Báo chí là hình thức giúp doanh nghiệp tiếp cận FTA nhiều nhất
Hình thức phổ biến thông tin được doanh nghiệp tiếp cận nhiều nhất là báo chí, truyền hình (64,5%) và website (51,1%). Trong khi đó, hình thức ấn phẩm bản in chỉ chiếm tỷ lệ thấp (7,2%), cho thấy xu hướng số hóa thông tin ngày càng phổ biến hơn trong tiếp cận thông tin FTA.

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh, việc đánh giá kết quả thực thi FTA thông qua Bộ Chỉ số này không chỉ để "so sánh", mà còn là động lực thúc đẩy các địa phương, cộng đồng doanh nghiệp thực thi có hiệu quả và tối ưu hóa các cơ hội từ các FTA - Ảnh: VGP.
Chiều 8/4, tại trụ sở Chính phủ, Bộ Công Thương đã phối hợp với Văn phòng Chính phủ tổ chức Lễ công bố Bộ chỉ số đánh giá kết quả thực hiện các Hiệp định thương mại tự do của các địa phương - FTA Index năm 2024. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tham dự sự kiện.
Lễ công bố Bộ chỉ số FTA Index không chỉ đánh dấu một bước tiến quan trọng trong công tác triển khai hội nhập kinh tế quốc tế của đất nước mà còn tạo nền tảng vững chắc để nâng cao hiệu quả thực thi hiệu quả các hiệp định thương mại tự do (FTA); đồng thời hỗ trợ doanh nghiệp, địa phương tốt hơn trong quá trình tham gia thương mại quốc tế và chuỗi giá trị khu vực và toàn cầu.
Báo chí là hình thức giúp doanh nghiệp biết đến FTA nhiều nhất
Kết quả khảo sát cho thấy Sở Công Thương là kênh phổ biến thông tin về FTA chủ yếu tại các địa phương, được lựa chọn bởi phần lớn doanh nghiệp (59,3%). Đây cũng là cơ quan được giao nhiệm vụ đầu mối thực thi các FTA tại địa phương.
Ngoài ra, Sở Thông tin và Truyền thông và Sở Kế hoạch và Đầu tư cũng là 2 cơ quan có tỷ lệ cao trong việc tuyên truyền về các FTA đến doanh nghiệp, với tỷ lệ tương ứng là 23% và 19,5%.
Về hình thức giúp doanh nghiệp biết đến thông tin về FTA, báo cáo cho biết: Hình thức phổ biến thông tin được doanh nghiệp tiếp cận nhiều nhất là báo chí, truyền hình (64,5%) và website (51,1%). Các hội nghị, hội thảo (44%) và đào tạo, tập huấn (31,5%) cũng được đánh giá là những kênh truyền thông thông tin hiệu quả. Trong khi đó, hình thức ấn phẩm bản in chỉ chiếm tỷ lệ thấp (7,2%), cho thấy xu hướng số hóa thông tin ngày càng phổ biến hơn trong tiếp cận thông tin FTA.
Về tình hình nắm bắt các văn bản pháp luật được ban hành để thực thi các cam kết FTA của doanh nghiệp: Đối với các quy định về biểu thuế ưu đãi đặc biệt theo các FTA, có 30% doanh nghiệp đã hiểu rõ nhưng chưa bị tác động, 23,9% doanh nghiệp hiểu rõ và bị tác động, 21,1% doanh nghiệp mới chỉ nghe nói, 16,6% doanh nghiệp chưa hiểu rõ và 8,5% doanh nghiệp không biết về các văn bản.
Trong khi đó, đối với các quy định về quy tắc xuất xứ, 20,5% doanh nghiệp hiểu rõ nhưng chưa bị tác động, 11,1% doanh nghiệp hiểu rõ và bị tác động, 13,8% doanh nghiệp có nghe nói, 22,6% doanh nghiệp chưa biết rõ và 32% doanh nghiệp không biết về các văn bản.
Đối với các quy định khác được nội luật hóa, có 29,6% doanh nghiệp hiểu rõ nhưng chưa bị tác động, 28,1% doanh nghiệp hiểu rõ và đã bị tác động, 19,7% doanh nghiệp có nghe nói và 15,4% doanh nghiệp chưa hiểu rõ.
Về Chỉ số thành phần về hoạt động tuyên truyền, phổ biến là đánh giá mức độ khác biệt giữa các tỉnh, thành về tiếp cận của doanh nghiệp đối với hoạt động tuyên truyền, phổ biến về các FTA. Theo đó, Ninh Bình là tỉnh có số điểm đạt cao nhất với 8,3 điểm. Tiếp theo trong Top 10 là các tỉnh Quảng Bình, Thanh Hóa, Cà Mau, Hà Giang, Quảng Ninh, Thái Nguyên, Điện Biên, Long An và Bạc Liêu.
Về chỉ số thành phần về thực hiện quy định pháp luật để thực thi FTA đánh giá mức độ khác biệt giữa các tỉnh, thành về mức độ tiếp cận của các doanh nghiệp đối với các văn bản pháp luật được ban hành để thực hiện các cam kết theo các FTA. Kết quả tính toán Khánh Hòa là tỉnh có điểm số cao nhất với 8,69 điểm, tiếp theo trong Top 10 là các tỉnh Thanh Hóa, Quảng Bình, Cà Mau, Ninh Bình, Thái Nguyên, Trà Vinh, Bình Dương, Hà Giang và Kiên Giang.

