Bộ TT&TT tổ chức Hội nghị tổng kết công tác năm 2023 và triển khai nhiệm vụ năm 2024

10:28, 30/12/2023

Ngày 29/12/2023, tại Hà Nội, Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) tổ chức Hội nghị Tổng kết công tác năm 2023, triển khai nhiệm vụ năm 2024. Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang dự và phát biểu chỉ đạo Hội nghị.

20231229-ta2.jpg

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang: "Việt Nam cần phải đi tắt đón đầu bằng khoa học công nghệ, bằng chuyển đổi số".

Dự Hội nghị có Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng, các Thứ trưởng Bộ TT&TT, Lãnh đạo một số Bộ, ngành, cơ quan Trung ương; Lãnh đạo chủ chốt của các đơn vị chuyên môn thuộc Bộ, Giám đốc 63 Sở TT&TT các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cùng đại diện các Hội, Hiệp hội, doanh nghiệp, cơ quan báo chí, nhà xuất bản…

Theo báo cáo tại Hội nghị, năm 2023, doanh thu toàn ngành TT&TT ước đạt 3.744.214 tỷ đồng, tăng 1,49% so với năm 2022. Nộp ngân sách nhà nước ước đạt 99.323 tỷ đồng, tăng 1,31% so với năm 2022. Đóng góp vào GDP của Ngành ước đạt 887.398 tỷ đồng, tăng 1,34% so với năm 2022. Tổng số lao động toàn Ngành năm 2023 ước khoảng 1.767.766 lao động, tăng 2,72% so với năm 2022.

Năm 2024, phát triển kinh tế số với 4 trụ cột: Công nghiệp CNTT và truyền thông, Số hoá các ngành, Quản trị số và Dữ liệu số

Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, Chương trình chuyển đổi số quốc gia đã đi qua 4 năm với các giai đoạn khác nhau. Hiện nay, đã đến lúc và đã đủ điều kiện để chuyển đổi số quốc gia gắn với nhiệm vụ trung tâm là phát triển kinh tế - xã hội.

20231229-ta6.jpg

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng phát biểu tại Hội nghị.

Kinh tế số là một động lực tăng trưởng kinh tế quan trọng. Kinh tế số của Việt Nam chiếm 16,5% GDP và luôn có tốc độ tăng trưởng cao hơn tăng trưởng GDP khoảng 3 lần. Kinh tế số còn giúp tăng năng suất lao động, vốn là chỉ tiêu mà nhiều năm nay chúng ta chưa đạt được. Kinh tế số là một mũi tên trúng hai đích, vừa tăng trưởng GDP, vừa tăng năng suất lao động.

Tại Hội nghị tổng kết của Ủy ban Quốc gia vể chuyển đổi số ngày 28/12, Thủ tướng Chính phủ đã định hướng chuyển đổi số cho năm 2024 là: Phát triển kinh tế số với 4 trụ cột: Công nghiệp CNTT và truyền thông, Số hoá các ngành, Quản trị số và Dữ liệu số, tạo ra động lực để phát triển kinh tế nhanh và bền vững.

Năm 2024 sẽ là năm phổ cập hạ tầng số, phổ cập các thành tố nền tảng của chuyển đổi số, phát triển các ứng dụng số để phát triển kinh tế số - động lực mới để tăng trưởng kinh tế và năng suất lao động. 

Năm 2024 là năm lĩnh vực báo chí, xuất bản, truyền thông sẽ coi không gian mạng là mặt trận chính, vừa chuyển đổi số báo chí, vừa đảm bảo không gian mạng lành mạnh, xử lý thông tin xấu độc trên mạng, quản lý các nền tảng số xuyên biên giới hoạt động ở Việt Nam thì phải tuân thủ luật pháp Việt Nam.

20231229-ta4.jpg

Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Quốc hội Lê Quang Huy.

Năm 2024 là năm dịch vụ công trực tuyến phải toàn trình và thực chất. Dịch vụ công trực tuyến toàn trình tức là phải được làm từ nhà, từ xa. Dịch vụ công trực tuyến thực chất thì ít nhất phải có 70% người dân sử dụng.

Năm 2023, chúng ta đã làm được một số dịch vụ công trực tuyến toàn trình và thực chất, có đến 95% người dân sử dụng, tạo niềm tin và quyết tâm mạnh mẽ trong năm 2024 để kết thúc giai đoạn chính phủ điện tử và thực sự bắt đầu chính phủ số ở Việt Nam.

