10 sự vụ VT-CNTT nổi bật trong tuần: Cô gái Canada gốc Việt được Tạp chí Forbes vinh danh
Trong tuần 18 (từ 28/4 – 4/5/2014), sự vụ nổi bật nhất là một cô gái Canada gốc Việt vừa được Tạp chí Forbers vinh danh.
- 10 sự vụ VT-CNTT nổi bật trong tuần: Tốc độ Internet của Việt Nam?
- 10 sự vụ VT-CNTT nổi bật trong tuần: 7 xu hướng công nghệ đang làm thay đổi kinh tế toàn cầu
- 10 sự vụ VT-CNTT nổi bật trong tuần: Thủ tướng luận về tái cơ cấu VNPT
- 10 sự vụ VT-CNTT nổi bât trong tuần: Chính phủ đồng ý tách MobiFone khỏi VNPT
- 10 sự vụ về VT-CNTT nổi bật trong tuần: Cái tên Flappy Bird nay trở nên rắc rối
- 10 sự vụ VT-CNTT nổi bật trong tuần: Dùng biện pháp kinh tế “quản” thuê bao trả trước
- 10 sự vụ VT-CNTT nổi bật trong tuần: Flappy Bird có thể “tái sinh”
- 10 sự vụ VT-CNTT nổi bật trong tuần: 4 xu hướng sau MWC 2014
- Tìm hiểu về một số công nghệ Pin
1- CloudVNN và VNPT-Einvoice của VDC được trao giải Sao Khuê 2014
Ngày 27/4/2014, dịch vụ cung cấp hạ tầng máy chủ ảo trên nền điện toán đám mây (CloudVNN) và dịch vụ Hóa đơn điện tử (VNPT-Einvoice) của Công ty Điện toán và Truyền số liệu trực thuộc Tập đoàn VNPT (VDC/VNPT) đã được Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ CNTT Việt Nam (VINASA) trao tặng danh hiệu Sao Khuê 2014.
Theo đó, tháng 10/2013, VDC tự hào là đơn vị đầu tiên tại Việt Nam chính thức cung cấp hai dịch vụ VNPT-Einvoice và Cloud VNN ra thị trường. Chỉ sau 6 tháng ra đời, hai dịch vụ này đã khẳng định được chỗ đứng trên thị trường và vinh dự được VINASA trao tặng Danh hiệu Sao khuê 2014.
Công ty Điện toán và Truyền số liệu trực thuộc Tập đoàn VNPT (VDC/VNPT) nhận danh hiệu Sao khuê 2014.
Dịch vụ VNPT Einvoice của VDC dành được sự quan tâm lớn và được Hội đồng Giám khảo đánh giá cao bởi tính năng cung cấp đầy đủ các nghiệp vụ về hóa đơn cho doanh nghiệp. Các doanh nghiệp hoạt động với quy mô lớn, có lượng phát hành lên đến hàng triệu hóa đơn/năm như: nước sạch, viễn thông, bưu chính, bảo hiểm, truyền hình, siêu thị tiêu dùng, điện máy hay các đơn vị bán hàng trực tuyến… khi áp dụng hóa đơn điện tử sẽ tiết kiệm được chi phí, nâng cao năng lực quản lý tài chính trong doanh nghiệp và nhiều tiện ích lớn khác.
Đến nay, đã có nhiều đơn vị, doanh nghiệp áp dụng hóa đơn điện tử như: Công ty VDC, Trung tâm tín dụng Ngân hàng Nhà nước (thuộc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam), VNPT Hồ Chí Minh… Hiện đang có 20 đơn vị trong và ngoài VNPT đang tiến hành các bước thử nghiệm dịch vụ tại đơn vị mình. Mục tiêu đến 2015, các đơn vị trong VNPT sẽ áp dụng phát hành hóa đơn điện tử cho 63 VNPT tỉnh, thành phố trên cả nước.
