Bước đột phá trong truyền thông chính sách tại Cổng Thông tin điện tử Chính phủ

14:48, 08/01/2024

Nhân dịp kỷ niệm 18 năm Ngày Cổng Thông tin điện tử Chính phủ hòa mạng Internet toàn cầu, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với ông Hoàn Thế Liên – nguyên Thứ trưởng Thường trực Bộ Tư pháp. Ông nhấn mạnh: Thời gian qua, Cổng Thông tin điện tử Chính phủ thực sự đã khẳng định vai trò là cơ quan cung cấp thông tin chính thống, đầu nguồn trong truyền thông chính sách, phục vụ hiệu quả sự chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

Khẳng định vai trò trong truyền thông chính sách

Cổng Thông tin điện tử Chính phủ là kênh cung cấp thông tin thống nhất, tập trung của cơ quan nhà nước trên môi trường mạng; là địa chỉ cung cấp thông tin trực tuyến hướng tới xây dựng Chính phủ điện tử, Chính phủ số,... để nhân dân, doanh nghiệp biết Chính phủ, chính quyền đã và đang làm những gì để phục vụ nhân dân, phục vụ doanh nghiệp, qua đó tạo ra sự thống nhất, đồng thuận cùng thực hiện mục tiêu chung.

Do đó, mỗi nhà báo làm truyền thông chính sách đều phải "đau đáu tư duy" để mỗi tác phẩm thực sự là điểm tựa, là niềm tin trong "vòng xoáy thông tin" của xã hội đương đại. Tất cả các chính sách phải nhằm phục vụ cuộc sống tốt đẹp hơn cho người dân.

Theo GS.TS. Hoàng Thế Liên, nguyên Thứ trưởng Thường trực Bộ Tư pháp, truyền thông chính sách, pháp luật là nhiệm vụ chung của các cơ quan báo chí trong hệ thống báo chí cách mạng Việt Nam. Với Cổng thông tin điện tử Chính phủ, việc thực hiện nhiệm vụ này có sự khác biệt rõ rệt và hiệu quả.

"Những nhiệm vụ này được quy định cụ thể trong Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, cũng như được Thủ tướng Chính phủ giao trong nhiều văn bản khác", GS.TS. Hoàng Thế Liên chỉ rõ.

 

Để thực hiện nhiệm vụ được giao, cùng với việc nắm chắc nguồn tin, xây dựng đội ngũ cộng tác viên là các chuyên gia, nhà quản lý, nhân sĩ, trí thức, Cổng Thông tin điện tử Chính phủ đã liên tục cập nhật, ứng dụng những công nghệ tiên tiến nhất của công nghệ thông tin nói chung, cùng với công nghệ số, công nghệ web cũng như các phương pháp, kỹ thuật truyền thông, báo chí hiện đại hướng đến phục vụ độc giả, phục vụ công chúng, phục vụ sự chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ngày càng tốt hơn.

Là chuyên gia có kinh nghiệm trong lĩnh vực xây dựng văn bản quy phạm pháp luật và cũng là độc giả thường xuyên của Cổng Thông tin điện tử Chính phủ, Báo Điện tử Chính phủ, đặc biệt là mảng truyền thông chính sách, GS.TS. Hoàng Thế Liên cho rằng, Cổng Thông tin điện tử Chính phủ đã xác định rõ được các nhóm độc giả trọng tâm, để thiết kế các chuyên mục, sản xuất nội dung, hình thức tuyên truyền phù hợp trên toàn bộ hệ sinh thái truyền thông của Cổng.

Theo đó, trên các nền tảng web (Chinhphu.vn, Baochinhphu.vn, các trang tiếng Anh, tiếng Trung) và mạng xã hội (Facebook, Zalo, Youtube), với mỗi đối tượng khác nhau, Cổng Thông tin điện tử Chính phủ đã có cách tiếp cận và tổ chức truyền thông khác nhau.

Đáng chú ý, Cổng Thông tin điện tử Chính phủ đã xây dựng những khối dữ liệu lớn và những chuyên mục phù hợp để phục vụ tra cứu, kết hợp với thông tin tuyên truyền sâu về chính sách, pháp luật.

"Cụ thể như Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật; Hệ thống văn bản chỉ đạo điều hành; Hệ thống Lấy ý kiến nhân dân đối với dự thảo văn bản quy phạm pháp luật; chuyên mục Chính sách mới, Tham vấn chính sách, Hướng dẫn thực hiện chính sách, pháp luật; Hỏi đáp chính sách online", GS.TS. Hoàng Thế Liên nêu ra những ví dụ cụ thể.

Trên Báo Điện tử Chính phủ đã xây dựng được chuyên mục "Chính sách và cuộc sống" để bổ sung cho Chinhphu.vn, bởi chức năng của Cổng là "nguồn phát" – thông tin về quá trình xây dựng chính sách, chính sách mới ban hành, hướng dẫn thực hiện chính sách, còn trên báo với chuyên mục Chính sách và cuộc sống, nội dung thông tin còn bao hàm cả việc tổ chức thực thi chính sách, kết quả thực hiện chính sách, đưa chính sách vào cuộc sống.

"Đây chính là quá trình hiện thực hóa các chính sách trong đời sống của người dân và hoạt động của doanh nghiệp, của các cơ quan, tổ chức", GS.TS. Hoàng Thế Liên phân tích.

GS.TS Hoàng Thế Liên, nguyên Thứ trưởng Thường trực Bộ Tư pháp.

