10 sự vụ VT-CNTT nổi bât trong tuần: Chính phủ đồng ý tách MobiFone khỏi VNPT
Trong tuần 14 (từ 31/3 – 6/4/2014), tâm điểm của các sự vụ về VT-CNTT là thông tin Chính phủ đã đồng ý tách MobiFone khỏi Tập đoàn VNPT.
- 10 sự vụ về VT-CNTT nổi bật trong tuần: Cái tên Flappy Bird nay trở nên rắc rối
- 10 sự vụ VT-CNTT nổi bật trong tuần: Dùng biện pháp kinh tế “quản” thuê bao trả trước
- 10 sự vụ VT-CNTT nổi bật trong tuần: Flappy Bird có thể “tái sinh”
- 10 sự vụ VT-CNTT nổi bật trong tuần: 4 xu hướng sau MWC 2014
- 10 sự vụ VT-CNTT nổi bật trong tuần: Flappy Bird “hồi sinh” trên Appstore.vn
- 10 sự vụ về VT-CNTT nổi bật tuần qua
- 10 sự vụ về VT-CNTT nổi bật trong tuần
1- Từ 1/5, TV phải dán biểu trưng số hoá
Theo yêu cầu của Bộ TT-TT (công văn số 27 do Cục Viễn thông vừa ban hành), các doanh nghiệp sản xuất, nhập khẩu ti vi (TV) và thiết bị giải mã tín hiệu truyền hình (set-top-box) theo chuẩn DVB-T2 đều phải dán biểu trưng số hóa truyền hình kể từ ngày 1/5/2014.
Logo mới biểu trưng cho lĩnh vực truyền hình.
Theo đó, doanh nghiệp có thể in, gắn biểu trưng số hóa truyền hình chung hoặc riêng với nhãn hàng hóa trên sản phẩm, bao bì thương phẩm tại vị trí dễ nhận biết ở phía trước màn hình của TV, mặt trước hay mặt trên của đầu thu. Doanh nghiệp cũng được tự chọn kích thước của biểu trưng, song yêu cầu chiều dài tối thiểu phải là 4cm, đảm bảo người sử dụng có thể dễ dàng nhận biết bằng mắt thường.
Sau thời điểm trên 45 ngày, doanh nghiệp sẽ tiến hành tự gắn hoặc ủy quyền cho đại lý gắn biểu trưng số hóa truyền hình lên những sản phẩm TV hoặc đầu thu đang lưu hành trên thị trường.
Cục Viễn thông hướng dẫn việc gắn nhãn hàng hóa đối với TV, đầu thu DVB-T2, bao gồm: Thông tin về tên hàng hóa, tên/địa chỉ của tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm về hàng hóa, thông số kỹ thuật sản phẩm. Ngoài ra, TV, đầu thu cũng phải được công bố hợp quy và gắn dấu hợp quy trước khi lưu thông trên thị trường.
2- Bkav đào tạo 100 chuyên gia cho Cuba
Theo công bố của Công ty An ninh mạng Bkav (ngày 31/3/2014), Công ty này sẽ đào tạo chuyên sâu về an ninh mạng trong 3 năm (2014 – 2017) cho 100 cán bộ của Cuba. Thỏa thuận hợp tác này là một trong những kết quả làm việc trong khuôn khổ của chuyến thăm chính thức Cuba của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, trong các ngày 26 và 27/3.
Chương trình đào tạo an ninh mạng này gồm các nội dung: Phân tích thiết kế hệ thống mạng an toàn bảo mật; Các phương thức bảo vệ và phòng chống hacker tấn công; Biện pháp kiểm tra đánh giá lỗ hổng an ninh mạng; Cơ chế hoạt động và phương án bảo vệ trước virus máy tính…
Bkav sẽ cung cấp toàn bộ chi phí cho chương trình đào tạo bao gồm việc đi lại, ăn ở của các học viên từ Cuba sang Việt Nam, cũng như chi phí tài liệu, giáo trình, giáo cụ.
Cũng trong chuyến thăm của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đến Cộng hòa Cuba, đoàn Việt Nam đã trao tặng 5.000 bản quyền phần mềm diệt virus Bkav Pro cho Cuba.