Việc áp dụng Hóa đơn điện tử thay thế hóa đơn giấy là một bước đột phá lớn của cơ quan Thuế và cũng là xu hướng phát triển tất yếu của việc ứng dụng CNTT vào công tác quản lý nhà nước và làm “xanh hóa” môi trường.
Còn dịch vụ CloudVNN được vinh danh ở Nhóm điện toán đám mây và Big Data. Dịch vụ Cloud VNN giúp doanh nghiệp nâng cao năng suất, hiệu quả kinh doanh, giảm chi phí đầu tư, vận hành và quản trị hệ thống. CloudVNN sẽ thiết lập hạ tầng máy chủ ảo hiệu năng cao với quy mô từ một máy chủ cloud riêng lẻ đến một hệ thống Datacenter ảo với hàng trăm máy chủ cloud, tạo ra một môi trường tính toán ảo cho phép khách hàng có thể sử dụng các máy chủ ảo trên nhiều loại hệ điều hành khác nhau.
Cloud VNN là kết quả hợp tác giữa Công ty VDC, Công ty Cổ phần Công nghệ Sao Bắc Đẩu và Cisco. Dịch vụ phù hợp cho nhóm khách hàng ngân hàng, tài chính, bảo hiểm, các doanh nghiệp FDI, doanh nghiệp kinh doanh nội dung số, thương mại điện tử… Trong thời gian tới, khi tích hợp các dịch vụ CNTT khác trên nền điện toán đám mây, CloudVNN sẽ góp phần làm thay đổi đáng kể thị trường CNTT tại Việt Nam.
Trước đó, năm 2013, VDC cũng vinh dự được vinh danh tại giải thưởng Sao Khuê với giải pháp Chứng thực số điện tử VNPT – CA.
Với vinh dự được xướng tên với hai dịch vụ lớn trong năm 2014, một lần nữa đã khẳng định, VDC là nhà cung cấp dịch vụ Internet, CNTT- VT hàng đầu tại Việt Nam.
2- Cô gái gốc Việt làm mạng xã hội tại Myanmar được Forbers vinh danh
Rita Nguyễn, một cô gái Canada gốc Việt, người vừa được Tạp chí Forbes xếp vào danh sách 12 nữ doanh nhân đáng chú ý nhất châu Á khi tạo ra một "cuộc cách mạng internet" ở Myanma. Năm nay 37 tuổi, Rita Nguyễn là đồng sáng lập và làm Giám đốc điều hành (CEO) của Squar - mạng xã hội bằng tiếng Myanmar đầu tiên dành cho giới trẻ ở quốc gia 65 triệu dân vừa bắt đầu mở cửa.
Sinh ra trong một ngôi làng nhỏ ở tỉnh Bến Tre, Rita Nguyễn đến Canada từ khi còn rất nhỏ. Ký ức tuổi thơ còn đọng lại trong cô là xứ Vancouver lạnh lẽo và cha mẹ cô làm việc cật lực để lo cho gia đình 5 người con. Trong tâm trí Rita, bố cô là một người cha tuyệt vời khi đã truyền lửa cho cô và các em niềm nhiệt huyết với công việc và nỗ lực vì những gì mình đam mê.
Sau khi ra trường, cô đi làm trong lĩnh vực công nghệ thông tin (IT). Làm việc 5 năm từ Vancouver cho Công ty Phát triển trò chơi điện tử Electronic Arts (EA) ở Mỹ với vai trò phát triển marketing online, truyền thông xã hội và cộng đồng, Rita có công đưa EA vào top 10 thương hiệu mạng cộng đồng nổi tiếng nhất thế giới khi Facebook và Twitter còn chưa ra đời.
Nhưng rồi cá tính mạnh mẽ đã khiến cô nhanh chóng thấy nhàm chán ở EA và quyết định về Việt Nam năm 2010. Tuy nhiên, cô lại chọn Myanmar để khởi nghiệp.
