Boeing 777 mất tích: Nhiều người ở bờ Tây Malaysia nghe thấy tiếng ồn lớn

08:48, 12/03/2014

Với nghi vấn (mới) về những tiếng ồn (tiếng nổ - PV) lớn do những người dân ở bờ Tây Malaysia nghe được, khả năng rất cao là máy bay Boeing 777 của Malaysia đã bị nổ tung ở trên không, khớp với nhiều dự đoán trước đó.

Nghi vấn mới về vụ máy bay Boeing 777 mất tích

Sáng 11/3, tờ New Straits Times đưa tin, 8 dân làng ở Kampung Pantai Seberang Marang đã trình báo với cảnh sát quận Marang rằng, họ đã nghe được một tiếng ồn rất lớn vào sáng sớm 8/3. Họ đều cho rằng, tiếng động mà họ nghe được xuất phát từ phía Pulau Kapas và tin rằng âm thanh này có liên quan tới chiếc máy bay bị mất tích của hãng hàng không Malaysia Airlines.

Một trong số các người dân này, anh Alias Salleh, 36 tuổi, cho biết, vào lúc 1h20 sáng ngày 8/3, khi anh và 7 người dân ngồi trên một chiếc ghế cách bãi biển Marang khoảng 400m thì họ nghe được tiếng động trên. Âm thanh này giống như tiếng cánh quạt động cơ phản lực.

"Tiếng ồn ĩ đó xuất phát từ phía đông bắc Pulau Kapas và chúng tôi đã chạy về phía đó để tìm nguyên nhân. Chúng tôi chạy lòng vòng trên bãi biển Rhu Muda, nhưng không thấy bất cứ cái gì khác thường cả", anh Salleh cho biết.

Một người dân khác, anh Mohd Yusri Mohd Yusof 34 tuổi, nói rằng khi anh nghe được tiếng ồn lạ kia, anh đã tưởng là có sóng thần ập vào bờ biển. "Bạn tôi và tôi đã nghe được tiếng ồn đó trong khoảng 2 phút. Tôi quyết định trình báo cảnh sát sau khi đọc được tin tức về vụ máy bay mất tích", anh này nói.

Tín hiệu cuối cùng của máy bay mất tích ở eo biển Malacca

Sáng 11/3, tờ Berita Harian của Malaysia đã dẫn lời Tổng tư lệnh không quân Rodzali Daud, cho biết, chiếc máy bay mất tích được phát hiện lần cuối cùng trên sóng radar quân sự vào lúc 2h40 ngày 8/3, gần đảo Pulau Perak ở tận cùng phía bắc eo biển Malacca. Ông cho biết thêm, vào thời điểm đó, chiếc máy bay này đang bay ở độ cao khoảng 9.000m. “Máy bay được tháp điều khiển phát hiện sóng radar lần cuối vào lúc 2h40 tại vị trí rất gần Pulau Perak ở eo Malacca". Rodzali nói thêm rằng phi cơ bay khoảng một giờ 10 phút sau khi nó biến mất khỏi các màn hình của trạm kiểm soát không lưu. Khi đó nó ở trên vùng biển giữa Malaysia và Việt Nam.

"Tưởng niệm" cho vụ máy bay Boeing 777 của Malaysia bị mất tích.

Nếu thông tin của vị quan chức quân đội chính xác thì điều đó đồng nghĩa với việc máy bay Boeing 777-200 của Malaysia Airlines vẫn tiếp tục bay khoảng 500km, song bộ phát tín hiệu tự động cùng các hệ thống định vị của nó không hoạt động trong suốt quá trình bay. Bộ phát tín hiệu tự động giúp các phi cơ gửi thông điệp trả lời mỗi khi chúng nhận tín hiệu từ sân bay. Trạm điều khiển không lưu cấp một mã nhận dạng cho mỗi máy bay trong vùng mà họ kiểm soát. Phi công nhập mã vào bộ phát tín hiệu tự động. Mỗi khi sân bay phát tín hiệu, phi cơ sẽ tự động gửi mã nhận dạng về sân bay để trạm điều khiển không lưu biết vị trí của nó.

Còn Reuters đưa thông tin, một quan chức quân đội Malaysia giấu tên cho hay, radar quân sự dò được tín hiệu của phi cơ mất tích ở eo biển Malacca. "Máy bay đổi hướng về phía tây và giảm độ cao sau khi bay qua thành phố Kota Baru. Sự thay đổi này khiến nó bay về phía eo biển Malacca", quan chức trên nói. "Nó đã thay đổi đường bay sau khi tới Kota Bharu và bay với độ cao thấp hơn. Máy bay đã bay vào Eo biển Strait".

Eo biển Malacca, một trong những kênh hàng hải nhộn nhịp nhất thế giới, chạy dọc đường bờ biển phía tây của Malaysia. Hôm 8/3, Malaysia Airlines cho hay chiếc máy bay chở 227 hành khách và 12 thành viên phi hành đoàn có liên lạc lần cuối ở phía thị trấn Kota Bharu thuộc bờ đông.

Việt Nam đề nghị Malaysia xác minh dấu hiệu ở Malacca

Chiều tối 11/3, Cục hàng không Việt Nam đã gửi công văn cho Malaysia đề nghị xác nhận thông tin về việc phát hiện dấu hiệu máy bay MH370 của hãng hàng không Malaysia Airlines gần eo biển Malacca.

