10 sự vụ VT-CNTT nổi bật trong tuần: Thủ tướng phê duyệt Đề án tái cơ cấu VNPT
Trong tuần thứ 24 (từ 9/6-15/6/2014), sự vụ VT-CNTT nổi bật là việc Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt Đề án tái cơ cấu Tập đoàn VNPT.
- 10 sự vụ VT-CNTT nổi bật trong tuần: Nguyễn Hà Đông sẽ kiện các “game nhái”
- 10 sự vụ VT-CNTT nổi bật trong tuần: Giải thưởng Nhân tài Đất Việt 2014 bước sang năm thứ 10
- 10 sự vụ VTCNTT nổi bật trong tuần: Cái tên Nguyễn Hà Đông vẫn có sức ảnh hưởng lớn
- 10 sự vụ VT-CNTT nổi bật trong tuần: Tin tặc Trung Quốc tấn công trang web, máy tính ở Việt Nam
- 10 sự vụ VT-CNTT nổi bật trong tuần: Cứ 2 giờ lại có 1 website Việt Nam bị tin tặc kiểm soát
- 10 sự vụ VT-CNTT nổi bật trong tuần: Cô gái Canada gốc Việt được Tạp chí Forbes vinh danh
- 10 sự vụ VT-CNTT nổi bật trong tuần: Tốc độ Internet của Việt Nam?
- 10 sự vụ VT-CNTT nổi bật trong tuần: 7 xu hướng công nghệ đang làm thay đổi kinh tế toàn cầu
- Tìm hiểu về một số công nghệ Pin
1- Năm 2020 sẽ thiếu 400.000 nhân lực CNTT
Số liệu được Bộ TT-TT cho biết tại hội thảo “Phát triển nguồn nhân lực CNTT: Chuẩn hóa kỹ năng nhân lực CNTT” cuối tuần qua.
Theo dự báo, vào năm 2020, Việt Nam sẽ thiếu khoảng 400.000 nhân lực CNTT.
Đại diện Vụ CNTT, Bộ TT-TT khẳng định, nguồn nhân lực CNTT tại Việt Nam hiện nay có số lượng hạn chế. Dự kiến đến năm 2020 nhu cầu về nguồn nhân lực CNTT lên tới 600.000 người nhưng hiện chỉ có 2/3 số trường đại học (trong số 400 trường) có đào tạo ngành này và đáp ứng được hơn 60% nhu cầu. Với tốc độ phát triển như hiện nay, dự báo chúng ta sẽ thiếu đến 400.000 nhân lực CNTT vào năm 2020.
Cạnh đó, chất lượng nguồn nhân lực hiện nay cũng yếu. Theo điều tra của Vụ CNTT, khối xã, phường tại Hà Nội chỉ có 23,6% đơn vị có nhân lực CNTT đạt mức trung bình trở lên. Còn Global Cybersoft đã tiến hành các cuộc phỏng vấn hàng năm cho thấy, trong 20% - 25% nhân lực CNTT, chỉ 10% đáp ứng được yêu cầu.
Trước thực tế này, Vụ CNTT cho biết, Vụ đang soạn thảo và sớm ra mắt thông tư về chuẩn kỹ năng dành cho những người làm việc trong ngành CNTT. Sẽ có hai chuẩn kỹ năng, đó là chuẩn kỹ năng sử dụng CNTT và chuẩn kỹ năng CNTT chuyên nghiệp (ở mức cao hơn) và được phân loại vào 18 nghề CNTT chuyên nghiệp.
Dự kiến, chuẩn kỹ năng CNTT sẽ là bắt buộc áp dụng đối với các doanh nghiệp, cơ quan nhà nước; còn đối với các ngành nghề khác trong xã hội sẽ mang tính tham khảo.
2- Điện toán đám mây sẽ hỗ trợ cho phát triển CPĐT tại Việt Nam
Hội thảo “Nền tảng mở của Microsoft và Điện toán đám mây” tổ chức ngày 12/6 tại Hà Nội, đã mang đến các giải pháp ưu việt, hướng tới việc xây dựng Chính phủ điện tử (CPĐT) trên nền tảng đám mây nguồn mở, coi đây là chiến lược đột phá với ưu tiên trong tiến trình phát triển CPĐT tại Việt Nam giai đoạn mới.
