Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong tiến trình hội nhập thương mại điện tử quốc tế

21:01, 28/03/2025

Sự phát triển nhanh chóng của hoạt động thương mại điện tử đặt ra những thách thức đối với công tác quản lý, giám sát, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trước tình trạng hàng giả, hàng kém chất lượng, vi phạm quyền sở hữu trí tuệ, vi phạm pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Bùng nổ đi kèm những thách thức

Tại Việt Nam, theo Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương), thương mại điện tử duy trì tốc độ tăng trưởng ấn tượng, đạt mức 18 - 25% mỗi năm. Quy mô thị trường thương mại điện tử năm 2024 sớm vượt mốc 25 tỷ USD, tăng 20% so với năm 2023, chiếm tỷ trọng khoảng 9% so với tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng cả nước.

Tuy nhiên, sự phát triển nhanh chóng của hoạt động thương mại điện tử cũng đặt ra những thách thức đối với công tác quản lý, giám sát, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trước tình trạng hàng giả, hàng kém chất lượng, vi phạm quyền sở hữu trí tuệ, vi phạm pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng,…

Tại toạ đàm “Tăng cường bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng Việt Nam trong tiến trình hội nhập thương mại điện tử quốc tế” diễn ra ngày 27/3, ông Vũ Văn Trung, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Ban chấp hành Hội Bảo vệ Người tiêu dùng Việt Nam, cho rằng tình trạng này xuất phát từ việc các cơ sở, tổ chức, cá nhân sản xuất kinh doanh trên sàn thương mại điện tử thiếu ý thức, vì mưu cầu lợi ích mà sẵn sàng đưa hàng không đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng, không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm lên sàn thương mại điện tử để thu lợi bất chính.

Mặt khác người tiêu dùng chưa hiểu biết đầy đủ, không theo kịp những tình hình diễn biến mới xảy ra, tạo điều kiện cho những doanh nghiệp, cá nhân chuộc lợi dẫn đến kết quả cuối cùng là người tiêu dùng phải hứng chịu những thiệt hại về vật chất và tinh thần, sức khỏe.

Để hỗ trợ người tiêu dùng, Hội Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam và các hội thành viên tỉnh, thành phố xác định công tác tuyên truyền, giáo dục cho người tiêu dùng đóng vai trò rất quan trọng, để cung cấp thông tin về những chủ thể, tổ chức, cá nhân kinh doanh trên sàn thương mại điện tử, giúp người tiêu dùng tránh tình trạng thiếu thông tin, thiếu hiểu biết.

Hội cũng khuyến khích người tiêu dùng hãy trở thành những người tiêu dùng thông thái trong lựa chọn và lắng nghe ý kiến của các cơ quan quản lý nhà nước, hay mạnh dạn lên tiếng bảo vệ quyền lợi của mình kể cả trước những dấu hiệu vi phạm nhỏ nhất.

Tại Việt Nam thương mại điện tử duy trì tốc độ tăng trưởng ấn tượng.

Tăng cường bảo vệ người tiêu dùng

Về phía cơ quan quản lý, Phó Chủ tịch Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia Nguyễn Quỳnh Anh cho biết Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2023 đã có những điều chỉnh và có những quy định rất chi tiết về nghĩa vụ của từng chủ thể trong tiêu dùng trên không gian mạng, bao gồm cả chủ sàn thương mại điện tử; tổ chức, cá nhân kinh doanh trên sàn; và người có sức ảnh hưởng.

Đối với sàn thương mại điện tử hoặc chủ của nền tảng số, nền tảng số trung gian, Luật yêu cầu phải công khai đầu mối để xử lý khiếu nại của người tiêu dùng; Luật cũng đặt ra quy định đối với một chủ thể khá mới cả trên thế giới và ở Việt Nam, đặc biệt ở các nước châu Á, đó là những người có tầm ảnh hưởng.

“Ở Việt Nam, những người có tầm ảnh hưởng thực sự là họ rất có ảnh hưởng. Họ có thể có hàng triệu người theo dõi và tôi không tiện nói tên những sàn hoặc là những nền tảng mà họ khai thác, sử dụng. Nhưng nếu những ngày gần đây chúng ta theo dõi chúng ta sẽ thấy rằng có những người người ta có những đoạn quảng cáo sản phẩm lên đến hàng chục triệu người theo dõi hoặc có những người khi mở trang bán hàng của họ thì có hàng triệu người luôn luôn là khách hàng thân thuộc”, bà Nguyễn Quỳnh Anh cho biết.

