Bùng nổ các ứng dụng làm việc trực tuyến

Minh Phương 12:57, 12/04/2020

Việc sử dụng những ứng dụng hỗ trợ công việc và học tập từ xa đã trở thành lựa chọn hàng đầu trong bối cảnh nhiều quốc gia trên thế giới khi dịch covid-19 bùng phát

Trước nhu cầu ngày một tăng, nhiều công ty công nghệ lớn trên thế giới đã nhanh chóng đưa ra những sản phẩm phù hợp để đáp ứng xu hướng của người dùng.

Công ty Microsoft của Mỹ đang miễn phí phiên bản trả tiền của ứng dụng Microsoft Teams trong thời hạn 6 tháng, đồng thời gỡ bỏ những hạn chế tính năng của phiên bản miễn phí. Đại diện công ty tiết lộ, nhu cầu sử dụng Microsoft Teams tại Trung Quốc tăng 500% kể từ cuối tháng 1-2020, trong khi tỷ lệ tại Mỹ cũng tăng 37%. Tính đến này đã có hơn 44 triệu người dùng ứng dụng này trên toàn cầu. Microsoft cũng đã cập nhật thêm một số tính năng mới cho ứng dụng để cải thiện chất lượng của các cuộc họp trực tuyến.

Việc sử dụng những ứng dụng hỗ trợ công việc và học tập từ xa đã trở thành lựa chọn hàng đầu trong bối cảnh nhiều quốc gia trên thế giới khi dịch covid-19 bùng phát.

Tương tự, công ty danh tiếng Google cũng hỗ trợ người dùng bằng cách mở khóa một số tính năng trả phí của ứng dụng Google Meet như tổ chức cuộc họp trực tuyến lên đến 250 người hay lưu trữ thông tin cho tới hết tháng 9 năm nay. Ngày 9-4, Google cho biết, số người dùng ứng dụng trên tăng hơn 2 triệu người mỗi ngày và nhu cầu sử dụng hằng ngày cũng tăng hơn 60% so với hồi tháng 1 vừa qua.

Tham gia “cuộc đua”, Công ty Doghead Simulations cũng miễn phí sử dụng nền tảng giáo dục và đào tạo thực tế ảo Rumii sau khi nhận thấy nhu cầu của người dùng tại Mỹ gia tăng, trong khi công ty công nghệ thực tế ảo Spatial ghi nhận nhu cầu sử dụng tăng 50%. Hồi cuối tháng 3 vừa qua, một báo cáo từ công ty tư nhân App Annie cũng cho thấy nhu cầu sử dụng các ứng dụng họp và làm việc trực tuyến tại Mỹ đạt mức tăng kỷ lục với 62 triệu lượt tải từ khi bùng phát dịch Covid-19 cách đây hơn hai tháng.

Google cũng hỗ trợ người dùng bằng cách mở khóa một số tính năng trả phí của ứng dụng Google Meet như tổ chức cuộc họp trực tuyến lên đến 250 người hay lưu trữ thông tin cho tới hết tháng 9 năm nay.

Tuy nhiên, sự bùng nổ về nhu cầu sử dụng các ứng dụng này chỉ trong thời gian ngắn đã làm dấy lên những lo ngại về bảo mật quyền riêng tư và thông tin cá nhân. Điển hình là trường hợp của Zoom, ứng dụng được phát triển bởi Công ty Zoom Video Communitcations có trụ sở tại thành phố San Jose thuộc bang California, Mỹ. Dù ghi nhận mức tăng kỷ lục hơn 200 triệu người dùng hằng ngày trong tháng 3-2020, những lỗ hổng bảo mật đã khiến nhiều người đặt ra lo ngại với ứng dụng này. Tổng Chưởng lý thành phố New York Letitia James đã ra lệnh điều tra sau khi xuất hiện thông tin cho thấy ứng dụng Zoom trên nền tảng iOS âm thầm thu thập và gửi dữ liệu cá nhân người dùng cho Facebook, kể cả đối với những trường hợp không sử dụng mạng xã hội này. Zoom còn có nguy cơ làm lộ thông tin của người dùng hệ điều hành Windows hoặc tạo cơ hội cho tin tặc giành quyền kiểm soát máy tính hoạt động dựa trên hệ điều hành MacOS.

Đại dịch Covid-19 đã tác động lớn đến cuộc sống con người và khiến chúng ta phải có những thay đổi phù hợp để thích nghi với điều kiện mới. Sự phát triển vượt bậc của các ứng dụng họp và học tập trực tuyến đã phản ánh thực tế này. Đây là cơ hội cho các công ty công nghệ nhưng cũng là thách thức buộc các doanh nghiệp phải đầu tư nguồn lực để bảo đảm an ninh, an toàn của khách hàng trong môi trường mạng.

PV (TH)