Bàn thảo về tự chủ và xây dựng mô hình đại học thông minh
Ngày 14/1, trường ĐH Thủ đô Hà Nội phối hợp với trường ĐH Thủ Dầu Một đã tổ chức Hội thảo quốc gia với chủ đề “Tự chủ đại học và Xây dựng mô hình đại học thông minh - Từ lý luận đến thực tiễn” dưới hình thức trực tuyến.
- TP Hồ Chí Minh tập trung chuyển đổi số để trở thành đô thị thông minh trong năm 2022
- Hà Nội: Từng bước chuyển sang khách hàng sử dụng điện thông minh
- Ra mắt sản phẩm CUVO Camera AI đèn an ninh – tân binh camera thông minh “made in Vietnam”
- Hải quan Hải Phòng thi đua thực hiện thành công Hải quan số, mô hình Hải quan thông minh
- 12 xu hướng sẽ định hình các thành phố thông minh vào năm 2022
Quang cảnh Hội thảo tại điểm cầu Trường Đại học Thủ Dầu Một.
Hội thảo được tổ chức dưới hình thức trực tuyến, có sự tham gia của đại diện Bộ GD&ĐT; lãnh đạo, quản lý đến từ Thành ủy, UBND, các sở, ban ngành của Thành phố Hà Nội, tỉnh Bình Dương và các địa phương trong cả nước; các nhà quản lý, giảng viên, nghiên cứu viên, chuyên gia.
Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Vũ Bích Hiền, Hiệu trưởng Trường Đại học Thủ đô Hà Nội, tự chủ là xu thế tất yếu để thúc đẩy phát triển giáo dục đại học, là hướng đi phù hợp để mở ra cơ hội phát triển về chiều sâu của giáo dục và đào tạo bậc đại học. Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách thực hiện tự chủ đại học. Tuy nhiên, hiện nay, việc thực hiện tự chủ ở các cơ sở giáo dục đại học vẫn còn nhiều rào cản và thách thức cần giải quyết. Cùng với sự phát triển của khoa học, công nghệ, phát triển giáo dục thông minh là một xu hướng tất yếu, góp phần cung cấp cho người học chương trình học tập “mọi lúc, mọi nơi”, phù hợp với nhiều đối tượng, cá nhân hóa nội dung đào tạo...
PGS.TS. Nguyễn Văn Hiệp, Chủ tịch Hội đồng trường trường ĐH Thủ Dầu Một nêu luận điểm: Mô hình giáo dục thông minh 4.0 góp phần thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp của sinh viên; tạo điều kiện cho sự hợp tác giữa giáo dục đại học với sản xuất; gắn kết cùng các nỗ lực phát triển kinh tế khu vực và địa phương…. Giáo dục thông minh cũng giúp thay đổi tư duy, cách tiếp cận đối với mô hình đại học theo hướng: Nhà trường không chỉ là nơi đào tạo, nghiên cứu mà còn là trung tâm đổi mới sáng tạo, giải quyết các vấn đề thực tiễn, mang giá trị cho xã hội. Không gian nhà trường không còn giới hạn với giảng đường, lớp học hay phòng thí nghiệm, mà được mở rộng kết hợp với doanh nghiệp, thị trường lao động để trở thành “hệ sinh thái giáo dục”.
Tham dự Hội thảo, các đại biểu đã nêu tổng quan các vấn đề quản trị đại học trong bối cảnh tự chủ; thực trạng, kinh nghiệm, mô hình quản trị đại học tại các trường đại học nói chung và tại các trường đại học địa phương nói. Một số ý kiến đã làm rõ vai trò và trách nhiệm của cơ quan quản lý có thẩm quyền trong lộ trình tự chủ đại học của các trường đại học địa phương; vai trò của Hội đồng trường, các góc nhìn khác nhau về thể chế, cơ chế thực hiện tự chủ đại học; trách nhiệm giải trình của cơ sở giáo dục đại học; đặc biệt là về vấn đề tài chính, sở hữu của các trường đại học địa phương trong thực hiện tự chủ.
TS. Đỗ Hồng Cường, Chủ tịch Hội đồng trường ĐH Thủ đô Hà Nội cho biết, triển khai xây dựng “hệ sinh thái giáo dục thông minh” trên nền tảng công nghệ số chính là việc mở rộng môi trường học tập cổ điển theo trường lớp ra môi trường rộng lớn hơn với tập hợp các hệ thống lí luận, phương pháp học tập, triển khai học tập nhờ sự kết nối với Internet. Đặc điểm mô hình này là công tác giáo dục tương tác chủ yếu trực tuyến thông qua công nghệ mạng, công nghệ đa phương tiện và kỹ thuật truyền thông. Cấu trúc hệ sinh thái giáo dục thông minh của nhà trường gồm 5 yếu tố: Hệ thống chủ thể giáo dục (bao gồm toàn bộ nhân sự tham gia vào quá trình giáo dục); Hệ thống nội dung giáo dục (chương trình đào tạo, tham khảo, liên hệ...); Hệ thống công nghệ giáo dục; Hệ thống bối cảnh giáo dục; Văn hóa, chiến lược giáo dục.
Nhận được sự quan tâm rất lớn từ các nhà khoa học, thầy cô giáo và toàn xã hội, hội thảo đã nêu được những vấn đề cơ bản trong thực hiện tự chủ đại học hiện nay và xu hướng phát triển mô hình đại học thông minh, phát triển giáo dục số đáp ứng yêu cầu của thời đại; bước đầu khơi mở những cách thức, hướng đi mới phù hợp với điều kiện của mỗi nhà trường trong việc xây dựng đại học thông minh.
Trọng Nguyễn (T/h)