10 sự vụ VT-CNTT nổi bật trong tuần: 7 xu hướng công nghệ đang làm thay đổi kinh tế toàn cầu

10:27, 21/04/2014

Trong tuần thứ 16 (từ 14/4 – 20/4/2014), sự vụ VT-CNTT nổi bật nhất là bản tổng kết về 7 xu hướng công nghệ đang làm thay đổi nền kinh tế thế giới.

1- Đoàn đại biểu Đảng cộng sản Trung Quốc thăm VNPT

Ngày 13/4, Đoàn đại biểu cấp cao Đảng Cộng sản Trung Quốc do ông Hồ Xuân Hoa, Uỷ viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Quảng Ðông làm trưởng đoàn đã đến thăm Tập đoàn VNPT.

Tại buổi làm việc, Tổng Giám đốc Tập đoàn VNPT Trần Mạnh Hùng đã báo cáo với Đoàn về một số thành tích của Tập đoàn đã đạt được trong thời gian qua với vai trò là nhà cung cấp dịch vụ VT-CNTT và dịch vụ GTGT hàng đầu tại Việt Nam. VNPT đang có hơn 40 triệu thuê bao di động, 2,7 triệu thuê bao Internet băng rộng, 7 triệu thuê bao điện thoại cố định, đồng thời triển khai mạng truyền số liệu chuyên dùng phục vụ cơ quan Đảng, Nhà nước, đáp ứng nhu cầu sử dụng của người dân cũng như phục vụ sự lãnh đạo, điều hành của Đảng và Nhà nước.

Ngoài ra, VNPT còn cung cấp hàng loạt sản phẩm CNTT, như: Chính phủ điện tử, giải pháp phục vụ quản lý của các bộ/ngành (y tế, giáo dục, giao thông), quản trị doanh nghiệp, thương mại điện tử, dịch vụ tư vấn tích hợp hệ thống, trung tâm dữ liệu...

Cũng theo ông Hùng, VNPT hiện đang hợp tác với các tập đoàn viễn thông Trung Quốc như ZTE, Huawei. Các doanh nghiệp này đã có sự đóng góp đối với sự phát triển của viễn thông Việt Nam, cùng tham gia phát triển mạng lưới, dịch vụ mạng 2G, 3G, đô thị băng rộng đa dịch vụ, cung cấp giải pháp và thiết bị truyền hình trên nền IP (dịch vụ MyTV)…

 

Ông Trần Mạnh Hùng tặng hoa chào mừng ông Hồ Xuân Hoa và Đoàn đại biểu Đảng cộng sản Trung Quốc.

Phát biểu tại chuyến thăm Tập đoàn VNPT, ông Hồ Xuân Hoa bày tỏ mong muốn sự hợp tác giữa Tập đoàn VNPT với các doanh nghiệp Trung Quốc ngày càng chặt chẽ, mang lại nhiều ý nghĩa cho cả hai bên.

Cũng trong khuôn khổ chuyến thăm, đoàn đại biểu Đảng Cộng sản Trung Quốc đã đến thăm Trung tâm kỹ thuật dịch vụ MyTV, trong đó ZTE là đối tác cung cấp giải pháp, thiết bị từ năm 2009.

2- 7 xu hướng công nghệ đang làm thay đổi kinh tế toàn cầu

Tổng hợp từ báo cáo thường niên 2013 của các ngân hàng, Goldman Sachs đã có một bài báo đáng chú ý trên trang web với tiêu đề “25 cách chúng ta chứng kiến thế giới thay đổi”, trong đó đã liệt kê ra 7 “cuộc cách mạng”, đang diễn ra trong không gian công nghệ. “Công nghệ đột phá đang có một tác động lớn tới các doanh nghiệp toàn cầu và nền kinh tế mà chúng ta không thể tảng lờ” - nhận đinh của Goldman Sachs.

Dưới đây là 7 xu hướng công nghệ đang tác động mạnh tới nền kinh tế toàn cầu.

1. Các nền tảng thương mại điện tử: Sự tăng trưởng của thương mại điện tử sẽ chứng kiến thế hệ số thực sự sẽ xuất hiện riêng cho ngành này. Các nền tảng mua sắm trực tuyến sẽ bắt đầu cạnh tranh để có thị phần bán lẻ lớn hơn. Thương mại số sẽ thúc đẩy tăng trưởng hàng năm đạt khoảng 17% trong 3 năm tới.