Trao đổi với báo giới, ông Phạm Quý Tiêu, Thứ trưởng Bộ GTVT cho biết, trước thông tin về vị trí máy bay Boeing 777-200 mang mã hiệu chuyến bay MH370 mất tích vào ngày 8/3 được phát hiện dấu hiệu gần eo biển Malacca, phía Việt Nam đã đề nghị phía Malaysia có thông tin phản hồi chính thức. Sau khi có thông tin phản hồi chính thức từ phía Malaysia, Việt Nam sẽ có sự điều chỉnh công tác tìm kiếm, cứu nạn cho phù hợp với tình hình trong ngày 12/3 (hôm nay).

Interpol khẳng định máy bay mất tích không phải do khủng bố

Ngày 11/3, Reuters và AP đưa tin, Tổng Thư ký Tổ chức Cảnh sát Quốc tế (Interpol) Ronald Noble cho biết, ông không tin việc máy bay mang số hiệu MH370 của Hãng hàng không Malaysia Airlines mất tích là một vụ khủng bố.

Ông Noble nói: "Càng có nhiều thông tin thì chúng tôi càng thiên về kết luận đây không phải là một vụ khủng bố."

Theo ông Noble, hai người mang hộ chiếu Iran đã đổi hộ chiếu ở Kuala Lumpur, sau đó sử dụng hộ chiếu đánh cắp của Italy và Áo để lên chuyến bay MH370. Hai đối tượng này được xác định là Pouri Nourmohammadi, 19 tuổi và Delavar Seyedmohammaderza, 29 tuổi. Nourmohammadi được cho là có kế hoạch xin tị nạn ở Đức.

 

Hình ảnh của hai người Iran đổi hộ chiếu giả để bay được Interpol đã công bố.

Ở bình diện khác, BBC đã có một cuộc phỏng vấn với một người đàn ông Iran, đã nói rằng anh ta là bạn của một trong hai người đàn ông dùng hộ chiếu đánh cắp. Hai người bay từ Tehran tới Kuala Lumpur vài ngày trước và ở nhà nhà người đàn ông trước khi lên chuyến bay MH370 vào tối 7/3. "Một người là bạn học của tôi khi tôi còn ở Iran. Anh ấy nói hai người mua hộ chiếu giả vì họ muốn nhập cư vào châu Âu. Một hộ chiếu thuộc về Luigi Maraldi, công dân Italy 37 tuổi, và hộ chiếu kia mang tên Christian Kozel, công dân Áo 30 tuổi", người đàn ông nói.

Hai người mua hộ chiếu ở Kuala Lumpur cùng vé máy bay tới thành phố Amsterdam, Hà Lan. Họ quá cảnh ở thành phố Bắc Kinh. Một trong hai hành khách Iran muốn tới thành phố Frankfurt, Đức để đoàn tụ với mẹ, còn người kia tới Đan Mạch.

Việt Nam thiết lập 2 số điện thoại nóng tại Phú Quốc

Sáng 11/3, tại Sở chỉ huy tiền phương tìm kiếm cứu nạn của Việt Nam, được đặt tại Phú Quốc, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Phạm Quý Tiêu đã chủ trì cuộc họp báo triển khai công việc tìm kiếm trong ngày.

Theo đó, các lực lượng tiếp tục tìm kiếm với phạm vi mở rộng hơn. Ông Tiêu yêu cầu 3 máy bay AN26 hôm nay tiếp tục tầm bay dưới 1.500m, còn lại 2 chiếc trực thăng MI 171 bay thấp hơn, phối hợp với các tàu của Hải quân, Cảnh sát biển, Hàng hải tiếp tục thực hiện nhiệm vụ tìm kiếm cứu nạn. Việt Nam sẽ làm hết mình để nỗ lực tìm kiếm máy bay của nước bạn đang mất tích một cách bí ẩn.

Thứ trưởng Tiêu cũng yêu cầu tỉnh Kiên Giang tiếp tục kêu gọi sự hỗ trợ của các tàu thuyền ngư dân, nếu có phát hiện thì thông báo kịp thời cho Ủy ban tìm kiếm cứu nạn của tỉnh. Lực lượng biên phòng của tỉnh cũng phối hợp với các ngư dân đang đánh bắt cá xung quanh khu vực máy bay bị mất tích xem có thêm thông tin gì không. Tỉnh cần chuẩn bị, sẵn sàng triển khai các công việc nếu như tìm kiếm được người hoặc đồ vật liên quan đến chiếc máy bay mất tích. Về Cảng hàng không Phú Quốc, Thứ trưởng yêu cầu chuẩn bị khu vực riêng biệt để kịp thời ứng cứu khi cần thiết, đồng thời tăng cường công tác y tế, tăng cường cho lực lượng bảo vệ hiện trường về hậu cần, phương tiện, con người.

Cũng trong ngày 11/3, Sở chỉ huy tiền phương đã thiết lập xong 2 số điện thoại nóng tại Phú Quốc để cung cấp thông tin về công tác tìm kiếm cứu hộ cứu nạn.

Thanh Trà (tổng hợp)