Theo Rita, người dân ở đây, đặc biệt là giới trẻ, vẫn thiếu những thứ mà cô có thể cung cấp được - Đó là lý do trang mạng xã hội Squar ra đời. Nhóm nghiên cứu sáng lập Squar gồm ba thành viên, ngoài Rita Nguyễn, còn có Nguyễn Quỳnh Anh - người Mỹ gốc Việt và một người Mỹ, nhưng người này đã rời nhóm trước khi Squar thành hình.
Squar cung cấp cho giới trẻ Myanmar một mạng xã hội (mysquar.com) bằng tiếng địa phương, các trò chơi online cùng nhiều dịch vụ trực tuyến ngay đúng thời điểm quốc gia 65 triệu dân này vừa thiết lập mạng 3G.
Xuất hiện trên không gian mạng tháng 6/2013, mạng xã hội đầu tiên của Myanmar có giao diện và cấu trúc khá đơn giản. Không giống như Facebook, Squar chỉ tập trung khuyến khích người dùng chia sẻ thông tin và tương tác trong cộng đồng hoặc các diễn đàn theo chủ đề họ quan tâm.
Ở một đất nước mới có 10% dân số sử dụng điện thoại di động và hơn 1% truy cập được internet, nên không có gì bất ngờ khi nội dung số ở đây vẫn còn trong giai đoạn sơ khai. Bằng cách tạo ra nội dung phù hợp với nhu cầu của người dùng, Squar đã tạo được sự khác biệt so với Facebook và các mạng xã hội "nhái" khác tại Myanmar.
Vốn đầu tư cho mạng xã hội Squar (con số được công khai) là 145.000 USD, Squar sẽ định hướng phát triển trên điện thoại di động, bởi vì đường truyền Internet DSL và băng thông rộng gần như chưa tồn tại ở Myanmar.
Rita Nguyễn cho biết, hiện chỉ có khoảng 1.000 quán cà phê internet trên khắp đất nước Myanmar, phục vụ cho dân số khoảng 50 triệu người. Đó là lý do tại sao Rita dự kiến Myanmar trong vòng một năm sẽ có khoảng 30% smartphone thâm nhập và 80% điện thoại di động được sử dụng vào năm 2015.
Mục tiêu của Squar là đạt được 1,5 triệu người sử dụng vào cuối năm 2014. Lý do khiến các nhà đầu tư tin tưởng vào tiềm năng của Squar chính là khả năng cạnh tranh với Facebook và các mạng xã hội tương tự.
Chưa dừng lại ở đó, Rita Nguyễn đang nung nấu ý định xây dựng một mô hình vườn ươm công nghệ, hướng đến những phụ nữ Myanmar muốn phát triển sự nghiệp trong lĩnh vực này.
3- Mỹ, Anh khuyến cáo không dùng Internet Explorer
Ngày 28/4/2014, chính phủ Mỹ và Anh đã lên tiếng khuyên người dùng máy tính nên sử dụng trình duyệt khác thay thế Internet Explorer cho tới khi Microsoft vá lỗi bảo mật cho lỗ hổng mới bị phát hiện trong trình duyệt này.
Lỗ hổng trong Internet Explorer bị phát hiện cuối tuần vừa qua, là mối đe dọa bảo mật nghiêm trọng đầu tiên xuất hiện sau khi Microsoft ngừng hỗ trợ cập nhật bảo mật cho Windows XP hồi đầu tháng 4/2014. Điều đó có nghĩa là, những máy tính dùng Windows XP sẽ vẫn không được bảo vệ, ngay cả sau khi Microsoft phát hành các bản cập nhật để khắc phục lỗ hổng.
Trung tâm Ứng cứu Khẩn cấp Máy tính Mỹ (U.S CERT) cho biết, lỗ hổng trong các phiên bản Internet Explorer 6 tới Internet Explorer 11 có thể gây nguy hiểm nghiêm trọng cho những hệ thống bị ảnh hưởng.
Trong khi đó, Trung tâm Ứng cứu Khẩn cấp Máy tính của Anh cũng đưa ra lời khuyên tương tự cho người dùng máy tính nước này, nói rằng ngoài sử dụng trình duyệt khác thay thế, người dùng cần chắc chắn là máy tính của họ đã cài phần mềm diệt virus và phần mềm diệt virus được cập nhật thường xuyên.
