4G triển khai vào cuối năm 2016, người dùng sẽ được gì?
Dự kiến 4G LTE sẽ được Bộ Thông tin & Truyền thông cấp giấy phép khai thác chính thức cho các nhà mạng vào tháng 9 hoặc tháng 10/2016.
Sau một năm thử nghiệm 4G LTE thành công của một số nhà mạng lớn như Viettel, MobiFone, VNPT và FPT, Thứ trưởng Bộ TT&TT Phan Tâm cho biết: “Năm 2016 sẽ là năm khởi đầu tốt đẹp cho 4G LTE và năm 2017 sẽ là năm phát triển mạnh mẽ.” Bộ có thể sẽ cấp giấy phép khai thác 4G chính thức vào tháng 9 hoặc tháng 10 năm nay, sau khi hoàn tất báo cáo kết quả thử nghiệm từ các nhà mạng.
4G mang lại nhiều lợi ích cho người dùng lẫn nhà mạng
Được biết, lộ triển khai mạng 4G của các nhà mạng sẽ được bắt đầu bằng việc cung cấp dịch vụ ở các thành phố lớn rồi mới mở rộng vùng phủ sóng và thêm ứng dụng, chức năng mới cho 4G.
Vùng phủ sóng, tốc độ và giá cước là ba nội dung lớn mà các doanh nghiệp viễn thông rất quan tâm khi triển khai 4G, theo ông Lê Nam Thắng, nguyên Thứ trưởng Bộ TT&TT cho biết.
Cũng theo Thứ trưởng Lê Nam Thắng, so với các quốc gia khác, Việt Nam đang chậm hơn đến 4 năm trong việc khai thác 4G. Tuy vậy, đó lại là lợi thế của người đi sau vì đã được thừa hưởng một hệ sinh thái hoàn chỉnh.
Do đó, mạng 4G LTE sẽ mang lại nhiều lợi ích lớn cho người dùng cũng như nhà mạng Việt Nam; cụ thể, sự phát triển cho hạ tầng băng rộng trong nước sẽ được đẩy nhanh, và từng người dân, hộ gia đình đều sẽ được tiếp cận mạng băng rộng.
Tại Hội thảo “Phát tiển tiềm năng 4G LTE hướng tới kỷ nguyên kết nối vạn vật” diễn ra vào ngày 18/8/2016, ông Thiều Phương Nam, TGĐ Qualcomm khu vực Việt Nam, Lào và Campuchia nhận định, đây là thời điểm thích hợp để triển khai 4G tại Việt Nam: “Chúng tôi có tham gia hỗ trợ giải pháp kỹ thuật và hoạch định lộ trình triển khai thương mại 4G của 3 nhà mạng lớn là VinaPhone, Mobifone và Viettel từ cuối năm 2015. Giai đoạn đầu cho kết quả rất tốt về tốc độ và sự hài lòng của khách hàng, chúng tôi đánh giá hiện nay các nhà mạng đã sẵn sàng cả về hạ tầng cũng như hệ sinh thái thiết bị.”
Đồng quan điểm với ông Thiều Phương Nam, ông Francis Zhu - Giám đốc Chiến lược Marketing, Tập đoàn ZTE bày tỏ: “Công nghệ 4G đã có sẵn, chúng tôi cho rằng, tỷ lệ phát triển điện thoại thông minh ở Việt Nam khi triển khai mạng 4G sẽ càng cao hơn nữa”.
Cước 4G rẻ hơn 3G?
Với người tiêu dùng, ngoài dung lượng, chất lượng mạng thì giá cước là vấn đề được quan tâm nhất khi 4G được triển khai. Nhưng tính đến nay, các nhà mạng vẫn bí mật với các thông tin liên quan đến giá cước.
Theo Thứ trưởng Lê Nam Thắng, để phát triển được công nghệ 4G: “Các doanh nghiệp không nên phân biệt giữa data hay voice trong cách tính giá cước 4G, có thể tính cước đối với data, miễn phí đối với voice, chẳng hạn như sử dụng ở mức nào thì được gọi miễn phí…”
Ông Thiều Phương Nam cho rằng 4G sẽ rẻ hơn so với 3G bởi vì giá thành sản xuất ra mỗi một megabyte dữ liệu cho người dùng cuối trong 4G rẻ hơn so với 3G và các nhà mạng không cần phải sáng tạo thêm trong việc đưa ra gói cước vì 4G sẽ giúp các nhà mạng dễ dàng thiết kế nên các gói cước phù hợp và linh động theo từng ứng dụng cụ thể cung cấp cho người dùng.
Không khẳng định chắc chắn như ông Thiều Phương Nam, ông Francis Zhu lại cho rằng giá dịch vụ 4G phụ thuộc vào hành vi của người tiêu dùng.
Thiện Hoàn (Tổng hợp)