10 sự vụ VT-CNTT nổi bật trong tuần: “Lãnh đạo sở ngành rất kém về CNTT”

09:10, 14/07/2014

Đó là khẳng định của Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Lê Mạnh Hà trong một cuộc họp HĐND vừa mới đây, và đây cũng là sự vụ VT-CNTT nổi bật nhất trong tuần qua.

1- VNPT bàn giao Cty VMS-MobiFone về Bộ TT-TT

Sáng nay 10/7, lễ ký biên bản chuyển giao quyền đại diện chủ sở hữu nhà nước tại Công ty VMS-MobiFone và Học viện BCVT từ VNPT về Bộ TT-TT đã diễn ra tại Hà Nội.

Theo đó, Tập đoàn VNPT bàn giao nguyên trạng tổ chức bộ máy, nhân sự của Công ty VMS-MobiFone và Học viện Công nghệ BCVT về Bộ TT-TT quản lý. Tài sản, công nợ, nguồn vốn của 2 đơn vị này được VNPT bàn giao trên cơ sở báo cáo tài chính 6 tháng đầu năm 2014. Số liệu chính thức được bàn giao sau khi kiểm toán theo quy định.

Thực hiện việc tái cơ cấu, nhiệm vụ đặt ra không chỉ cho Tập đoàn VNPT và hai đơn vị vừa tách ra (MobiFone và Học viện) những thách thức, nhưng cũng sẽ mở ra những cơ hội mới. Với thế mạnh sẵn có, Học viện sẽ thực hiện tốt sứ mệnh phát triển nguồn nhân lực trong giai đoạn mới, tiếp tục khẳng định vị thế là đơn vị đào tạo nghiên cứu chủ lực của ngành TT-TT. Còn MobiFone cũng sẽ chủ động phát triển, trở thành một trong những doanh nghiệp trụ cột trong lĩnh vực VT-CNTT của Việt Nam.

Ngay sau khi Đề án Tái cơ cấu được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, VNPT đã thực hiện tái cơ cấu theo lộ trình, trong đó, việc VMS–Mobifone và Học viện chuyển giao sang Bộ TT-TT sáng nay là một trong các bước đi đầu tiên trong lộ trình.

2- “Lãnh đạo sở ngành rất kém về CNTT

Đó là khẳng định của Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Lê Mạnh Hà trong một cuộc họp HĐND vừa mới đây. Từng giữ chức vụ Giám đốc Sở TT-TT TP.HCM, sau đó đảm nhiệm chức vụ Phó Chủ tịch UBND Thành phố; tại ngày làm việc thứ 3 của kỳ họp HĐND TP.HCM với nội dung giám sát chương trình cải cách hành chính (CCHC) của thành phố trong 3 năm (2011-2013), Phó chủ tịch UBND TP.HCM Lê Mạnh Hà nêu quan điểm: Khả năng ứng dụng CNTT của nhiều lãnh đạo trong thành phố 10 triệu dân này vào loại rất kém so với cả nước. "TP.HCM được trang bị hệ thống CNTT mạnh nhất nước, nhưng buồn là hiểu biết, nhận thức của lãnh đạo các sở, ngành, quận, huyện về lĩnh vực này lại thuộc hàng kém", ông Hà nói.

 

Phó chủ tịch UBND TP HCM Lê Mạnh Hà phát biểu về chương trình cải cách hành chính tại ngày thứ 3, kỳ họp thứ 14, HĐND thành phố khóa 8.

Theo ông Hà, dù tất cả các sở ngành, quận huyện đã được cấp hộp thư điện tử nhưng số người sử dụng chỉ khoảng 40%, trong đó có rất ít người sử dụng thường xuyên. "Hộp thư điện tử là cái đơn giản nhất trong ứng dụng CNTT mà cũng không sử dụng được. Việc này cũng giống như chúng ta được trang bị một chiếc xe hơi rất sang trọng nhưng lại không biết lái, cứ đi bộ đi làm", ông Hà bức xúc.

