12 cách toà soạn khai thác AI để tăng hiệu quả hoạt động (Phần 2)
Hiện nay có rất nhiều công cụ AI hỗ trợ các tổ chức tin tức, cơ quan báo chí, nhà báo hoạt động và tác nghiệp hiệu quả.
7. Tóm tắt bài viết nhờ AI
AI ngày càng được sử dụng nhiều hơn để tóm tắt các bài viết, cung cấp cho độc giả những nội dung chính của bài viết nhanh chóng mà không bị bỏ sót thông tin cần thiết.
Một ví dụ nổi bật là Minutes by Nikkei của hãng tin Nhật Bản Nikkei. Mỗi ngày có 3 bản tóm tắt của 3 bài viết được xuất bản với sự hỗ trợ của AI. Các bản tóm tắt bài viết tập trung vào các tin tức kinh doanh thiết yếu và được viết lại một cách dễ hiểu.
Cốt lõi của Minutes by Nikkei là một công cụ AI nội bộ có tên là Nikkei Tailor. Giải pháp AI này hợp lý hóa quy trình viết tóm tắt bằng cách truy xuất các bài viết có liên quan, tóm tắt các điểm chính và viết lại các bài viết theo phong cách dễ tiếp cận, phù hợp với người đọc hiện đại.
Toàn bộ quy trình được thực hiện tự động, đảm bảo tin tức được tối ưu hóa cho việc đọc trên thiết bị di động và thiết bị số. Điều này đã giúp giảm 50% giờ làm việc, cho phép các biên tập viên tập trung vào việc biên tập và kiểm soát chất lượng.
Tương tự như vậy, tờ báo Argentina Clarín, tờ báo lớn nhất trên thế giới và là tờ báo được phát hành nhiều thứ hai trong các nước nói tiếng Tây Ban Nha, đã giới thiệu một trợ lý đọc được hỗ trợ bởi AI có tên là UalterAI.
Công cụ này tăng cường sự tham gia của độc giả bằng cách cung cấp nhiều định dạng cho các bài viết, bao gồm các bản tóm tắt do AI tạo ra, thường chỉ dài bằng 20% độ dài của bài viết gốc.
UalterAI cho phép độc giả lựa chọn 6 định dạng khác nhau như tường thuật theo trình tự thời gian, điểm nổi bật, bảng dữ liệu và câu hỏi thường gặp, đáp ứng các sở thích đọc đa dạng và tăng cường khả năng truy cập. Kết quả ban đầu cho thấy khoảng 30% độc giả đã truy cập các tính năng của UalterAI, trong đó tóm tắt là tính năng được sử dụng nhiều nhất.
Một ví dụ về bài viết thể thao được tóm tắt bởi UalterAI.
Norwegian Broadcasting Corporation (NRK) (Na Uy) cũng đã sử dụng các bản tóm tắt do AI tạo ra để thu hút khán giả trẻ tuổi. Công cụ của NRK đưa ra các bản tóm tắt dạng gạch đầu dòng ngắn gọn xuất hiện bên dưới tiêu đề bài viết, cho phép độc giả xem nhanh trước khi đi sâu vào toàn văn bài viết.
Dữ liệu sơ bộ cho thấy tỷ lệ nhấp chuột là 19% đối với những độc giả mở rộng các bản tóm tắt này và dành gần gấp đôi thời gian cho các bài viết so với những độc giả không tương tác.
Các nghiên cứu điển hình này cho thấy các bản tóm tắt do AI hỗ trợ, nâng cao hiệu quả và cho phép các tổ chức truyền thông điều chỉnh nội dung theo nhu cầu cụ thể của đối tượng độc giả, tạo ra trải nghiệm tin tức cá thể hóa và phù hợp hơn.
8. Kiểm tra thông tin và kiểm soát chất lượng bằng AI
Các thông tin do AI tạo ra cũng dẫn tới những rủi ro như không chính xác và "ảo giác". Để giải quyết vấn đề này, Phòng thí nghiệm AI + Tự động hóa tại Bayerischer Rundfunk (BR) đã phát triển Second Opinion, một công cụ được thiết kế để xác minh xem các bản tin do AI tạo ra có khớp với văn bản gốc hay không.
Công cụ kiểm soát chất lượng này giúp đảm bảo tính nhất quán và giảm sai sót trước khi xuất bản.
