Bán lẻ truyền thống phục hồi nhờ tiếp thị trực tuyến
Các mô hình bán lẻ truyền thống có ưu điểm hơn so với các sàn thương mại điện tử là ở sự tương tác trực tiếp giữa người mua và người bán... Tuy nhiên, trước sức “công phá” mạnh mẽ của bán lẻ trực tuyến, bán lẻ truyền thống có phần yếu thế, đòi hỏi các mô hình này phải thích ứng và tự làm mới mình.
- Thúc đẩy thương mại điện tử làng nghề
- Thị trường thương mại điện tử Việt Nam tăng trưởng trung bình từ 16-30%
- Quảng Ngãi: Phát hiện, xử lý nhiều trường hợp vi phạm trong lĩnh vực thương mại điện tử
- Gia tăng vi phạm thương mại điện tử
- Phát triển nhanh nhất Đông Nam Á, Việt Nam cần làm gì để thị trường thương mại điện tử bền vững?
Tiếp thị trực tuyến đang ngày càng thịnh hành, là cơ hội để giúp các mô hình bán lẻ truyền thống làm mới mình và phục hồi nhanh chóng
Trước sự áp đảo của “chợ mạng”, cùng với các mô hình bán lẻ trực tuyến nở rộ trên các nền tảng mạng xã hội, sàn thương mại điện tử, bán lẻ truyền thống thời gian qua đã mất dần vị thế, sức mua tiếp tục giảm khiến nhiều ki-ốt đóng cửa, tiểu thương chuyển hướng kinh doanh mới. Mặc dù vậy, có không ít mô hình, thậm nhiều tiểu thương đã lựa chọn thích ứng với bối cảnh bán lẻ mới, đáp ứng yêu cầu vốn đang thay đổi nhanh chóng của người tiêu dùng.
Bán lẻ truyền thống nỗ lực làm mới mình
Sức mạnh của số hoá bán lẻ đã chứng kiến sự bứt tốc mạnh mẽ của bán lẻ trực tuyến trong thời gian gần đây. Cuộc xâm lấn này đang khiến cho các mô hình bán lẻ truyền thống có thời điểm trở nên chật vật do sự sụt giảm về lượng khách và doanh thu.
Câu chuyện không chỉ chợ truyền thống ế ẩm, mà nhiều cửa hàng bán lẻ nhỏ lẻ về thời trang hoặc các đồ gia dụng không thiết yếu khác cũng rơi vào tình trạng tương tự. Khảo sát của PV Thương Trường mới đây, cho thấy hiện trạng hết sức ảm đảm khi nhiều cửa hàng thời trang hoạt động cầm chừng, thậm chí một số cửa hàng phải đóng cửa do chi phí mặt bằng cao, trong khi doanh thu không đảm bảo.
Chị Nguyễn Thanh Tâm, chủ cửa hàng thời trang trên phố Đội Cấn, cho biết: “Cho đến thời điểm này, du trì cửa hàng chủ yếu phục vụ cho việc trưng bày sản phẩm. Đây là cách thức để có thể thu hút thêm những người thích có trải nghiệm thực tế sản phẩm”.
“Thời điểm này nếu chỉ trông chờ vào bán hàng trực tiếp từ cửa hàng là rất khó khăn, bởi chi phí hoạt động của cửa hàng cho mỗi một tháng là không hề nhỏ, từ tiền thuê mặt bằng, tiền điện nước và tiền thuê nhân viên… là rất lớn”, chị Tâm chia sẻ.
Các mô hình khác, nhất là chuyện ế ẩm của nhiều chợ truyền thống vẫn còn cần lời giải. Tuy nhiên, trong bối cảnh sự bùng nổ của bán lẻ trực tuyến, với sự phát triển mạnh mẽ của mạng xã hội, sàn thương mại điện tử, nhiều nhà bán lẻ, các tiểu thương cũng đang nỗ lực để thích ứng với bối cảnh mới này.
Theo các chuyên gia trong ngành, việc áp dụng công nghệ, đưa số hoá vào bán lẻ là xu thế buộc các nhà bán lẻ, các cửa hàng trực tiếp và tiêu thương phải thích ứng để tồn tại.
Thực tế với cửa hàng của chị Nguyễn Thị Thanh Tâm, ngoài việc duy trì cửa hàng thực tế để làm nơi trưng bày và giới thiệu các mẫu sản phẩm. Mô hình của chị từ nhiều năm nay vẫn duy trì kênh bán online thông qua các nền tảng như website, sàn thương mại điện tử, và nay là TikTok.