Cũng theo ông Hà, nếu như trước đây, các doanh nghiệp công ích ứng dụng CNTT tốt, kết nối với UBND thành phố, các sở ngành thì đã không xảy ra vụ lãnh đạo ở các công ty công ích nhận "lương khủng". Bởi kết nối tốt sẽ biết được những bất thường trong chi lương, sử dụng lao động, không bị báo cáo bóp méo.

Việc không ứng dụng tốt CNTT - theo ông Hà, đã dẫn đến hậu quả trễ hạn trong cấp phép đầu tư nước ngoài trung bình là 22 ngày. Trong đó có hồ sơ trễ 222 ngày, thậm chí nhiều hồ sơ trễ hẹn trên một năm. Ông cho rằng, việc này có nguyên nhân do các bộ ngành trung ương chậm trả lời ý kiến của thành phố, trung bình mỗi bộ ngành trên một tháng mới trả lời, thậm chí không trả lời, nên nhiều khi UBND thành phố không hỏi bộ ngành nữa để rút ngắn thời gian.

"Nhưng có nhiều hồ sơ sở còn trễ hơn các bộ ngành, lỗi này hoàn toàn do chính chúng ta. Vì vậy, để CCHC tốt chúng ta phải ứng dụng CNTT", vị phó chủ tịch nói.

Trước ý kiến của Phó chủ tịch Lê Mạnh Hà, Chủ tịch HĐND thành phố Nguyễn Thị Quyết Tâm cho rằng đánh giá này hoàn toàn đúng. Theo bà, ứng dụng CNTT trong CCHC là một yếu tố rất quan trọng, nếu không làm tốt sẽ hạn chế nhiều kết quả. Vì vậy, thành phố cần tập trung hơn trong việc triển khai lĩnh vực này.

3- Đến cuối năm 2014, Việt Nam có khoảng 30 triệu người sử dụng OTT

Đây là thông tin được Bộ trưởng Bộ TT-TT Nguyễn Bắc Son cho biết tại Hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm và triển khai công tác 6 tháng cuối năm 2014.

Ông cho biết, trong thời gian qua, chúng ta có nhiều thông tin về lĩnh vực này. Ngay các nước cũng đã sử dụng OTT khá lớn. Theo thống kê, hiện có 280 triệu người dùng người dùng Viber, trong đó Việt Nam có 12 triệu người sử dụng. Các dịch vụ khác nữa, như Vchat hiện có 600 triệu người sử dụng, Line 400 triệu người sử dụng, riêng Việt Nam 4 triệu người sử dụng; Riêng OTT Việt với tên Zalo cũng thu hút 10 triệu người sử dụng. Theo dự báo, đến cuối năm 2014, sẽ có 30 triệu người Việt Nam sử dụng OTT. 

4- VNPT-I khai trương VPĐD tại Campuchia

Ngày 8/7, Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam - VNPT cho biết, nhằm thực hiện chiến lược tăng cường hợp tác và đầu tư ra nước ngoài, ngày 7/7, Văn phòng đại diện (VPĐD) của Công ty VNPT-I tại Campuchia đã chính thức được khai trương.

 

Ngay tại lễ khai trương, Công ty VNPT-I và các đối tác Campuchia ký kết các hợp đồng.

Tại đây, Công ty VNPT-I và Công ty Telcotech Ltd. Campuchia đã ký kết Hợp đồng hợp tác khung, Trung tâm Viễn thông quốc tế khu vực II cũng đã ký kết hợp đồng cung cấp dịch vụ IPLC giữa với hai đối tác tại Campuchia là Tổng công ty Viễn thông Campuchia (TC) và Công ty MekongNet Campuchia, đồng thời cung cấp dịch vụ cổng IP  với công ty Telcotech Ltd.

