Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng: Không còn đếm đầu việc, khoa học cần được đánh giá bằng hiệu quả đầu ra

09:15, 25/04/2025

Tại buổi làm việc với Vụ Khoa học kỹ thuật và công nghệ, Vụ Khoa học Xã hội, Nhân văn và Tự nhiên và Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ Quốc gia (Nafosted) trong hai ngày 22 và 23/4 tại Hà Nội, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) Nguyễn Mạnh Hùng đã nhấn mạnh thông điệp xuyên suốt: "Đổi mới cách nghĩ, đo hiệu quả thay vì đếm đầu việc".

Phát biểu tại buổi làm việc, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng chỉ rõ, sức mạnh của một tổ chức KH&CN không chỉ được đo bằng số lượng đề tài hay nguồn vốn đầu tư, mà phải thể hiện qua triết lý rõ ràng, phương pháp hệ thống và khả năng đặt đúng câu hỏi nghiên cứu. Theo Bộ trưởng, thể chế hiện nay đã cởi mở hơn, song nếu nghiên cứu không tạo ra đầu ra cụ thể, không đo lường được tác động thì ngân sách sẽ ngày càng bị siết chặt.

Đổi mới cách nghĩ - đo hiệu quả thay vì đếm đầu việc

Liên quan đến việc nâng cao hiệu quả đầu tư công cho KH&CN, Bộ trưởng cho biết: "Nghị quyết số 193/2025/QH15 của Quốc hội đã "tháo khoán" đầu vào, nhưng không có nghĩa là buông lỏng quản lý. Ngược lại, chúng ta phải quản lý nghiêm đầu ra, có trách nhiệm với đất nước, với thể chế và với từng đồng ngân sách quốc gia". Bộ trưởng lưu ý, cơ chế mới cho phép thanh toán theo đầu ra, tăng quyền tự chủ và linh hoạt trong quản lý nhiệm vụ KH&CN nhưng "Cơ chế càng mở thì trách nhiệm càng lớn. Nếu nhìn thấy đầu ra, kiểm toán sẽ dễ dàng. Nếu không, kiểm soát tài chính sẽ càng ngặt nghèo hơn".

Bộ trưởng Bộ KH&CN Nguyễn Mạnh Hùng phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc.

Đại diện lãnh đạo các đơn vị đã báo cáo với Bộ trưởng về tình hình hoạt động, đồng thời làm rõ một số nội hàm liên quan đến chức năng, nhiệm vụ, đặc biệt là vai trò thực hiện quản lý nhà nước và những đóng góp thực chất đối với phát triển kinh tế - xã hội; đồng thời cũng tích cực trao đổi, thảo luận nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, từ đó đề xuất những định hướng phát triển trọng tâm trong thời gian tới.

Từ trái qua phải: Ông Phạm Đình Nguyên, Giám đốc Quỹ Nafosted; ông Đàm Bạch Dương, Vụ trưởng Vụ Khoa học kỹ thuật và công nghệ; ông Trần Quốc Cường, Vụ trưởng Vụ Khoa học Xã hội, Nhân văn và Tự nhiên báo cáo tại buổi làm việc.

Một trong những nội dung được Bộ trưởng đặc biệt lưu ý là yêu cầu chuyển đổi tư duy trong đánh giá nghiên cứu khoa học: từ "đếm số lượng đầu vào" sang "đo lường hiệu quả đầu ra". Trong bối cảnh ngân sách dành cho lĩnh vực KH&CN dự kiến lên tới 50.000 tỷ đồng trong năm 2025, Bộ trưởng cho rằng cần thiết phải xây dựng một hệ thống đánh giá hiệu quả chi tiêu khoa học, lấy kết quả thực tế và tác động làm trung tâm, góp phần minh bạch hóa các khoản đầu tư từ ngân sách.