Theo GS.TS. Hoàng Thế Liên, điểm nhấn quan trọng trong công tác truyền thông chính sách là Cổng Thông tin điện tử Chính phủ đã xây dựng chuyên trang Xaydungchinhsach.chinhphu.vn nhằm truyền thông chính sách một cách đầy đủ, cụ thể đến người dân, doanh nghiệp.

Chuyên trang này được thiết kế với 4 chuyên mục chính là: Chính sách và cuộc sống; Tham vấn Chính sách; Chính sách mới; Hướng dẫn thực hiện chính sách nhằm mục tiêu tuyên truyền toàn bộ vòng đời của chính sách, pháp luật, từ ý tưởng lập pháp, đến quá trình xây dựng, ban hành, tuyên truyền phổ biến, tổ chức thực thi chính sách, pháp luật.

"Đây được coi như diễn đàn của nhân dân, doanh nghiệp về xây dựng, thực thi chính sách, pháp luật", GS.TS Hoàng Thế Liên khẳng định.

Chuyên trang Xây dựng chính sách được thiết kế trên cơ sở công nghệ web hiện đại, tương thích tối ưu với các công cụ truy cập cũng như các nền tảng mạng xã hội… đã tạo sự thân thiện và thuận tiện cho người sử dụng cũng như bộ phận quản trị, vận hành (sản xuất, xuất bản, quản trị nội dung, quản trị kỹ thuật, bảo đảm an ninh mạng).

GS.TS. Hoàng Thế Liên kỳ vọng: "Chuyên trang Xây dựng chính sách sẽ trở thành một hệ thống cơ sở dữ liệu quan trọng về xây dựng và thực thi chính sách, pháp luật; một địa chỉ tin cậy để phát huy sức mạnh của toàn thể Nhân dân, thực hiện quyền làm chủ của Nhân dân trong xây dựng, thực thi chính sách, pháp luật; để người dân thực sự được biết, được bàn, được làm, được kiểm tra, được giám sát và được thụ hưởng những giá trị từ các chính sách ưu việt của chế độ mang lại".

Tập trung thực hiện hiệu quả 'bốn trụ cột'

Theo GS.TS. Hoàng Thế Liên, để tiếp tục thực hiện hiệu quả công tác truyền thông chính sách, phục vụ sự chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Cổng Thông tin điện tử Chính phủ cần tập trung thực hiện hiệu quả "bốn trụ cột".

Thứ nhất, cần đẩy mạnh ứng dụng công nghệ và kỹ thuật tiên tiến nhất về truyền thông đa nền tảng (nền tảng web và nền tảng mạng xã hội).

Thứ hai, cần xây dựng và sử dụng hiệu quả đội ngũ nhân lực chất lượng cao cả trong và ngoài hệ thống.

Thứ ba, tiếp tục không ngừng đổi mới cả về nội dung và kỹ thuật tổ chức sản xuất, cung cấp các sản phẩm truyền thông để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của lãnh đạo Chính phủ, nhu cầu không ngừng nâng lên của bạn đọc.

Thứ tư, tiếp tục hoàn thiện và vận hành hiệu quả cơ chế kinh tế báo chí phù hợp với hoạt động đặc thù của Cổng Thông tin điện tử Chính phủ.

Theo GS.TS. Hoàng Thế Liên, là kênh cung cấp thông tin thống nhất, tập trung của cơ quan nhà nước trên môi trường mạng, dù trên nền tảng web hay nền tảng mạng xã hội, Cổng

Thông tin điện tử Chính phủ cần tập trung tận dụng đối đa ưu thế của từng nền tảng và đặc điểm của từng nhóm độc giả, để thiết kế các sản phẩm phù hợp nhất với từng nhóm, bảo đảm cung cấp thông tin cho công chúng một cách nhanh nhất, thuận tiện nhất và tin cậy nhất.

"Trong công tác này, Cổng Thông tin điện tử Chính phủ cần hướng tới tuyên truyền tổng thể một vòng đời của một chính sách từ lúc hình thành ý tưởng đến khi tổ chức thực hiện đưa chính sách vào cuộc sống", GS.TS. Hoàng Thế Liên nhấn mạnh.

GS.TS. Hoàng Thế Liên cho rằng, thông tin chính sách và thông tin chỉ đạo điều hành chính là "đặc sản" của Cổng Thông tin điện tử Chính phủ, đòi hỏi các nhà báo làm công tác này không chỉ giỏi về nghiệp vụ báo chí truyền thông, còn phải hiểu biết sâu về pháp luật, về lĩnh vực được theo dõi và đặc biệt là phải hiểu để có thể cung cấp những món đặc sản hợp "khẩu vị" của từng nhóm công chúng.

Cùng với đó, cần làm tốt công tác tham mưu xử lý thông tin dư luận gồm: Công tác xây dựng báo cáo thông tin, đề xuất xử lý các vấn đề dư luận quan tâm có liên quan đến chính sách và hoạt động chỉ đạo điều hành của Chính phủ. Phản ứng nhanh nhạy với chính sách, nhất là chính sách mới để kịp thời tham mưu cho lãnh đạo Chính phủ, vì dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh.

Theo Báo Chính phủ

(https://baochinhphu.vn/buoc-dot-pha-trong-truyen-thong-chinh-sach-tai-cong-thong-tin-dien-tu-chinh-phu-102231228151443367.htm)