10 sự vụ VTCNTT nổi bật trong tuần: Cái tên Nguyễn Hà Đông vẫn có sức ảnh hưởng lớn

07:52, 26/05/2014

Trong tuần thứ 21 (từ 19/5-25/5/2014), sự vụ VT-CNTT nổi bật là cái tên Nguyễn Hà Đông, nghe “có vẻ cũ” nhưng “sự thật vẫn là sự thật”.

1- Mạo danh Nguyễn Hà Đông để phát tán Flappy Bird "nhái" trên App Store

Một tựa game có tên “Flappy Bird: New Season” với nội dung nhái toàn bộ trò chơi gây sốt Flappy Bird, bao gồm cả cách chơi lẫn đồ họa. Thậm chí, tác giả của nó còn mạo danh Nguyễn Hà Đông để phát hành trò chơi giả mạo của mình.

Cụ thể, cuối tháng 4 vừa qua, trên kho ứng dụng App Store của Apple xuất hiện trò chơi với tên gọi “Flappy Bird: New Season”, khiến nhiều người lầm tưởng đây là phiên bản mới của trò chơi Flappy Bird, đặc biệt khi mà gần đây, tác giả Nguyễn Hà Đông của game Flappy Bird từng khẳng định sẽ “hồi sinh” trò chơi gây sốt của mình.

Sự xuất hiện của Flappy Bird: New Season với cách chơi, nội dung đồ họa không khác gì phiên bản Flappy Bird trước đây, khiến nhiều người chơi lẫn giới công nghệ bất ngờ và đón nhận tích cực. Không ít trang công nghệ lớn và uy tín khẳng định đây là Flappy Bird đã được Nguyễn Hà Đông “hồi sinh”.

 

Game “nhái” Flappy Bird: New Season “gây sốt” trên iTunes kể từ khi xuất hiện, có tên tác giả là Dong Nguyen.

Rất nhanh chóng sau khi được ra mắt, Flappy Bird: New Season đã trở nên rất được yêu thích, với số lượng tải tăng lên nhanh chóng và trở thành một trong những game được yêu thích trên kho ứng dụng App Store.

Sở dĩ Flappy Bird: New Season gây được tiếng vang như vậy không chỉ bởi vì nội dung và cách chơi giống với Flappy Bird trước đây (không ít game nhái Flappy Bird cũng có cách chơi tương tự nhưng không được chú ý), mà còn vì game được đăng tải lên App Store bởi một tài khoản có tên “Dong Nguyen”, trùng tên với tài khoản của tác giả Nguyễn Hà Đông.

Không dừng lại ở đó, tác giả của game Flappy Bird giả mạo còn lập một trang Twitter riêng để mạo danh tài khoản Twitter thực sự của tác giả Nguyễn Hà Đông. Theo đó, trang Twitter giả mạo có tên “dongatory_”, trong khi tài khoản Twitter thực sự của Nguyễn Hà Đông có tên “dongatory” (không có dấu _ ở cuối). Trên trang Twitter giả mạo đăng tải thông tin đây là tài khoản Twitter dự phòng của tác giả Nguyễn Hà Đông, đồng thời đăng tải thông tin game “Flappy Bird đã hồi sinh” và dẫn đường link tới game giả mạo của mình trên App Store.

2- Việt Nam giành 6 huy chương bạc Olympic Tin học châu Á

Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục, Bộ Giáo dục và Đào tạo ngày 18/5 cho biết, tất cả 6/6 thí sinh Việt Nam được tham gia xét giải theo quy định của Ban Tổ chức Olympic Tin học châu Á năm 2014 đều đạt Huy chương Bạc.