3- Chính phủ phê duyệt tách MobiFone khỏi VNPT
Ngày 1/4, Bộ trưởng Bộ TT-TT Nguyễn Bắc Son cho biết, Thủ tướng đã thông qua đề án tái cơ cấu VNPT theo hướng tách MobiFone ra khỏi Tập đoàn này.
"Thủ tướng và các cơ quan tham mưu đã làm việc rất thận trọng. Chiều qua, Thủ tướng đã thông qua đề án tái cơ cấu VNPT theo hướng tách MobiFone ra khỏi VNPT. Bộ TT-TT sẽ đại diện chủ sở hữu của VNPT và công ty viễn thông di động MobiFone. Thủ tướng cũng chỉ đạo nhanh chóng cổ phần hóa đúng lộ trình", Bộ trưởng nhấn mạnh.
Tái cơ cấu VNPT là một trong những vấn đề được xã hội rất quan tâm trong suốt thời gian qua, vì đề án này ảnh hưởng không chỉ 4,5 vạn cán bộ công nhân viên chức của VNPT mà còn có tác động tới hàng chục triệu người đang sử dụng dịch vụ của MobiFone và Vinaphone.
Như vậy là sau nhiều lần trình nhưng chưa được phê duyệt, cũng như nhiều kịch bản được đặt ra như nên tách mạng nào, giữ mạng nào ở lại VNPT, cuối cùng, đề án Tái cơ cấu VNPT đã được phê duyệt và sẽ có thể làm thay đổi toàn bộ cục diện thị trường viễn thông Việt Nam hiện nay, thậm chí là mang đến sự đột phá mới.
Việc tách riêng mạng di động MobiFone theo phê duyệt của Chính phủ không giống như đề xuất của VNPT trước đó là kèm các công ty thành viên khác (của VNPT và đang làm ăn yếu kém), đã có sự bàn bạc kỹ của thường trục Chính phủ và các cơ quan.
4- Thị phần OTT Việt: “Nóng” và sẽ có những cuộc đua tranh sôi động?
OTT - Dịch vụ miễn phí gửi tin nhắn, hình ảnh, hội thoại, video… qua Internet trên thế giới có rất nhiều, nhưng tại Việt Nam, phổ biến là Viber, Zalo, Line, KakaoTalk, Wechat. Tuy nhiên, do cả Line (Nhật Bản) và KakaoTalk (Hàn Quốc) đều đã tuyên bố rút khỏi thị trường, còn Wechat (Trung Quốc) đang dần biến mất sau scandal tích hợp bản đồ “đường lưỡi bò” vào sản phẩm hồi tháng 1/2013, nên về thực chất, thị trường OTT tại Việt Nam hiện chỉ là cuộc đua song mã giữa Viber (Israel) và Zalo (Công ty VNG).
Cách đây khoảng 1 năm (đầu năm 2013), Zalo mới chỉ có khoảng 1 triệu người dùng, nhưng mới đây, VNG tuyên bố dịch vụ nhắn tin Zalo đã đạt 10 triệu người dùng cùng 120 triệu tin nhắn trao đổi qua hệ thống mỗi ngày, và “phủ sóng 50% thị trường điện thoại thông minh ở Việt Nam”, nhờ sự tác động mạnh từ công tác truyền thông.
Liền sau đó, đối thủ của Zalo là Viber cũng cho hay, họ đã chạm mốc 12 triệu người dùng tại Việt Nam trong tháng 3/2014, tăng hơn 4 triệu người dùng so với hồi tháng 11/2013. Điều này không khiến nhiều người ngạc nhiên vì Viber đã bắt đầu chi mạnh cho marketing tại thị trường Việt Nam từ cuối năm 2013.
Thời gian gần đây, OTT đã trở thành chủ đề nóng trong ngành viễn thông Việt Nam cũng như trên toàn thế giới. Nổi bật là việc Facebook bỏ ra 19 tỷ USD để mua lại WhatsApp; hay Rakuten, một đại gia Internet của Nhật Bản, phải tốn 900 triệu USD để thâu tóm Viber. Còn ở trong nước, ngoài những thông tin về Viettel có ý định mua KakaoTalk (Hàn Quốc), từng âm ỉ bấy lâu nay, còn có thông tin MobiFone sẽ có dịch vụ OTT riêng (đang xin phép Bộ TT-TT) và VinaPhone cũng có những động thái nhất định.