Các phiên bản Internet Explorer từ 6 tới 11 chiếm tới 55% thị phần trình duyệt toàn cầu, theo số liệu của hãng nghiên cứu NetMarketShare.
Ông Boldizsár Bencsáth, phụ tá giáo sư của Phòng Thí nghiệm Mật mã và An ninh hệ thống của Hungary, cho rằng giải pháp tốt nhất là sử dụng trình duyệt khác, như Google Chrome hoặc Mozilla Firefox.
4- Microsoft quay lại hỗ trợ người dùng Windows XP về lỗ hổng IE
Với sự cố về lỗ hổng trong trình duyệt Internet Explorer tuần trước, Microsoft tuyên bố đã phát hiện một lỗ hổng bảo mật nghiêm trọng trong trình duyệt Internet Explorer (các phiên bản từ 6 tới 11). Microsoft cho biết lỗ hổng này có thể cho phép hacker chiếm toàn bộ quyền kiểm soát hệ thống bị ảnh hưởng, sau đó sẽ làm những việc như xem, thay đổi hoặc xóa dữ liệu, cài đặt chương trình mã độc, hoặc tạo các tài khoản mang lại cho hacker toàn bộ quyền như người dùng.
Vì thế, thay vì chờ tới lịch cập nhật hàng tháng, Microsoft đã quyết định phát hành nhanh một bản cập nhật đặc biệt để khắc phục vấn đề. Bản cập nhật sẽ tự động được cài đặt nếu người dùng bật chế độ tự động cập nhật. Nếu bạn áp dụng dùng phương pháp cập nhật máy tính bằng tay, hãy tải về bản cập nhật càng sớm càng tốt, Microsoft khuyến cáo.
Một tin vui khác cho người dùng là Microsoft quyết định cung cấp bản cập nhật bảo mật cho cả Windows XP, mặc dù hãng đã ngừng hỗ trợ cho hệ điều hành này cách đây ít lâu.
5- VNPT Bình Dương đón nhận Huân chương Độc lập hạng Ba
Sáng 28/4/2014, tại Bình Dương, VNPT Bình Dương đã tổ chức lễ đón nhận Huân chương Độc lập hạng Ba do Chủ tịch nước trao tặng. Đến dự có Thứ trưởng Bộ TT&TT Trần Đức Lai; Phó Bí thư Tỉnh uỷ - Chủ tịch UBND tỉnh Lê Thanh Cung; Phó Bí thư Tỉnh uỷ Nguyễn Hữu Từ; Chủ tịch HĐTV Tập đoàn VNPT Phạm Long Trận.
Viễn thông Bình Dương (sau đó đổi thành VNPT Bình Dương) được thành lập vào tháng 1/2008 sau khi chia tách bưu chính và viễn thông. Với tinh thần sáng tạo, vượt khó, ngay từ khi đi vào hoạt động chính thức, Viễn thông Bình Dương đã tập trung ổn định bộ máy, lựa chọn giải pháp quản lý, điều hành sản xuất kinh doanh. Qua 5 năm hoạt động (2008 - 2013), Viễn thông Bình Dương đã đạt được những tiến bộ vượt bậc, doanh thu hàng năm tăng vượt bậc: Doanh thu năm 2008 là 26 tỷ đồng nhưng đến năm 2013 đạt gần 90 tỷ đồng.
Thừa uỷ quyền của Chủ tịch nước, Thứ trưởng Bộ TT&TT Trần Đức Lai trao và gắn Huân chương Độc lập hạng ba lên lá cờ truyền thống của VNPT Bình Dương
Ngoài cung cấp các dịch vụ viễn thông cho khách hàng, Viễn thông Bình Dương còn triển khai các dịch vụ VT-CNTT phục vụ cho công tác chỉ đạo điều hành của các cơ quan, ban, ngành tỉnh, trong đó quan trọng nhất là việc triển khai mạng số liệu chuyên dùng, ký kết hợp tác cung cấp dịch vụ viễn thông với Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Y tế...
