Bị Mỹ hạn chế trong lĩnh vực chip tiên tiến, Trung Quốc vẫn đang nắm giữ lợi thế lớn
Trung Quốc vẫn nắm lợi thế trong lĩnh vực chip khi tích cực đẩy mạnh sản xuất các con chip cũ…
Trong khi căng thẳng ngành chip đang leo thang giữa Washington và Bắc Kinh, Mỹ rõ ràng đang chiếm ưu thế về công nghệ tiên tiến nhất. Tuy nhiên Trung Quốc đang giành được lợi thế lớn không hề kém cạnh.
Theo WSJ, ngay cả khi các hạn chế xuất khẩu của Mỹ cản trở sự tiến bộ của Trung Quốc trong lĩnh vực chip tiên tiến, Bắc Kinh vẫn tích cực mở rộng sản xuất các loại chip cũ hơn. Mặc dù những con chip này không hấp dẫn bằng những sản phẩm cao cấp hơn - chẳng hạn như chip trí tuệ nhân tạo của Nvidia - nhưng chúng cần thiết cho những sản phẩm thiết yếu như ô tô và thiết bị gia dụng.
Trên thực tế, nguồn cung cấp những con chip này bị gián đoạn đã gây ra sự tàn phá trên thị trường ô tô trong thời kỳ đại dịch.
Theo Morgan Stanley, Trung Quốc đã chi 41 tỷ USD cho thiết bị chế tạo tấm bán dẫn vào năm 2024, tăng 29% so với cùng kỳ năm ngoái. Đó là khoảng 40% tổng số toàn cầu và tăng mạnh so với 24 tỷ USD vào năm 2021.
Một phần trong đó là do các công ty Trung Quốc đang cố gắng dự trữ các công cụ mà họ vẫn có thể sử dụng trước khi các hạn chế được thắt chặt hơn nữa. Phần lớn đến từ các công ty Trung Quốc như Semiconductor Manufacturing International (SMIC) và Hua Hong Semiconductor để sản xuất chip truyền thống. SMIC - hãng sản xuất chip lớn nhất Trung Quốc, đã chi 7,5 tỷ USD đầu tư vốn vào năm 2023, so với khoảng 2 tỷ USD một năm trước đại dịch.
Chiến lược này của Trung Quốc gợi nhớ đến những động thái của quốc gia này trong ngành sản xuất tấm pin mặt trời và đã giành được thành công nhờ sự hỗ trợ lớn của nhà nước, định giá mạnh mẽ và sẵn sàng cho cuộc đua lâu dài mà những người chơi khác có thể không sẵn lòng.
Trung Quốc đang trở thành nhà cung cấp chip lớn cho chính các công ty nội địa - Ảnh minh họa.
Theo Bernstein, các công ty đúc Trung Quốc đã tăng thị phần toàn cầu của họ trong các nút trưởng thành (mature node) từ 14% vào năm 2017 lên 18% vào năm 2023. Đặc biệt, khách hàng nội địa đã hỗ trợ khi họ lấy 53% nguồn cung chip trưởng thành từ các xưởng đúc Trung Quốc vào năm 2023, tăng từ 48% vào năm 2017.
Căng thẳng địa chính trị gia tăng sẽ càng thúc đẩy khách hàng Trung Quốc tìm kiếm nhà cung cấp tại quê nhà.
Đây sẽ là một rủi ro đặc biệt là đối với các công ty bán dẫn Mỹ bao gồm Texas Instruments và GlobalFoundries, vón đang cạnh tranh trong các con chip này. Điều đó cũng có thể khiến Washington “đau đầu” và mục tiêu duy trì khả năng phục hồi trong chuỗi cung ứng chip của nước này.
Việc mở rộng các hạn chế đối với các loại chip cấp thấp hơn có thể là không thực tế, nhưng các công ty sản xuất những loại chip đó có thể cần viện trợ của nhà nước để cạnh tranh với Trung Quốc.
Mỹ đã mô tả chiến lược kiểm soát công nghệ của mình như một cách tiếp cận “sân nhỏ, hàng rào cao” với những hạn chế nghiêm ngặt đối với một số công nghệ tiên tiến có hạn. Nhưng việc hạn chế xung đột theo cách này có thể khiến cuộc xung đột ngày đang ngày một lan rộng và mang lại những lợi thế cho Trung Quốc theo cách không ngờ tới.
Đầu tháng này, Mỹ đã áp đặt hạn chế xuất khẩu cùng nhiều biện pháp khác lên 140 công ty bao gồm cả nhà sản xuất thiết bị bán dẫn Naura Technology Group. Lệnh hạn chế mới cũng giới hạn lô hàng chip nhớ băng thông cao (HBM) được vận chuyển sang Trung Quốc. Đáng chú ý đây là loại chip quan trọng trong các hệ thống AI vốn đang chứng kiến sự bùng nổ nhu cầu.
Chip nhớ băng thông cao (HBM) về cơ bản là một chồng chip nhớ với các thành phần nhỏ lưu trữ dữ liệu. Chúng có thể lưu trữ nhiều thông tin và truyền dữ liệu nhanh hơn công nghệ bộ nhớ truy cập ngẫu nhiên động, hay còn gọi là DRAM. HBM là thành phần không thể thiếu để chạy các ứng dụng trí tuệ nhân tạo ngày càng phổ biến, bao gồm AI tạo sinh với sự hỗ trợ từ bộ xử lý đồ họa (GPU) của Nvidia.