“Bên cạnh các hoạt động livestream tiếp thị, giới thiệu sản phẩm mới hoặc nhiều mẫu mã sản phẩm theo xu hướng. Thông qua các nền tảng trực tuyến, chúng tôi tổ chức các hoạt động giảm giá nhân các sự kiện, hoặc tổ chức chương trình giảm giá tri ân khách hàng… Nhờ đó, doanh thu từ bán hàng trực tuyến luôn duy trì ổn định, và hiện đang chiếm trên 80% doanh thu của cửa hàng mỗi tháng”, chị Thanh Tâm thông tin.
Tại nhiều chợ truyền thống, các tiểu thương đã không bỏ cuộc và đang bắt đầu với câu chuyện tiếp thị sản phẩm qua thương mại điện tử. Nhiều tiểu thương đã biết livestream giới thiệu và bán hàng trên các nền tảng thương mại xã hội như facebook, tiktok…
Sau các phiên livestream khá thành công của chợ Bến Thành (TP Hồ Chí Minh), mới đây, tiểu thương tại nhiều chợ tại nhiều vùng miền trên cả nước cũng tập bán hàng trên các nền tảng mạng xã hội như Zalo, Facebook, YouTube, TikTok… Bà Đỗ Thị Vân – tiểu thương tại chợ Cốm (Mễ Trì Hạ, Nam Từ Liêm, Hà Nội), đã ngoài 60 tuổi vốn không quen về livestream trên mạng, nhưng sau khi được hướng dẫn về cách làm, bà nhanh chóng trở thành người bán hàng khá chuyên nghiệp trên mạng. Với nhóm ngành hàng đặc sản như cốm, bánh kẹo truyền thống, theo bà Vân, dù sức mua trực tiếp tại chợ hiện nay khá yếu, nhưng sức mua hàng thông qua mạng xã hội lại tăng. Nhóm khách của bà Vân cũng như một số sạp có áp dụng bán hàng qua mạng xã hội đã nhích dần. Dù chưa được như kỳ vọng nhưng điều này cũng là tín hiệu tích cực, cho thấy “bức tranh sáng màu” khi áp dụng công nghệ vào bán hàng.
Ở quy mô lớn hơn, mặc dù bán lẻ truyền thống vẫn là thị trường khổng lồ, với khoảng 9.000 chợ truyền thống, hơn 1,5 triệu của hàng tạp hoá nhỏ lẻ, tuy nhiên phân khúc này còn nhiều tồn tại chưa thể giải quyết một sớm một chiều. Thế nhưng, trước sức ép phải “tồn tại” và “sống được” với bối cảnh mới này, một số doanh nghiệp cũng đang tiên phong trong “làm mới” hoạt động bán lẻ truyền thống.
Hiện có nhiều đơn vị trung gian đã áp dụng giải pháp công nghệ cao trong quản trị và vận hành doanh nghiệp có thể phân phối hàng hóa đến toàn thị trường trong vòng 1 – 2 tuần, hoàn toàn kiểm soát được lượng hàng tồn, lưu lượng phân bổ, doanh thu dự kiến,...Ngoài ra, không ít đơn vị cung cấp một nền tảng phân phối hàng hóa, dịch vụ tổng thể. Với nền tảng này, doanh nghiệp có thể tiếp cận kênh phân phối truyền thống dễ dàng, nhanh chóng với chi phí và hiệu suất kinh doanh tối ưu.
Các doanh nghiệp có thể cung cấp hàng hóa đến kênh phân phối truyền thống, hỗ trợ điểm bán trở thành kênh bán hàng trực tiếp cho người tiêu dùng. Các chuyên gia về thương mại điện tử, cho rằng “thương mại điện tử đang giúp bán lẻ truyền thống ‘lên đời’. Đặc biệt việc kết nối các điểm bán hàng, cửa hàng truyền thống với thương mại điện tử trở nên dễ dàng và thuận tiện.
Có vị chuyên gia còn cho rằng “nếu chỉ bán hàng xén mà không tham gia kết nối thì cửa hàng sẽ không hiện đại, ít khách, khó tồn tại”. Một khi các mô hình bán lẻ truyền thống được hệ thống hóa sẽ giảm được nhiều chi phí, có điều kiện để nâng cao chất lượng sản phẩm cũng như quan tâm tới khách hàng, kinh doanh sẽ tốt hơn.