2. Công nghệ khám chữa bệnh: Các bác sĩ đã có thể sử dụng công nghệ để theo dõi sự thay đổi của các bệnh dịch từ khá sớm, chẳng hạn như bệnh ung thư đến từ các căn bệnh truyền nhiễm khác. Goldman Sachs cho biết, Hologic ở Massachusetts sở hữu công nghệ chụp vú tia X 3D, cho phép các bác sĩ có thể theo dõi các căn bệnh ung thư từ nhỏ xíu mà trước đây họ không thể. 

3. Điện toán đám mây: Sự dịch chuyển sang điện toán đám mây là một sự thay đổi lớn trong “cuộc chơi”, cả về lưu trữ và chia sẻ lượng lớn dữ liệu, thậm chí còn dẫn tới các mô hình kinh doanh mới. “Các công ty ứng dụng điện toán thành công nhất là những công ty cho phép chúng tôi thực hiện công việc trong ngày của chúng tôi theo cách chúng tôi cam kết với khách hàng trên Internet”, George Lee, đồng trưởng bộ phận công nghệ, truyền thông và viễn thông tại Goldman cho biết.

4. Tốc độ tăng trưởng chưa từng thấy: Các công ty công nghệ là những công ty trong số những công ty lớn nhất của thế giới với công việc có tác động nhất. “Các công ty công nghệ phát triển nhanh chóng hơn bất cứ công ty nào trước họ và ra những quyết định nhanh chóng hơn”.

5. Kiếm tiền từ di động: Số lượng smartphone và máy tính bảng được bán ra hiện vượt qua PC và máy tính xách tay. Và các công ty biết rõ việc này đang nỗ lực tạo doanh thu trên di động “dù là thanh toán di động, nội dung di động, các dịch vụ dựa trên vị trí hay sự bùng nổ của các dữ liệu giá trị được tạo ra từ việc sử dụng các thiết bị di động”. Có nhiều công ty đang đạt doanh thu theo cách này.

6. Sự phổ biến của công nghệ: Không chỉ là sự phát triển của công nghệ mà còn do sự “xâm chiếm”. Hơn 4 tỷ người đã có điện thoại di động và trong 5 - 10 năm tới, gần một nửa trong số 4 tỷ người sẽ tiếp cận với hình thức công nghệ điện toán. Điều này đang thay đổi cách con người tiêu thụ và tiêu thụ bao nhiêu. Và công nghệ có thói quen xây dựng cho chính mình, do đó sự tăng trưởng và phổ biến sẽ tiếp tục.

7. Làn sóng đột phá mới: In 3D, các giải pháp dữ liệu lớn (mà các dữ liệu được thu thập từ các thiết bị khác nhau và các thông tin được thống nhất), và mạng dựa trên phần mềm (SDN) đang là làn sóng của các công nghệ đột phá tiếp theo mà chúng ta có thể được chứng kiến. “In 3D sẽ thúc đẩy sự điều chỉnh theo nhu cầu khách hàng lớn hơn, giảm các chi phí cho các thiết kế phức tạp và giảm các tổng chi phí ở các phần không cần thiết”, theo Goldman Sachs. Trong khi đó, “SDN giải phóng mạng khỏi phần cứng đắt đỏ, thuận lợn và rẻ hơn cho các nhà quản trị công nghệ để phản ứng trước các nhu cầu kinh doanh thay đổi”.

3- Các cơ quan, doanh nghiệp nên thuê dịch vụ CNTT

Tin từ Văn phòng Chính phủ cho hay, cơ chế thuê, mua dịch vụ CNTT thay vì để các cơ quan Nhà nước tự đầu tư, quản lý hệ thống ứng dụng CNTT là nội dung được quan tâm nhất tại cuộc gặp ngày 15/4/2014 giữa Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Phó Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về ứng dụng CNTT với các chuyên gia, doanh nghiệp trong lĩnh vực CNTT.

Tại cuộc gặp này, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn FPT Trương Gia Bình cho biết, các doanh nghiệp trên thế giới đang chuyển mạnh từ đầu tư trực tiếp vào ứng dụng CNTT sang thuê, mua dịch vụ do doanh nghiệp cung cấp theo đầu bài cụ thể.

Còn ông Thái Quang Vinh, Viện trưởng Viện CNTT (Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam), nhấn mạnh: “Với cơ chế thuê, mua dịch vụ, chúng ta vừa chấm dứt được tình trạng chạy đua về đầu tư hạ tầng CNTT, vừa tạo ra thị trường quy mô lớn không chỉ cho doanh nghiệp CNTT (phần cứng, phần mềm) mà còn cho cả các viện nghiên cứu thông qua việc tham gia các gói dịch vụ, ứng dụng cụ thể".