Nhìn nhận về OTT, nhà phân tích mảng viễn thông tiêu dùng và là tác giả của Báo cáo Xu hướng OTT năm 2014 của Ovum, Neha Dharia, nhận định: “Chúng tôi cho rằng, mặc dù chậm, nhưng các ứng dụng OTT chắc chắn sẽ phát sinh doanh thu từ những dịch vụ như bán sticker, game, video... Điều này hỗ trợ mạnh mẽ cho sự phát triển và ra đời của các ứng dụng OTT mới trong năm 2014”.
Những yếu tố trên khiến các nhà cung cấp dịch vụ OTT tại Việt Nam phải đẩy nhanh tốc độ cạnh tranh. Không chỉ cạnh tranh với nhau, họ còn phải dè chừng với các đối thủ mới cũng nặng ký không kém là các nhà mạng.
Cũng trong tuần, còn có thêm thông tin Bkav sẽ nhảy vào “cuộc chơi OTT” với ứng dụng có tên gọi là Btalk, sẽ được Công ty cho ra mắt trong tháng 4/2014. Btalk tích hợp tính năng gọi điện thông thường và gọi điện miễn phí trên cùng một giao diện Talk, ngoài ra còn có các tính năng khác như nhắn tin, chat miễn phí tích hợp nhắn tin, chat Facebook, Yahoo, Gtalk.
Btalk trên kho ứng dụng Android.
Theo Bkav, trước mắt, Btalk chỉ chạy trên điện thoại hệ điều hành Android. Tuy nhiên, trong tương lai, những người dùng điện thoại cài các hệ điều hành khác cũng có thể trải nghiệm những tiện ích của ứng dụng này.
5- Cần những quy định cụ thể về quản lý tên miền Internet không qua đấu giá
Ngày 1/4/2014, tại Hà Nội, Thứ trưởng Bộ TT-TT Lê Nam Thắng đã chủ trì phiên họp xem xét nội dung dự thảo Quyết định về đấu giá, chuyển nhượng quyền sử dụng kho số viễn thông, tên miền Internet. Theo Ban soạn thảo, thời điểm xây dựng dự thảo Quyết định là trước khi Nghị định 72 được ban hành nên cần được sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với Nghị định và thực tế cuộc sống.
Theo Bộ Tư pháp, việc đấu giá kho số, tên miền Internet cần căn cứ theo Nghị định 17/2010/NĐ-CP của Chính phủ về bán đấu giá tài sản. Đây cũng là vấn đề được thảo luận nhiều nhất trong cuộc họp này. Nhiều đại biểu cho rằng, cần làm rõ khái niệm tài nguyên viễn thông và khái niệm tài sản, từ đó mới quyết định có cần áp dụng Nghị định 17 vào hoạt động đấu giá, chuyển nhượng quyền sử dụng kho số viễn thông và tên miền Internet hay không. Tài nguyên viễn thông là tài nguyên vô hình, không giống như tài nguyên thông thường (đất, nước, khoáng sản...), nên cách quản lý cũng phải khác.
Kết luận cuộc họp, Thứ trưởng Lê Nam Thắng yêu cầu Cục Viễn thông và VNNIC xem xét lại các quy định về đấu giá chuyển nhượng kho số và tên miền Internet căn cứ vào Nghị định 72, Quy hoạch về kho số và Quy hoạch quản lý kho số (đang trong quá trình xây dựng và soạn thảo). Riêng đối với tên miền Internet, cần có những quy định cụ thể liên quan đến hình thức chuyển nhượng tên miền Internet không qua đấu giá. Nếu đấu giá kho số chỉ liên quan đến các doanh nghiệp viễn thông thì việc chuyển nhượng tên miền không qua đấu giá còn có sự tham gia của các tổ chức và cá nhân. Dự thảo Quyết định cần quy định chi tiết việc chuyển nhượng tên miền nếu không đăng ký và nộp thuế theo pháp luật quy định thì sẽ không được pháp luật bảo vệ quyền và lợi ích liên quan.
