Bán lẻ trực tuyến đặt ra nhiều thách thức trong thực thi quyền sở hữu trí tuệ

09:02, 28/03/2024

Thương mại điện tử tiếp tục ghi nhận mức tăng trưởng ấn tượng trong những năm gần đây. Năm 2023, quy mô thị trường thương mại điện tử bán lẻ Việt Nam đạt 20,5 tỷ USD, tăng khoảng 4 tỷ USD so với năm 2022, đưa Việt Nam vào nhóm 10 quốc gia có tốc độ tăng trưởng thương mại điện tử hàng đầu thế giới.

Tuy nhiên, đi kèm với sự phát triễn mạnh mẽ đó, vấn đề nhức nhối hiện nay vẫn là tình trạng hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng tràn lan trên không gian mạng. Không chỉ tại Việt Nam, theo Luật sư Vũ Thị Hồng Yến, Giám đốc Công ty Luật TNHH Rouse Việt Nam những năm gần đây, hàng giả được bán tràn lan trên các kênh bán hàng trực tuyến và cửa hàng truyền thống trên toàn khu vực Đông Nam Á (ASEAN) cũng gia tăng.

Doanh thu thương mại điện tử tại Việt Nam. Nguồn: Cục TMĐT&KTS.

Bán lẻ trực tuyến tăng trưởng đột phá

Số liệu của Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương), cho thấy năm 2023, quy mô thị trường thương mại điện tử bán lẻ tăng thêm khoảng 4 tỷ USD (tăng 25%) so với năm 2022, đạt 20,5 tỷ USD.

Nếu như năm 2018, doanh thu thương mại điện tử B2C (từ doanh nghiệp tới khách hàng) tại Việt Nam mới chỉ đạt khoảng 8 tỷ USD, thì đến năm 2019, đã vượt mốc 10 tỷ USD (đạt 10,8 tỷ USD). Doanh thu tiếp tục tăng lên 11,8 tỷ USD vào năm 2020 và 16,4 tỷ USD năm 2022. Có khoảng 60 triệu người mua sắm qua thương mại điện tử với mức mua sắm trung bình 300 USD/năm.

Trong báo cáo toàn cảnh thị trường bán lẻ trực tuyến năm 2023 của Công ty nền tảng số liệu thương mại điện tử Metric, có 2,2 tỷ đơn vị sản phẩm được giao thành công trên 5 sàn thương mại điện tử lớn nhất tại Việt Nam (gồm Shopee, Lazada, Tiki, Sendo, TikTok Shop), tăng 52,3% so với năm 2022. Đây là mức tăng trưởng mạnh nhất trong 3 năm trở lại đây. Cùng với đó là gần 637.300 shop bán hàng trên các sàn thương mại điện tử.

Bộ Công Thương đánh giá, thương mại điện tử đang là một trong những lĩnh vực tiên phong của kinh tế số, trở thành kênh phân phối quan trọng, tạo động lực phát triển kinh tế, dẫn dắt chuyển đổi số trong các doanh nghiệp. Tốc độ tăng trưởng 20 - 25%/năm là mức tăng trưởng cao trong khu vực và trên thế giới.

Bán lẻ trực tuyến ở khu vực Đông Nam Á cũng cho thấy tốc độ tăng trưởng ấn tượng. Chia sẻ tại Hội thảo “Thực thi về chiến lược chống xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ trực tuyến và ngoại tuyến” do Cơ quan Sở hữu trí tuệ Vương quốc Anh, Đại sứ quán Anh tại Việt Nam phối hợp với Thanh tra Bộ Khoa học và Công nghệ, các cơ quan thành viên Chương trình hợp tác phòng chống xâm phạm quyền Sở hữu trí tuệ tổ chức hôm 26/3, Luật sư Vũ Thị Hồng Yến, Giám đốc Công ty Luật TNHH Rouse Việt Nam, cho biết doanh số bán lẻ và thương mại điện tử tại Đông Nam Á đạt 124 tỷ USD vào năm 2023, dự kiến sẽ đạt 139 tỷ USD vào năm 2024 và tiếp tục tăng trưởng cho đến năm 2026 (đạt 162 tỷ USD).

Thương mại điện tử khu vực ASEAN trong những năm qua liên tục tăng trưởng năm sau cao hơn năm trước. Việt Nam, được coi là một trong những nền kinh tế Internet phát triển nhanh nhất trong khu vực ASEAN.

Giá trị thị trường thương mại điện tử Việt Nam được dự báo sẽ đạt 60 tỷ USD vào năm 2030, đứng thứ hai chỉ sau Indonesia (160 tỷ USD), ngang bằng Thái Lan và Philippines. Trong đó, các thành phố lớn như Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh chiếm 70% doanh số bán lẻ trực tuyến trên toàn quốc với tổng doanh thu lần lượt tại 2 thành phố này là 1,75 tỷ USD và 2,3 tỷ USD.

Năm 2024, các nền tảng thương mại điện tử lớn nhất Việt Nam dự kiến đạt doanh thu và doanh số bán hàng vượt 12,5 tỷ USD, đánh dấu mức tăng 35% so với năm 2023.