Đó là các em: Đỗ Xuân Việt, học sinh lớp 12, Trường Trung học phổ thông chuyên Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội; Đỗ Ngọc Khánh, học sinh lớp 11, Trường Trung học phổ thông chuyên Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội; Nguyễn Việt Dũng, học sinh lớp 11, Trường Trung học phổ thông chuyên Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội; Nguyễn Phan Quang Minh, học sinh lớp 12, Trường Trung học phổ thông chuyên Nguyễn Trãi, tỉnh Hải Dương ; Ngô Hoàng Anh Phúc, học sinh lớp 12, Trường Trung học phổ thông chuyên Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội; Trần Trọng Đạt, học sinh lớp 12, Trường Trung học phổ thông chuyên Hà Nội-Amsterdam.

Olympic Tin học châu Á năm 2014 được tổ chức trực tuyến với 29 nước tham gia, Kazakhstan là nước đăng cai. Việt Nam đứng thứ 7 toàn đoàn trong số 29 nước.

Đội tuyển quốc gia Việt Nam gồm 15 học sinh, đã tham gia thi trực tuyến tại Trường Đại học Công nghệ, Đại học Quốc gia Hà Nội vào ngày 4/5.

3- Cảnh giác với chiêu lừa: “Bắn nhầm tiền điện thoại”

Hiện nhà mạng Viettel đang sử dụng dịch vụ I-share để các thuê bao có thể chuyển tiền cho nhau. Lợi dụng điều này, nhiều kẻ lừa đảo đã soạn tin nhắn trùng với cú pháp của dịch vụ này để nhắn tới các thuê bao, giả vờ chuyển nhầm tiền. Số tiền thường không quá 30.000 đồng (giới hạn mỗi lần chuyển tiền của nhà mạng) nên khá nhiều người không cảnh giác và dính bẫy.

 

Tin nhắn lừa đảo “bắn nhầm tiền điện thoại”.

Ngay sau khi gửi tin nhắn, kẻ lừa đảo sẽ gọi điện, hoặc nhắn tin lại cho chủ thuê bao nhờ chuyển lại tiền do đã chuyển nhầm. Thấy số tiền nhỏ và không đọc kỹ tin nhắn, nhiều người đã chuyển tiền lại vào số thuê bao của kẻ lừa đảo.

Thực chất, “chiêu thức” lừa đảo này không quá tinh vi, chỉ đánh vào sự chủ quan của nhiều người. Vì vậy, nếu rơi vào trường hợp này, người nhận tin nhắn nên kiểm tra xem có phải xuất phát từ đầu số 195 của nhà mạng Viettel gửi không. Nếu không đúng thì chắc chắn là mình đang trở thành địch nhắm của kẻ lừa đảo.

Chiêu lừa này đã xuất hiện rải rác từ năm 2011, rồi liên tục được tái xuất để lừa đảo những người nhẹ dạ, cả tin.

4- "Cha đẻ" Flappy Bird là tâm điểm ở sự kiện công nghệ WiredBizCon

Sau khi xuất hiện trên kênh CNBC và tuyên bố sẽ cho Flappy Bird “sống lại” vào tháng Tám tới, nhà phát triển game độc lập Nguyễn Hà Đông lại tiếp tục xuất hiện trong sự kiện công nghệ tầm cỡ Wired Business Conference (WiredBizCon) tại New York vào trung tuần tháng 5/2013.

 

Nguyễn Hà Đông đang tọa đàm với David Kushner (trái) và Nolan Bushnell.

Sự kiện này thu hút đông đảo các diễn giả nổi tiếng, là những nhân vật giàu ảnh hưởng trong làng công nghệ Mỹ như nhà sáng lập trang blog Tumblr, David Karp, nhà sáng lập công ty game khổng lồ những năm 1980 Atari, Nolan Bushnell cùng các giám đốc điều hành của Amazon, Twitter, Oculus…

Tâm điểm của Wired BizCon chính là phần tọa đàm giữa nhà báo David Kushner và Bushnell cùng Nguyễn Hà Đông. Và Kushner chính là người đã cất công sang tận Việt Nam thực hiện bài viết về Hà Đông trên tờ Rolling Stone số tháng 3/2014.