Second Opinion hoạt động như một lớp xác minh thứ hai. Sau khi bản tóm tắt ban đầu được tạo bằng các mô hình AI như ChatGPT, Second Opinion sẽ so sánh bản tóm tắt đó với văn bản gốc, đánh dấu các điểm không nhất quán bằng màu đỏ (đối với lỗi) hoặc màu cam (đối với các điểm không nhất quán một phần).
Độc giả có thể nhấp vào các phần được tô màu này để hiểu các vấn đề, giúp các nhà báo kiểm tra thông tin nhanh và hiệu quả hơn.
Mặc dù chủ yếu được sử dụng cho các bản tin tóm tắt, Second Opinion có thể được áp dụng cho các loại tin tức khác, chẳng hạn như các phiên bản tin tức đơn giản hóa cho các đối tượng khác nhau.
Tuy nhiên, công cụ chỉ đảm bảo rằng các đầu ra của AI phù hợp với nội dung nguồn. Do đó, các nhà báo vẫn phải xác minh tính chính xác của nguồn tin thực tế.
9. Kiểm duyệt bình luận bằng AI
Quản lý khối lượng lớn bình luận trực tuyến là một thách thức đối với các tổ chức truyền thông. Các công cụ AI đã trở nên thiết yếu để phát hiện và kiểm duyệt nội dung không phù hợp hoặc có hại, nhưng các tổ chức tin tức cũng cần tăng cường đối thoại bằng cách xác định các tương tác mang tính xây dựng của người dùng.
Một ví dụ về điều này là dự án What’s there, what’s missing, được BR, Mitteldeutscher Rundfunk (MDR) và cơ quan kỹ thuật số ida thuộc một phần của Chương trình học bổng LSE JournalismAI phát triển.
Dự án nhằm mục đích sử dụng AI để tự động phát hiện các bình luận trực tiếp đến các tòa soạn, đảm bảo phản hồi nhanh chóng và thúc đẩy đối thoại mang tính xây dựng. Vì BR và MDR mỗi bên nhận được hơn 10.000 bình luận/ngày, nên việc xác định nhanh chóng phản hồi có giá trị của người dùng là rất quan trọng.
Mô hình AI được phát triển cho dự án này xác định các bình luận như lời khen ngợi, lời chỉ trích mang tính xây dựng hoặc đề xuất mà các thuật toán tìm kiếm tiêu chuẩn thường không dễ dàng phát hiện được.
Sử dụng xử lý ngôn ngữ tự nhiên và nhận dạng mẫu, AI phát hiện các bình luận có liên quan và chuyển tiếp chúng đến đội ngũ biên tập thông qua Microsoft Teams.
Việc này đảm bảo sự gián đoạn tối thiểu đối với quy trình làm việc trong khi vẫn cho phép hành động nhanh chóng, chẳng hạn như sửa lỗi hoặc kiểm tra thông tin dựa trên thông tin đầu vào của người dùng.
Bằng cách phát hiện các bình luận khuyến khích sự tham gia hoặc cung cấp phản hồi có giá trị, AI hỗ trợ các nỗ lực của toà soạn báo nhằm xây dựng một cộng đồng tương tác và phản hồi tốt hơn. Tuy nhiên, hiệu quả của công cụ phụ thuộc vào việc đào tạo lại và tinh chỉnh liên tục để thích ứng với các mẫu ngôn ngữ và chủ đề thay đổi.
10. Chatbot: tăng cường sự tương tác của người đọc nhờ AI
Chatbot đang cách mạng hóa cách các tổ chức truyền thông tương tác với độc giả bằng cách cung cấp trải nghiệm hiệu quả, được cá thể hóa và tương tác. Các nhà báo có thể tận dụng chatbot AI để cung cấp nội dung được cá nhân hóa, trả lời các câu hỏi của độc giả và tăng cường sự tương tác của độc giả.
Tờ Axel Springer đã ra mắt Hey_, một trợ lý AI tích hợp với BILD, cho phép độc giả khám phá các chủ đề báo chí theo cách tương tác. Hey_ cung cấp nội dung được cá thể hóa ở nhiều định dạng khác nhau, bao gồm tóm tắt, điểm nổi bật và thậm chí là những câu chuyện được đọc trước khi đi ngủ cũng được cá thể hóa.
Trợ lý Hey_ chủ động hướng dẫn độc giả trong các cuộc trao đổi, giúp tương tác trở nên năng động và hấp dẫn. Công cụ này cho phép các nhà báo trình bày nội dung theo định dạng đối thoại tương tác, nâng cao trải nghiệm của độc giả.
