Biến 'cái nắng, cái gió' của Quảng Ngãi thành đầu vào cho các ngành công nghiệp
Quảng Ngãi cần đẩy mạnh cơ cấu lại ngành công nghiệp theo hướng hiện đại, nâng cao đóng góp của sản xuất công nghiệp trong GRDP địa phương, trong đó chú trọng phát triển các ngành công nghiệp chủ lực như lọc hóa dầu, luyện thép chất lượng cao.
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên dẫn đầu Đoàn công tác Bộ Công Thương đã đến thăm, thị sát tình hình sản xuất kinh doanh tại Nhà máy lọc dầu Dung Quất - Ảnh: Báo Công Thương
Thông tin từ Văn phòng Bộ Công Thương, phát biểu kết luận tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Quảng Ngãi ngày 8/8, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đánh giá tỉnh Quảng Ngãi có nhiều lợi thế trong phát triển kinh tế biển, đặc biệt là phát triển ngành công nghiệp trọng điểm như công nghiệp nặng với lọc hóa dầu và luyện cán thép, tương lai là đóng tàu...
"Nhà máy lọc dầu Dung Quất tại Quảng Ngãi đã và đang trở thành một trong những trung tâm năng lượng chiến lược của đất nước. Hiện cung ứng hơn 1/3 sản lượng sản phẩm xăng dầu cả nước nhưng trong tương lai sẽ mở rộng công suất lên 1,5 triệu tấn, chiếm khoảng 50% nhu cầu cả nước. Đặc biệt, Việt Nam đang chú trọng phát triển những sản phẩm hóa dầu, thì đây là hướng đi rất chiến lược", Bộ trưởng dẫn chứng.
Bộ trưởng cũng chỉ hạn chế của Quảng Ngãi là sự thiếu cân đối trong lĩnh vực công nghiệp - Ảnh: Báo Công Thương
Tỉ trọng công nghiệp thiếu cân đối, nhiều dự án lớn ùn tắc
Tuy nhiên, Bộ trưởng cũng chỉ hạn chế của Quảng Ngãi là sự thiếu cân đối trong lĩnh vực công nghiệp khi tỷ trọng ngành công nghiệp Quảng Ngãi chiếm trên 80% trong tổng số GRDPnhưng cơ cấu các lĩnh vực thiếu cân đối. Đơn cử như khi nhà máy lọc dầu Dung Quất tạm dừng hoạt động 50 ngày để bảo dưỡng tổng thể đã làm giảm giá trị sản xuất công nghiệp của tỉnh.
Một khó khăn lớn nữa đó là một số dự án lớn trên địa bàn còn vướng mắc. Tiêu biểu là dự án sử dụng nhiệt điện khí sử dụng khí của mỏ Cá Voi Xanh bởi chủ đầu tư dự án Exxon Mobil không chú trọng vào khai thác mà lại chú trọng vào ngành năng lượng mới. Đối với dự án này, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đề nghị tỉnh Quảng Ngãi cùng Bộ kiến nghị Chính phủ cho phép triển khai dự án nhà máy nhiệt điện khí nhưng thay vì sử dụng khí hóa lỏng từ mỏ Cá Voi Xanh chuyển sang sử dụng khí hóa lỏng nhập khẩu.
"Chúng ta phải phát triển điện khí để đảm bảo năng lượng cho quốc gia. Còn khi nào khai thác được mỏ Cá Voi Xanh thì sẽ chuyển sang sử dụng lại. Cần thiết chúng ta sẽ kí hợp đồng cung ứng nguồn nhiên liệu có thời hạn với đối tác. Có như vậy mới thực hiện được mục tiêu của địa phương và cả nước", Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nói.
Để ngành Công Thương tỉnh Quảng Ngãi phát triển, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đề nghị tỉnh quan tâm thực hiện 5 nhóm giải pháp trọng tâm.
Trước hết, triển khai làm tốt các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về phát triển kinh tế. Đặc biệt là các chính sách đột phá mới được ban hành trong lĩnh vực năng lượng như cơ chế mua bán điện trực tiếp, cơ chế phát triển điện mặt trời mái nhà tự sản tự tiêu,...
"Đây là những cơ chế cho phép khai thác tốt tiềm năng của địa phương, biến "cái nắng cái gió" sẵn có thành đầu vào cho các ngành công nghiệp. Đặc biệt là tập trung rà soát tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc của những dự án trọng điểm đang triển khai trên địa bàn gồm 3 dự án về năng lượng, 1 dự án về đóng tàu", Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đề nghị.
Nhà máy lọc dầu Dung Quất
Thứ hai, rà soát kỹ đối chiếu Quy hoạch tỉnh với Quy hoạch vùng, Quy hoạch quốc gia trên tiêu chí quy hoạch tỉnh phải phù hợp với các quy hoạch cấp cao hơn.
Thứ ba, khẩn trương triển khai thực hiện các Quy hoạch ngành quốc gia bởi trong lĩnh vực Công Thương có 4 quy hoạch thì Quảng Ngãi đều có. Cụ thể, đến năm 2030, trên địa bàn Quảng Ngãi được quy hoạch 20 dự án nguồn điện (4 dự án điện khí; 14 dự án thủy điện nhỏ; 2 dự án điện mặt trời tự án tự tiêu); 15MW điện rác; 39 MW điện mặt trời mái nhà; 20 dự án lưới điện và 35 điểm mỏ khoáng sản.
