10 sự vụ VT-CNTT nổi bật trong tuần: Cứ 2 giờ lại có 1 website Việt Nam bị tin tặc kiểm soát

10:06, 12/05/2014

Trong tuần 19 (từ 5/5 – 11/5/2014) sự vụ VT-CNTT nổi bật hơn cả là thông tin sắp có smartphone giá 400.000 đồng, một mức giá “khó tưởng tượng” trong hình hình giá cả leo thang hiện nay.

1- Cứ 2 giờ lại có 1 website Việt Nam bị tin tặc kiểm soát

Ông Nguyễn Minh Đức, chuyên gia bảo mật của FPT dẫn nguồn từ Zone-H cho biết, trong tháng 4/2014 (tính đến ngày 27/4) đã có 351 website .vn của Việt Nam bị tấn công. Tính trung bình mỗi ngày có 12 website bị tấn công, và cứ 2 giờ lại có 1 website bị tin tặc kiểm soát.

Theo thống kê của Zone-H về hiện trạng các website Việt Nam bị tin tặc tấn công, tên miền .vn có tỷ lệ bị tấn công cao nhất - chiếm tới 49%, kế tiếp là .com.vn (30%), tên miền .edu.vn (14%), .gov.vn (5%), và .net.vn là 2%.

Trong số các hệ điều hành bị tấn công, Linux đứng đầu bảng với 85%, Windows 2003 chiếm 9%, Windows 2008 là 5%, còn lại 1% là các hệ điều hành Windows khác. 82% website bị tấn công thuộc nhóm lần đầu bị tấn công thay đổi giao diện (deface), 18% còn lại đã từng bị deface trước đó. 27% trong số các website bị deface ngay trang chủ.

Một con số đáng chú ý khác là, 72% cơ quan chủ quản đã biết các vụ tấn công vào website của mình, trong khi vẫn còn tới 28% cơ quan chủ quản website vẫn chưa biết mình bị tấn công, đồng nghĩa với việc chưa có các biện pháp bảo vệ, phòng trừ đúng mức hơn cho hoạt động của các website.

Còn theo Symantec, Việt Nam hiện đứng thứ 12 thế giới về các hoạt động tấn công mạng, tăng 9 bậc so với cùng kỳ năm trước. Cụ thể, Việt Nam xếp hạng 6 thế giới về số lượng mã độc phát tán, tăng từ hạng 10 năm ngoái lên hạng 7 về phát tán thư rác, "nhảy" một mạch 25 bậc lên hạng 14 về số lượng các mạng máy tính botnet (thuật ngữ chỉ mạng lưới những máy tính thây ma "zombie" đã bị hacker đoạt quyền kiểm soát và huy động vào các chiến dịch tấn công như tấn công từ chối dịch vụ...). Đặc biệt, Việt Nam đã trở thành quốc gia phát sinh các cuộc tấn công mạng nhiều thứ 6 thế giới (thay vì vị trí số 23 của một năm trước.

2- Dùng tin nhắn SMS để điều hành công việc

Ngày 6/5, UBND tỉnh Quảng Nam đã thống nhất chủ trương giao Sở TT-TT tỉnh triển khai dịch vụ nhắn tin SMS phục vụ chỉ đạo, điều hành công việc trong các cơ quan nhà nước trên địa bàn tỉnh.

UBND tỉnh yêu cầu Sở TT-TT có trách nhiệm đăng ký dịch vụ nhắn tin SMS đối với nhà cung cấp dịch vụ viễn thông, tổ chức phần mềm để xử lý kết nối dữ liệu; Đồng thời thông báo, hướng dẫn các sở, ban, ngành, UBND các huyện, Thành phố sử dụng.

UBND tỉnh yêu cầu Trung tâm Công nghệ Thông tin - Truyền thông tỉnh Quảng Nam tổ chức vận hành tốt hệ thống, đảm bảo chất lượng, bảo mật. Và UBND tỉnh Quảng Nam cũng yêu cầu các đơn vị phải phối hợp với Sở TT-TT triển khai sử dụng dịch vụ nhắn tin SMS công vụ của tỉnh, hạn chế sử dụng nhắn tin từ số cá nhân.

Đây là lần đầu tiên tin nhắn SMS được cơ quan chính quyền dùng để chỉ đạo, điều hành công vụ. Và cách này sẽ giúp việc trao đổi thông tin, thông báo trong các cơ quan nhà nước với công dân, doanh nghiệp được nhanh chóng, kịp thời.

3- T.T Thông tin di động khu vực 2 (MobiFone) nhận Huân chương Độc lập hạng Ba 

Ngày 7/5, tại TP.HCM, Công ty Thông tin di động MobiFone (VMS) đã tổ chức kỷ niệm 20 năm thành lập Trung tâm Thông tin Di động khu vực 2 (VMS2) và đón nhận Huân chương Độc lập hạng Ba.