Ở thời kỳ đỉnh cao, Flappy Bird đã giúp Hà Đông kiếm được 50.000 USD mỗi ngày. Sau khi anh rút game khỏi các cửa hàng ứng dụng, những người đã cài trò chơi vào máy tính bảng và điện thoại thông minh vẫn tiếp tục chơi nó, có nghĩa anh vẫn nhận được tiền nhờ ứng dụng quảng cáo kèm trong game. Tuy nhiên Hà Đông cho CNBC biết rằng tiền không nhiều như thời kỳ đỉnh cao của game.

5- Gần 100 người bị bắt trong chiến dịch chống PM mã độc BlackShades toàn cầu

AFP dẫn lời Europol trong một thông cáo ngày ngày 19/5 cho biết, các cơ quan tư pháp và thực thi pháp luật ở 16 nước đã đồng loạt thực hiện chiến dịch bố ráp các đối tượng dính líu đến phần mềm mã độc máy tính BlackShades.

Hàng ngàn người trên thế giới đã mua BlackShades, một thứ phần mềm mã độc có thể được dùng để bí mật kiểm soát một webcam hoặc cả một máy vi tính của người khác, đánh cắp dữ liệu hoặc thông tin nhạy cảm trong máy rồi gửi tin nhắn đòi tiền chuộc.

BlackShades còn có thể được dùng tiến hành tấn công mạng kiểu từ chối dịch vụ (DoS) khiến cho một website bị sập và không ai có thể truy cập vào được.

Cảnh sát các nước và Cục điều tra liên bang Mỹ (FBI) đã tiến hành đột kích vào 359 căn nhà ở Hà Lan, Bỉ, Pháp, Đức, Anh, Ý, Mỹ, Canada, Chile và Thụy Sĩ, sau đó bắt giữ 97 người có liên quan đến BlackShades và tịch một lượng lớn tiền mặt, súng và ma túy và trên 1.000 thiết bị lưu dữ liệu.

Trong một vụ đột kích ở Hà Lan, cảnh sát phát hiện một thanh niên 18 tuổi dùng BlackShades tấn công ít nhất 2.000 máy tính, kiểm soát webcam của các nạn nhân, lấy những bức ảnh của các phụ nữ và cô gái trẻ để tống tiền.

6- Một sinh viên VN hai lần tham dự Chung kết Tin học Văn phòng thế giới

VCK Quốc gia Cuộc thi Vô địch Tin học Văn phòng Thế giới (MOSWC) 2014 tại Việt Nam đã khép lại với nhiều kỷ lục mới lần đầu tiên được xác lập và khẳng định ý chí vươn lên không ngừng của thế hệ trẻ Việt Nam trên hành trình đến với tri thức nói chung và chinh phục những đỉnh cao mới nói riêng.

Bùi Hữu Hồng Hải (sinh viên trường ĐH Ngoại ngữ - Tin học TP.HCM) - Đại sứ MOS 2014 chính là người đã 2 lần tham dự cuộc thi này và là trường hợp điển hình.

MOSWC là một cuộc thi chuyên nghiệp về kỹ năng sử dụng các ứng dụng tin học văn phòng Microsoft Office do IIG Việt Nam - đại diện chính thức và duy nhất của Certiport tổ chức. Cuộc thi nhằm lựa chọn những ứng viên xuất sắc nhất để đại diện cho Việt Nam tham dự VCK Thế giới MOSWC tại Hoa Kỳ.

7- Phát động chiến dịch nhắn tin “Chung sức vì biển đảo quê hương”

Chiến dịch nhắn tin “Chung sức vì biển đảo quê hương,” chính thức được phát động ngày 19/5, tại Hà Nội, do Bộ TT-TT, Hội Chữ thập đỏ Việt Nam phối hợp với một số đơn vị tổ chức nhằm kết nối sự quan tâm, chia sẻ của nhân dân cả nước với quân, dân và ngư dân trên các vùng biển đảo Hoàng Sa, Trường Sa, sẽ kết thúc vào ngày 18/7 tới.