Đây được coi là nền tảng để Việt Nam tiếp tục triển khai các hệ thống lớn thuộc CPĐT trên phạm vi toàn quốc, như các cơ sở dữ liệu quốc gia, hệ thống thư điện tử quốc gia, hệ thống trao đổi văn bản điện tử tích hợp toàn quốc…
“Điện toán đám mây có tầm ảnh hưởng rộng lớn tới nền CNTT truyền thống và đang được coi là một trong những xu hướng chủ đạo đối với ngành CNTT toàn cầu. Khác với môi trường điện toán truyền thống, điện toán đám mây đang mở ra nhiều cơ hội mới cho tổ chức, cơ quan sử dụng: đem lại hiệu quả to lớn về mặt quản lý điều hành, tiết kiệm chi phí đầu tư, năng cao năng lực quản lý điều hành của tổ chức, doanh nghiệp. Bên cạnh việc đem lại hiệu quả, vẫn còn nhiều thách thức liên quan đến bảo mật dữ liệu, tính riêng tư, quyền kiểm soát, việc tuân thủ quy định pháp lý, chất lượng dịch vụ, quyền lợi và trách nhiệm của các bên tham gia. Chúng tôi hy vọng các chuyên gia sẽ làm rõ hơn các khó khăn, thách thức nhằm đưa ra các giải pháp thúc đẩy phát triển điện toán đám mây tại Việt Nam”, đại diện Vụ CNTT chia sẻ tại Hội thảo.
Những đột phá trong các giải pháp công nghệ nền tảng mở sẽ mở đường cho sự phát triển của các trung tâm dữ liệu đám mây hiện đại. Sự linh hoạt, tính bảo mật, cùng tốc độ phân tích và xử lý thông tin ở mức độ cao, cũng như đảm bảo quy trình báo cáo liên tục và kịp thời của các giải pháp sẽ đóng góp vào quá trình ra quyết định của các cấp quản lý, xây dựng tầm nhìn chiến lược cho sự phát triển của CPĐT, hướng đến mục tiêu cuối cùng là đem lại lợi ích lớn hơn cho công dân trong quá trình sử dụng các dịch vụ công năng động và thông minh.
3- Cảnh giác với mã độc gửi SMS tới đầu số tính phí
Người sử dụng smartphone có thể dễ dàng bị mất tiền do bất cẩn khi tải ứng dụng trò chơi giả mạo. Khi đó, điện thoại của họ sẽ tự động gửi tin nhắn và giá cho mỗi tin nhắn này lên tới 15.000 đồng.
Theo giới công nghệ, đây là cách thức khá phổ biến hiện nay để giới hacker thu lợi bất chính. Đã có những cảnh báo về việc nó đang trở thành một “ngành công nghiệp” gây nguy hiểm cho người sử dụng. Kẻ xấu có thể tự viết ra một ứng dụng trò chơi giả mạo có gắn mã độc chỉ trong 10 giây, trong khi để viết được một ứng dụng trò chơi phổ biến trên smartphone, có thể mất 2 - 3 năm để thiết kế và xây dựng.
Theo thống kê của BKAV, các ứng dụng mã độc đã móc túi người tiêu dùng khoảng 3,9 tỷ đồng mỗi ngày, tức là khoảng hơn 1.400 tỷ đồng mỗi năm và vẫn còn tiếp tục tăng chóng mặt. Mối nguy hại khôn lường nhưng phần lớn người sử dụng điện thoại thông minh hiện nay chẳng bao giờ để ý liệu máy của mình có bị nhiễm mã độc hay không.
Phó Chủ tịch phát triển công nghệ BKAV, ông Vũ Ngọc Sơn cho biết: “Mã độc xuất hiện trong 5 tháng đầu năm chiếm 40%. Người sử dụng cài nhầm, không thể biết được vì mã độc gửi tin nhắn âm thầm, mỗi lần trừ 15.000 đồng và sau đó vẫn chạy ứng dụng như bình thường”.
Cũng theo ông Sơn, người dùng nên tự cảnh giác, tải phần mềm từ nguồn chính thống và nên cài phần mềm an ninh cho thiết bị smartphone của mình.
4- AppSync - Phần mềm quản lý ứng dụng trên Mobile thuần Việt đầu tiên
AppSync là phần mềm thuần Việt đầu tiên giúp người dùng quản lý, sao lưu ứng dụng, danh bạ cũng như dữ liệu trên thiết bị di động một cách nhanh chóng, hiệu quả và chuyên nghiệp, vừa được ra mắt đầu tháng 6.