 

Tập thể CB.CNV của VMS2 vinh dự đón nhận Huân chương Độc lập hạng Ba.

VMS2 được thành lập và chính thức hoạt động tại TP.HCM từ ngày 7/5/1994. Khi mới thành lập, VMS2 chỉ có 7 nhân viên với 6 trạm thu phát sóng BTS, nhưng đến nay, VMS2 đã có hơn 5000 BTS và đây cũng là thị trường lớn mạnh nhất của Công ty VMS, chiếm tới 35% tỷ trọng của Công ty trong cả nước, góp phần đạt doanh thu cao nhất trong toàn Tập đoàn VNPT. Với doanh thu trên 10.250 tỷ đồng/năm, 48%  thị phần tại khu vực, chiếm tỷ trọng 58,8% so với Công ty. Năng suất lao động bình quân đạt 20 tỷ đồng/người/năm, cao nhất Công ty.  

4- Tội phạm mạng chuyển hướng sang ăn cắp thông tin

Theo những số liệu mới của Microsoft, một trong những thủ thuật lừa đảo phổ dụng nhất là tải tệp dữ liệu như video, phần mềm cài đặt, âm nhạc… Những tệp tải về này được định danh là các nguy cơ hàng đầu tại 95% trong 110 quốc gia và khu vực mà Microsoft kiểm tra dữ liệu. 3 nguy cơ lừa đảo cao nhất ở Việt Nam trong Quý 4/2013 là Rotbrow, Wysotot và Obfuscator. Tội phạm lừa nạn nhân bằng thủ đoạn tải tệp đính kèm các mã độc trong các nội dung hợp pháp như phần mềm, âm nhạc, tệp video.. mà nạn nhân tìm thấy trên mạng. Cũng trong quý 4/2013, số lượng máy tính cần quét mã độc do bị dính thủ thuật lừa đảo tăng hơn ba lần - Microsoft công bố.

Ngoài thủ thuật lừa đảo tải tệp, ransomware là một dạng lừa đảo vẫn ảnh hưởng lớn tới người dùng và có thể gây hại người dùng. Ransomware thường giả mạo là một cảnh báo chính thức từ một cơ quan thực thi pháp luật danh tiếng. Nó buộc tội các nạn nhân này phạm tội liên quan đến máy tính và yêu cầu họ trả tiền phạt để lấy lại quyền kiểm soát máy tính. Trong thực tế, mối đe dọa ransomware trên toàn cầu tăng 45% kể từ nửa đầu so với nửa sau năm 2013.

5- Lợi nhuận 4 tháng đầu năm của Tập đoàn VNPT đạt 33%

Tại Hội nghị giao ban quản lý nhà nước ngành Thông tin và Truyền thông (TT&TT) tháng 4/2013, các doanh nghiệp của Bộ (trong đó có VNPT) đã cho biết tình hình sản xuất kinh doanh (SXKD) 4 tháng qua của đơn vị mình.

Cụ thể, ông Trần Mạnh Hùng, Tổng giám đốc Tập đoàn VNPT cho biết, tổng lợi nhuận SXKD của toàn VNPT tăng 33% so với cùng kỳ, trong đó, khối hạch toán phụ thuộc tăng 3,2%, VMS tăng 15%. Phát triển thuê bao băng rộng phát triển tốt với tốc độ tăng trưởng cao, thuê bao băng rộng cáp đồng Mega VNN tăng khoảng 2 lần, cáp quang tăng khoảng 3 lần so với cùng kỳ năm 2013.

Tập đoàn VNPT cũng đang loại bỏ dần những thuê bao rác, không có thực trong cơ sở dữ liệu, số thuê bao được làm sạch khoảng 111.000 so với cùng kỳ, ông Trần Mạnh Hùng cho hay.

6- VDC/VNPT có nhiều chính sách nhằm thúc đẩy IPv6

Ngày 6/5, đúng vào ngày IPv6 Việt Nam, Ban Công tác thúc đẩy IPv6 quốc gia (Việt Nam IPv6TF), Trung tâm Internet Việt Nam (là thường trực Ban Công tác) đã tổ chức Hội thảo “Ứng dụng IPv6” - “IPv6 Showcase” dưới sự bảo trợ của Bộ TT&TT.

Sự kiện này nhằm mục đích ghi nhận các kết quả đã đạt được trong công tác thúc đẩy phát triển IPv6 tại Việt Nam, đồng thời là cơ hội các nhà cơ hội cho các nhà quản lý, doanh nghiệp Viễn thông, CNTT gặp gỡ trao đổi kinh nghiệm và đề xuất các giải pháp về việc đẩy mạnh IPv6 tại Việt Nam.

