Lịch sử hình thành Thung lũng Silicon
Thung lũng Silicon - một địa danh nổi tiếng gắn liền với nhiều cái tên công nghệ hàng đầu thế giới, đồng thời cũng là nền tảng khai sinh ra các khu công nghệ cao trên toàn cầu.
Thực chất, "Thung lũng Silicon" là cái tên mà giới báo chí đã đặt cho phần phía bắc của thung lũng Santa Clara và nhiều cộng đồng kế cận của miền nam bán đảo San Francisco cùng Vịnh Đông của nước Mỹ. Bản thân vùng Santa Clara có tốc độ hiện đại hóa rất nhanh và chỉ sau 50 năm phát triển, vùng đất vốn được bao bọc bởi rừng và các dãy đồi, nhiều vườn cây ăn quả đã trở thành một địa đanh công nghệ cao hàng đầu thế giới. Và cái tên "Thung lũng Silicon" đã được sử dụng cho tất cả những mảnh đất công nghệ màu mở và có sức phát triển mạnh mẽ nhất trên thế giới. Nhưng với người Mỹ nói riêng và thế giới nói chung, Thung lũng Silicon đầu tiên tại Santa Clara là một niềm tự hào xuyên thế kỷ.
Trong suốt quá trình phát triển của mình, Santa Clara gắn liền với một trường đại học danh tiếng, một giáo sư điện tử, một công ty khởi nghiệp, một nhà vật lý đã từng đạt giải Nobel, tám kẻ "phản bổi", nhiều tài năng trẻ, nhiều ý tưởng thông minh, nhiều nguồn vốn đầu tư mạo hiểm, đồng thời cũng là nơi chứng kiến những cuộc đào thải, cạnh tranh ngày càng quyết liệt trong ngành công nghệ cao thế giới.
Đi tìm điểm khởi đầu
Công nghệ điện tử đã xuất hiện ở vùng đấy Santa Clara từ cuối thế kỷ 19 với quy mô còn rất khiêm tốn. Năm 1890, công ty điện báo liên bang đã được thành lập ở Palo Alto, một thành phố nằm ở khu vực Vịnh San Francisco. Cũng vào thời gian đó, tại thành phố San Jose nằm trong thung lũng, người ta đã lần đầu tiên thực hiện được sự truyền sóng radio liên tục. Công nghệ khuếch đại bằng đèn chân không khi đó đã cho phép sự truyền tín hiệu đàm thoại qua khoảng cách từ bờ phía đông sang bờ phía tây của vịnh và từ đó Santa Clara được biến đến nhiều hơn.
Cha đẻ của Thung lũng Silicon. Ảnh: Internet
Frederick Terman có thể được coi là cha đẻ của Thung lũng Silicon. Vốn là con trai của một giáo sư ở Stanford, Frederick nhận được học vị phó tiến sỹ kỹ thuật điện ở MIT và cũng trở thành một giáo sư về điện tử ở Đại học Stanford. Cuốn Bài giảng về kỹ thuật vô tuyến của Terman đã cuốn hút được rất nhiều sinh viên tài năng, trong số đó có David Packard và Bill Hewlett. Năm 1938, với sự khuyến khích của Terman, Packard và Hewlett đã phát triển thành công một loại mạch dao động mới. Một năm sau đó, với số vốn ban đầu 538 USD, hai người này đã thành lập nên công ty “start-up” công nghệ cao đầu tiên. Hiện nay, HP (Hewlett-Packard) được biết đến như một công ty máy tính và lừng danh thế giới.