Cần sự vào cuộc chung
Tại Hà Nội, nhiều địa điểm kinh doanh vốn sầm uất một thời đang lâm vào tình cảnh “im ắng” như Ninh Hiệp; Đồng Xuân, chợ Mơ, Hàng Da (Hà Nội)… Nguyên nhân được cho là do khách hàng đã chuyển sang mua sắm trực tuyến, trong khi đó các tiểu thương không chuyển đổi số kịp, dẫn đến vắng khách.
Để “hồi sinh” chợ và các mô hình bán lẻ truyền thống sẽ còn nhiều việc phải làm. Bởi theo các tiểu thương, livestream phải sử dụng công nghệ, có ngoại hình, nội dung hay và ekip hỗ trợ phía sau. Trong khi đó, những yêu cầu trên với họ là rất thiếu vì vậy, họ vẫn chật vật duy trì sạp hàng trong chợ truyền thống dù không biết tương lai sẽ thế nào.
Mặc dù mọi thứ đang thay đổi tích cực hơn, đặc biệt là trong nhận thức cũng như tư duy của nhiều tiểu thương sau những ngày dài “ế ẩm. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, để chợ truyền thống có sức hút trở lại đòi hỏi cần có sự thay đổi từ diện mạo, hàng hoá, cách thức buôn bán… Do đó, tiểu thương, người kinh doanh truyền thống cần suy nghĩ về các giải pháp mới để đem lại hiệu quả hơn.
Đại diện TikTok Việt Nam, ông Nguyễn Lâm Thanh mới đây, cho rằng bà con tiểu thương tại các chợ truyền thống nói chung đã có sẵn kỹ năng giao tiếp tốt với khách hàng, có sự am hiểu sâu về sản phẩm. Vì vậy, nếu chuyển sang bán hàng online chỉ thiếu yếu tố kỹ thuật.
“Kỹ năng bán hàng và hiểu sản phẩm là hai yếu tố khó nhất để bán được hàng, việc học kỹ thuật livestream hay bán online rất dễ, hàng triệu người đã thành công”, ông Thanh chia sẻ.
Đối với các chợ truyền thống, việc thích ứng nhanh chóng, chuyển đổi kinh doanh kịp thời chính là lối ra duy nhất trong bối cảnh sức mua sụt giảm. Các tiểu thương cũng cần chủ động nâng cao chất lượng dịch vụ, đảm bảo nguồn gốc rõ ràng… mới có thể giữ chân được khách lâu dài.
Theo nhận định từ đại diện Sở Công Thương TP.HCM, chợ truyền thống sẽ tồn tại, tuy nhiên giải pháp và mô hình nào phù hợp, thì thời gian tới nghiên cứu, đề xuất nghiên cứu đề án phát triển chợ. Đối với các chợ hoạt động hiệu quả, chúng ta sẽ tính tới phương án chuyển đổi công năng, gom ngành hàng. Ngoài ra, tổ chức lớp trực tiếp cho tiểu thương quảng bá sản phẩm qua sàn thương mại, đa dạng thanh toán, khảo sát nhu cầu thương nhân để tổ chức tiếp cận nguồn hàng giá rẻ giảm kinh phí, và tăng độ cạnh tranh.
Bên cạnh sự vào cuộc của cơ quan chức năng trong việc trang bị kỹ năng áp dụng công nghệ, cách thức tiếp thị, bán hàng trực tuyến cho các tiểu thương, theo các chuyên gia, ban quản lý các chợ và cơ quan quản lý Nhà nước có thể hỗ trợ nâng cấp, sửa sang chợ truyền thống khang trang, trở thành điểm đến mua sắm thú vị hơn.
Và có thể chỉ khi đáp ứng được những tiêu chí trên, chợ truyền thống trên khắp cả nước mới “sống” tốt trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt như hiện nay. Các chợ truyền thống cần hướng đến mô hình chợ văn minh, hiện đại, thực sự trở thành điểm đến đáng tin cậy của người mua hàng, du khách trong và ngoài nước.
Theo Tạp chí Thương Trường
https://thuongtruong.com.vn/news/ban-le-truyen-thong-phuc-hoi-nho-tiep-thi-truc-tuyen-124431.html