Với tư cách là nhà cung cấp dịch vụ Internet và các dịch vụ máy chủ, đường truyền lớn nhất Việt Nam, VDC (thuộc Tập đoàn VNPT) đã tài trợ kết nối và giải pháp cho “Ngày IPv6 Việt Nam” và đây là hoạt động thường niên của VDC trong các sự kiện quan trọng tại Việt Nam về IPv6 từ năm 2011 đến nay.

 

Vai trò dịch vụ IDC với IPv6.

Trong khuôn khổ các sự kiện của “Ngày IPv6 Việt Nam” năm 2014, VDC đã trình bày tham luận trong Hội thảo, đồng thời quảng bá thương hiệu, sản phẩm của mình thông qua gian hàng tại Hội thảo và tham gia khóa đào tạo về lập trình IPv6.

Cụ thể, đó là các chính sách sản phẩm thúc đẩy IPv6 của VDC gồm: Hệ thống dịch vụ; Trang tin chính của VDC dual stack  (http://vdc.com.vnhttp://support.vnn.vn...); Tư vấn miễn phí khách hàng sử dụng IPv6 tại IDC VDC; Triển khai cung cấp giải pháp IPv6 cho ứng dụng của khách hàng; Thực hiện giảm giá dịch vụ IDC từ 10-20% với các khách hàng sử dụng  IDC dual stack IPv4/IPv6; Giảm giá dịch vụ 20-30% cho khách hàng sử dụng dịch vụ Leased line thuần IPv6 với hệ thống máy chủ tại IDC; Miễn phí cài đặt khách hàng có kết nối Leased line; nâng cấp dual stack IPv4/IPv6; Triển khai các gói dịch vụ tích hợp leased line, IDC, hosting, tên miền sử dụng IPv6.

VDC đã chủ động nghiên cứu và thử nghiệm IPv6 từ sớm (từ những năm 1999-2002). Năm 2004, VDC triển khai mạng lõi chạy dual stack IPv4/IPv6 trên nền MPLS. Từ năm 2008-2010 tham dự các khóa đào tạo về IPv6, được phân bổ block địa chỉ /32, 2001:0ee0::/32. Năm 2009 kết nối dual stack Internet IPv6 Native với 5Gbps, dual stack IPv6 với VNNIC. Trong hai năm 2009 - 2010 VDC đã triển khai nâng cấp hệ thống máy chủ DNS, Mail, Web, quản trị dịch vụ chạy dual stack.

7- Sẽ có smartphone giá khoảng 400.000 đồng vào cuối năm nay

Theo dự đoán của nhà sản xuất chipset ARM, trong năm nay, trên thị trường sẽ xuất hiện những mẫu smartphone có giá bán chỉ 20 USD (khoảng 400.000 đồng).

 

Mẫu smartphone có giá 25 USD của Mozilla được công bố tại MWC 2014.

Theo Neowin, vào tháng 2 vừa qua, Mozilla (cha đẻ của trình duyệt web Firefox) đã giới thiệu chiếc smartphone dùng nền tảng Firefox OS có giá 25 USD.

Vì thế, ARM tin rằng vào cuối năm nay, người dùng sẽ chứng kiến sự xuất hiện của những dòng smartphone "siêu rẻ", với giá bán khoảng 20 USD.

Dĩ nhiên do giá bán thấp nên những chiếc smartphone này không thể sở hữu cấu hình mạnh. Dự đoán, máy sẽ sử dụng bộ vi xử lý lõi đơn Cortex-A5 và chỉ hỗ trợ khả năng kết nối 2.5G/EDGE.

Cạnh đó, ARM còn cho rằng, trong vòng 4 năm tới của thị trường smartphone sẽ thuộc về phân khúc tầm trung, với giá bán từ 150 đến 400 USD/máy.

8- VNPT khai trương Tổng đài bán hàng 18001166 trên toàn quốc

Ngày 8/5, Tập đoàn VNPT khai trương và đưa vào khai thác Tổng đài bán hàng 18001166, tiếp nhận nhu cầu lắp đặt các dịch vụ Internet MegaVNN, FiberVNN, MyTV, cố định và di động Vinaphone trả sau trên toàn quốc.

VNPT cho biết, Tổng đài 18001166 là cầu nối giữa khách hàng và VNPT, thực hiện tiếp nhận nhu cầu lắp đặt các dịch vụ Internet MegaVNN, FiberVNN, MyTV, cố định và di động VinaPhone trả sau của VNPT một cách nhanh chóng, thuận tiện. Thông qua số điện thoại duy nhất và dễ nhớ, khách hàng trên toàn quốc, không phân biệt mạng di động hay cố định, thuê bao của VNPT hay các nhà mạng khác đều có thể gọi 18001166 để được phục vụ tận nơi.