Dựa trên thành công của Hey_, WELT Group đã giới thiệu WELTgo!, một trợ lý số dành riêng cho độc giả đăng ký. WELTgo! hỗ trợ người dùng thực hiện các tác vụ hàng ngày như viết email và cung cấp khả năng khám phá tương tác các chủ đề báo chí.
Trợ lý này có tính năng tóm tắt hỏi và đáp, đưa ra các câu trả lời phù hợp về các sự kiện tin tức hiện tại. Đối với các nhà báo, WELTgo! cung cấp một nền tảng mới để trình bày nội dung và thu hút người đọc theo cách cá nhân hóa hơn.
RCS MediaGroup, nhà xuất bản tờ nhật báo Corriere della Sera của Italia tại Milan đã hợp tác với OpenAI để phát triển một trợ lý ảo được tích hợp vào ứng dụng “L’Economia”. Trợ lý này cho phép độc giả tìm kiếm bài viết, truy cập nội dung bổ sung và nhận tóm tắt các bài viết nổi bật.
Một tính năng nổi bật là nền tảng “Hỏi chuyên gia”, nơi độc giả đăng ký báo có thể đặt câu hỏi về tài chính hoặc pháp lý cho các chuyên gia và nhận được phản hồi được cá thể hóa. Các nhà báo có thể sử dụng công cụ này để hiểu rõ hơn sở thích của độc giả và điều chỉnh nội dung cho phù hợp, thúc đẩy phương pháp tiếp cận dựa trên dữ liệu đối với báo chí.
Cách các nhà báo có thể sử dụng AI Chatbot Phân phối nội dung được cá nhân hóa: Các chatbot AI cho phép các nhà báo phân phối nội dung được điều chỉnh theo sở thích của từng độc giả, tăng mức độ tương tác. Kể chuyện tương tác: Các chatbot cho phép khám phá tương tác các chủ đề, giúp việc “tiêu thụ” tin tức trở nên hấp dẫn và thân thiện với độc giả hơn. Tương tác độc giả nâng cao: Chatbot giúp các nhà báo xây dựng mối quan hệ bền chặt hơn với độc giả bằng cách trả lời các câu hỏi của độc giả và cung cấp thêm bối cảnh. Thông tin chi tiết dựa trên dữ liệu: Chatbot có thể thu thập dữ liệu về tương tác và sở thích của độc giả, giúp các nhà báo hiểu được nhu cầu của đối tượng mục tiêu và tinh chỉnh các chiến lược nội dung của họ. Hiệu quả trong việc phổ biến nội dung: Tự động hóa các phản hồi và tóm tắt giúp tiết kiệm thời gian, cho phép các nhà báo tập trung vào việc tạo ra nội dung chất lượng. |
11. Bản dịch với sự hỗ trợ của AI
Ngày càng nhiều các tổ chức tin tức sử dụng bản dịch với sự hỗ trợ của AI để tiếp cận đối tượng độc giả toàn cầu và giúp nội dung có thể truy cập được bằng nhiều ngôn ngữ. Việc tờ nhật báo Le Monde (Pháp) ra mắt phiên bản tiếng Anh vào năm 2022 và tờ The Economist sử dụng AI cho ứng dụng Espresso cho thấy hai cách tiếp cận riêng biệt.
Le Monde tận dụng công nghệ AI như DeepL để dịch 30 bài viết dài mỗi ngày. Tuy nhiên, để đảm bảo chất lượng của ấn phẩm đòi hỏi một quy trình đánh giá nhiều bước liên quan đến các biên dịch viên và nhà báo. Mô hình kết hợp này đảm bảo rằng các bản dịch phù hợp với sở thích về phong cách của Le Monde và duy trì tiêu chuẩn tiếng Anh cao mà độc giả mong đợi.
"Chất lượng bản dịch là trên hết", Arnaud Aubron, Trưởng phòng Phát triển tại Le Monde cho biết và đồng thời nhấn mạnh tầm quan trọng của việc kết hợp hiệu quả của AI với chuyên môn của con người.
Trang Le Monde bằng tiếng Anh có một số bài viết được dịch bằng AI.
Ngược lại, The Economist áp dụng phương pháp tự động hơn cho ứng dụng Espresso, nhắm đến đối tượng độc giả toàn cầu với nội dung được dịch bằng AI ra tiếng Pháp, tiếng Đức, tiếng Quan Thoại và tiếng Tây Ban Nha.
