12 tỉnh thành thí điểm đổi giấy phép lái xe trực tuyến từ cuối tháng 9
12 tỉnh, thành phố tiếp tục thí điểm đổi giấy phép lái xe cấp độ 4 trên Cổng dịch vụ công Quốc gia bao gồm Hà Nội, Hà Nam, Hải Phòng, Bắc Ninh, Bình Dương, Đồng Nai, Lào Cai, Thanh Hóa, Tuyên Quang, Quảng Nam, Quảng Ninh và Lạng Sơn.
Theo kế hoạch mở rộng triển khai thí điểm DVCTT mức độ 4 - Đổi giấy phép lái xe trên Cổng DVCQG, 12 Sở GTVT của các tỉnh/thành phố thí điểm gồm: Hà Nội, Hà Nam, Hải Phòng, Bắc Ninh, Bình Dương, Đồng Nai, Lào Cai, Thanh Hóa, Tuyên Quang, Quảng Nam, Quảng Ninh và Lạng Sơn.
Được biết, trong số 12 đơn vị nêu trên, cách đây hơn một năm (1/7/2020), Hà Nội, Hà Nam được TCĐB Việt Nam là hai địa phương được chọn thí điểm cung cấp DVCTT mức độ 4 - Đổi giấy phép lái xe và nay tiếp tục thực hiện nhiệm vụ này. Qua thực tế, kết quả bước đầu thu được tích cực (tính đến tháng 4/2021), đã có 2.033 lượt tài khoản truy cập, 10 hồ sơ thực hiện thành công việc cấp đổi giấy phép lái xe và trả tận tay cho người dân trên Cổng DVCQG.
Để tạo thuận lợi hơn cho người dân và hướng đến mục tiêu mở rộng cung cấp DVCTT mức độ 4 - Đổi giấy phép lái xe trên Cổng DVCQG trong năm 2021 đạt hiệu quả và mở rộng trên phạm vi toàn quốc từ năm 2022 (theo yêu cầu của Chính phủ), TCĐB Việt Nam sẽ tổ chức đào tạo hướng dẫn sử dụng phần mềm cho các đơn vị và triển khai cập nhật phần mềm nghiệp vụ tại các Sở GTVT, đặc biệt trang bị thêm cho cán bộ các Sở kiến thức: Tổng quan quy trình đổi giấy phép lái xe mức độ 4; Hướng dẫn người dân nộp hồ sơ trên Cổng DVCQG; Hướng dẫn cán bộ tiếp nhận hồ sơ trực tuyến mức độ 4...
Đồng thời, TCĐB đề nghị các Sở GTVT các tỉnh trên có ý kiến với UBND tỉnh bố trí kinh phí để nâng cấp phần mềm nghiệp vụ giấy phép lái xe; kinh phí thuê phần mềm, hạ tầng, dịch vụ hỗ trợ, vận hành hệ thống hàng năm.
Giao diện dịch vụ công cấp đổi giấy phép lái xe mức độ 4 trên Cổng DVCQG.
Cùng với đó, UBND tỉnh chỉ đạo Sở Y tế yêu cầu các cơ sở y tế trong tỉnh thực hiện việc khám sức khỏe điện tử cho người lái xe và chia sẻ, tích hợp với cơ sở dữ liệu (CSDL) sức khỏe của Cục Quản lý Khám chữa bệnh (Bộ Y tế) trên Cổng DVCQG; nghiên cứu việc sử dụng kết quả chứng thực bản sao điện tử giấy khám sức khỏe song song với việc sử dụng dữ liệu khám sức khỏe điện tử...
"Triển khai mở rộng DVCTT mức độ 4 - Đổi giấy phép lái xe trên Cổng DVCQG cũng cần phải có dữ liệu vi phạm hành chính thuộc lĩnh vực giao thông của Công an tỉnh, Cục Cảnh sát giao thông (Bộ Công an) vì đây là cơ sở thẩm định, giải quyết TTHC trong lĩnh vực ngành GTVT", theo TCĐB Việt Nam.
Trước đó, từ ngày 1/7/2020, Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã tổ chức thực hiện thí điểm cung cấp dịch vụ công mức độ 4 đổi giấy phép lái xe tại TP. Hà Nội và Hà Nam. Đây là dịch vụ thứ 725 trên Cổng Dịch vụ công quốc gia.
Trong thời gian triển khai (từ tháng 7/2020-4/2021), có 2.033 lượt tài khoản truy cập, 10 hồ sơ thực hiện thành công việc cấp đổi giấy phép lái xe và trả tận tay cho người dân trên Cổng Dịch vụ công quốc gia.
Hệ thống đã kết nối tích hợp, chia sẻ dữ liệu khám sức khỏe người lái xe của Cục Quản lý khám chữa bệnh thuộc Bộ Y tế, kết nối dữ liệu xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ của lực lượng thanh tra giao thông và Cục Cảnh sát giao thông thuộc Bộ Công an.
Dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 đổi giấy phép lái xe trên Cổng Dịch vụ công quốc gia tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và là nhóm dịch vụ công trực tuyến thiết yếu theo đánh giá chỉ số phát triển chính phủ điện tử của Liên hợp quốc.
Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam Nguyễn Văn Huyện đề nghị các sở GTVT có ý kiến với UBND các địa phương bố trí kinh phí nâng cấp phần mềm nghiệp vụ giấy phép lái xe; kinh phí thuê phần mềm, hạ tầng, dịch vụ hỗ trợ, vận hành hệ thống hằng năm.
Khôi Nguyên (T/h)