40 tỉnh không có thông tin về lượng hồ sơ trực tuyến được giải quyết
Bộ TT&TT đã tổ chức phiên họp Hội đồng Giám đốc CNTT của cơ quan Nhà nước các tỉnh, thành khu vực miền Bắc năm 2017 vào ngày 14/6/2017 tại Hà Nội.
- CIO cần xử lý dữ liệu ra sao để tăng cường kiến trúc doanh nghiệp
- Cảnh báo: CDO có thể gây rủi ro cho CIO
- Danh sách hội đồng CIO cơ quan Nhà nước khối Trung ương
- CIO ở đâu trong khủng hoảng truyền thông?
- 10 nhiệm vụ trong năm 2015 của một CIO
- Hãy trở thành một CIO thông minh
- CIO – Vị trí và vai trò?
- CEO&CIO Club bầu Ban chấp hành nhiệm kỳ mới
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Thứ trưởng Nguyễn Thành Hưng, Chủ tịch Hội đồng Giám đốc CNTT cơ quan Nhà nước nhận định, trong thời gian qua, các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cùng các Bộ, ngành đã nỗ lực triển khai ứng dụng CNTT, xây dựng Chính phủ điện tử và đã đạt được một số thành quả nhất định. Tuy nhiên, vẫn còn một số vấn đề khó khăn, vướng mắc cần phải giải quyết, tháo gỡ.
Thứ trưởng lưu ý, phiên họp Hội đồng hôm nay cần tập trung thảo luận những vấn đề lớn như: Tăng cường sử dụng văn bản điện tử, đặc biệt là việc sử dụng chữ ký số cho các văn bản điện tử trong cơ quan Nhà nước.
Thứ trưởng chỉ ra rằng hiện nay việc sử dụng hệ thống quản lý văn bản và điều hành tại nhiều nơi chưa mang lại hiệu quả cao, chủ yếu chỉ sử dụng trong việc gửi, nhận văn bản, hỗ trợ công tác văn thư.
Cũng theo Thứ trưởng, cần đẩy mạnh hiệu quả sử dụng dịch vụ công, một số nơi mới chỉ quan tâm đến số lượng của các dịch vụ công chứ chưa thực sự quan tâm tới hiệu quả sử dụng thực tế của dịch vụ. Thứ trưởng đánh giá cao tính hiệu quả của dịch vụ công trực tuyến do Thành phố Hà Nội cung cấp với số lượng hồ sơ xử lý trực tuyến được Bộ TT&TT xếp hạng cao nhất trong số các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương với 340.027 hồ sơ trực tuyến mức độ 3.
Đồng thời, Thứ trưởng Nguyễn Thành Hưng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc liên thông, kết nối các hệ thống thông tin từ Trung ương đến địa phương và công tác bảo đảm ATTT.
Thứ trưởng đề nghị các đại biểu cùng thảo luận, nêu ra những khó khăn bất cập, đề xuất giải pháp, chia sẻ kinh nghiệm thực tiễn của đơn vị mình để từ đó có những kiến nghị, định hướng, tham mưu cho lãnh đạo, cho các cơ quan nhằm đẩy mạnh việc ứng dụng CNTT một cách hiệu quả, nâng cao chỉ số phát triển Chính phủ điện tử của Việt Nam.
Tại phiên họp, ông Ngô Văn Quý, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội đã đưa ra những con số góp phần tạo nên bức tranh khái quát về tình hình ứng dụng CNTT của thủ đô. Hiện nay, Hà Nội đã xây dựng cơ sở dữ liệu dân cư cho hơn 7,5 triệu dân Hà Nội, hình thành hệ thống mạng dùng chung và triển khai cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 đến 584 xã, phường, thị trấn (đạt tỷ lệ 100%); xây dựng và triển khai các hệ thống thông tin trên một nền tảng ứng dụng đồng bộ, dùng chung, thống nhất, tạo tiền đề thuận lợi trong việc liên thông trao đổi, chia sẻ dữ liệu.
Thành phố hiện có 391 dịch vụ công trực tuyến đạt mức độ 3, 4 (trong đó 281 dịch vụ công mức độ 3, 110 dịch vụ công mức độ 4), đạt gần 20,4% tổng số thủ tục hành chính của cơ quan Nhà nước. Tỷ lệ giao dịch qua mạng đạt ở mức cao: lĩnh vực tư pháp: 100%, lĩnh vực quản lý đô thị 100%, lĩnh vực đăng ký kinh doanh trên 70%, thuế 96%, bảo hiểm xã hội trên 80%... Dự kiến, đến hết năm 2017, Thành phố sẽ hoàn thành ít nhất 55% dịch vụ công trực tuyến đạt mức độ 3,4.
Cũng tại phiên họp, đại diện Cục Tin học hóa đã có báo cáo đánh giá mức độ ứng dụng CNTT của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương năm 2016. Nội dung đánh giá được chia theo 6 hạng mục: Hạ tầng kỹ thuật CNTT; Triển khai ứng dụng CNTT; Trang/ Cổng Thông tin điện tử; Cung cấp dịch vụ công trực tuyến; Cơ chế chính sách thúc đẩy ứng dụng CNTT; và Nhân lực.
Theo báo cáo đánh giá, về hạ tầng CNTT, kết quả khá đồng đều giữa các tỉnh thành, không có sự chênh lệch quá lớn. Tuy nhiên, các tỉnh miền núi, vùng biên giới vẫn cần tiếp tục xây dựng cơ sở hạ tầng để đạt các tiêu chí đã đề ra. Về ứng dụng CNTT trong hoạt động nội bộ, 5 vị trí dẫn đầu thuộc về Đà Nẵng, TP.HCM, Hà Nội, Lào Cai, Quảng Ninh. Trong khi đó, Bạc Liêu, Bắc Kạn, Kon Tum, Sơn La, Lai Châu nằm trong tốp cuối.