Không chỉ giữ vững và phát triển sản xuất kinh doanh, Viễn thông Bình Dương còn tiếp tục phát huy truyền thống nghĩa tình, tích cực tham gia các hoạt động xã hội từ thiện, uống nước nhớ nguồn, đền ơn đáp nghĩa như ủng hộ các gia đình có hoàn cảnh khó khăn, phụng dưỡng mẹ Việt Nam anh hùng, đóng góp vào quỹ vì người nghèo, quỹ bảo trợ trẻ em, xây nhà tình thương, tình nghĩa...
Với những kết quả đã đạt được, Viễn thông Bình Dương vinh dự được Chủ tịch nước trao tặng Huân chương Độc lập hạng Ba cho thành tích xuất sắc trong công tác, hoàn thành nhiệm vụ được giao trong giai đoạn 2008 – 2012.
6- Triển khai 4G phải xuất phát từ nhu cầu của người dùng
Ông Yuan Song, Tổng Giám đốc Huawei Việt Nam cho biết, kinh nghiệm của các nước như Mỹ, Đức là lúc đầu triển khai mạng lưới 4G ở vùng trọng điểm đô thị, sau đó mở rộng phủ sóng rộng hơn và giai đoạn cuối mới hình thành mạng 4G có vùng phủ rộng khắp. Tuy nhiên, cũng có một trường hợp khác, các nhà cung cấp dịch vụ sẽ cung cấp dịch vụ 4G một cách phổ biến tại khu vực mà chưa có dịch vụ mạng lưới cố định.
Theo ông Yuan Song, nhiều quốc gia đã triển khai 4G và giá của thiết bị đầu cuối 4G đang giảm rất nhanh. Hiện đã có thiết bị đầu cuối 4G được bán với giá dưới 150 USD/chiếc. Dự kiến đến năm 2015 giá thiết bị đầu cuối 4G sẽ giảm xuống đến 100 USD/chiếc. Nói chung lợi ích của 4G so với 3G là băng thông rất rộng, tốc độ rất nhanh, nhưng việc triển khai còn tùy thuộc vào nhu cầu của người sử dụng vì giá thành rất cao. "Trong giai đoạn bắt đầu triển khai 4G, đối tượng phục vụ chính chỉ là một số người sử dụng trong phạm vi nhỏ vì đa số vẫn sử dụng 3G", ông Yuan Song nói.
Trả lời câu hỏi về việc nhà mạng dè dặt khi 3G vẫn đang lỗ, nếu triển khai 4G sẽ khiến hiệu quả kinh doanh bị hạn chế? Ông Yuan Song cho rằng, các nhà khai thác mạng của Âu Mỹ cũng bị lỗ trong giai đoạn bắt đầu triển khai 3G, đây là do thói quen của người sử dụng và nội dung còn ít. Bây giờ nội dung ngày càng phong phú hơn, dữ liệu di động cũng mang lại ngày càng nhiều tiện lợi cho người sử dụng nên các nhà khai thác mạng đã bắt đầu có lãi. Tiến trình đi lên 4G của Việt Nam cũng diễn ra tương tự.
"Như tôi vừa nói triển khai 4G là tùy vào nhu cầu của thị trường. Châu Âu và Trung Quốc triển khai 4G cũng phải từ từ, có trọng điểm như đô thị hay những khu vực không có băng thông cố định, chứ không phải làm đồng loạt. Tại Trung Quốc, từ năm 2013 đã triển khai 4G ở quy mô lớn, nhưng cá nhân tôi khi về nhà vẫn dùng 3G. Chắc chắn giai đoạn đầu giá thành dịch vụ 4G sẽ đắt và giá thiết bị đầu cuối đến cuối 2014 mới có thể giảm xuống 150 USD, nên đó là quá trình lâu dài và từ từ", ông Yuan Song nhận định.