Bà Nguyễn Quỳnh Anh cho rằng, thách thức lớn nhất hiện nay là song song với việc có những giao dịch về mặt truyền thống thì đã có giao dịch thương mại điện tử càng ngày càng trở nên phức tạp. Khi người tiêu dùng tham gia nhiều vào các giao dịch thương mại điện tử, họ trông đợi rất nhiều vào cơ quan quản lý nhà nước. Đó là thách thức lớn nhất. Làm sao để nghe được những tiếng nói từ phía người tiêu dùng về những khó khăn của họ, những trải nghiệm không tốt của họ để thể đáp ứng và giải quyết được phần nào những vướng mắc của họ trong giao dịch thương mại điện tử,… là bài toán đặt ra cho cơ quan quản lý.

Ngoài ra, vi phạm tại Việt Nam không dừng ở việc cung cấp hàng hóa không đảm bảo chất lượng, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ,… mà cao hơn còn là lừa đảo, chiếm đoạt tài sản trên nền tảng số. Thông tin cá nhân, lịch sử giao dịch của người tiêu dùng dễ bị lộ lọt.

Trong khi đó, mô hình kinh doanh trên nền tảng số ở Việt Nam cực kỳ phức tạp, thiên biến vạn hóa và khó xác định ra được vi phạm. Điều này càng khó khăn hơn đối với thương mại điện tử xuyên biên giới. Không phải người tiêu dùng nào cũng đủ công cụ, cũng biết cách yêu cầu doanh nghiệp đứng ra thương lượng qua hình thức trực tuyến, giải quyết khi có tranh chấp.

Chia sẻ kinh nghiệm tại Vương quốc Anh, ông Iain Frew, Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ireland tại Việt Nam cho rằng, sự phát triển của thương mại điện tử đã và đang mang đến một số thách thức cũng như những cơ hội mới, liên quan đến bảo mật dữ liệu, khiếu nại về sản phẩm, lừa đảo trực tuyến...

Về phía Vương quốc Anh, Đạo luật Bảo vệ người tiêu dùng năm 2015 của Vương quốc Anh đã đưa ra các điều khoản mới đặc biệt để giải quyết các vấn đề liên quan đến giao dịch mua bán trực tuyến, qua đó cung cấp một nền tảng vững chắc cho việc bảo vệ người tiêu dùng tại quốc gia này.

Tuy nhiên, theo ông Iain Frew, trong bối cảnh thương mại điện tử phát triển nhanh chóng, hàng năm, không chỉ có những sản phẩm, dịch vụ mới được cung cấp mà còn có cả nhiều cách thức tiếp cận mới đối với người tiêu dùng. Vì vậy, ông Iain Frew nhấn mạnh việc rà soát hệ thống pháp luật và các quy định sau khi đi vào triển khai là rất quan trọng để xác định được những vấn đề mới phát sinh. 

Ngày 25/3/2025, Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia, Bộ Công Thương và Đại sứ quán Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ireland đã ký kết Biên bản ghi nhớ hợp tác về bảo vệ người tiêu dùng.

Thông qua khuôn khổ Biên bản ghi nhớ, Vương quốc Anh sẽ chia sẻ kinh nghiệm và chuyên môn để giúp Việt Nam có thể đưa ra các biện pháp bảo vệ người tiêu dùng hoặc cách giải quyết các vấn đề phát sinh trên thị trường tiêu dùng, dựa trên kinh nghiệm từ những nơi khác, bao gồm Vương quốc Anh, đồng thời phát triển các lĩnh vực cụ thể để đáp ứng các nhu cầu tương ứng tại Việt Nam. Qua đó, củng cố được lòng tin và tạo ra một môi trường mà mọi người đều cảm thấy tự tin, tự tin khi mua hàng, tự tin khi tạo ra sản phẩm mới và cải tiến sản phẩm mới, cũng như áp dụng những cách thức mới để mua và bán những sản phẩm đó.

Vương quốc Anh cũng sẽ làm việc để xác định và đánh giá rủi ro trong thị trường tiêu dùng và sản phẩm, đồng thời xem xét và chia sẻ kinh nghiệm về việc thu hồi sản phẩm và cách thức triển khai hiệu quả nhất cho người tiêu dùng và doanh nghiệp. Đồng thời, xem xét các vấn đề của từng ngành, các thách thức cụ thể mà các ngành phải đối mặt, hoặc các hình thức quản lý cụ thể.