Silicon Valley lên kế hoạch đa dạng hóa giới tính và sắc tộc
Trong ngành công nghiệp công nghệ cao việc mất cân bằng giới và đa sắc tộc đang trở thành một vấn nạn mà hầu hết các công ty trong Thung Lũng Silicon (Silicon Valley) cố gắng giải quyết. Mặc dù, để giải quyết được vấn đề này sẽ tốn kém về thời gian và tiền bạc, nhưng lãnh đạo các công ty này cho rằng một lực lượng đa dạng sẽ mang lại doanh số bán hàng và lợi nhuận cao hơn.
Trên tất cả, kỹ sư xây dựng các phần mềm và tiện ích là cả nam giới, nữ giới và đa sắc tộc tức là một lực lượng lao động đa dạng sẽ có sự hiểu biết rộng lớn hơn về những gì mà khách hàng mong muốn.
Theo số liệu thống kê về lực lượng lao động của các công ty hoạt động trong lĩnh vực công nghệ cao đến năm 2014 cho thấy nam giới và chủng da trắng chiếm đại đa số, tuy nhiên đội ngũ lãnh đạo ở các tổ chức này đã cam kết sẽ tuyển dụng thêm nhiều phụ nữ và người dân tộc thiểu số.
Đây là những kết quả mà các công ty công nghệ lớn nhất đã làm để trở nên đa dạng hóa
Apple
Tập đoàn này cho biết, họ sẽ dành tặng 50 triệu USD cho những tổ chức nào tiếp nhận phụ nữ và người dân tộc thiểu số vào làm việc trong lĩnh vực công nghệ. Khoản tiền này sẽ được đầu tư theo nhiều hình thức là học bổng, các khóa học đào tạo hoặc các chương trình thực tập. Công ty này cũng đang hợp tác chặt chẽ với các trường đại học, cao đẳng dành cho người da màu, người dân tộc thiểu số, các trung tâm Quốc gia về phụ nữ và công nghệ.Trước Hội nghị dành cho các nhà phát triển WWDC năm nay, Tim Cook – Tổng giám đốc điều hành (CEO) của Apple đã phát biểu trên trang tin Mashable rằng ông bị thuyết phục bởi một ngành công nghiệp có thể trở nên đa dạng hơn, vì hầu hết các sản phẩm là do con người tạo ra và chúng phải bền vững.
Google
Hãng đang xây dựng kế hoạch chi 150 triệu USD với nỗ lực đa dạng hóa giới tính và sắc tộc bên trong nội bộ cũng như bên ngoài. Một nửa khoản tiền trên sẽ dành cho các tổ chức và hiệp hội tập trung vào vấn đề thu hút và “giữ chân” phụ nữ và những người thuộc dân tộc thiểu số làm việc trong lĩnh vực công nghệ. Một nửa còn lại sẽ được sử dụng cho vấn đề mở rộng công ty. Năm 2014, Google đã đầu tư 114 triệu USD cho các chương trình đa dạng hóa.
Microsoft
Trong một bức thư điện tử gửi tới toàn bộ nhân viên công ty và đã được công bố trên trang web nội bộ hồi năm ngoái, Satya Nadella – CEO của Microsoft tuyên bố: Ở công ty này không có chuyện phân biệt giới tính, đàn ông cũng như phụ nữ sẽ được trả mức lương như nhau cho cùng một vị trí công việc. Microsoft đang cố gắng không ngừng để thay đổi hình ảnh chỉ có nam giới và là người da trắng đảm nhiệm các công việc về công nghệ, điển hình như công ty này đã có đến 3 nữ giám đốc điều hành là Agnieszka Girling, Briana Roberts và Lara Rubbelke.