Mới đây, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Bắc Son cho biết, Việt Nam đang tiến hành số hoá tuyền hình và lấy băng tần thừa này để dùng cho mạng 4G. Bộ TT&TT đang nghiên cứu thận trọng để xem thời điểm nào cung cấp 4G hiệu quả nhất. Dự kiến, Việt Nam sẽ triển khai 4G vào năm 2015, thời điểm chính xác như thế nào còn phụ thuộc vào thị trường. Tuy nhiên, Bộ cũng khuyến cáo các doanh nghiệp chuẩn bị cho 4G
7- Cơ quan báo chí có thể sản xuất clip phát trên báo điện tử
Mới đây, trên một số báo mạng xuất hiện thông tin về việc các cơ quan báo chí tự sản xuất chương trình truyền hình rồi đưa lên trang thông tin điện tử của mình là không đúng quy định hiện hành. Thông tin này đã thu hút sự quan tâm của dư luận và gây ra nhiều ý kiến trái chiều.
Theo Cục trưởng Cục Quản lý phát thanh truyền hình và thông tin điện tử (Bộ Thông tin và Truyền thông) Hoàng Vĩnh Bảo, thông tin trên là chưa chính xác. Bởi những năm gần đây, nhiều cơ quan báo chí (cả báo in và báo điện tử), đã dành chuyên mục riêng trên website của mình để phát các bản tin truyền hình, là những video clip hoặc hợp tác với các nhà đài để phát lại một số chương trình truyền hình. Các chương trình kiểu này như www.tuoitre.com.vn - có TuoitreTV, www.thanhnien.com.vn - có Thanhnienonline media, Vietnamnet.vn có Truyền hình Vietnamnet… và nhiều cơ quan báo chí coi đây là chuyên mục về truyền hình.
Có thể khẳng định, việc các cơ quan báo chí phát các chương trình truyền hình này phù hợp với xu hướng hội tụ trong lĩnh vực truyền thông hiện nay (tất nhiên phải tuân thủ theo giấy phép), nhằm đáp ứng nhu cầu của bạn đọc có thể đồng thời đọc, xem, nghe. Hơn nữa, với việc phát các bản tin truyền hình này, cơ quan báo in và báo điện tử cũng đã hỗ trợ đối tượng bạn đọc là người khuyết tật có thể nắm bắt thông tin sự kiện khi nghe lời dẫn, lời bình phát kèm hình ảnh. Mặt khác, trong thời buổi bùng nổ công nghệ, với sự phát triển vượt trội của các thiết bị smartphone, máy tính bảng khiến bất kỳ công dân nào cũng có thể sử dụng để tác nghiệp như một phóng viên và khi họ chia sẻ các clip tự quay này đến cơ quan báo chí để đăng tải, đã gây sự chú ý của cộng đồng. Chẳng hạn clip của một bạn đọc gửi Báo Tuổi trẻ đăng tải (sau đó VTV phát lại) về việc cô giáo Tòng Thị Minh ở bản Sam Lang, xã Nà Hỳ, huyện Nậm Pồ, tỉnh Điện Biên chui vào túi ni lông qua suối đến trường dạy học đã gây xúc động mạnh trong dư luận, khiến cơ quan chức năng liên quan phải vào cuộc. Đặc biệt là, với cơ quan báo in, nhất là các báo Đảng, bên cạnh phương thức truyền tải truyền thống, việc đẩy mạnh tuyên truyền qua internet, trong đó có việc đưa tin bằng các clip, có ý nghĩa to lớn về mặt chính trị như tăng cường kênh thông tin chính thống, bảo đảm định hướng tuyên truyền về chủ trương, đường lối, quan điểm của Đảng, Nhà nước và chính quyền các cấp, nhất là với những vấn đề lớn, vụ việc nóng…
Tuy nhiên, cũng phải thừa nhận rằng, trong thời gian qua, có tình trạng một số báo điện tử đã đăng tải những clip có nội dung phản cảm, không phù hợp thuần phong mỹ tục, chạy theo thị hiếu tầm thường… nhưng, đây là vấn đề liên quan đến vai trò quản lý nhà nước về nội dung.