Các địa phương nhận bằng khen về việc thực hiện các hiệp định FTA - Ảnh: VGP/ NB.
Không chỉ để "so sánh", mà để hành động
Phát biểu tại sự kiện, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh, Bộ chỉ số FTA Index sẽ là công cụ đánh giá định lượng, khách quan, toàn diện về tình hình, mức độ thực thi các FTA tại 63 tỉnh, thành phố trong cả nước.
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho biết, trước xu thế toàn cầu hóa và hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng; cạnh tranh chiến lược và chiến tranh thương mại giữa các nước lớn ngày càng gay gắt, đặc biệt là xu hướng bảo hộ thương mại ngày càng gia tăng, cùng với việc Tổng thống Mỹ Donald Trump vừa quyết định áp thuế đối ứng từ 10% đến 49% đối với hàng hóa của tất cả các nước khi nhập khẩu vào Hoa Kỳ, tác động tiêu cực đến hoạt động thương mại quốc tế... thì các Hiệp định thương mại tự do (FTA) đã trở thành xu hướng chủ đạo, được xem như là các "xa lộ lớn" thúc đẩy trao đổi thương mại giữa các quốc gia.
"Việc thực thi có hiệu quả các FTA trong thời gian qua đã giúp mở rộng, đa dạng thị trường, chuỗi cung ứng và sản phẩm xuất khẩu, tạo điều kiện cho hàng hóa Việt Nam tham gia sâu hơn vào chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu.
Cùng với đó, việc tận dụng, thực thi có hiệu quả các FTA cũng góp phần thúc đẩy kim ngạch xuất nhập khẩu tăng trưởng mạnh và cán cân thương mại được cải thiện rõ rệt theo hướng chuyển từ thâm hụt sang thặng dư liên tục trong nhiều năm (trong đó năm 2024 là năm thứ 9 liên tiếp nước ta xuất siêu với mức thặng dư kỷ lục gần 25 tỷ USD), góp phần nâng cao dự trữ ngoại hối, ổn định tỷ giá và các chỉ số kinh tế vĩ mô, đóng góp quan trọng, tích cực vào sự phát triển kinh tế của đất nước", Bộ trưởng nhìn nhận.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, Bộ trưởng cũng chỉ rõ, việc thực thi các FTA thời gian qua cũng đã bộc lộ một số tồn tại, hạn chế cần sớm khắc phục. Đó là việc tận dụng cơ hội từ các FTA giữa các địa phương và doanh nghiệp chưa đồng đều, đặc biệt là trong khu vực doanh nghiệp nhỏ và vừa; nhiều doanh nghiệp chưa cập nhật đầy đủ thông tin, chưa nắm rõ cam kết cụ thể và chưa đủ năng lực để đáp ứng các tiêu chuẩn về xuất xứ, kỹ thuật, môi trường, lao động...;
Bên cạnh đó, sự phối hợp giữa các cơ quan Trung ương, chính quyền địa phương và cộng đồng doanh nghiệp trong triển khai FTA chưa thật sự đồng bộ, hiệu quả, làm giảm tác động lan tỏa của các hiệp định thương mại tự do.
"Để kịp thời khắc phục hạn chế nêu trên, Chính phủ đã giao Bộ Công Thương xây dựng Bộ Chỉ số đánh giá kết quả thực hiện các Hiệp định thương mại tự do của các địa phương - FTA Index nhằm tạo lập, cung cấp cơ sở dữ liệu minh bạch, khách quan, toàn diện về mức độ thực thi các cam kết FTA tại từng địa phương. FTA Index cũng sẽ làm căn cứ quan trọng, giúp Chính phủ và các Bộ, ngành, địa phương hoạch định cơ chế, chính sách điều hành xuất, nhập khẩu bảo đảm sát thực, hiệu quả, thúc đẩy cộng đồng doanh nghiệp chủ động tham gia và tận dụng có hiệu quả cơ hội từ các FTA để đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh và xuất khẩu, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia", Bộ trưởng thông tin.
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho rằng, Bộ chỉ số FTA Index sẽ là công cụ đánh giá định lượng, khách quan, toàn diện về tình hình, mức độ thực thi các FTA tại 63 tỉnh, thành phố trong cả nước và được triển khai định kỳ hằng năm nhằm kịp thời nhận diện những điểm nghẽn trong quá trình thực thi các cam kết FTA tại địa phương và đề xuất các giải pháp cải thiện cụ thể, phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành chính sách xuất nhập khẩu của các cấp chính quyền một cách sát thực, hiệu quả.
Vì vậy, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh, việc đánh giá kết quả thực thi FTA thông qua Bộ Chỉ số này không chỉ để "so sánh", mà còn là động lực thúc đẩy các địa phương, cộng đồng doanh nghiệp thực thi có hiệu quả và tối ưu hóa các cơ hội từ các FTA để đa dạng hóa thị trường, chuỗi cung ứng và sản phẩm xuất khẩu, góp phần duy trì đà tăng trưởng xuất khẩu bền vững và hiện thực hóa mục tiêu hội nhập kinh tế quốc tế một cách thiết thực, hiệu quả mà Đảng, Nhà nước đã đề ra.