Bắc Kinh “lo sốt vó” vụ Scotland đòi độc lập

14:06, 19/09/2014

Trong lúc người dân Scotland đang “tự quyết việc đi hay ở” lại, Bắc Kinh lo Hong Kong, Đài Loan, Tân Cương, Tây Tạng sẽ “bắt chước”, đòi độc lập khỏi Trung Quốc.

Người dân Scotland quyết định “ở lại”

Dẫn nguồn từ BBC vừa mới đây, VienamPlus cho biết, người dân Scotland đã quyết định lựa chọn việc tiếp tục là một phần của Liên hiệp Vương quốc Anh thay vì tách ra thành một quốc gia độc lập sau khi kết quả kiểm phiếu sơ bộ của cuộc trưng cầu dân ý cho thấy: Có 54,3% cử tri nói Không (No), còn 45,7% nói Có (Yes).

 

Bảng kết quả bỏ phiếu trưng cầu dân ý ở Scotland của Bloomberg tính đến 11h20 ngày 19/9/2014 (giờ Việt Nam).

Các trang mạng lớn ở Anh cũng đã chạy dòng tít lớn bày tỏ sự hân hoan khi Scotland sẽ tiếp tục là một phần của Liên hiệp Vương quốc Anh như suốt 307 năm qua. Tuy nhiên, chiến dịch nói “Có" với độc lập cũng đã thu được một số thành công nhất định khi tỷ lệ này ở Glasgow là 53%, ở West Dunbartonshire là 54% và ở Dundee là 57%.

Phó Thủ hiến thứ nhất của Scotland, bà Nicola Sturgeon đã thừa nhận rằng, chiến dịch do đảng của bà phát động nhằm vận động độc lập cho Scotland đã thất bại. "Có vẻ như chúng tôi chưa thể nói “Có” như mong muốn" - bà Nicola Sutrgeon nói với BBC.

Vậy nên, Scotland vẫn chưa đủ để có thể tách ra hoàn toàn khỏi Vương quốc Anh.

Trung Quốc “lo sốt vó”

Tờ Bưu điện Hoa Nam ngày hôm qua (19/9) đưa tin, Bắc Kinh hiện đang “theo dõi chặt chẽ” và đánh giá tác động từ việc Scotland trưng cầu dân ý, độc lập khỏi Vương quốc Anh. Hiện trên các phương tiện truyền thông nhà nước Trung Quốc vẫn chưa có bình luận chính thức, mặc dù công chúng rất tò mò. Truyền thông nhà nước Trung Quốc chủ yếu đưa tin, chỉ một vài báo bình luận rằng, cuộc bỏ phiếu này có thể thúc đẩy phong trào ủng hộ độc lập và có thể khiến châu Âu tan rã - trang GDVN cho hay.

Theo các nhà quan sát, vấn đề này “khá nhạy cảm” và nó có thể gây khó khăn cho Bắc Kinh, vì nó khuyến khích thảo luận về việc, liệu "sự lựa chọn của người dân" có nên quyết định số phận của Hong Kong, Đài Loan, Tân Cương và Tây Tạng hay không.

Chính quyền Bắc Kinh lo người dân một số khu vực sẽ bắt chước Scotland (trong ảnh), đòi độc lập là có cơ sở.

"Từ quan điểm chính thức của Trung Quốc, Bắc Kinh chưa bao giờ ủng hộ ý tưởng trưng cầu dân ý như vậy đối với Đài Loan hay bất cứ nơi nào trong phạm vi những gì được coi là lãnh thổ Trung Quốc", Dali Yang, giáo sư khoa học chính trị của đại học Chicago cho biết.

Còn theo Titus Chen Chih-Chieh, một giáo sư quan hệ quốc tế tại đại học Chính trị Quốc gia Đài Loan bình luận, bỏ phiếu ở Scotland có ý nghĩa đặc biệt với Hồng Kông và Đài Loan. Bắc Kinh rõ ràng không muốn Scotland trở thành "hình mẫu" cho Đài Loan và Hồng Kông.

Và Thời Ân Hoằng, một giáo sư về quan hệ quốc tế đại học Nhân Dân Trung Quốc nói rằng, nếu Scotland độc lập sẽ buộc Bắc Kinh phải điều chỉnh các mối quan hệ thương mại với Anh và chuyển hướng sang hợp tác kinh tế với Scotland.

Thanh Trà (tổng hợp)