Intel
Quỹ có tên là Intel Capital Diversity Fund sẽ đầu tư 125 triệu USD để khởi động chương trình bồi dưỡng đội ngũ lãnh đạo là người thiểu số trong khoảng thời gian 5 năm tiếp theo. Quỹ này do Lisa Lambert – kỹ sư phần mềm đứng đầu và bà này cho biết sự mất cân bằng giới và không đa sắc tộc là do vấn đề kinh phí, thiếu ý tưởng hoặc các chương trình khởi động. Đây không hẳn là vấn đề xã hội, cũng không liên quan đến từ thiện mà là vấn đề của doanh nghiệp và họ tin là như vậy. Vào tháng 1 năm nay, Giám đốc điều hành Intel – ông Brian Krzanich đã cam kết chi 300 USD để thuê và giữ lại một tỷ lệ những phụ nữ và người dân tộc thiểu số đại diện cho những tài năng của xã hội. Và những người này sẽ nắm giữ những vị trí chủ chốt vào năm 2020. Một phần của khoản tiền này sẽ dành đầu tư cho các nhóm, các tổ chức bên ngoài công ty.
eBay
Trong danh sách thành viên Hội đồng quản trị của Công ty bán đấu giá trực tuyến eBay gồm có 17 Giám đốc, trong đó có 2 người là phụ nữ: Bonnie Hammer - Chủ tịch NBC Universal Cable Entertainment và Gail McGovern – CEO của Hội chữ thập đỏ Hoa Kỳ. Trước hai người phụ nữ này, eBay cũng từng có một phụ nữ giữ vị trí lãnh đạo.
Salesforce
Tổng giám đốc điều hành Marc Benioff của Salesforce phát biểu với CNN, ông có một mục tiêu tích cực để phấn đấu là sử dụng một lực lượng lao động mà ở đó nam giới và nữ giới là ngang bằng nhau, đó là điều hoàn toàn có thể làm được trong vòng 5 năm. Salesforce hiện cũng đang xem xét đến toàn bộ vấn đề tiền lương của nhân viên, vì lãnh đạo công ty này muốn đảm bảo rằng phụ nữ và nam giới được trả lương như nhau ở cùng một vị trí công tác.
Bằng cách thiết lập các mục tiêu táo bạo và công bố rộng rãi ra bên ngoài, đội ngũ lãnh đạo cấp cao của các hãng trong Silicon Valley sẽ phải chịu trách nhiệm với những đã nói. Nhưng để đạt được những mục tiêu này không phải là điều dễ dàng, vì có một nguyên nhân cố hữu đó là phần lớn phụ nữ và những người thuộc dân tộc thiểu số không tìm kiếm sự nghiệp ở các ngành khoa học cũng như công nghệ.
Vấn đề trở nên khó khăn hơn, sự thiếu đa dạng lại nằm ở chính những người ra quyết định. Những người đứng đầu như Giám đốc điều hành, quản lý… là những người nắm quyền lực trong tay để thúc đẩy và kiểm soát các dự án ưu tiên, tài trợ và thực thi.
Cuộc chiến bình đẳng giới ở thung lũng Silicon vừa bắt đầu nóng trở lại khi ông lớn Twitter trở thành gã khổng lồ mới nhất bị kiện vì tình trạng phân biệt giới tính ở nơi việc. Lực lượng lao động toàn cầu của Twitter có 70% là nam giới và 30% là nữ giới, những vị trí công việc liên quan đến công nghệ thì nam giới chiếm 90% và 10% còn lại là nữ. Twitter chỉ có 12% lao động là người da màu hoặc đến từ các nước châu Á, nhưng ở các công việc liên quan đến công nghệ cao, tỷ lệ này giảm xuống còn 8%. Tương tự như vậy, chỉ có 4% đội ngũ quản lý cấp cao của Twitter không phải là người da trắng hoặc ngoài châu Á và 79% là nam giới.
Cách để khắc phục tình trạng nói trên là phải làm sao cho nhân viên cảm thấy thoải mái đưa ra vấn đề cần giải quyết mà không phải quan tâm đến kết quả ra sao. Các công ty nên cho họ quyền hạn và khả năng để đề xuất biện pháp khắc phục và thực hiện. Nhiều hãng đã bắt đầu công bố rộng rãi số liệu năm 2015 của mình, nhưng cũng không có nhiều khác biệt so với năm trước và vẫn còn một đường rất dài để vượt qua.
Hoàng Hải