Là VPĐD đầu tiên tại khu vực Đông Nam Á, Văn phòng của VNPT-I tại Campuchia được thành lập nhằm thực hiện chiến lược tăng cường hợp tác và đầu tư ra nước ngoài của VNPT. Văn phòng này sẽ là cầu nối cho hoạt động hợp tác kinh doanh giữa các đơn vị thành viên thuộc Tập đoàn VNPT và các đối tác tại Campuchia.

5- Sắp diễn ra Hội thảo Quốc gia về Chính phủ Điện tử 2014

Sự kiện lần thứ 12 này sẽ được tổ chức vào ngày 16-17/7 tại Đà Nẵng với chủ đề “Phát triển Chính phủ điện tử: Hạ tầng thông minh, hành chính hiện đại, nâng cao mức độ hài lòng của người dân và doanh nghiệp”.

Trong tháng 5, Viện Chính phủ điện tử tại Đại học Waseda Tokyo phối hợp với Học viện Quốc tế CIO đã công bố kết quả của cuộc khảo sát xếp hạng chính phủ điện tử năm 2014. Theo đó, Việt Nam xếp hạng 34 trên 61 quốc gia, tăng 3 bậc so với 2013.

Riêng trong khối APEC cũng như trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương, Việt Nam đứng thứ 13; còn tại khu vực Đông Nam Á, Việt Nam xếp thứ 5, sau Singapore, Thái Lan, Malaysia và Indonesia.

Ứng dụng CNTT nhằm cải thiện chất lượng dịch vụ công đã và đang trở thành mối quan tâm hàng đầu của Chính phủ trong những năm gần đây. Xu hướng quản lý nhà nước theo tiêu chí lấy người dân làm trọng tâm càng nhấn mạnh rõ hơn tầm quan trọng của việc ứng dụng CNTT để tăng mức độ hài lòng của người dân đối với Chính phủ. Trong 10 năm qua, Việt Nam đã dành ưu tiên và chủ động thúc đẩy sự phát triển của ngành CNTT-TT tại Việt Nam. Lĩnh vực CNTT-TT đóng vai trò ngày càng quan trọng trong nền kinh tế quốc gia, và được xem là có tiềm năng to lớn góp phần đảm bảo an ninh, quốc phòng cũng như cơ sở hạ tầng, và là một trong những động lực đằng sau sự phát triển kinh tế xã hội của đất nước.

6- Sẽ quản lý dịch vụ OTT để đảm bảo an toàn an ninh thông tin

Cũng tại Hội nghị sơ kết công tác thông tin và truyền thông (TT-TT) 6 tháng đầu năm 2014, Bộ trưởng Bộ TT-TT Nguyễn Bắc Son cho biết: Dịch vụ nhắn tin, gọi điện thoại miễn phí trên môi trường mạng (OTT) đang phát triển khá nóng trong thời gian qua. Bộ trưởng còn cho biết, theo dự báo, cuối năm 2014, sẽ có khoảng 30 triệu người Việt Nam sử dụng OTT.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son, đây là một sự phát triển quá nóng và nếu chúng ta không sớm ban hành các chính sách quản lý phù hợp thì sẽ ảnh hưởng không tốt đến nhà mạng như sử dụng hạ tầng chiếm băng thông, gây nghẽn mạng, gây tốn kém nhà mạng, đồng thời ảnh hưởng an ninh an toàn thông tin, bản quyền, sở hữu trí tuệ.

7- 80% ứng dụng trên App Store của Apple là “ứng dụng ma”

Kho ứng dụng App Store của Apple đã chính thức tròn 6 tuổi vào ngày 10/7, với những con số ấn tượng. Theo Apple, hiện có khoảng 75 tỷ lượt tải từ người dùng trên các ứng dụng cung cấp ở App Store và các nhà phát triển ứng dụng đã nhận được số tiền tổng cộng 15 tỷ USD từ những sản phẩm của họ.

Tuy nhiên, bên cạnh những con số “đẹp đẽ” đó, App Store cũng có những “mặt trái” không đáng có.