Giao diện tiếng Việt dễ hiểu và dễ sử dụng của AppSync.
Đại diện truyền thông của AppSync - mWork cho biết “sau một thời gian tham gia phân phối phát triển các ứng dụng trên thiết bị di động, chúng tôi nhận thấy có một vấn đề lớn đối với thị trường, đó là việc người dùng cũng như các cửa hàng điện thoại, hệ thống bán lẻ đang phải tiêu tốn nhiều thời gian để cài đặt, sao lưu các ứng dụng, game, dữ liệu trên các thiết bị”.
Theo khảo sát của AppSync tại một số cửa hàng ở Hà Nội, một kỹ thuật viên thường phải mất từ 15 đến 30 phút để thiết lập, cài đặt các ứng dụng, game phổ biến cho một thiết bị (mới) bán ra. Chưa kể, do tính đa dạng của chủng loại thiết bị trên thị trường, nhiều người, thậm chí kỹ thuật viên lâu năm cũng phải loay hoay để sao lưu danh bạ từ thiết bị cũ sang thiết bị mới, nhưng đôi khi vẫn làm mất luôn danh bạ của khách.
Với AppSync, chỉ cần vài click chuột là đã có thể sao lưu danh bạ, chuyển sang máy mới. Việc cài đặt các ứng dụng, trò chơi mới, phổ biến cũng chỉ mất chưa đầy 30 giây. Thế nên AppSync sẽ hỗ trợ trong việc cài đặt máy mới tại các hệ thống cửa hàng kinh doanh thiết bị di động. Tối đa chỉ mất khoảng 1-2 phút để có thể thực hiện việc cài đặt máy mới với hàng chục ứng dụng, game phổ biến cho khách hàng.
AppSync hiện là phần mềm thuần Việt đầu tiên trong phân khúc này, đồng thời lại hỗ trợ nhận diện tự động tới 99% các thiết bị mobile đang có trên thị trường, theo AppSync.
AppSync là phần mềm do công ty CP mWork phát triển. Người dùng có thể tải miễn phí tại địa chỉ website chính thức www.AppSync.vn. Theo kế hoạch trong tháng 7 AppSync sẽ phát hành phiên bản hỗ trợ hệ điều hành iOS và ngay sau đó là Windows Phone.
5- VNPT thực hiện 523 triệu tin nhắn kêu gọi của Thủ tướng
Tại Hội nghị giao ban Quản lý nhà nước ngành TT-TT tháng 5, Tổng giám đốc Tập đoàn VNPT Trần Mạnh Hùng đac cho biết con số này.
Theo ông Hùng, trong tháng 5, Tập đoàn VNPT đã tập trung khẩn trương chỉ đạo MobiFone, Vinaphone thực hiện nhắn tin Công điện ngày 15/5/2014 của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng: “Mọi người Việt Nam góp phần cùng cả nước bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc theo đúng luật pháp của nước ta và luật pháp quốc tế không có những hành động vi phạm pháp luật, không nghe theo kẻ xấu, cùng nhau giữ gìn an ninh trật tự, đoàn kết giúp đỡ nhau phát triển sản xuất kinh doanh, nâng cao đời sống”. Công tác nhắn tin được Vinaphone, MobiFone thực hiện trong 2 đợt trong 3 ngày 15, 16 và 17 với tổng số tin nhắn là 523 triệu tin nhắn, với tổng chi phí 151 tỷ đồng.
Còn Bộ trưởng Bộ TT-TT Nguyễn Bắc Son cũng cho biết, việc thực hiện nhắn tin công điện của Thủ tướng đã đạt được sự lan truyền cho đông đảo quần chúng, biểu dương các nhà mạng đã thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng về thực hiện đảm bảo giữ gìn an ninh trật tự.
6- VinaPhone, Vietcombank và M_Service thử nghiệm dịch vụ ví MoMo
Ứng dụng tài chính này cho phép người sử dụng smartphone chuyển/nhận tiền thời gian thực qua điện thoại di động VinaPhone và đây là mô hình đầu tiên, kết hợp giữa dịch vụ trực tuyến (online) và cửa hàng vật lý (offline) của Công ty M_Service, mạng Vinaphone và ngân hàng Vietcombank, nhằm chuyển/nhận tiền trên điện thoại di động.
