Australia công bố 5 lĩnh vực công nghệ ưu tiên đầu tư để giảm phát thải
Ngày 22/9, Bộ trưởng Năng lượng Australia Angus Taylor đã công bố 5 lĩnh vực công nghệ ưu tiên đầu tư trong tương lai có khả năng giảm khí phát thải nhằm bảo vệ môi trường.
Chính phủ Australia vừa công bố Lộ trình đầu tư công nghệ mới nhằm thúc đẩy quá trình chuyển đổi sử dụng các nguồn năng lượng phát thải thấp, quá đó bảo vệ môi trường và tiến tới một "nền kinh tế Xanh" vững chắc hơn.
Theo phóng viên TTXVN tại Sydney, Bộ trưởng Năng lượng Angus Taylor ngày 22/9 đã công bố 5 lĩnh vực công nghệ ưu tiên đầu tư trong tương lai bao gồm: hydro "sạch", dự trữ năng lượng, thép và nhôm "carbon thấp", thu giữ và lưu trữ carbon, tái tạo carbon thành chất dinh dưỡng cho đất.
Ông khẳng định công nghệ là chìa khóa để Australia thiết lập kế hoạch chi tiết bảo vệ môi trường của riêng nước này, vốn được xây dựng dựa trên nền tảng mục tiêu Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu đề ra.
Theo ông, lộ trình đầu tư công nghệ mới của Australia sẽ đảm bảo cho nước này có thể cắt giảm lượng khí phát thải, trong khi tiếp tục củng cố sự thịnh vượng kinh tế.
Đây là con đường duy nhất giúp nước này đạt được các mục tiêu về khí hậu trước năm 2030 theo Hiệp định Paris.
Bên cạnh đó, đầu tư vào công nghệ cũng là giải pháp có chi phí hợp lý, thấp hơn so với các giải pháp thay thế phát thải cao khác.
Dự kiến, Chính phủ Australia sẽ đầu tư hơn 18 triệu AUD (12,78 triệu USD) cho kế hoạch phát triển công nghệ mới trong vòng 10 năm tới. Toàn bộ số kinh phí sẽ được phân bổ thông qua Cơ quan Tái tạo Năng lượng Australia và Công ty Tài chính Sạch.
Với kế hoạch này, Canberra kỳ vọng sẽ cung cấp một cách tiếp cận trung lập về công nghệ đối với việc đầu tư vào năng lượng, nhằm giảm lượng khí thải carbon mà không ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế.
Ngày 21/9, phát biểu với đài ABC của Australia, Thủ tướng Scott Morrison khẳng định sẽ đẩy mạnh phát triển công nghệ trong lĩnh vực năng lượng, tập trung chủ yếu vào khí đốt, như một giải pháp cụ thể nhất hướng tới mục tiêu giảm khí phát thải quốc gia.
Tuy nhiên, ông Morrison đã từ chối đăng ký mục tiêu đưa khí thải quốc gia về mức 0 vào năm 2050 như cam kết của Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu. Ông thể hiện sự quan tâm đến hành động cụ thể để đạt được mục tiêu bảo vệ môi trường.
Lộ trình đầu tư công nghệ mới của Australia sẽ giúp thiết lập một khuôn khổ quan trọng cho chính sách năng lượng quốc gia, dự kiến công bố trong thời gian tới, với ưu tiên thúc đẩy phát triển khí đốt như một nhân tố chính giúp phục hồi kinh tế hậu đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19.
Canberra dự kiến sẽ giới thiệu bản lộ trình này như một chiến lược dài hạn về giảm phát thải trong hội nghị toàn cầu về biến đổi khí hậu của Liên hợp quốc COP26 được tổ chức tại Glasgow vào tháng 11/2021.
Thanh Tùng (t/h)