Thực tế, trong thời gian qua, việc rao bán, thậm chí “ép” doanh nghiệp/cá nhân phải mua tên miền có liên quan đến mình đã xảy ra ở khắp nơi. Theo đó, các cá nhân đã tranh thủ đăng ký trước những tên miền có liên quan đến doanh nghiệp, cá nhân nổi tiếng khác rồi rao bán với giá gấp hàng trăm, thậm chí hàng nghìn lần, gây bức xúc trong cộng đồng.
6- TP.HCM xuất khẩu sản phẩm CNTT đến nhiều quốc gia
Theo Giám đốc Sở TT-TT TP.HCM Lê Thái Hỷ, trong quý 1/2014, ngành CNTT của Thành phố đã có phát triển khả quan với doanh thu ước đạt trên 32.000 tỉ đồng. Các doanh nghiệp thuộc lĩnh vực CNTT đã xây dựng và cung cấp hơn 130 sản phẩm, dịch vụ và giải pháp thuộc nhiều lĩnh vực, được xuất khẩu đi trên 20 quốc gia, trong đó chủ yếu tập trung vào thị trường Hoa Kỳ, Nhật Bản và châu Âu.
Dự kiến trong quý 2/2014, Thành phố sẽ đẩy mạnh triển khai chương trình phát triển vi mạch điện tử, phát triển công nghiệp CNTT, đồng thời hoàn chỉnh nội dung quy hoạch phát triển CNTT thành phố đến năm 2025.
Cũng trong quý 2, việc liên kết giữa các hệ thống thông tin nội bộ tại các quận, huyện, sở, ngành trên nhiều lĩnh vực sẽ được đẩy mạnh triển khai, trong đó, chú trọng đảm bảo an toàn an ninh thông tin, kịp thời ứng cứu, khắc phục và hỗ trợ các đơn vị khi có sự cố.
Ở bình diện khác, theo Chương trình ứng dụng CNTT ngành văn hóa, du lịch TP HCM giai đoạn 2014-2015 và định hướng đến năm 2020, ban hành kèm Quyết định 1337/QĐ-UBND ngày 20/3/2014 của UBND TP HCM, ngành văn hóa, du lịch TP.HCM sẽ áp dụng các công cụ và công nghệ tiên tiến như RFID, ảnh cầu, hệ thống thông tin địa lý (GIS), khai thác thông tin thông minh để xây dựng hệ thống thông tin di sản văn hóa vật thể, bảo tàng và di sản văn hóa phi vật thể; Xây dựng kho dữ liệu tập trung cho quy hoạch khảo cổ thành phố; Hệ thống thông tin quản lý địa điểm du lịch và dư địa chí; Xây dựng bảo tàng, di tích ảo dựa trên công nghệ 3D và ảnh cầu, nhằm tạo điều kiện thuận lợi trong việc đưa thông tin văn hóa, du lịch đến người dân và khách du lịch.
7- Sàn giao dịch Bitcoin ở Việt Nam: Liệu có hợp pháp?
Ngày 25/3, Công ty TNHH Bitcoin Vietnam (trụ sở tại Bến Vân Đồn, phường 8, quận 4, TP.HCM, hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ môi giới Bitcoin) và Công ty TNHH Bit2C (một công ty về Bitcoin tại Israel) tuyên bố sẽ hợp tác mở sàn giao dịch Bitcoin trực tuyến đầu tiên tại Việt Nam, lấy tên là “VBTC” ngay cuối tháng 4/2014.