Đối với việc cung cấp dịch vụ công trực tuyến, trong năm 2016, 56/63 tỉnh cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, tỉ lệ dịch vụ có phát sinh hồ sơ trực tuyến chiếm 45,6% và 21 dịch vụ công trực tuyến mức độ 4, tỉ lệ dịch vụ có phát sinh hồ sơ trực tuyến chiếm 22,63%. Về xếp hạng số lượng dịch vụ công trực tuyến mức độ 3,4, các vị trí dẫn đầu thuộc về tỉnh Hà Giang, Hà Nam, Quảng Ninh, Cà Mau, Tiền Giang. Trong khi các tỉnh Bạc Liêu, Bắc Kạn, Cao Bằng, Hòa Bình, Trà Vinh chưa cung cấp dịch vụ.
Tuy nhiên, 5 tỉnh thành có số lượng hồ sơ được giải quyết trực tuyến mức độ 3,4 nhiều nhất lại không thuộc về các tỉnh có số lượng dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 được cung cấp nhiều nhất. Thủ đô Hà Nội đứng đầu bảng về số lượng hồ sơ giải quyết trực tuyến mức độ 3 (340.000 hồ sơ). Tiếp đến là An Giang, Đà Nẵng, Ninh Thuận, Lâm Đồng.
Cũng theo báo cáo, có đến 40 tỉnh không có thông tin, số liệu cụ thể về số lượng hồ sơ trực tuyến được giải quyết. Về nhân lực cho ứng dụng CNTT, 100% tỉnh thành đã bố trí cán bộ chuyên trách CNTT cho đa số cơ quan chuyên môn và UBND quận huyện. 40/63 tỉnh thành đã có cán bộ chuyên trách CNTT tại 100% cơ quan chuyên môn và UBND cấp quận, huyện.
Tuy nhiên vẫn có một khoảng cách khá lớn về nguồn nhân lực CNTT giữa các tỉnh ở tốp đầu và tốp cuối.
Cũng tại phiên họp, đại diện đến từ Cục Văn thư lưu trữ Nhà nước (Bộ Nội vụ), Trung tâm Chứng thực điện tử quốc gia, VNCERT, Cục ATTT, Vụ CNTT, Sở TT&TT Hà Tĩnh đã có các bài tham luận quan trọng tập trung vào các vấn đề như: Dự thảo Thông tư quy định về quản lý văn bản và hồ sơ điện tử, sử dụng chữ ký số cho văn bản điện tử trong cơ quan Nhà nước; Công tác điều phối, ứng cứu sự cố ATTT mạng và triển khai Quyết định số 05/2017/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ; Bảo đảm ATTT cho cơ quan Nhà nước; Dự thảo nội dung quy định về Thuê sản phẩm, dịch vụ CNTT trong dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định 102/2009/NĐ-CP; Báo cáo quy định đánh giá xếp hạng, công nhận xã phường, quận huyện điện tử.
Phát biểu kết luận phiên họp, Thứ trưởng Nguyễn Thành Hưng nhận định: Hiện nay, vấn đề khó khăn nhất trong hoạt động ứng dụng CNTT trong các cơ quan Nhà nước chính là kết nối, liên thông các cơ sở dữ liệu Trung ương và địa phương. Bộ TT&TT đã có nhiều nỗ lực xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật, quy chuẩn, tiêu chuẩn và đã có những tác động tích cực, tuy nhiên, khó khăn phía trước vẫn còn nhiều. Thứ trưởng bày tỏ vui mừng khi nhiều đại diện tỉnh thành đánh giá cao hoạt động của Hội đồng Giám đốc CNTT cơ quan Nhà nước trong vài năm gần đây. Tuy nhiên, Thứ trưởng đề nghị đại diện cơ quan chuyên trách CNTT tại các địa phương cần tiếp tục có những kiến nghị mạnh mẽ hơn nữa lên Chính phủ để giải quyết những vấn đề phức tạp, vượt quá thẩm quyền của Hội đồng trong hoạt động ứng dụng CNTT. Thứ trưởng đánh giá cao sự hợp tác chặt chẽ giữa Bộ TT&TT, Bộ Nội vụ và Ban Cơ yếu Chính phủ trong công tác thúc đẩy chữ ký số, sử dụng văn bản điện tử.
Về công tác ATTT, Thứ trưởng Nguyễn Thành Hưng chỉ đạo VNCERT và Cục ATTT có trách nhiệm phải hướng dẫn cụ thể các Bộ, ngành, địa phương triển khai các kế hoạch cụ thể về đảm bảo ATTT. Đối với Báo cáo quy định đánh giá xếp hạng, công nhận xã phường, quận huyện điện tử của Sở TT&TT Hà Tĩnh, Thứ trưởng chỉ đạo Cục Tin học hóa tổng hợp ý kiến của các Sở TT&TT, từ đó đề xuất cách thức triển khai trên tinh thần thúc đẩy, khuyến khích, chứ không phải bắt buộc.
Đồng thời, Thứ trưởng cũng chỉ đạo Vụ CNTT và Trung tâm thông tin Bộ TT&TT đăng tải toàn bộ hướng dẫn của Bộ TT&TT về danh mục các dịch vụ CNTT, danh mục các doanh nghiệp sẵn sàng cho thuê dịch vụ CNTT (không bắt buộc doanh nghiệp phải công bố thông tin về giá dịch vụ) trên Cổng Thông tin điện tử của Bộ nhằm tạo điều kiện cho các địa phương trong việc triển khai thuê dịch vụ CNTT.
Tuấn Trần theo mic.gov.vn