Do chu kỳ cập nhật nhanh chóng của Espresso khoảng 20 lần/ngày, nên bản dịch không được chỉnh sửa bởi biên tập viên, bởi quy trình làm việc đòi hỏi phải thực hiện nhanh chóng.
Biên tập viên cao cấp Ludwig Siegele thừa nhận những hạn chế, lưu ý rằng mặc dù bản dịch AI "đủ tốt" cho mục đích của tờ báo, nhưng nó không phải là không có sai sót. Nhóm kiểm duyệt sẽ loại bỏ các lỗi nếu cần thiết.
Bản ứng dụng Espresso của The Economist và Ludwig Siegele, biên tập viên cấp cao của The Economist với các sáng kiến về AI. (Ảnh: The Economist).
Cả Le Monde và The Economist đều sử dụng bản dịch với sự hỗ trợ của AI một cách chiến lược: Le Monde tập trung vào việc đảm bảo chất lượng thông qua sự can thiệp của con người, trong khi The Economist ưu tiên khả năng truy cập và tốc độ.
12. Phiên bản âm thanh AI
Phiên bản âm thanh AI đang chuyển đổi báo chí bằng cách giúp tin tức dễ tiếp cận hơn với những đối tượng thích nghe hoặc cần các phương án thay thế cho văn bản.
Các tổ chức truyền thông như tờ Aftenposten, Twipe và Google đang dẫn đầu trong lĩnh vực này, sử dụng AI để tạo nội dung âm thanh hiệu quả và hấp dẫn.
Tờ báo nổi tiếng của Na Uy là Aftenposten đã phát triển công nghệ giọng nói nhân bản với BeyondWords, biến các bài viết thành âm thanh dành cho những người gặp khó khăn khi đọc.
Hệ thống của tờ báo sử dụng giọng nói của người dẫn chương trình quen thuộc để cung cấp các bản cập nhật theo thời gian thực, đảm bảo sự quen thuộc và tốc độ trong việc truyền tải tin tức.
Thử nghiệm cho thấy chất lượng giọng nói và tính cá nhân hóa là rất quan trọng. Phản hồi nhấn mạnh nhu cầu về giọng nói rõ ràng, có sắc thái cảm xúc. Việc phân đoạn nội dung đang được thực hiện phân loại (ví dụ: tin địa phương, thể thao) để phù hợp với sở thích của người nghe.
NotebookLM của Google có cách tiếp cận khác, tạo podcast AI trực tiếp từ các tài liệu đã tải lên. Người dùng có thể điều chỉnh các cài đặt như độ dài và tốc độ phát lại, cho phép trải nghiệm nghe được cá thể hóa, thích ứng với nhiều nhu cầu khác nhau. Công cụ này đã trở nên phổ biến vì khả năng tạo podcast nhanh, dễ hiểu từ nội dung phức tạp.
Các giải pháp âm thanh AI này chứng minh công nghệ có thể mở rộng phạm vi tiếp cận của tờ báo, cải thiện khả năng truy cập và tăng cường sự tương tác. Bằng cách tinh chỉnh chất lượng giọng nói và cung cấp các định dạng phù hợp, các tổ chức truyền thông có thể thích ứng với thói quen tiêu dùng đang thay đổi, giúp báo chí trở nên toàn diện và năng động hơn.
Kết luận
AI đang định hình lại báo chí bằng cách nâng cao hiệu quả và làm phong phú thêm trải nghiệm của độc giả. Từ việc tạo nội dung tự động đến các phiên bản âm thanh được cá thể hóa, các công cụ này hợp lý hóa các nhiệm vụ và mở rộng phạm vi của các toà soạn. Tuy nhiên, trong khi AI vượt trội trong việc xử lý các hoạt động lặp đi lặp lại và dựa trên dữ liệu, thì cốt lõi của báo chí - điều tra và kể chuyện - vẫn là con người.
AI hỗ trợ cho các nhà báo, mở rộng khả năng của họ mà không thay thế sự sáng tạo. Tương lai nằm ở sự cộng tác này, nơi AI và các nhà báo làm việc cùng nhau, đảm bảo rằng bản chất của việc kể chuyện vẫn là trung tâm, được hỗ trợ bởi độ chính xác và quy mô của công nghệ./.