Bộ Công an đề xuất phạt hành chính 80 triệu đồng với các vi phạm về xử lý dữ liệu cá nhân

09:09, 18/02/2021

Bộ Công an đề xuất các mức xử phạt vi phạm hành chính với những hành vi vi phạm quy định về xử lý dữ liệu cá nhân, trong đó, mức phạt tiền từ 50 triệu đồng đến 80 triệu đồng

Một trong những nghị định quan trọng tạo hành lang pháp lý cho triển khai Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số tại Việt Nam, Nghị định quy định về bảo vệ dữ liệu cá nhân được Chính phủ giao Bộ Công an chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan, địa phương liên quan nghiên cứu, xây dựng. Thời hạn Bộ Công an phải trình Chính phủ dự thảo Nghị định này là trong quý I/2021.

Ngày 17/2, đại diện Bộ Công an cho hay trên đây là nội dung lần đầu tiên được đề cập trong dự thảo Nghị định về bảo vệ dữ liệu cá nhân.


Ảnh minh họa.

Theo dự thảo Nghị định, dữ liệu cá nhân được chia làm hai loại. Trong đó loại dữ liệu cơ bản gồm họ và tên khai sinh; ngày, tháng, năm sinh; nhóm máu; giới tính; số điện thoại; nơi sinh; nơi thường trú; số chứng minh thư, căn cước; tình trạng hôn nhân; số giấy phép lái xe; mã số thuế cá nhân...

Loại dữ liệu cá nhân nhạy cảm gồm quan điểm chính trị, tôn giáo, tình trạng sức khỏe, dữ liệu về di truyền...

Gồm 6 chương với tổng số 30 điều, dự thảo Nghị định này quy định về dữ liệu cá nhân, xử lý dữ liệu cá nhân, biện pháp bảo vệ dữ liệu cá nhân, Ủy ban bảo vệ dữ liệu cá nhân, xử lý vi phạm về dữ liệu cá nhân, trách nhiệm bảo vệ dữ liệu cá nhân của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.

Trong đó, dữ liệu cá nhân cơ bản bao gồm: họ, chữ đệm và tên khai sinh, bí danh (nếu có); ngày, tháng, năm sinh; ngày, tháng, năm chết hoặc mất tích; nhóm máu, giới tính; nơi sinh, nơi đăng ký khai sinh, nơi thường trú, nơi ở hiện tại, quê quán, địa chỉ liên hệ, địa chỉ thư điện tử; trình độ học vấn; dân tộc; quốc tịch; số điện thoại; số chứng minh nhân dân, số hộ chiếu, số căn cước công dân, số giấy phép lái xe, số biển số xe, số mã số thuế cá nhân, số bảo hiểm xã hội...

Dữ liệu cá nhân nhạy cảm gồm có dữ liệu cá nhân về quan điểm ​​chính trị, tôn giáo; về tình trạng sức khỏe; về di truyền; về tình trạng giới tính; về đời sống, xu hướng tình dục; về tài chính; về các mối quan hệ xã hội…

Bảo vệ dữ liệu cá nhân là phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn, xử lý hành vi xâm phạm quy định của pháp luật về dữ liệu cá nhân.

Việc bảo vệ dữ liệu cá nhân, theo đề xuất của Bộ Công an tại dự thảo Nghị định, phải đảm bảo 8 nguyên tắc: hợp pháp, mục đích, tối giản, sử dụng hạn chế, chất lượng dữ liệu, an ninh, cá nhân, bảo mật.

Bộ Công an đề xuất xử phạt từ 50 đến 80 triệu đồng với trường hợp cá nhân, tổ chức tiết lộ, chia sẻ các dữ liệu cá nhân trái phép, chưa được sự đồng ý của cá nhân, gây tổn hại đến nhân phẩm danh dự của người bị tiết lộ.

Mức phạt trên cũng được Bộ Công an đề xuất với các vi phạm về xử lý dữ liệu cá nhân của trẻ em hay hủy, xoá dữ liệu cá nhân trái phép...

Mức phạt từ 80 đến 100 triệu đồng được đề xuất áp dụng với các hành vi chuyển dữ liệu cá nhân trái phép qua biên giới, vi phạm đăng ký xử lý dữ liệu cá nhân nhạy cảm.

Theo dự thảo Nghị định, thẩm quyền xử phạt hành chính với các hành vi trên là Cục trưởng Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Bộ Công an.

Lý giải việc cần thiết đưa ra các quy định về xử lý dữ liệu cá nhân, đại diện Bộ Công an cho rằng hiện nay tình trạng lộ, lọt, hoạt động đánh cắp, mua bán dữ liệu cá nhân diễn ra phổ biến trên không gian mạng, do vậy, dự thảo Nghị định được xây dựng từ yêu cầu của công tác phòng ngừa, đấu tranh, xử lý các vi phạm pháp luật liên quan.

Ngoài ra, ngày càng nhiều chủ thể thu thập, phân tích, xử lý dữ liệu cá nhân cho mục đích khác nhau nhưng không thông báo cho khách hàng hoặc để xảy ra các vi phạm pháp luật... "Điều này đặt ra các vấn đề liên quan tới an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội, gây nguy cơ mất an ninh mạng cần thiết phải có quy định để xử lý", đại diện Bộ Công an nói.

Hiện Bộ Công an đã hoàn thành dự thảo Nghị định quy định về bảo vệ dữ liệu cá nhân. Dự thảo Nghị định này đang được đăng tải trên Cổng thông tin điện tử Chính phủ và Bộ Công an để lấy ý kiến đóng góp của các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp trong và ngoài nước. Dự thảo Nghị định sẽ được xin ý kiến các Bộ, ban ngành trong hai tháng.

Thanh Thanh (T/h)