Theo một nghiên cứu vừa được hãng phân tích thị trường di động Adjust thực hiện về vòng đời của các ứng dụng iOS trên App Store, có đến 80% trong tổng số 1,2 triệu ứng dụng trên App Store là những ứng dụng “chỉ để cho có”, và hầu như chưa hề nhận được bất kỳ lượt tải nào từ phía người dùng. Adjust đã sử dụng thuật ngữ “ứng dụng ma” để mô tả những ứng dụng mà không hề nhận được bất kỳ sự chú ý nào trên App Store. Theo Adjust, trong tháng 6 vừa qua, 953.387 trong tổng số 1.197.087 ứng dụng trên App Store là các ứng dụng ma (chiếm 80%), tăng hơn so với tỷ lệ 75% trong tháng 12 năm ngoái và tỷ lệ 70% vào tháng 6/2013.

Mặc dù tỷ lệ này rất cao, nhưng không phải các “ứng dụng ma” đều là những ứng dụng rác và “không đáng sử dụng đến”. Trên thực tế, việc quảng bá các ứng dụng trên App Store đến với người dùng vẫn còn là một bước khó khăn đối với không ít nhà phát triển.

Hiện có khoảng 60.000 ứng dụng mới được thêm vào App Store mỗi tháng. Điều này càng khiến cho các ứng dụng khó cạnh tranh. Theo Adjust, chỉ có khoảng 1/5 số ứng dụng mới trong tháng 6 được biết đến và có người cài đặt.

Hiện App Store đang là kho ứng dụng di động có quy mô lớn thứ 2 trên toàn cầu, xếp sau kho ứng dụng Google Play dành cho nền tảng Android của Google, cả về số lượng ứng dụng lẫn số lượt tải và doanh thu dành cho các nhà phát triển ứng dụng.

8- Hợp tác phát triển CNTT-TT Việt Nam lần thứ 18

Hội thảo Hợp tác phát triển công nghệ thông tin - truyền thông Việt Nam lần thứ 18 do Bộ Thông tin và Truyền thông, Hội Tin học Việt Nam và UBND tỉnh Quảng Ninh phối hợp sẽ được tổ chức từ ngày 28 – 30/8/2014, tại tỉnh Quảng Ninh.

Với chủ đề “Chính quyền điện tử: Hỗ trợ cải cách hành chính, nâng cao năng lực cạnh tranh và thu hút đầu tư”, hội thảo sẽ thu hút khoảng 600 đại biểu trong cả nước tham dự. Hội thảo tập trung vào các vấn đề: Hiện trạng và định hướng phát triển Chính phủ điện tử tại Việt Nam; Ứng dụng công nghệ thông tin - truyền thông trong nâng cao cạnh tranh, thu hút đầu tư; Phương thức “Lãnh đạo công-quản trị tư”, “Đầu tư công - quản lý tư” đối với các dự án, công trình thuộc lĩnh vực CNTT…

9- Phát hiện hàng loạt PM nghe lén khác

Trong buổi giao lưu trực tuyến “Điện thoại thông minh và nỗi lo bị nghe lén” hôm (8/7), ông Ngô Tuấn Anh, Phó Chủ tịch phụ trách an ninh mạng thuộc Công ty BKAV cho biết, ngoài phần mềm Ptracker của Công ty Việt Hồng, chạy trên hệ điều hành Android (đã bị các cơ quan chức năng phát hiện và bắt giữ), trên các trang mạng, nhiều phần mềm nghe lén tương tự cũng có rất nhiều, kể cả các hệ điều hành khác ngoài Android, là nguy cơ cho các dòng điện thoại thông minh.

Cụ thể, theo ông Ngô Tuấn Anh, ngoài phần mềm Ptracker - chỉ chạy trên hệ điều hành Android (của Cty Việt Hồng), trên các hệ điều hành khác như iOS đã jailbreak, các phần mềm nghe lén cũng có rất nhiều. Ngay iOS chưa jailbreak cũng có khả năng bị nghe lén. Virus sẽ tự động jailbreak trước, sau đó cài đặt phần mềm nghe lén lên.