Các tính năng nổi bật của ứng dụng ví MoMo gồm: Nạp/rút tiền; chuyển/nhận tiền; thanh toán; nạp tiền điện thoại; xem lịch sử giao dịch và tìm điểm giao dịch. Các tính năng này được thiết kế thân thiện và dễ sử dụng, giúp người dùng dễ dàng lựa chọn và thực hiện giao dịch của mình chỉ với 1 cú chạm (touch).
Tiền trong tài khoản ví MoMo là tiền điên tử, có giá trị tương đương với tiền mặt và được bảo chứng 100% tại ngân hàng Vietcombank. Ví MoMo được cấp phép hoạt động bởi Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và tuân thủ các qui định của Nhà nước.
Ví điện tử MoMo rất thích hợp cho việc thanh toán các khoản tiền điện, nước, internet, điện thoại, truyền hình cáp… hàng tháng của các hộ gia đình.
Ngoài ra, thuê bao VinaPhone sử dụng ví MoMo có thể dùng để nạp tiền điện thoại cho các máy điện thoại khác trong cùng mạng (VinaPhone) hay khác mạng, như Mobifone, Viettel, Vietnamobile... với đầy đủ các mệnh giá thẻ của các nhà mạng. Đặc biệt, khi nạp tiền điện thoại bằng ví MoMo, người dùng được chiết khấu ngay 5% giá trị thẻ nạp.
Người dùng dịch vụ ví MoMo có thể nạp tiền (vào ví) miễn phí tại hơn 2000 điểm giao dịch MoMo trên toàn quốc. Ngoài ra, còn có thể nạp tiền tại các điểm giao dịch của Vietcombank, hoặc chuyển khoản từ ngân hàng này vào ví MoMo của mình.
Ứng dụng MoMo chuyển nhận tiền hiện đã có cho các smartphone sử dụng hệ điều hành Android 4.0 trở lên và đã có mặt trên kho ứng dụng của Google Play từ ngày 24/5/2014. Dự kiến, ngày 15/6/2014, ứng dụng cũng sẽ có mặt trên Apple Store và trong quý 3 năm 2014, dịch vụ ví MoMo sẽ ra mắt trên các điện thoại có hệ điều hành Windows Phone.
Ví MoMo thực sự tạo thêm tiện ích cho người dùng trong các dịch vụ ngân hàng. Ngoài ra, sự kết hợp giữa ngân hàng và nhà mạng viễn thông còn tạo điều kiện cho những người thu nhập thấp, đặc biệt là những lao động di cư có nhu cầu gửi tiền về quê ở vùng sâu, vùng xa có khả năng tiếp cận với dịch vụ tài chính với chi phí thấp nhất.
7- Phủ sóng Wi-Fi miễn phí trên địa bàn thành phố Bắc Ninh
Ngày 11/6, UBND tỉnh Bắc Ninh đã phê duyệt đề án “Phủ sóng Wi-Fi miễn phí trên địa bàn thành phố Bắc Ninh” do VNPT Bắc Ninh đầu tư thực hiện.
Tổng kinh phí thực hiện đề án khoảng 10 tỷ đồng, do VNPT Bắc Ninh đầu tư, trong đó chi phí lắp đặt hơn 8,7 tỷ đồng, còn lại chi phí xây dựng, lắp đặt, kết nối, đào tạo, quản lý dự án… UBND tỉnh Bắc Ninh hỗ trợ kinh phí 150 triệu đồng/tháng để duy trì dịch vụ trong vòng 5 năm.
Theo đề án, sẽ có 50 điểm và khu vực sóng Wi-Fi, trong đó 16 điểm gồm khu vực ngoài trời thuộc các cơ quan, đơn vị của Đảng và Nhà nước thuộc tỉnh, thành phố và một số khu vực công cộng được sử dụng Wi-Fi hoàn toàn miễn phí. Các điểm còn lại phục vụ người dùng thẻ nhằm phục vụ nhu cầu truy cập thông tin qua Internet không dây thuận lợi cho cơ quan, tổ chức, nhà đầu tư, người dân, du khách.
Riêng đối với người sử dụng truy cập vào các trang, là Cổng thông tin của Chính phủ và của tỉnh Bắc Ninh tại tất cả các điểm (50/50 điểm và khu vực) đều được miễn phí.
VNPT Bắc Ninh sẽ cung cấp miễn phí khoảng 600 tài khoản truy nhập thông qua thẻ cào có mệnh giá 100.000 - 300.000 đồng/tháng cho một số cơ quan, đơn vị trên địa bàn thành phố, đoàn du khách sử dụng nhằm thúc đẩy ứng dụng CNTT và kích cầu du lịch.