Năm 2024, AI và trợ lý ảo sẽ được ứng dụng mạnh mẽ. AI càng nhiều dữ liệu càng trở nên thông minh. Hãy để AI xử lý số lớn, con người xử lý số nhỏ. Số nhỏ cần sự tưởng tượng và sáng tạo, đó là thế mạnh của con người. Vậy nên, các Bộ, ngành, địa phương hãy chuyển những việc vất vả, khó khăn, tốn thời gian sang cho AI, con người tập trung vào những việc mang tính sáng tạo và thú vị hơn.

20231229-ta7.jpg

Bộ TT&TT đang chỉ đạo phát triển 4 trợ lý chính: Trợ lý ảo hỗ trợ cán bộ công chức; Trợ lý ảo phát hiện mâu thuẫn văn bản pháp luật; Trợ lý ảo hỗ trợ pháp lý cho người dân; Trợ lý ảo hỗ trợ thẩm phán. Trợ lý ảo hỗ trợ thẩm phán hiện đã đưa vào sử dụng hơn một năm nay, giúp giảm thời gian xử lý của các thẩm phán tới 30%.

Chia sẻ tại Hội nghị, ông Lê Quang Huy, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Quốc hội nhận định, ngành TT&TT đã có nhiều nỗ lực trong tất cả các lĩnh vực, góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Xã hội ngày càng nhận thức rõ tầm quan trọng của ngành TT&TT trong kỷ nguyên số.

Cũng theo ông Lê Quang Huy, thể chế và công nghệ là động lực của chuyển đổi số. Thể chế phải đi trước nếu có thể.

Trong năm 2023, Quốc hội thông qua hai dự án luật quan trọng là Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi) và Luật Viễn thông (sửa đổi). Trước đó, năm 2022, Luật Tần số vô tuyến điện (sửa đổi) đã được Quốc hội ban hành. Ba luật này đã hình thành cơ sở pháp lý để phát triển hạ tầng số, thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia. Tuy nhiên, vẫn còn một số vấn đề cần hoàn thiện, như: chế định về tài chính, chế định về đấu thầu, định giá, thống nhất đo lường chưa đồng bộ…

20231229-ta3.jpg

15 đơn vị và cá nhân được trao tặng Bằng khen của Bộ trưởng Bộ TT&TT vì đã có những thành tích tiêu biểu xuất sắc, đóng góp cho sự phát triển của ngành TT&TT.

Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ, Môi trường Quốc hội đề nghị, Bộ TT&TT cần nhanh chóng ban hành văn bản hướng dẫn cho các luật đã được thông qua; chủ động phối hợp với các Bộ, ngành khác để hoàn thiện các luật về chuyển đổi số; tiếp tục nghiên cứu, triển khai các thành tựu mới nhất về chuyển đổi số.

Tại Hội nghị, đại diện lãnh đạo các Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Xây dựng, Tòa án Nhân dân tối cao đã chia sẻ kinh nghiệm chuyển đổi số trong lĩnh vực văn hóa, xây dựng, ứng dụng trợ lý ảo hỗ trợ thẩm phán nâng cao hiệu quả giải quyết công việc và tiết kiệm thời gian.

Việt Nam cần phải đi tắt đón đầu bằng khoa học công nghệ, bằng chuyển đổi số

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang đánh giá cao những đóng góp của Bộ TT&TT trong tiến trình chuyển đổi số quốc gia.

Theo Phó Thủ tướng, “nghề” TT&TT là nghề được tiếp cận với tri thức mới, khái niệm mới như AI, ChatGPT, đồng thời lại nắm quyền lực rất lớn là quyền lực mềm của truyền thông, báo chí. Do đó, nếu quản lý tốt sẽ mang lại những tác động tích cực, ngược lại thì sẽ gây ra những hệ lụy.

Phó Thủ tướng cũng nhấn mạnh trong kỷ nguyên công nghệ đang phát triển mạnh mẽ hiện nay, vai trò rất quan trọng của ngành TT&TT là thúc đẩy chuyển đổi số để kéo gần khoảng cách giữa Việt Nam và thế giới.

Phó Thủ tướng cũng cho rằng, chuyển đổi số là cứu cánh trong cải cách hành chính. Để thực hiện được các mục tiêu cho giai đoạn 2030 - 2045, cần phải đi tắt đón đầu bằng khoa học công nghệ, bằng chuyển đổi số.