3 ngày sau (28/3), Cục Thương mại điện tử và CNTT (Bộ Công Thương) đã lên tiếng về việc trong tháng 3/2014, Cục đã tiếp nhận thông báo từ Công ty TNHH Bitcoin Vietnam cho trang web www.bitcoinvietnam.com.vn hoạt động theo mô hình sàn giao dịch, cho phép người tham gia trao đổi, mua bán Bitcoin theo thủ tục thông báo website thương mại điện tử bán hàng. Tuy nhiên, Cục Thương mại điện tử và CNTT khẳng định đã từ chối hồ sơ thông báo của website này với lý do: Việc thực hiện thông báo website chỉ áp dụng đối với các website TMĐT bán hàng, trên đó người bán phải cung cấp thông tin cho khách hàng để có thể xác định chính xác các đặc tính của hàng hóa, dịch vụ khi quyết định giao kết hợp đồng. Do tiền ảo Bitcoin chưa được quy định là hàng hóa hay dịch vụ tại Việt Nam trong các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành nên không thuộc đối tượng điều chỉnh của Nghị định 52/2013/NĐ-CP, do đó Cục không chấp nhận việc thông báo, đăng ký các website mua bán Bitcoin như website TMĐT bán hàng hay sàn giao dịch TMĐT.
Việc Bộ Công Thương lên tiếng không thừa nhận tính hợp pháp của website www.bitcoinvietnam.com.vn (trang web để sàn giao dịch Bitcoin VBTC hoạt động) thì vấn đề được đặt ra là: Công ty TNHH Bitcoin Vietnam sẽ quyết định số phận của sàn giao dịch VBTC ra sao? Liệu sàn giao dịch này có được ra mắt vào cuối tháng 4/2014 đúng như thông tin đã được công ty này tuyên bố hay không?
Văn phòng Công ty TNHH Bitcoin Vietnam.
Trả lời câu hỏi này, ngày 2/4/2014, bà Nguyễn Trần Bảo Phương, Giám đốc Công ty Bitcoin Việt Nam khẳng định: “Chúng tôi vẫn giữ nguyên lịch trình, không hề có thay đổi. Sắp tới chúng tôi sẽ còn ra mắt nhiều dịch vụ khác kèm theo”.
Cũng theo bà Phương, bên cạnh việc xúc tiến để cho ra mắt sàn giao dịch Bitcoin, Công ty TNHH Bitcoin Việt Nam còn cử chuyên gia hỗ trợ cho các cơ quan chức năng nhằm hiểu rõ hơn về những mặt tích cực của Bitcoin, đồng thời bày tỏ quan điểm sẵn sàng làm việc với Chính phủ để ngăn chặn các loại tội phạm liên quan đến Bitcoin.
“Kể cả trong trường hợp Chính phủ không đồng thuận với công nghệ này như trường hợp của Trung Quốc thì để ngăn chặn hoàn toàn Bitcoin cũng là điều rất khó. Thực tế, nhiều chính phủ muốn ngăn chặn nhưng không thể làm được. Còn nhớ, thời điểm năm 1995, Việt Nam cũng có những tranh cãi gay gắt về việc có nên mở cửa cho Internet vào Việt Nam không. Đối với tiến bộ công nghệ tiền tệ lần này cũng vậy. Tuy Chính phủ sẽ phải làm nhiều việc hơn để quản lý nhưng chúng ta cần nhìn nhận vào những lợi ích Bitcoin mang lại”, bà Phương nói.
Đáng chú ý, trên website www.bitcoinvietnam.com.vn ngày 2/4 và 3/4/2014, tuy chưa ra mắt chính thức (và chính danh-PV), nhưng nội dung trên trang chủ đã công bố đây là “sàn giao dịch Bitcoin đầu tiên tại Việt Nam được đăng ký kinh doanh đầy đủ, đồng thời mời gọi cộng đồng tham gia sàn giao dịch với bản sao chứng minh thư hoặc hộ chiếu”, niêm yết tỷ giá mua bán Bitcoin bằng Việt Nam đồng.
Ở bình diện khác, như Xã Hội Thông Tin đã đưa, ngày 27/2/2014, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã ra thông cáo, không công nhận đồng Bitcoin là phương tiện thanh toán. Do vậy, việc sở hữu, mua bán, sử dụng Bitcoin (và các loại tiền ảo tương tự khác) như là một loại tài sản tiềm ẩn rất nhiều rủi ro cho người dân và không được pháp luật bảo vệ. Và NHNN đã khuyến cáo các tổ chức, cá nhân không nên đầu tư, nắm giữ, thực hiện các giao dịch liên quan đến Bitcoin và các loại tiền ảo tương tự khác.
