Airbus giới thiệu 3 mẫu thiết kế máy bay thương mại không khí thải
Ngày 21/9, Tập đoàn chế tạo máy bay Airbus của châu Âu đã cho ra mắt 3 ý tưởng máy bay thương mại đầu tiên chạy bằng hydro có thể sẽ được vận hành khai thác vào năm 2035.
Theo đó, các máy bay thương mại này đều mang mã hiệu ZEROe, khác nhau về kích thước và thiết kế nhưng đều sử dụng nhiên liệu sạch là hydro.
Một mẫu thiết kế sử dụng động cơ tuabin cánh quạt đẩy, có sức chứa từ 120 – 200 hành khách với phạm vi hoạt động hơn 2.000 hải lý có khả năng bay xuyên lục địa và được cung cấp năng lượng bởi động cơ tuabin khí cải tiến chạy bằng hydro thông qua quá trình đốt cháy thay vì nhiên liệu máy bay. Theo mẫu thiết kế này, hydro lỏng sẽ được lưu trữ và phân phối thông qua các bồn chứa nằm phía sau vách ngăn áp suất ở sau máy bay.
Một mẫu thiết kế thứ 2 sử dụng động cơ tuabin cánh quạt thay vì động cơ tuabin cánh quạt đẩy và cũng được cung cấp năng lượng bằng việc đốt cháy hydro trong động cơ tuabin khí cải tiến, có khả năng bay hơn 1.000 hải lý. Tuy nhiên, mẫu thiết kế này có sức chứa hành khách ít hơn mẫu thiết kế thứ 1, khoảng 100 hành khách.
Mẫu thứ 3 có thiết kế “thân cánh pha trộn” có sức chứa lên tới 200 hành khách, trong đó các cánh hợp nhất với thân chính của máy bay và có phạm vi hoạt động tương tự như ý tưởng tuabin cánh quạt đẩy. Thân máy bay đặc biệt rộng cung cấp nhiều tùy chọn để lưu trữ và phân phối hydro cũng như cách bố trí cabin.
Một trong các mẫu thiết kế máy bay thương mại không khí thải của Airbus.
Trong một tuyên bố đưa ra, Giám đốc điều hành (CEO) của Airbus, ông Guillaume Faury cho biết: “Tôi tin tưởng mạnh mẽ rằng việc sử dụng dòng máy bay thương mại chạy bằng nhiên liệu hydro sẽ giúp giảm thiểu đáng kể khí thải độc hại của máy bay ra ngoài môi trường”.
Quá trình chuyển đổi sang hydro như nguồn năng lượng chính cho các ý tưởng máy bay này sẽ đòi hỏi hành động quyết liệt từ toàn bộ hệ sinh thái ngành hàng không. “Airbus sẽ vượt qua thách thức này cùng với sự hỗ trợ của chính phủ và các đối tác công nghiệp nhằm mở rộng quy mô năng lượng tái tạo và nhiên liệu hydro vì một tương lai bền vững của ngành hàng không”, ông Guillaume Faury nhấn mạnh. Để vượt qua những thách thức này, các sân bay sẽ cần cơ sở hạ tầng vận chuyển và tiếp nhiên liệu hydro quy mô lớn để đáp ứng nhu cầu hoạt động hàng ngày.
“Những ý tưởng này sẽ giúp chúng ta khám phá và hoàn thiện thiết kế và cho ra mắt mẫu máy bay thương mại đầu tiên trên thế giới không khí thải và sử dụng nguyên liệu sạch hydro thân thiện với môi trường. Dự kiến, các dòng máy bay này sẽ được đưa vào khai thác vào năm 2035”, ông Guillaume Faury cho hay.
Hiện các hãng hàng không và các nhà sản xuất máy bay đang đối mặt với áp lực lớn để giảm thiểu lượng khí thải carbon ra ngoài môi trường. Ngành hàng không toàn cầu đã cam kết cắt giảm một nửa lượng khí thải carbon vào năm 2050. Để thực hiện được điều này, ngành hàng không cần nhanh chóng giảm sự phụ thuộc vào nhiên liệu dầu thô và dần chuyển sang sử dụng nhiên liệu bền vững. Tuy nhiên, nhiên liệu bền vững hiện phần lớn vẫn chưa được khai thác và đắt hơn nhiều so với nhiên liệu thông thường.
Năm 2019, các hãng hàng không đã sử dụng khoảng 340 tỷ lít nhiên liệu, trong đó chỉ có khoảng 50 triệu lít nhiên liệu bền vững được sản xuất. Động thái trên của Airbus có thể đánh dấu một bước tiến quan trọng trong việc đưa nhiên liệu hàng không bền vững dần trở nên khả thi hơn trong lĩnh vực hàng không thương mại. Tập đoàn Airbus ước tính nhiên liệu hydro có khả năng sẽ giúp ngành hàng không thế giới giảm thiểu lượng khí thải carbon vào môi trường lên đến 50%.
Ủy ban châu Âu đang xem xét yêu cầu các hãng hàng không bắt buộc sử dụng một lượng tối thiểu nhiên liệu bền vững nhằm giảm thiểu những tác hại của ngành hàng không đến môi trường. Theo ước tính, ngành hàng không tạo ra khoảng 3% lượng khí thải carbon của thế giới.
Thùy Chi (t/h)