Đáng chú ý, tại buổi làm việc, đại diện Quỹ Nafosted đã báo cáo mô hình hỗ trợ nghiên cứu kết hợp doanh nghiệp - một hướng đi đang chứng minh hiệu quả thực tế. Tiêu biểu là dự án hợp tác sản xuất Stent y tế, đạt doanh thu lũy kế trên 400 tỷ đồng trong năm 2024, với chỉ 38,08 tỷ đồng đầu tư từ ngân sách nhà nước trong tổng số 190 tỷ đồng tổng mức đầu tư. Dự án cho thấy tính hiệu quả của việc đưa kết quả nghiên cứu ra thị trường, có sự đồng hành của khu vực tư nhân.

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng đánh giá cao mô hình này, đồng thời nhấn mạnh vai trò của các công nghệ chiến lược - những công nghệ có tiềm năng đóng góp vào định hướng phát triển quốc gia. Tuy nhiên, Bộ trưởng cũng lưu ý, để đạt mục tiêu làm chủ những công nghệ lớn, Việt Nam cần cả các công nghệ nhỏ, thiết thực, có khả năng đi sâu vào doanh nghiệp, tạo ra giá trị theo chuỗi và có tính lan tỏa cao.

KH&CN phải hướng tới đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số

Tại buổi làm việc, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng đã lắng nghe, trao đổi, giải quyết nhiều đề xuất, kiến nghị của lãnh đạo và cán bộ ba đơn vị về các vấn đề liên quan đến công tác tuyển dụng, cơ sở vật chất, trang thiết bị, cơ chế làm việc, triển khai đề tài KC và sự phối hợp giữa các đơn vị. Bên cạnh giải quyết các vấn đề cụ thể, Bộ trưởng nhấn mạnh những tư duy mới trong phát triển KH&CN.

Đầu tiên, KH&CN là hướng tới đổi mới sáng tạo (ĐMST), trong đó ứng dụng là một phần quan trọng của nội hàm ĐMST.

Thứ hai, KH&CN phải đặt trong bối cảnh chuyển đổi số (CĐS) quốc gia. Nghiên cứu phát triển lấy CĐS làm môi trường. "Môi trường này sẽ giúp quá trình nghiên cứu, phát triển và ứng dụng trở nên thuận lợi hơn. Nếu làm nghiên cứu mà có dữ liệu của thế giới thì dễ hơn rất nhiều". KH&CN ngược lại cũng phải thúc đẩy CĐS. "Coi CĐS vừa là quan hệ sản xuất, vừa là phương thức sản xuất. CĐS vừa làm KHCN nhanh hơn, ngược lại cũng thúc đẩy CĐS".

Thứ ba, KH&CN phải hướng đến nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, tăng năng suất lao động, đóng góp vào tăng trưởng kinh tế, nâng cao chất lượng cuộc sống người dân, nâng cao năng lực quản trị quốc gia. Tức là hướng đến đầu ra của KHCN. Đây được xem như một tuyên ngôn KHCN, tức là hướng tới thực tiễn nhiều hơn.

Bộ trưởng lưu ý, cùng với việc hướng tới bao quát, KH&CN còn phải hướng tới giải quyết bài toán lớn của quốc gia. Đó là tăng trưởng hai con số, nếu không thì Việt Nam mãi mãi là nước thu nhập trung bình, mãi mãi là nước đang phát triển.

Tiếp theo, KH&CN phải góp phần giúp Việt Nam làm chủ các công nghệ chiến lược. KH&CN phải đóng góp 1% tăng trưởng GDP của đất nước từ nay đến năm 2030.

Theo Bộ trưởng, cơ cấu mới trong chi ngân sách KH&CN là 80% cho doanh nghiệp và 20% cho viện, trường sẽ tạo cú hích lớn đối với nền kinh tế. Nhà nước chỉ chi 3% ngân sách cho KH&CN, ĐMST và CĐS nhưng kỳ vọng cả xã hội sẽ đầu tư tương ứng 2,5-3% GDP. Nói cách khác, mỗi đồng chi từ ngân sách nhà nước cần kéo theo 3-4 đồng đầu tư từ doanh nghiệp. Nếu doanh nghiệp đầu tư mạnh cho KH&CN, tác động đến tăng trưởng sẽ trực tiếp, nhanh và bền vững. Bộ trưởng cảnh báo, nhiều quốc gia thất bại trong phát triển KH&CN, ĐMST, CĐS chính vì không đạt được tỷ lệ "kéo" này, dù mức đầu tư từ ngân sách là rất lớn. Do đó, cần định hướng nguồn lực tài trợ, hỗ trợ của nhà nước vào doanh nghiệp, thay vì chỉ tập trung cho các viện nghiên cứu, trường đại học.