8- Năm 2013, Hà Nội đã thu hút hơn 1,8 tỷ USD vào CNTT
Trong số hơn 1,8 tỷ USD đầu tư cho các dự án CNTT trên địa bàn Hà Nội năm 2013, có tới hơn 1,6 tỷ USD được đổ vào các dự án ở khu công nghiệp tập trung. Đây là thông tin được Sở TT-TT Hà Nội công bố ngày 3/4 tại buổi gặp mặt các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực TT-TT do UBND TP. Hà Nội tổ chức.
Theo số liệu của Cục Thống kê Hà Nội, toàn TP.Hà Nội hiện có khoảng 5.000 doanh nghiệp hoạt động liên quan đến CNTT, trong đó khoảng 1.200 doanh nghiệp phần mềm và dịch vụ, 800 doanh nghiệp nội dung số, và hơn 3.000 doanh nghiệp phần cứng, phân phối, bán lẻ. Doanh thu toàn ngành CNTT năm 2013 đạt gần 4,5 tỷ USD, tương đương 90.000 tỷ đồng, tăng trưởng khoảng 13% so với năm 2012; trong đó hơn 70% doanh thu liên quan đến lĩnh vực phần cứng, riêng hoạt động xuất khẩu thiết bị điện tử, linh kiện máy tính và thiết bị ngoại vi đạt 2,5 tỷ USD.
Nhằm hỗ trợ nâng cao năng lực cạnh tranh cho các doanh nghiệp CNTT trên địa bàn thành phố, Sở TT-TT Hà Nội chính thức công bố website hỗ trợ doanh nghiệp công nghệ tại địa chỉ dncntt.hanoi.gov.vn. Website này sẽ cung cấp thông tin về các sản phẩm, dịch vụ, doanh nghiệp CNTT, các phát minh, sáng chế có giá trị ứng dụng cao trong cuộc sống v.v... Qua đó sẽ giúp các doanh nghiệp CNTT quảng bá thương hiệu, sản phẩm, dịch vụ, cũng như nhận các ý kiến phản hồi để kịp thời điều chỉnh sản phẩm, dịch vụ theo yêu cầu của thị trường.
9- VNPT được phép cung cấp dịch vụ MyTV trên nhiều hạ tầng
Mới đây, Thứ trưởng Bộ TT-TT Lê Nam Thắng đã đồng ý cấp phép cho VNPT mở rộng cung cấp dịch vụ truyền hình MyTV trên nhiều hạ tầng khác nhau, gồm: OTT, cáp quang, vệ tinh và di động. Dự kiến VNPT sẽ có giấy phép này trong tháng 4/2014.
Năm 2009, VNPT đã có giấy phép cung cấp dịch vụ truyền hình trả tiền MyTV giao thức IPTV trên hạ tầng mạng cố định và Internet băng rộng ADSL trong phạm vi toàn quốc. Nhằm đẩy mạnh việc cung cấp dịch vụ này, VNPT đã nộp hồ sơ xin cấp phép dịch vụ MyTV trên các hạ tầng khác, gồm: Giao thức OTT, mạng cáp quang, vệ tinh và trên di động. Tuy nhiên, do VNPT đang trong quá trình xây dựng đề án tái cơ cấu và chờ Thủ tướng phê duyệt, do đó việc cấp phép các dịch vụ truyền hình, cũng như một số dịch vụ khác cho VNPT tạm thời chờ đến khi Thủ tướng phê duyệt đề án tái cơ cấu VNPT.
Dịch vụ MyTV của VNPT đang có thị phần đứng thứ 3 trên thị trường truyền hình trả tiền với trên 800.000 thuê bao, cung cấp 168 kênh truyền hình trên hệ thống và các dịch vụ tiện ích khác như: Trắc nghiệm IQ, sổ liên lạc, siêu thị trực tuyến, TV messages.
Quý 3/2013, VNPT đã tiến hành thử nghiệm dịch vụ MyTV Net và có trên 250.000 thuê bao đăng ký.