TS. Mai Liêm Trực, nguyên Thứ trưởng Bộ Bưu chính Viễn thông (nay là Bộ TT&TT) nhận định, nếu chính sách thuê, mua dịch vụ CNTT được khuyến khích thì đây là một đổi mới mạnh về ứng dụng CNTT trong các cơ quan Nhà nước, một hoạt động đòi hỏi chi phí đầu tư, quản lý tốn kém.

Cũng tại cuộc trao đổi này, nhiều ý kiến cho rằng việc thuê, mua dịch vụ CNTT hoàn toàn có thể được triển khai ở Việt Nam song cần có những cơ chế, chính sách nhằm tháo gỡ những vướng mắc liên quan đến thực hiện dự án đầu tư về CNTT, như quy định về việc trích một phần phí thu được từ các dịch vụ công chi trả cho việc thuê, mua dịch vụ CNTT, kinh phí đào tạo sử dụng dịch vụ do doanh nghiệp CNTT cung cấp… 

Chủ tịch Hiệp hội Internet Việt Nam Vũ Hoàng Liên lưu ý: “Khi Nhà nước có đặt hàng dài hạn, cam kết hai chiều, doanh nghiệp CNTT có thể đầu tư lâu dài, giảm giá thành, tăng chất lượng, từ đó tạo được nền tảng vững chắc để phát triển, ứng dụng mạnh mẽ CNTT”.

Trong bối cảnh ngân sách Nhà nước ngày càng hạn hẹp, hàng loạt dự án CNTT bị chậm tiến độ triển khai hoặc không được phê duyệt vì lý do không bố trí được ngân sách thì thuê dịch vụ CNTT được đánh giá là phương án hữu hiệu để khơi thông hoạt động ứng dụng CNTT trong các cơ quan Nhà nước.

4- Thành lập Ủy ban Quốc gia về ứng dụng CNTT

Theo quyết định 24/QĐ-ƯDCNTT ngày 11/4/2014 của Ủy ban Quốc gia về Ứng dụng CNTT, 18 Ủy viên của Ủy ban này gồm: Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Minh Hồng; Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Trần Việt Thanh; Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hoàng Văn Thắng; Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh; Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Đặng Thị Bích Liên; Thứ trưởng Bộ Y tế Lê Quang Cường; Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam; Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Hồng Trường; Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn; Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Linh Ngọc; Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Đỗ Bá Tỵ; Thứ trưởng Bộ Công an Đặng Văn Hiếu; Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Toàn Thắng; Phó Chánh Văn phòng Trung ương Đảng Lê Quang Vĩnh; Phó Trưởng ban Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Xuân Cường; Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Sỹ Dũng; Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Văn Tùng; và Tổng Thư ký Hội đồng Quốc gia về Phát triển bền vững và Nâng cao năng lực cạnh tranh Nguyễn Bá Ân.

Ủy ban Quốc gia về ứng dụng CNTT có nhiệm vụ tham mưu giúp Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về chủ trương, chiến lược, cơ chế chính sách để thúc đẩy phát triển và ứng dụng CNTT trong các cơ quan nhà nước, các ngành, lĩnh vực trọng điểm và trong toàn xã hội; chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương trong việc phát triển và ứng dụng CNTT nhằm đẩy mạnh tái cơ cấu nền kinh tế, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, phát triển kinh tế xã hội; đồng thời cho ý kiến về các cơ chế, chính sách, các  chương trình, dự án lớn về phát triển và ứng dụng CNTT.

Bên cạnh đó, Ủy ban Quốc gia về ứng dụng CNTT còn có nhiệm vụ giúp Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ điều phối, đôn đốc việc thực hiện các chiến lược, chương trình, dự án quan trọng có tính chất liên ngành về phát triển và ứng dụng CNTT; thực hiện các nhiệm vụ khác theo yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ và cấp có thẩm quyền.

5- Tạo đột phá để Việt Nam thực sự trở thành một nước mạnh về CNTT

Sáng 15/4, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Phó Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về ứng dụng CNTT đã gặp gỡ, lắng nghe ý kiến đóng góp, tham vấn của các chuyên gia, doanh nghiệp trong lĩnh vực CNTT.

Tại cuộc họp, các đại biểu cho biết lãnh đạo nhiều nước phát triển đều rất quan tâm đến ưu tiên ứng dụng CNTT. Vì vậy, việc thành lập Ủy ban Quốc gia về ứng dụng CNTT do Thủ tướng đứng đầu được kỳ vọng là sẽ tạo ra sự phát triển đột phá để Việt Nam thực sự trở thành một nước mạnh về CNTT. Trong đó, vai trò của các chuyên gia, doanh nghiệp CNTT là hết sức quan trọng, giúp tư vấn, tham vấn cho Ủy ban và Thủ tướng Chính phủ đưa ra những quyết định liên quan đến cơ chế, chính sách, đẩy mạnh ứng dụng CNTT ở Việt Nam.