Chiến dịch nhắn tin “Chung sức vì biển đảo quê hương” hướng tới mục tiêu vận động nhân dân cả nước ủng hộ nguồn lực để mua trang thiết bị sản xuất nước ngọt, các thiết bị thông tin liên lạc, giải trí, cây con giống để tặng quân, dân và ngư dân trên các vùng biển đảo Hoàng Sa và Trường Sa; đồng thời, mua tặng một số trang thiết bị chuyên dụng cho lực lượng kiểm ngư, cảnh sát biển nhằm giúp các chiến sỹ thực hiện tốt nhiệm vụ.

Người dân có thể ủng hộ bằng tin nhắn theo cú pháp: BD gửi 1409, mỗi tin nhắn có giá trị 18.000 đồng, hoặc bằng hiện vật, tiền mặt tại Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam, số 82 Nguyễn Du, Hà Nội, hoặc thông qua tài khoản 12010000036656 tại Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam, Sở giao dịch 1.

Ngay trong lễ phát động, chiến dịch đã nhận được 16.660 tin nhắn ủng hộ.

Mạng VinaPhone hiện đangdẫn đầu chương trình "Nghĩa tình Hoàng Sa, Trường Sa" với gần 133.000 tin nhắn tương đương 1,853 tỷ đồng.

8- Lật tẩy hoạt động của tin tặc Trung Quốc

Mới đây, đơn vị bí mật 61398 của quân đội Trung Quốc một lần nữa trở thành tâm điểm chú ý sau khi Mỹ cáo buộc 5 sỹ quan quân đội (của 61398) về các cuộc tấn công mạng. 

Hãng thông tấn Reuters dẫn lời bà Jen Weedon, chuyên gia phân tích thuộc hãng an ninh mạng Mandiant của Mỹ, cho biết Trung Quốc có hàng chục đơn vị tương tự như 61398. Theo bà Weedon, 61398 vẫn chưa phải là đơn vị do thám mạng hàng đầu của Trung Quốc vì đây không phải là đơn vị phải bí mật tuyệt đối. Không chỉ được trang bị đường dây cáp quang đặc biệt, các thành viên trong đơn vị này còn được huấn luyện trong nhiều lĩnh vực, từ tiếng Anh đến các cách thức liên lạc bí mật, an ninh mạng và các chiến thuật tấn công điện tử.

Bà Weedon cho rằng, đơn vị này bắt đầu hoạt động từ năm 2006, nhưng các chiến dịch do thám mạng đã giảm mạnh sau khi hãng Mandiant đưa ra báo cáo chi tiết hồi năm 2013. Tuy nhiên, sau khi điều chỉnh một số kỹ thuật tấn công mạng, nhóm tin tặc này đã trở lại hoạt động bình thường. Theo Bộ Tư pháp Mỹ, các thành viên Đơn vị 61398 đã đánh cắp mật mã truy cập vào máy tính của các nhân viên thuộc các doanh nghiệp Mỹ, rồi lấy cắp các tài liệu nội bộ nhạy cảm. Còn theo một báo cáo ngoại giao mật do trang mạng Wikileaks công bố hồi năm 2008, nhóm tin tặc này đã từng đánh cắp dữ liệu của cơ quan Chính phủ Mỹ.

Theo báo New York Times, hoạt động tin tặc tại Trung Quốc đã đạt đến đủ mọi cấp độ: từ ăn trộm dữ liệu của các tập đoàn, cơ quan chính phủ nước ngoài cho tới theo dõi đối thủ cạnh tranh, hay ăn trộm bí mật doanh nghiệp… Ông Adam Meyers, Giám đốc công ty an ninh mạng CrowdStrike cho rằng các nhóm khác nhau ở Trung Quốc có các mục tiêu tấn công mạng khác nhau. Nhóm SamuraiPanda tấn công các công ty hóa chất, ngân hàng, công ty công nghệ không gian ở các quốc gia châu Á, còn nhóm AnchorPanda nhằm vào các mục tiêu hàng hải gần với Hạm đội Nam Hải của Hải quân Trung Quốc, và các công ty Mỹ, châu Âu. Trong khi đó, nhóm NumberedPanda lại tìm kiếm thông tin tình báo nhạy cảm, như các thông tin về hoạt động làm sạch khu vực Fukushima của Nhật Bản.