Đề án được đưa vào thử nghiệm trong quý 4/2014 và đưa vào khai thác chính thức sau ngày 31/12/2014.
Trước đó, VNPT nhiều địa phương ở Quảng Nam, Đà Nẵng, Huế, Quảng Ninh... đã triển khai việc phủ sóng Wi-Fi miễn phí tại các điểm du lịch và thành phố của đia phương, nhằm hỗ trợ người dân và du khách trong việc truy cập mạng Internet.
8- Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án tái cơ cấu Tập đoàn VNPT
Ngày 10/6/2014, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 888/QĐ-TTg, phê duyệt Đề án tái cơ cấu Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) giai đoạn 2014 - 2015.
Đề án tái cơ cấu Tập đoàn VNPT vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Quyết định nêu, việc tái cơ cấu là nhằm mục tiêu tiếp tục phát triển VNPT, tập trung vào các lĩnh vực SXKD các sản phẩm, dịch vụ VT-CNTT, truyền thông đa phương tiện, giữ vai trò chủ lực trong ngành viễn thông Việt Nam, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội, đảm bảo an ninh, quốc phòng, thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước…
Theo đó, việc tổ chức sắp xếp sẽ điều chuyển nguyên trạng VMS (Mobifone), Bưu điện Trung ương, Học viện CN BCVT về Bộ TT-TT quản lý; đồng thời điều chuyển các bệnh viện đa khoa, bệnh viện điều dưỡng và phục hồi chức năng, cùng hầu hết các trường trung học BCVT và CNTT về các địa phương quản lý.
Cơ cấu của VNPT sau khi sắp xếp, tổ chức lại sẽ có: 03 công ty con là VNPT - VinaPhone, VNPT - Media và VNPT - Technology; 18 công ty do VNPT nắm dưới 50% vốn điều lệ; 66 đơn vị hạch toán phụ thuộc gồm Công ty Hạ tầng mạng (VNPT - Net), Trung tâm Nghiên cứu Phát triển (VNPT - RD), Trường Trung học BCVT và CNTT 2, cùng với 63 Viễn thông tỉnh, thành phố.
Phần tổ chức thực hiện, theo Quyết định, Hội đồng Thành viên VNPT triển khai phương án tổ chức lại SXKD, tái cấu trúc và sắp xếp lại các đơn vị theo các điều khoản cụ thể, chi tiết đã nêu và định kỳ báo cáo Bộ TT-TT, Bộ Tài chính, Ban chỉ đạo Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp trong quá trình thực hiện Đề án.
9- VNPT Tiền Giang xây dựng Cổng thông tin điện tử cho tỉnh Tiền Giang
Cổng thông tin điện tử (TTĐT) tỉnh Tiền Giang là kết quả của sự hợp tác giữa UBND tỉnh Tiền Giang với Tập đoàn VNPT.
Theo bản ký kết “Hợp tác chiến lược về Viễn thông - CNTT giữa tỉnh Tiền Giang và Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam giai đoạn 2014 - 2020”, được thực hiện vào ngày 7/4/2014 tại Hà Nội, VNPT Tiền Giang là đơn vị triển khai ứng dụng CNTT và xây dựng hoàn tất Cổng TTĐT Tiền Giang.
VNPT Tiền Giang đã nhanh chóng phối hợp với Sở TT-TT, Văn phòng UBND tỉnh cùng các Sở, Ngành có liên quan tham mưu UBND tỉnh triển khai xây dựng Cổng TTĐT với 1 cổng chính và 35 cổng thành phần, trên cơ sở kế thừa toàn bộ thông tin từ các trang thông tin hiện có.
Ngày 12/6, UBND tỉnh Tiền Giang chính thức cho ra mắt Cổng TTĐT của tỉnh. Đến dự Lễ ra mắt có Cục trưởng Cục Công tác phía Nam - Bộ TT-TT Nguyễn Đình Tạo; Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang Trần Thanh Đức; Phó Tổng giám đốc Tập đoàn VNPT, Giám đốc VNPT TP.HCM Phạm Đức Long; Lãnh đạo VNPT Tiền Giang cùng đại diện các Sở, Ngành liên quan.
Cổng TTĐT tỉnh Tiền Giang đáp ứng các yêu cầu cung cấp và hỗ trợ thông tin cũng như việc kết nối giữa chính quyền tỉnh Tiền Giang với người dân và doanh nghiệp.