Ở bình diện khác, tại Hội nghị Quản lý Nhà nước tháng 4/2014 của Bộ TT-TT sáng 4/4, Tổng giám đốc VNPT Trần Mạnh Hùng cho biết, lợi nhuận 3 tháng đầu năm của Tập đoàn này đã tăng 40% so với cùng kỳ năm 2013, trong khi tổng doanh thu cũng tăng thêm 9,5%. Riêng Công ty Thông tin di động VMS - một đơn vị hạch toán độc lập là 7,6%, còn khối hạch toán phụ thuộc (bao gồm 4 công ty và 63 bưu điện tỉnh, thành phố) đạt lợi nhuận cao gấp 8 lần so với quý 1 năm ngoái.
10- Sẽ dùng nguồn lực sau khi cổ phần hóa MobiFone để đầu tư trở lại cho VNPT
Theo Bộ trưởng Bộ TT-TT Nguyễn Bắc Son, Thủ tướng quyết định chỉ tách riêng MobiFone ra khỏi VNPT chứ không kèm theo 62 doanh nghiệp yếu kém của Tập đoàn này để sẵn sàng cổ phần hóa MobiFone. Sau khi cổ phần hóa MobiFone, sẽ lấy nguồn lực để quay lại đầu tư cho VNPT. Đây là một trong những nội dung quan trọng nhất được ông Nguyễn Bắc Son nhấn mạnh tại Hội nghị giao ban quản lý Nhà nước quý 1/2014 của Bộ TT-TT, diễn ra sáng 4/4/2013.
"Khi MobiFone tách ra, sẽ khó khăn với VNPT vì gánh nặng để lại cho VNPT rất lớn. Các đơn vị, ban, ngành thuộc Bộ TT-TT cần chia sẻ với VNPT, tìm cách tháo gỡ khó khăn cho phù hợp", Bộ trưởng chia sẻ.
Trước khi triển khai tái cơ cấu, VNPT có 67 đơn vị hạch toán phụ thuộc, gồm VDC, VASC, VTN, VinaPhone, 63 viễn thông tỉnh thành; Có 3 công ty con 100% vốn điều lệ, 6 công ty trên 50% vốn điều lệ và 76 công ty dưới 50% vốn điều lệ. Trong đó, có nhiều đơn vị hoạt động chưa hiệu quả, điển hình như trong số 63 viễn thông tỉnh thành, chỉ 27 đơn vị hoạt động có lãi, còn lại vẫn phải điều phối chi phí từ Tập đoàn xuống.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son, có 2 lý do bắt buộc phải tái cơ cấu khiến VNPT. Một là, sau khi Viettel chính thức cung cấp dịch vụ điện thoại di động, thị trường phát triển rất sôi động nhưng VNPT lại chưa kịp đổi mới cơ chế quản lý, còn nặng gánh về quân số và phương thức kinh doanh...
Hai là, Luật Viễn thông cùng Nghị định 25/2011/NĐ-CP hướng dẫn thi hành Luật Viễn thông đã quy định một tổ chức, cá nhân đã sở hữu trên 20% vốn điều lệ hoặc cổ phần trong một doanh nghiệp thì không được sở hữu trên 20% vốn điều lệ hoặc cổ phần của doanh nghiệp viễn thông khác cùng kinh doanh trong một thị trường dịch vụ viễn thông để tránh tình trạng cạnh tranh không lành mạnh. Điều này đồng nghĩa với việc VNPT không thể cùng lúc "ôm" cả 2 nhà mạng lớn là VinaPhone và MobiFone.
Bộ trưởng chỉ đạo: "Sắp tới, cần tính toán phương án củng cố lại Tập đoàn VNPT với tinh thần giữ được mạng viễn thông quốc gia VinaPhone ngày càng phát triển tương ứng với MobiFone. Cần tìm phương án tốt nhất để củng cố lại VNPT sau khi tái cơ cấu, đảm bảo MobiFone khi tách ra thực hiện đúng lộ trình cổ phần hóa, tăng sức mạnh nguồn lực, góp phần hình thành thị trường cạnh tranh lành mạnh giữa 3 nhà mạng VinaPhone - MobiFone - Viettel".
Thanh Trà (tổng hợp)