Theo hãng Akamai Technologies, các vụ tấn công mạng xuất phát từ Trung Quốc nhiều hơn bất kỳ quốc gia nào khác, với con số 40% trong tổng số các vụ tấn công toàn cầu trong quý IV năm 2012. Trong lĩnh vực gián điệp, Trung Quốc chiếm ưu thế. Ước tính có tới 96% các vụ đột nhập mạng lưới để do thám trong năm 2012 là do tin tặc Trung Quốc tiến hành.

9- Banking Vietnam 2014: Tập trung tái cấu trúc hạ tầng công nghệ

Với chủ đề “Tái cấu trúc hạ tầng công nghệ, nâng cao năng lực quản trị rủi ro trong hoạt động ngân hàng,” Hội thảo - Triển lãm Banking Vietnam 2014 (từ 21-22/5) đề cập đến những vấn đề trọng tâm mà lãnh đạo ngân hàng cần trú trọng để xây dựng chiến lược kinh doanh hiệu quả trong môi trường cạnh tranh hiện nay.

Theo các chuyên gia, các dịch vụ tài chính đang trở thành một nguồn doanh thu mới bên cạnh các kênh tín dụng truyền thống. Nắm bắt xu thế này, các ngân hàng đã tích cực đầu tư nâng cấp, ứng dụng công nghệ phát triển các kênh dịch vụ tài chính, ngân hàng hiện đại như Mobile Banking, Internet Banking, SMS Banking, các dịch vụ thẻ.

Tuy nhiên, với nhiều kênh phân phối dịch vụ như hiện nay, khả năng tích hợp và quản lý hiệu quả hệ thống kênh phân phối dịch vụ đa dạng là yếu tố quyết định sự thành bại của một ngân hàng. Khi sử dụng nhiều kênh phân phối, các ngân hàng cần đảm bảo chất lượng dịch vụ đồng nhất trên mọi kênh phân phối để trải nghiệm của khách hàng không bị gián đoạn khi chuyển từ kênh phân phối này sang kênh phân phối khác.

Bên cạnh đó, các tổ chức tài chính, ngân hàng trong khu vực đang đối mặt với sức ép chung khi tình trạng lợi nhuận kinh doanh sụt giảm do những khoản chi phí ngày càng lớn. Bởi vậy, việc triển khai ứng dụng công nghệ mới như chuyển đổi hệ thống ngân hàng lõi, ứng dụng điện toán đám mây, điện toán di động, triển khai mô hình thuê ngoài thông minh… đang là mối quan tâm hàng đầu với các ngân hàng.

10- Hacker Trung Quốc đã giảm các cuộc tấn công website Việt Nam

Trang SecurityDaily cho biết, số lượng các cuộc tấn công của hacker Trung Quốc nhằm vào các website của Việt Nam đã giảm trong những ngày qua. Tuy nhiên, có hơn 20 cuộc tấn công đã được thực hiện bởi các nhóm hacker khác, không phải nhóm 1937cn.net - nhóm đã nhận thực hiện hơn 240 cuộc tấn công website của Việt Nam cách đây 10 ngày trước.

Hiện, trung bình có khoảng 30 website bị tấn công/ngày, tương đương với số cuộc tấn công hồi đầu tháng 5-2014. Nhưng theo các chuyên gia an ninh mạng, các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp không nên chủ quan mà cần tiếp tục chú trọng nâng cấp, tăng tính bảo mật cho website của mình bởi các cuộc tấn công này có thể diễn ra bất cứ khi nào.

Thanh Trà (tổng hợp)