Cùng với các sàn thương mại điện tử, loại hình thương mại kết hợp mạng xã hội tại Việt Nam dự kiến cũng sẽ tăng trưởng 38,8% hàng năm và đạt 4,53 tỷ USD vào năm 2024.

Theo ông Desmond Tan, Trưởng ban Sở hữu trí tuệ Đông Nam Á, Cơ quan Sở hữu trí tuệ Vương quốc Anh, cho hay trong những năm gần đây, nền tảng thương mại điện tử có thể mang lại giá trị khoảng 14 tỷ USD. Không những thế, Đông Nam Á còn là một trong những khu vực thu hút rất nhiều nhà đầu tư lớn vào thương mại điện tử.

“Thương mại điện tử Việt Nam đã có sự tăng trưởng mạnh mẽ trong thời gian qua và sẽ tiếp tục tăng khoảng 30% mỗi năm cho đến năm 2030. Điều này mở ra nhiều cơ hội lớn với các nền tảng thương mại điện tử”, ông Desmond Tan nhận xét.

Vẫn lo hàng kém chất lượng và khó thực thi quyền sở hữu trí tuệ.

Cùng với sự tăng trưởng bùng nổ về doanh thu, sự phát triển mạnh mẽ của thương mại điện tử cũng đang đặt ra nhiều thách thức cho các cơ quan quản lý trong thực thi quyền sở hữu trí tuệ, bảo vệ quyền lợi chính đáng của người tiêu dùng.

Không chỉ riêng Việt Nam, theo Luật sư Vũ Thị Hồng Yến những năm gần đây, hàng giả được bán tràn lan trên các kênh bán hàng trực tuyến và cửa hàng truyền thống trên toàn khu vực ASEAN cũng gia tăng.

Kết quả khảo sát của WIPO với 1000 người tại mỗi quốc gia khu vực ASEAN cho thấy, có tới 88% người tiêu dùng đã nhìn thấy hàng giả trên thị trường. Cùng với đó, có tới 70% người tiêu dùng đã mua phải hàng giả. Đặc biệt cứ 4 người tiêu dùng thì có 1 người biết hàng đó không phải là hàng chính hãng.

Các chuyên gia cho rằng sàn thương mại điện tử trở thành một trong những kênh buôn bán của hàng giả tại ASEAN do việc kiểm soát hàng hóa vi phạm sở hữu trí tuệ qua biên giới chưa được hiệu quả. Cùng với đó là sự phát triển phức tạp của thương mại xã hội, live streaming và việc áp dụng AI/ thực tế ảo gây khó khăn trong việc xác định người bán hàng giả trực tuyến…

Vấn đề hàng giả gia tăng không chỉ trên các sàn thương mại điện tử truyền thống mà còn trên các sàn thương mại điện tử kết hợp mạng xã hội như TikTok và Facebook, chuyên gia nêu thực tế.

Theo ông Desmond Tan, với sự phát triển, ứng dụng mạnh mẽ của các mạng xã hội, thương mại mạng xã hội đã xuất hiện những sản phẩm hàng giả hàng nhái trên nền tảng thương mại điện tử, xuất hiện các loại hình tội phạm có tổ chức buôn bán hàng giả, hàng nhái trên nền tảng thương mại điện tử. Điều này đòi hỏi sự hợp tác giữa các bên, phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị chức năng để xử lý, bảo vệ hệ sinh thái nền thương mại điện tử. Trên cơ sở đó xây dựng được niềm tin cho thương mại điện tử, giải quyết các vấn đề về quyền sở hữu trí tuệ cả trên môi trường trực tuyến cũng như ngoại tuyến ở Việt Nam và khu vực.

Chia sẻ tại Hội thảo này, chánh Thanh tra Bộ Khoa học và Công nghệ, Trưởng ban thường trực Chương trình 68, bà Nguyễn Như Quỳnh khẳng định, quyền sở hữu trí tuệ và thực thi quyền sở hữu trí tuệ đóng vai trò quan trọng đối với sự phát triển kinh tế xã hội của mỗi quốc gia cũng như sự thịnh vượng toàn cầu.

Vấn đề thực thi quyền sở hữu trí tuệ trong thương mại điện tử đặt ra một thách thức và là mối quan tâm với mỗi quốc gia trên thế giới trong đó có Việt Nam. Do đó, để thực thi tốt quyền sở hữu trí tuệ nói chung và quyền sở hữu trí tuệ trên môi trường thương mại điện tử nói riêng có nhiều yếu tố quan trọng, trong đó nhận thức của các chủ thể liên quan, cơ quan quản lý, chủ thể quyền, chủ sàn và công chúng người tiêu dùng cần liên tục nâng cao bởi khi có nhận thức đầy đủ và đúng đắn sẽ có giải pháp phù hợp.

Song song với đó, chúng ta cũng cần có cơ chế phối hợp, phối hợp khối công - tư, giữa các chủ thể có liên quan, chủ sàn với chủ sở hữu, các hiệp hội và cơ quan nhà nước, với các tổ chức quốc tế, giữa quốc gia, các thành viên ASEAN là rất cần thiết để tăng thực thi, bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ.

Theo Tạp chí  Thương Trường

https://thuongtruong.com.vn/news/ban-le-truc-tuyen-dat-ra-nhieu-thach-thuc-trong-thuc-thi-quyen-so-huu-tri-tue-118859.html