Toàn cảnh buổi làm việc.

Người đứng đầu ngành KH&CN cũng gửi gắm tới cộng đồng nghiên cứu một thông điệp rất rõ ràng: "Cơ chế đã mở, thì nghiên cứu phải hiệu quả. Đây là lúc hành động - hành động có trách nhiệm, hành động tạo ra giá trị".

Với quan điểm lãnh đạo hoạt động ngành KH&CN chủ yếu thông qua các tư tưởng và định hướng, Bộ trưởng yêu cầu cán bộ của ngành KH&CN, đặc biệt là đội ngũ cán bộ chủ chốt cần nhận thức rõ sự chuyển dịch, thay đổi của hoạt động KHCN Việt Nam giai đoạn hiện nay so với trước. Theo đó, KHCN phải hướng tới ĐMST, trong đó, nghiên cứu khoa học hướng ít hơn, phát triển công nghệ hướng nhiều hơn; KHCN phải được đặt trong bối cảnh chuyển đổi số đất nước; KHCN phải hướng tới đầu ra, tới kết quả cuối cùng là nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, tăng năng suất lao động, đóng góp vào tăng trưởng kinh tế, nâng cao chất lượng cuộc sống người dân, nâng cao năng lực quản trị quốc gia.

Bộ trưởng cũng khuyến khích nhân sự các đơn vị sử dụng trợ lý ảo hỗ trợ công việc, nhưng lưu ý cần có nền tảng kiến thức vững chắc và khả năng đặt câu hỏi để có thể lọc được những "hạt vàng" từ công cụ tập hợp thông tin, tri thức của hàng tỷ người trên toàn cầu.

Kết thúc buổi làm việc, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh vai trò của đội ngũ lãnh đạo, quản lý trong hệ thống KH&CN: "Người đứng đầu phải hiểu rõ định nghĩa, nắm chắc kiến thức nền. Nếu không, sẽ dẫn tới độc diễn, chủ quan, và ngành khoa học sẽ không có phản biện đúng nghĩa".

Bộ trưởng cũng lưu ý, Bộ KH&CN cần có trách nhiệm với đất nước, kiểm soát chặt đầu ra của các đề tài, nhiệm vụ; đồng thời truyền tải thông điệp khuyến khích các nhà khoa học, nhà nghiên cứu để tạo ra kết quả cuối cùng. Các Vụ chuyên môn được yêu cầu phải làm phép đo, tính toán hiệu quả chi KHCN; ban hành các tiêu chí đánh giá.

Cuối cùng, Bộ trưởng chỉ ra sự khác biệt giữa khoa học và công nghệ. Khoa học là khám phá bí quyết của trời, còn phát triển công nghệ dựa trên tri thức, là không gian của con người và sáng tạo ở đây là vô hạn.

Sự khác nhau này đòi hỏi ứng xử với KH&CN cũng phải khác nhau. Cụ thể, tính kết quả đầu ra với những nghiên cứu mang tính công nghệ, còn với nghiên cứu khoa học cơ bản, không nên đo hiệu quả quá nhiều mà cần chú trọng đặt hàng các bài toán của quốc gia như đổi mới mô hình quản trị quốc gia trong bối cảnh chuyển đổi số hay ảnh hưởng của yếu tố văn hóa đến chiến lược phát triển của một quốc gia... Tư duy đổi mới, cách tiếp cận hệ thống và đánh giá dựa trên kết quả đầu ra được xem là yếu tố then chốt, tạo động lực để KHCN,ĐMST,CĐS đóng góp 1% tăng trưởng GDP trong giai đoạn 2026-2030 và 5% sau năm 2030 như mục tiêu mà Bộ KH&CN đặt ra.