở lại App Store.
Sau khi gây tiếng vang lớn trên gian hàng ứng dụng Apple App Store cũng như Google Play, trò chơi Flappy Bird đã bị gỡ xuống hồi tháng Hai vừa qua vì những áp lực vô hình từ truyền thông, mặc cho những thông tin hé lộ rằng game này mang về cả “núi tiền” cho nhà phát triển.
Trong bối cảnh người hâm mộ toàn cầu nuối tiếc Flappy Bird thì tác giả đã bất ngờ mang tới niềm hy vọng mới bằng thông tin nói trên.
Giới phân tích cũng cho rằng, tác giả Đông sẽ đủ khôn ngoan để không làm mọi thứ quá muộn, khi thế giới chuyển sang một trò game di động gây nghiện khác.
Hiện, Nguyễn Hà Đông đang làm các trò chơi khác. Anh mô tả một trò chơi với Evans, đó là trò chơi có một người nhảy từ tòa nhà này sang tòa nhà khác.
Thanh Trà (tổng hợp)