Còn quan điểm của lãnh đạo một số cơ quan báo chí cho rằng, hầu hết các chuyên mục truyền hình đưa lên Internet của các cơ quan báo chí không phải là chương trình truyền hình mà là các clip phát dưới dạng bản tin có hình ảnh, lời bình theo hình thức đa phương tiện. Việc đặt tên gọi là “bản tin truyền hình” hoặc “truyền hình” chỉ là cách phân biệt với các chuyên mục khác của cơ quan báo chí đó. Các cơ quan báo chí chủ yếu tự sản xuất clip để minh họa cho các bản tin của mình thêm sinh động, hấp dẫn, nên bị xếp vào sản xuất chương trình truyền hình là không đúng. Để sản xuất chương trình truyền hình, ngoài việc xin giấy phép (vốn khó khăn), thì các vấn đề về tài chính, thị trường… cũng không cho phép các cơ quan báo chí có thể dễ dàng làm việc này.
Vì thế, ông Bảo khẳng định, các cơ quan báo chí có thể sản xuất các tin, bài dưới dạng clip minh họa đơn lẻ để phát trên báo điện tử, trang thông tin điện tử tổng hợp của cơ quan mình. Đồng thời, với các sản phẩm bằng hình ảnh đó, cơ quan báo cũng có thể phối hợp với các đơn vị được cấp phép hoạt động truyền hình có hạ tầng truyền dẫn để phát sóng.
Với vai trò là đơn vị chủ trì, Cục sẽ nghiên cứu, tham mưu đề xuất với Bộ những chính sách pháp lý nhằm giải quyết những vấn đề phát sinh trong thực tiễn quản lý liên quan đến việc cung cấp, phát sóng các kênh chương trình, các chương trình phát thanh - truyền hình, bảo đảm đáp ứng xu hướng hội tụ công nghệ, hội tụ dịch vụ và tuân thủ đúng các quy hoạch về báo chí, về dịch vụ phát thanh – truyền hình.
8- Các mạng sẽ mạnh tay với các CP cài phần mềm “móc túi” thuê bao
Sau khi Công an Hà Nội triệt phá một nhóm 4 người sử dụng phần mềm gián điệp tự động nhắn tin đến các đầu số của các mạng viễn thông để chiếm đoạt tiền của các thuê bao di động (gồm Hà Xuân Tiến, Nguyễn Đức Lực, Nguyễn Văn Tú là nhân viên Công ty TNHH Đầu tư Xây dựng và Thương mại Soloha; và Trần Ngọc Hải là chủ sở hữu trang web adrocket.vn), khi thuê bao smartphone sử dụng hệ điều hành android truy cập vào trang web adrocket.vn để tải và cài đặt các ứng dụng vào máy thì trang sẽ tự động bị trừ 15.000 đồng trong tài khoản.
Từ tháng 12/2013, Hải phát triển trang web adrocket.vn, với mục đích cung cấp công cụ chỉnh sửa ứng dụng di động để lừa đảo người dùng. Qua sự giới thiệu của Nguyễn Văn Tú, Lực và Tiến đã cùng nhau tạo lập tài khoản trên trang web adrocket.vn, sau đó đầu tư tiền thuê máy chủ, xây dựng thêm các trang web soundfest.com.vn và clickdi.com… để phát tán ứng dụng di động đã được adrocket.vn chỉnh sửa để lừa đảo. Bằng thủ đoạn này, từ đầu năm 2014 đến nay, hệ thống adrocketvn của Hải và đồng bọn đã thu của trên 100.000 thuê bao số tiền khoảng 2,1 tỷ đồng. Những thuê bao đã bị 4 đối tượng trên chiếm đoạt chủ yếu thuộc 3 mạng di động là Viettel, VinaPhone và MobiFone.
Ngay sau vụ việc xảy ra, các mạng di động đã nhanh chóng rà soát lại các đầu số mà các đối tượng trên đã sử dụng phần mềm gián điệp, tự động nhắn tin đến để chiếm đoạt tiền của khách hàng.