Được tổ chức và vận hành với nền tảng hệ thống kỹ thuật hiện đại và đội ngũ chuyên nghiệp, toàn bộ quá trình tiếp nhận, xử lý, phản hồi thông tin cho khách hàng của Tổng đài 18001166 đều được theo dõi sát sao, đảm bảo quá trình tiếp nhận, xử lý yêu cầu của khách hàng diễn ra thông suốt và được thực hiện trong thời gian nhanh nhất.

Ông Phạm Đức Long, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn VNPT cho biết, thực ra việc tổ chức bán hàng qua điện thoại không phải là hình thức mới mà trên thế giới các nhà mạng viễn thông đã đáp ứng tới 60% nhu cầu sử dụng dịch vụ qua kênh này. Trong giai đoạn tái cơ cấu VNPT cũng đã giao cho một số đơn vị và đã có kế hoạch triển khai thống nhất. Tuy nhiên, do thời gian tiến hành tái cơ cấu quá dài nên VNPT đã không chờ đợi việc tái cơ cấu xong mới thực hiện mà thực hiện luôn để đảm bảo hiệu quả kinh doanh của mình. Hơn nữa, cho dù mô hình của VNPT sau tái cơ cấu ra sao cũng sẽ không ảnh hưởng nhiều đến mô hình bán hàng như thế này. Đây là một bước đổi mới quan trọng của VNPT nhằm  phục vụ một cách chuyên nghiệp đồng thời giúp VNPT quản lý tốt hệ thống bán hàng, chăm sóc khách hàng qua điện thoại trên toàn quốc. 

9- Đã có Nghị định về phòng chống tội phạm công nghệ cao

Theo Nghị định số 25 của Chính phủ mới được ban hành (chính thức hiệu lực từ ngày 22/5/2014) về phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật khác có sử dụng công nghệ cao, các doanh nghiệp viễn thông, CNTT, Internet phải tạo điều kiện kỹ thuật như bố trí mặt bằng, cổng kết nối và cung cấp thông tin người sử dụng dịch vụ để hỗ trợ công tác phòng chống tội phạm công nghệ cao.  

Nghị định số 25 của Chính phủ cũng quy định rõ trách nhiệm của các Bộ, Ngành và cơ quan, doanh nghiệp trong việc tham gia phòng chống tội phạm công nghệ cao.

Đối với các cá nhân, Nghị định cũng quy định phải có trách nhiệm phòng chống tội phạm công nghệ cao qua các hình thức như bảo vệ mật khẩu, cơ sở dữ liệu, thông tin cá nhân, thông tin tài khoản và hệ thống thiết bị công nghệ cao của mình.

10- Việt Nam đăng cai sự kiện công nghệ lớn nhất hai châu lục

Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ công nghệ thông tin Việt Nam (VINASA) – đơn vị được trao quyền đăng cai, ngày 8/5 cho biết, Diễn đàn cấp cao về công nghệ thông tin và truyền thông châu Á - châu Đại Dương 2014 sẽ được tổ chức tại Hà Nội từ ngày 28 - 31/10/2014, dự kiến sẽ thu hút trên 700 đại biểu của gần 30 quốc gia, vùng lãnh thổ tham dự.

Mục đích của diễn đàn là chia sẻ tầm nhìn, các xu thế phát triển của công nghệ và ứng dụng CNTT trên thế giới, thúc đẩy quan hệ hợp tác song phương và đa phương về CNTT giữa các nền kinh tế, các doanh nghiệp. Theo đó, một loạt hội nghị, hội thảo chuyên sâu, triển lãm và nhiều hoạt động kết nối kinh doanh sẽ được tổ chức trong khuôn khổ sự kiện.

Năm nay, VINASA cũng đã tranh thủ đề xuất và đưa các nội dung mà Việt Nam quan tâm vào trong chương trình của diễn đàn. Theo đó, ứng dụng CNTT trong tái cấu trúc nông nghiệp, phát triển nông thôn sẽ là một nội dung chính của diễn đàn năm nay và sẽ được dành thời lượng đáng kể để thảo luận. 

“Đây là cơ hội để Việt Nam học hỏi kinh nghiệm thế giới, đưa CNTT thành nền tảng của phương thức phát triển mới, tạo đột phá trong phát triển kinh tế, xã hội, thay đổi mô hình phát triển nông nghiệp và nông thôn. Ngoài ra, sự kiện này sẽ tạo một dấu ấn mới của Việt Nam trong ngành công nghệ khu vực và thế giới,” ông Trương Gia Bình, Chủ tịch VINASA nói.

Đây là lần thứ 2 Việt Nam giành quyền đăng cai sự kiện quan trọng này.

Thanh Trà (tổng hợp)