Đối với lĩnh vực báo chí, Phó Thủ tướng lưu ý, cần chú trọng nâng cao khả năng cạnh tranh để anh em báo chí sống được trong bối cảnh cạnh tranh ngày càng gay gắt giữa cơ quan báo chí với các nền tảng mạng xã hội. Đồng thời, cần thực hiện phần 2 của Đề án sắp xếp lại báo chí. Ngoài ra, cũng cần phải quan tâm nhiều hơn đến sách, đến nhà xuất bản. Đây cũng là lĩnh vực đang bị cạnh tranh mạnh mẽ. Độc giả có xu hướng đọc trên điện thoại, ít mua sách để đọc.

Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang chia sẻ, ông rất thích một câu nói của Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng: “Đối với việc khó phải có cách tiếp cận, cách xử lý khác, phải thay đổi tư duy, cách làm”. Đối với chuyển đổi số, đây là việc không dễ với những vấn đề về hành lang pháp lý, về thay đổi thói quen của mọi người. Do đó, cần phải áp dụng nhiều phương thức, có thể là tạo ra sự hứng khởi, thú vị, có thể là vận động thuyết phục, hoặc có thể là “ép” bằng các quy định pháp luật thì mới có thể triển khai thành công chuyển đổi số. Đó chính là thay đổi tư duy, sáng tạo ra cách làm mới đối với một vấn đề khó.

Nhấn mạnh về tầm quan trọng của công tác xây dựng và hoàn thiện thể chế, Phó Thủ tướng cho rằng, đối với lĩnh vực đặc biệt cần có những cơ chế đặc thù, nếu không thì không giải quyết được vấn đề. Ngành TT&TT được giao nhiều nhiệm vụ cao cả, với nhiều kỳ vọng lớn tuy nhiên nguồn lực vẫn còn ít nhưng Ngành lại có nhiều doanh nghiệp mạnh, có nguồn lực. Nếu có cơ chế chính sách đúng, có thể hài hòa giữa lợi ích của Nhà nước, lợi ích của doanh nghiệp và lợi ích của cộng đồng.

Thay mặt lãnh đạo Bộ TT&TT, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng trân trọng cảm ơn Phó Thủ tướng đã dành nhiều sự quan tâm, hỗ trợ, giúp đỡ ngành TT&TT trong thời gian qua. Bộ TT&TT và ngành TT&TT sẽ tiếp thu sâu sắc tư tưởng, chỉ đạo của Phó Thủ tướng và cụ thể hóa các chỉ đạo này trong Kế hoạch hành động 2024 của Bộ, đồng thời quyết tâm hoàn thành các kế hoạch này.

Tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng đã trao tặng Bằng khen của Bộ trưởng cho 15 đơn vị và cá nhân vì đã có những thành tích tiêu biểu xuất sắc, đóng góp cho sự phát triển của ngành TT&TT, gồm:

·       Công ty An ninh mạng Viettel – Tập đoàn Công nghiệp Viễn thông Quân đội Viettel

·       Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam

·       Tổng Công ty Điện lực Thành phố Hồ Chí Minh

·       Công ty TNHH Đầu tư phát triển Công nghệ điện tử tự động hóa DKS

·       Công ty EZCLOUD

·       Vụ Tổng hợp – Tòa án Nhân dân Tối cao

·       Bộ Công an

·       Bộ Tài chính

·       Bộ Giáo dục và Đào tạo

·       Báo VNEXPRESS với chuyên mục Đọc sách

·       Báo Dân trí với chuyên mục Khát vọng hùng cường

·       Công ty Cổ phần TNHH MTV Nhà Xuất bản Nông nghiệp với chuyên mục Sách ngắn, Bộ sách “1001 cách làm ăn”

·       Nhà Xuất bản Chính trị Quốc gia với chuyên mục Sách ngắn, Bộ sách “Thường thức chính trị”

·       Nhà báo Nguyễn Thị Hào (Bút danh Linh Đan) với Bài báo “Lần đầu tiên xuất hiện cuốn truyện tranh tài chính cho gia đình Việt” 

Theo https://mic.gov.vn

https://mic.gov.vn/mic_2020/Pages/TinTuc/162489/Bo-TT-TT-to-chuc-Hoi-nghi-tong-ket-cong-tac-nam-2023-va-trien-khai-nhiem-vu-nam-2024.html