Thứ tư, đẩy mạnh cơ cấu lại ngành công nghiệp theo hướng hiện đại, nâng cao đóng góp của sản xuất công nghiệp trong GRDP địa phương, trong đó cần chú trọng phát triển các ngành công nghiệp chủ lực như lọc hóa dầu, luyện thép chất lượng cao.
"Quảng Ngãi là thủ phủ của rất nhiều khoáng sản quý, trong khi những khoáng sản này Việt Nam đều đang phải nhập. Nếu khai thác được, chúng ta sẽ tự chủ được nguồn cung và sẽ phát triển thêm được các ngành công nghiệp khác như công nghiệp khai thác, công nghiệp vật liệu, công nghiệp phụ trợ, và tỉnh có thêm nguồn thu", Bộ trưởng khuyến nghị.
Chủ động thúc đẩy mối liên kết giữa Khu kinh tế Dung Quất với Khu kinh tế mở Chu Lai để hình thành Trung tâm công nghiệp ven biển trọng điểm của khu vực duyên hải Trung Bộ và cả nước; đồng thời, xây dựng Dung Quất trở thành Trung tâm Lọc hóa dầu và Năng lượng Quốc gia với 4 nhà máy nhiệt điện và rất nhiều tổ hợp điện nhỏ khác.
Thứ năm, đẩy mạnh phát triển thương mại theo hướng đổi mới, sáng tạo và số hoá, công nghệ hoá phương thức kinh doanh. Chú trọng đầu tư phát triển hệ thống logistics theo hướng đồng bộ, hiện đại, thuận tiện nhằm phát triển Quảng Ngãi thành trung tâm logistics trung chuyển vận tải đa phương thức kết nối khu vực miền Trung, khu vực Tây Nguyên, các nước Đông Nam Á, cũng như là một cửa ngõ vận tải hàng hóa qua biển Đông.
"Đây là tiềm năng rất ít có địa phương có được. Do vậy, đề nghị Cục Xuất nhập khẩu thống nhất với địa phương tổ chức các Hội nghị logistics ở đây để tạo điều kiện cho các nhà đầu tư đến Quảng Ngãi", Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên chỉ đạo.
Nhiều tiềm năng để phát triển công nghiệp
Trước đó, báo cáo với đoàn công tác của Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên, ông Trần Phước Hiền, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi cho biết, Quảng Ngãi có điều kiện, tiềm năng và lợi thế để phát triển công nghiệp, nhất là các ngành công nghiệp biển, năng lượng và các ngành thương mại, dịch vụ.
Hiện, tỉnh có 1 Khu kinh tế Dung Quất, diện tích quy hoạch hơn 45.000 ha, hạt nhân phát triển là Nhà máy Lọc dầu Dung Quất, công suất 6,5 triệu tấn dầu thô/năm, hiện đang được đầu tư nâng cấp mở rộng công suất lên 7,6 triệu tấn dầu thô/năm, Khu liên hợp sản xuất gang thép Hòa Phát Dung Quất (công suất 6 triệu tấn/năm) và Khu liên hợp sản xuất gang thép Hòa Phát Dung Quất 2 (công suất thiết kế: 5,6 triệu tấn/năm).
Ngoài 3 khu công nghiệp trong Khu kinh tế Dung Quất đã đi vào hoạt động, trên địa bàn tỉnh còn có: 2 khu công nghiệp: Quảng Phú (92,147ha); Phổ Phong (diện tích quy hoạch 157,38ha) và 20 cụm công nghiệp giữ vai trò là khu, cụm công nghiệp vệ tinh cho Khu kinh tế Dung Quất.
Tuy nhiên Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi cũng nhìn nhận, dù GRDP có tăng trưởng nhưng sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh còn gặp nhiều khó khăn. Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) 7 tháng đầu năm ước giảm 4,32% so với cùng kỳ 2023. Trong đó công nghiệp chế biến, chế tạo (có tỷ trọng lớn) giảm đến 4,19%. Sản phẩm chủ lực của Quảng Ngãi là sản phẩm của lọc hóa dầu cũng giảm đến 16,94%.
Để khai thác tốt các dư địa, tiềm năng phát triển công nghiệp – thương mại, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi kiến nghị Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên và các Cục, Vụ trong Bộ Công Thương quan tâm giúp đỡ tỉnh trong các hoạt động liên quan đến hoạt động công nghiệp – thương mại từ hỏi đáp, tháo gỡ, hướng dẫn. Cùng với đó, giới thiệu các nhà đầu tư đến với tỉnh như đầu tư các trung tâm thương mại, các dự án hạ tầng công nghiệp, các dự án sản xuất công nghiệp trong các khu, cụm công nghiệp.
Với những tập đoàn có các hoạt động hiện hữu trên địa bàn, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi mong muốn các tập đoàn nghiên cứu các dư địa để mở rộng sản xuất, tăng cường đầu tư đi vào chiều sâu, thúc đẩy công nghiệp và kinh tế phát triển. Ngoài ra, với các lĩnh vực mới mong các tập đoàn quan tâm nghiên cứu đầu tư như lĩnh vực khai khoáng.
Theo Báo Điện tử Chính phủ