6- 70 sản phẩm PM, dịch vụ CNTT được giải thưởng Sao Khuê 2014

Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ CNTT Việt Nam (VINASA) và Ban tổ chức chương trình bình chọn Danh hiệu Sao Khuê 2014 đã tổ chức Hội nghị chung tuyển Sao Khuê 2014 – bước đánh giá cuối cùng nhằm chọn lựa và xếp hạng các sản phẩm, dịch vụ tiêu biểu của ngành phần mềm, dịch vụ CNTT Việt Nam năm 2014.

Theo đó, Hội đồng Chung tuyển đã quyết định công nhận Danh hiệu Sao Khuê 2014 cho 70 sản phẩm phần mềm và dịch vụ CNTT xuất sắc nhất, bao gồm 46 sản phẩm và 24 dịch vụ. Sao Khuê 2014 ghi nhận 6 sản phẩm xuất sắc được đề cử, tuy nhiên chỉ có duy nhất 1 sản phẩm hội tụ đầy đủ các tiêu chí này được Hội đồng Chung tuyển nhất trí trao danh hiệu Sao Khuê 5 sao năm 2014.

Đây là một sản phẩm phần mềm do các kỹ sư Việt Nam thiết kế, nhưng đã được cả các công ty đa quốc gia mua và sử dụng. Thông tin cụ thể về ứng dụng phần mềm đặc biệt này và một số phần mềm xuất sắc tiêu biểu được công nhận danh hiệu Sao Khuê 2014 dự kiến sẽ được Ban tổ chức công bố 1 tuần trước lễ trao Danh hiệu.

Theo kế hoạch, Lễ Công bố và trao Danh hiệu Sao Khuê 2014 sẽ được tổ chức trọng thể vào sáng 27/4 tại Hà Nội

Ở bình diện khác, theo Hiệp hội Các doanh nghiệp phần mềm Việt Nam, ngành phần mềm Việt Nam đã vượt qua Ấn Độ và đứng vị trí thứ 2 tại thị trường Nhật Bản và đứng trong top 10 nước xuất khẩu phần mềm trên thế giới.

Chỉ riêng trong quý 1/2014, nhiều công ty phần mềm đã có hợp đồng cho hết cả năm 2014 và doanh thu cả năm cũng dự kiến gia tăng từ 20 - 25% so với năm trước.

7- Hà Nội chi 317 tỷ đồng cho số hóa công nghệ sản xuất nội dung truyền hình

Theo kế hoạch triển khai Đề án số hóa truyền hình của UBND TP.Hà Nội đã được phê duyệt, Thủ đô Hà Nội đặt chỉ tiêu đến năm 2015 sẽ phủ sóng truyền hình số mặt đất đến 80% diện tích của Hà Nội (cũ), đến năm 2016 sẽ phủ sóng 100% diện tích toàn TP. Hà Nội. Đồng thời, Hà Nội cũng quyết tâm đến năm 2016 sẽ có 60% số hộ gia đình sử dụng truyền hình số mặt đất, đến năm 2017 có 80% số hộ sử dụng truyền hình số mặt đất và hoàn thành mục tiêu 100% số hộ gia đình thu truyền hình quảng bá thông qua phương thức truyền dẫn số mặt đất vào năm 2020. Theo Đề án này, UBND TP.Hà Nội đã phê duyệt đầu tư 317 tỷ đồng để thực hiện dự án chuyển đổi công nghệ sản xuất chương trình phát thanh, truyền hình sang công nghệ số.

Theo quy định của Chính phủ về thời gian ngừng phát sóng truyền hình analog, TP. Hà Nội thực hiện ngắt sóng làm hai giai đoạn: Hà Nội (cũ) sẽ dừng trước ngày 31/12/2015, còn Hà Tây (cũ) dừng truớc 31/12/2016. Tuy nhiên, Hà Nội đã kiến nghị Bộ TT&TT cho phép Hà Nội thống nhất một thời điểm là 31/12/2016, và toàn bộ địa bàn sẽ chuyển sang công nghệ số.

Đến nay, UBND TP Hà Nội đã đồng ý cho Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Nội và Công ty TNHH Một thành viên Hanel liên kết để thành lập Công ty CP truyền dẫn phát sóng truyền hình đồng bằng sông Hồng, công ty này có nhiệm vụ thiết lập mạng truyền dẫn phát sóng và cung cấp dịch vụ tại 14 tỉnh, thành phố vùng đồng bằng sông Hồng.