Hiện, chỉ cần tìm kiếm với từ khóa “phần mềm nghe lén” là có thể dễ dàng thấy hàng loạt các ứng dụng hiện ra, như Cell Tracker, Children Tracker, Ear Spy, Mobile Hidden Camera… Ông Tuấn Anh cho biết thêm, những phần mềm này không khó để viết ra, do vậy số lượng ngày nhiều.

Theo các chuyên gia, trên đường truyền sử dụng các ứng dụng OTT cũng bị nguy cơ nghe lén, bởi về kỹ thuật là tương tự như nghe lén trên các ứng dụng VoiP. Đây là bài toán về bảo vệ dữ liệu trên đường truyền Internet. Thế nên những người dùng OTT để thông tin với nhau cũng không tránh khỏi nguy cơ này. Ngoài ra, dữ liệu cuộc gọi OTT sẽ được lưu trên máy chủ của nhà cung cấp dịch vụ OTT. Việc bảo vệ những dữ liệu này là trách nhiệm của nhà cung cấp dịch vụ OTT và phụ thuộc vào khả năng công nghệ của từng nhà mạng di động.

Ngoài ra, có nhiều cách để tin tặc lấy được tài khoản của người dùng, như sử dụng phần mềm ghi lại thao tác bàn phím (kelogger) để lấy cắp thông tin đăng nhập, lừa đăng nhập vào các trang web giả mạo… Rồi do người dùng sử dụng chung 1 mật khẩu cho nhiều tài khoản, mật khẩu yếu, viết mật khẩu ra giấy, sử dụng chung máy tính v.v.

10- VinaPhone ra mắt “Gói cước biển đảo”

Để hỗ trợ ngư dân yên tâm bám biển, giữ vững ngư trường và thuận tiện trong việc liên lạc với người thân, ngày 7/7, VinaPhone đã cho ra gói cước “Gói cước biển đảo”.

Sử dụng gói cước biển đảo, ngư dân sẽ được cung cấp các gói thông tin miễn phí về thời tiết biển (dự báo thời tiết biển trong ngày) và Biển đảo Việt Nam (thông tin về tình hình an ninh, trật tự biển Đông và các tỉnh ven biển…), theo đó nhà mạng đã hỗ trợ ngư dân bám biển, giữ vững ngư trường.

Kích hoạt sử dụng, ngư dân sẽ được hưởng khuyến mãi đặc biệt, như tặng ngay 50.000 đồng sau khi kích hoạt, 30.000 đồng/tháng trong 11 tháng tiếp theo và mỗi tháng còn được tặng 50MB Data. Ngoài ra, còn có những ưu đãi khác đi kèm như: tặng 100% giá trị cho thẻ nạp đầu tiên, 50% giá trị cho 5 thẻ kế tiếp và thời gian sử dụng được khuyến mãi là 180 ngày.

Nếu đăng ký gọi theo nhóm, người dùng sẽ được hưởng mức cước rẻ nhất với 345 đồng/phút và được miễn phí 3 tháng cước thuê bao. Để đăng ký gọi nhóm, soạn tin CDBD gửi 900. Ngoài ra, trong các trường hợp cần thông báo tin tức khẩn cấp cho nhau, tính năng gửi SMS nhóm sẽ hỗ trợ đắc lực cho các ngư dân - mỗi nhóm thuê bao được đăng ký tối đa 30 thành viên với cước thuê bao 5.000 đồng/tháng.

Hiện, VinaPhone đã lắp đặt hơn 1.000 trạm thu phát sóng dọc bờ biển và các hải đảo. Các trạm thu phát sóng này có độ phủ sóng xa tới 40 hải lý.   

Thanh Trà (tổng hợp)