“Chúng tôi sẽ kiên quyết cắt hợp đồng với các CP làm ăn bất chính để chiếm đoạt tiền của khách hàng”. Và “trước đó, chúng tôi đã tiến hành cắt một loạt CP có hành vi như nhắn tin rác cho khách hàng”, đại diện mạng VinaPhone cho biết.
Tương tự, Viettel và MobiFone cũng lên tiếng, khẳng định sẽ cắt hợp đồng với các CP sử dụng phần mềm gián điệp tự động nhắn tin đến để chiếm đoạt tiền của thuê bao. “Chúng tôi đã đưa ra các quy định để bảo vệ quyền lợi của khách hàng như nghiêm cấm gửi tin nhắn rác, lừa đảo khách hàng hay cung cấp nội dung phải đảm bảo đúng quy định và phù hợp với thuần phong mỹ tục…” đại diện MobiFone nói.
9- Dùng PM VNPT Dr.Chặn để chặn tin, cuộc gọi rác
Trong tình trạng tin nhắn rác, cuộc gọi lừa đảo diễn ra thường xuyên; để hỗ trợ người dùng, mới đây, VNPT TP.HCM đã đưa vào sử dụng phần mềm ứng dụng VNPT Dr.Chặn, có chức năng chặn tin nhắn rác, cuộc gọi không mong muốn trên điện thoại di động sử dụng hệ điều hành Android phiên bản 2.1 trở lên.
VNPT Dr.Chặn sử dụng phương pháp lọc theo nội dung tin nhắn, người sử dụng có thể tự thiết lập các từ khóa và các từ khóa này sẽ được tự động chia sẻ cho mọi người dùng khác đang sử dụng VNPT Dr.Chặn.
Ngoài việc lọc tin nhắn, người dùng cũng có thể thiết lập cho phần mềm lọc theo đầu số điện thoại. Với chức năng chặn cuộc gọi, VNPT Dr.Chặn có thể chặn các cuộc gọi điện qua vệ tinh (cả gọi đi và gọi đến) với hai danh sách: “Danh sách trắng” chứa các số điện thoại không được chặn và “Danh sách đen” chứa các số điện thoại bị chặn và người sử dụng dễ dàng thiết lập các số điện thoại vào hai danh sách này. Tất cả các tin nhắn và cuộc gọi bị chặn đều được lưu lại nên người sử dụng có thể xem lại, không lo bị mất.
Bạn có thể vào website https://play.google.com/store/apps/details?id=com.vnpthcm.tool để tải phần mềm về máy; hoặc nhắn tin SMS qua cú pháp DrChan gửi 8083.
10- Lập trình viên ở Việt Nam đã có thể bán ứng dụng hoặc game trực tiếp trên Google
Bộ phận hỗ trợ Google dành cho các lập trình viên vừa đưa ra thông báo về việc, các lập trình viên tại Việt Nam và một số nước khác đã có thể nhận tiền trực tiếp khi bán ứng dụng, game hoặc các hình thức thu tiền trong ứng dụng (in-app purchase) trên Google Play thông qua Google Wallet .
Google Wallet là một hình thức giống như Paypal và các ví điện tử trong nước. Đây là một kênh trung gian để nhận và chuyển tiền giữa các cá nhân, tổ chức của Google.
Tại Việt Nam, từ trước đến nay Google chỉ cho chuyển tiền đi để thanh toán thông qua thẻ tín dụng, chưa có chức năng cho các lập trình viên hay các tổ chức có ứng dụng bán ứng dụng, game… trên Google Play và các lập trình viên/tổ chức trong nước thường phải “lách luật” bằng cách sử dụng tài khoản của các nước đã mở chức năng này như ở Mỹ, Singapore v.v.
Việc mở Google Wallet cho thị trường Việt Nam và gần đây là việc cho thanh toán khi mua các ứng dụng bằng tiếng Việt, có vẻ như Google đang ngày càng quan tâm đến Việt Nam nhiều hơn.
Thanh Trà (tổng hợp)