8- Hoàn thiện và nâng cấp hệ thống chứng thực chữ ký số quốc gia

Ngày 16/4, lễ tạo khóa và đưa vào sử dụng Hệ thống chứng thực chữ ký số gốc quốc gia do Bộ TT&TT tổ chức, với gói thầu nâng cấp hệ thống chứng thực chữ ký số gốc quốc gia thuộc hợp phần của Bộ TT&TT do Ngân hàng Thế giới tài trợ. 

Thứ trưởng Bộ TT&TT NGuyễn Minh Hồng.

Sau một thời gian triển khai (từ tháng 12/2013), đến nay toàn bộ công việc theo yêu cầu đã được nhà thầu cùng các bên liên quan hoàn thành, bao gồm lắp đặt thiết bị phần cứng và cài đặt phần mềm, nâng cấp tính năng, chuẩn an toàn thông tin, toàn bộ quy trình, vận hành hệ thống đều đáp ứng yêu cầu đặt ra… Các cán bộ kỹ thuật khai thác quản lý của Cục Tin học hóa và một số cán bộ thuộc những đơn vị liên quan đã được tham gia khóa đào tạo của Tập đoàn RSA tại Mỹ, Singapore và đào tạo chuyển giao công nghệ vận hành.

Theo đại diện Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam, việc nâng cấp và đưa hệ thống chứng thực số quốc gia vào hoạt động là nền tảng không thể thiếu để đẩy mạnh giao dịch số giữa các cơ quan của Chính phủ với doanh nghiệp, người dân được an toàn, hiệu quả, giúp Bộ TT&TT tăng cường an ninh, mở rộng phạm vi dịch vụ công do Bộ trực tiếp cung cấp, giúp cơ sở hạ tầng khóa công công khai tại Việt Nam, đáp ứng được các tiêu chuẩn quốc tế…  

Phát biểu chỉ đạo tại buổi lễ, Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Minh Hồng đề nghị Ban Quản lý dự án, các nhà thầu cũng như Cục Tin học hóa cần có sự phối hợp chặt chẽ, phát huy tối đa trang thiết bị đã được đầu tư, đồng thời theo dõi, khắc phục kịp thời những vấn đề phát sinh trong quá trình khai thác, sử dụng, đảm bảo an toàn, an ninh thông tin…

9- Bkav ra mắt ứng dụng OTT Btalk

Sáng 16/4 tại Hà Nội, Bkav đã giới thiệu ứng dụng OTT Btalk, cho phép nhắn tin, gọi điện, chat miễn phí trên nền tảng Android. Đây là ứng dụng OTT thứ 2 của Việt Nam ra mắt thị trường (Việt Nam).

Theo đó, Btalk của Bkav tập trung vào việc cung cấp các dịch vụ liên lạc miễn phí như nhắn tin, gọi điện, chat. Cạnh đó, ứng dụng này còn được trang bị bàn phím thông minh MagicPad mà theo mô tả của Bkav, người dùng chỉ cần gõ từ 1 đến 3 ký tự đầu trong tên là đã có thể tìm được người cần liên lạc. 

Theo Bkav, người dùng sẽ không mất nhiều thao tác để chuyển đổi giữa giao diện nhắn tin, gọi điện truyền thống sang giao diện của OTT và ngược lại. Hiện chỉ có người dùng Android là có thể sử dụng Btalk, bằng cách tải về từ kho ứng dụng Google Play. Các phiên bản trên iOS và Windows Phone sẽ được ra mắt vào quý III/2014.

10- Bộ TT&TT yêu cầu VNPT, VMS giữ ổn định tổ chức, nhân sự, cơ sở vật chất, mạng lưới 

Ngày 16/4/2014, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Bắc Son đã ký công văn số 1085/BTTTT-TCCB yêu cầu Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam, Công ty Thông tin di động VMS giữ nguyên hiện trạng tổ chức bộ máy, nhân sự lãnh đạo, cơ sở vật chất, mạng lưới cho đến khi triển khai Đề án Tái cơ cấu VNPT được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Trường hợp cần có sự thay đổi về các nội dung trên, VNPT, Công ty VMS kịp thời báo cáo Bộ Thông tin và Truyền thông để xin ý kiến trước khi thực hiện.

Trước đó, ngày 11/4/2014, Văn phòng Bộ Thông tin và Truyền thông đã Thông báo Kết luận của Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son tại Hội nghị thông báo kết quả Phiên họp ngày 31/3/2014 của Thường trực Chính phủ và Kết luận của Thủ tướng Chính phủ về Đề án tái cơ cấu Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam.

Thanh Trà (tổng hợp)