Bảo vệ bản quyền ngành công nghiệp điện ảnh và truyền hình số

08:11, 27/09/2023

Bên cạnh những ưu điểm vượt trội, cuộc cách mạng số hóa trong lĩnh vực điện ảnh, truyền hình đã và đang mang đến những thách thức trong việc bảo vệ bản quyền nội dung.

Tại buổi tọa đàm "Giải bài toán bảo vệ bản quyền cho ngành công nghiệp âm nhạc-điện ảnh-truyền hình số", do Liên minh Sáng tạo nội dung số Việt Nam (DCCA) phối hợp với một số đơn vị tổ chức ngày 26/9, các đại biểu đều nhấn mạnh, các hãng phát hành phim trực tuyến nổi tiếng hiện nay đã trở thành những nhân tố quan trọng trong hệ sinh thái giải trí internet khi đáp ứng nhu cầu nội dung không giới hạn.

Tuy nhiên, việc đảm bảo tính toàn vẹn và độc quyền cho các nội dung phát hành đã trở thành một vấn đề quan trọng và là bài toán mà các nhà sở hữu và phát hành nội dung phải coi trọng.

Theo các đại biểu, bên cạnh những ưu điểm vượt trội, cuộc cách mạng số hóa trong lĩnh vực âm nhạc, truyền hình đã và đang mang đến những thách thức trong việc bảo mật và bảo vệ bản quyền nội dung, từ đó yêu cầu phải có các giải pháp để bảo vệ nội dung tránh khỏi các rủi ro về xâm hại bản quyền.

Đại diện của Hội Truyền thông số Việt Nam (VDCA) cho biết, mặc dù các biện pháp chặn tên miền cũng đã bắt đầu được thực thi tại Việt nam; các giải pháp quản lý quyền kỹ thuật số (DRM) như Widevine, FairPlay và PlayReady cũng đã được triển khai để ngăn chặn truy cập và phân phối trái phép... nhưng các giải pháp bảo vệ bản quyền hiện tại vẫn chưa đủ sức bảo vệ và cần phương pháp đa chiều để giải quyết các rủi ro đang hiện hữu.

Đặc biệt, vấn đề mà các nhà cung cấp nội dung đối mặt trong lỗ hổng DRM, trước hết là việc lợi dụng sự giả mạo gói tin để đánh lừa máy chủ ủy quyền (license server) và qua mặt việc xác thực cấp quyền, lấy nội dung cho các tài khoản không đủ tin cậy.

Toàn cảnh buổi toạ đàm.

Bên cạnh đó, các nhà cung cấp truyền hình OTT và các hãng phát hành trực tuyến cũng đang phải đối mặt với các rủi ro khác, đòi hỏi các giải pháp bảo vệ bản quyền toàn diện, như: Vấn đề dùng thiết bị quay màn hình để phát lại, vấn đề khai thác các mạng riêng ảo (VPN) để né tránh hạn chế địa lý, cho phép truy cập nội dung từ quốc gia này phân phối nội dung trái phép tại một quốc gia khác...

Ông Vũ Kiêm Văn, Tổng thư ký VDCA cho biết, vấn đề bảo vệ bản quyền nội dung, đặc biệt là trong bối cảnh chuyển đổi số hiện nay đang gặp rất nhiều thách thức. Đây là vấn đề đang được các doanh nghiệp sáng tạo, kinh doanh nội dung số rất quan tâm.

Để đối phó với những mối đe dọa này, các đại biểu tại toạ đàm đều thống nhất, bên cạnh những chính sách điều hành, quản lý, yếu tố công nghệ cũng đóng vai trò rất quan trọng.

Một trong những giải pháp công nghệ mà các đại biểu quan tâm tại buổi toạ đàm đó là giải pháp Sigma Active Observer (SAO).

Giải pháp này không chỉ có một lớp bảo mật của Sigma Multi-DRM, mà còn quan sát hoạt động giám sát mọi khía cạnh của phân phối nội dung và phát trực tuyến.

Đặc biệt, với việc ứng dụng thuật toán trí tuệ nhân tạo (AI), giải pháp này có thể xác định các biểu hiện bất thường và các mối đe dọa tiềm năng tại mọi bước, bao gồm việc phát hiện vi phạm phân phối xuyên biên giới và giả mạo gói tin; đồng thời đi sâu vào mẫu hành vi người dùng, tức thời xác định các hoạt động đáng ngờ và bảo vệ khỏi sự can thiệp…

Theo Báo Chính phủ

(https://baochinhphu.vn/bao-ve-ban-quyen-nganh-cong-nghiep-dien-anh-va-truyen-hinh-so-102230926143727488.htm)