Trong vòng chưa đầy 2 tháng (từ ngày 16/4 - 12/6/2014), các khâu quan trọng như: Thu thập thông tin và xây dựng phương án kỹ thuật triển khai; Chuyển đổi dữ liệu từ trang thông tin điện tử cũ sang cổng chính và thiết lập trang mới cho các cổng thành phần; Rà soát nội dung thông tin trên các cổng; Mở 2 lớp tập huấn cho quản trị mạng của các đơn vị có cổng thành phần về công tác quản trị, cập nhật, rà soát hiệu chỉnh nội dung thông tin các cổng thành phần… đã được VNPT Tiền Giang hoàn thành tốt. Trong đó, công tác chuyển đổi các dữ liệu từ trang thông tin điện tử cũ sang cổng chính mới gặp khó khăn và chiếm nhiều thời gian nhất, bởi phải đồng thời đảm bảo cả 2 yếu tố: cổng cũ vẫn hoạt động, không bị gián đoạn trong thời gian chuyển đổi và khi chuyển đổi phải phù hợp, chạy tốt trên hệ thống mới, nhưng đã được đơn vị thực hiện thành công.
Với thành công của Cổng TTĐT này, VNPT Tiền Giang đã đóng góp quan trọng vào việc đổi mới và nâng cao hiệu lực, hiệu quả của bộ máy nhà nước, chất lượng công vụ, tối ưu hóa việc sử dụng các nguồn lực thông tin… của tỉnh, giúp tỉnh có nền hành chính minh bạch hiện đại, mang ý nghĩa thiết thực đến người dân, doanh nghiệp cũng như hiện thực hoá những cam kết hợp tác giữa VNPT và UBND tỉnh Tiền Giang.
Cổng TTĐT Tiền Giang đã tạo ra kênh giao tiếp tiện lợi giữa: chính quyền với người dân (G2C), chính quyền với doanh nghiệp (G2B), đồng thời hỗ trợ cho mảng thông tin nội bộ của chính quyền (G2G) với tất cả các cổng thành phần, tích hợp dịch vụ công trực tuyến bằng phần mềm một cửa điện tử, triển khai chữ ký số…
10- 6 tháng đầu năm 2014: 2.117 lượt địa chỉ IP của các CQNN bị nhiễm mã độc
Trong một cuộc họp ngày 12/6 về công tác An toàn thông tin, ông Vũ Quốc Khánh, Giám đốc Trung tâm ứng cứu khẩn cấp sự cố máy tính (VNCERT) cho biết, trong thời gian từ 30/12/2013 đến 10/6/2014, VNCERT đã ghi nhận 405 sự cố Phishing, xử lý được 250 sự cố; 648 sự cố Deface (72 sự cố liên quan đến tên miền gov.vn), xử lý được 34 sự cố .gov.vn và 281 tên miền khác, 345 sự cố malware (xử lý được 147 sự cố). Đã cảnh báo xử lý 2.117 lượt địa chỉ IP của các cơ quan nhà nước bị nhiễm mã độc botnet.
Đối với tin nhắn rác và thư rác, theo ông Khánh, tình trạng phát tán tin nhắn rác và số vụ phản ánh của người dùng khiếu nại về tin nhắn rác trong dịp Tết năm nay đã giảm nhiều lần so với năm ngoái. Tuy nhiên, có sự gia tăng tin nhắn rác có nội dung lừa đảo dụ dỗ người dùng gọi điện tới tổng đài 1900. Trong 6 tháng đầu năm 2014, các doanh nghiệp di động đã phát hiện được 12.256 thông điệp với hơn 34 triệu tin nhắn quảng cáo vi phạm.
Phát biểu kết luận cuộc họp, Thứ trưởng Bộ TT-TT Nguyễn Minh Hồng đánh giá cao hoạt động của VNCERT trong việc đảm bảo an toàn thông tin cho hệ thống thông tin của các cơ quan nhà nước, tổ chức, doanh nghiệp trên phạm vi toàn quốc. Ông Hồng cũng yêu cầu VNCERT thực hiện chỉ đạo của Bộ trưởng về việc triển khai công tác báo cáo về tình hình an toàn thông tin 15 ngày/lần, đồng thời khẩn trương báo cáo tổng hợp về tình hình an toàn thông tin trong 6 tháng đầu năm 2014.
Thanh Trà (tổng hợp)