Hai ông chủ của Hp. Ảnh: Internet
Vào thập kỷ 1950, Terman đã mang về Santa Clara nhà vật lý William Shockley cùng với công nghệ bán dẫn Silicon. Trước đó, vào năm 1947, tại Bell Lab, Shockley cùng với hai đồng nghiệp là Bardeen và Brittain đã chế tạo thành công chiếc transitor bán dẫn đầu tiên. Ba người được nhận Giải Nobel vào năm 1956. Sự ra đời của transitor đã đánh dấu sự chuyển mình vĩ đại của công nghệ điện tử. Có cùng các chức năng nhưng transitor ưu việt hơn rất nhiều so với đèn chân không, nó nhỏ hơn, ít tỏa nhiệt hơn, ổn định hơn và phản ứng nhanh hơn. Và điểm khởi đầu của công nghệ silicon sau này là tại đây, tại Thung lũng Santa Clara.
Câu chuyện về tám kẻ phản bội
Năm 1956, Shockley thành lập cơ sở riêng của ông ở Palo Alto mang tên “Phòng thí nghiệm Bán dẫn Shockley” để sản xuất transitor và các link kiện bán dẫn khác. Shockley là một nhà khoa học cực kỳ thông minh nhưng lại là một nhà quản lý tồi. Sau một năm điều hành nhà máy, tám nhân viên hàng đầu của Shockley đã dời bỏ ông. Shockley đã tức giận gọi họ là “tám kẻ phản bội.” Tám người đó là Sheldon Roberts, Eugene Kleiner, Jean Hoerni, Gordon Moore, Jay Last, Victor Grenich, Julius Blank, và Robert Noyce. Họ có một ý tưởng về cái gọi là “transitor silicon khuếch tán kép” nhưng Shockley nghĩ là quá viển vông nên đã từ chối không cho họ tiếp tục nghiên cứu về nó.
Chân dung 8 kẻ phản bội lừng anh. Ảnh: Internet
“Tám kẻ phản bội” bỏ đi, tìm đến sự giúp đỡ của một ngân hàng đầu tư ở New York. Người của ngân hàng này đã giới thiệu họ với Sherman Fairchild, chủ một nhà máy thiết bị quân sự ở Long Island. Vốn là một kỹ sư nên Fairchild cũng phần nào hiểu được ý tưởng của nhóm tám người, ông đã giúp cho họ một khoản vay 1,5 triệu USD. Và kết quả là, năm 1957, tại thành phố Mountain View (gần Palo Alto), Tập đoàn Bán dẫn Fairchild được thành lập nhằm khai thác ý tưởng công nghệ của “tám kẻ phản bội.” Khái niệm về “transitor silicon khuếch tán kép” đã đạt được sự chấp thuận của không lực Hoa Kỳ. Điều đó đã khích lệ nhóm tám người vượt qua được những khó khăn kỹ thuật để chế tạo thành công loại transitor mới. Và chỉ sau một năm rưỡi, loại transitor này đã trở thành một sản phẩm độc quyền của Tập đoàn Fairchild.
Intel và cái tên Silicon Valley
Năm 1958 là năm đánh dấu bước chuyển mình thứ hai của công nghệ điện tử. Chiếc mạch tổ hợp (IC) được phát triển bởi Robert Noyce (một trong “tám kẻ phản bội”) lần đầu tiên được đưa vào sản xuất. Thành công của Noyce đã trở thành yếu tố quyết định cho sự cất cánh của Tập đoàn Bán dẫn Fairchild. Năm 1959, Sherman Fairchild đã quyết định mua lại toàn bộ tập đoàn mang tên ông. Mỗi người trong nhóm tám nhận được 250.000 USD, một khoản tiền đủ làm họ trở nên giàu có vào thời đó. Nhưng một hệ quả không hay cho Fairchild đã xảy ra, “tám kẻ phản bội” dần dần đoạn tuyệt với tập đoàn, hai người ra đi sau cùng là Noyce và Moore, vào năm 1968. Fairchild chấm dứt hoạt động. Bây giờ, thay thế cho đại bản doanh của nó ở Mountain View là toàn văn phòng của hãng Netscape.
Tháng 7 năm 1968, vẫn tại Mountain View, Noyce và Moore thành lập công ty “Integrated Electronics”, gọi tắt là Intel. Họ không đơn giản là chỉ lặp lại những việc đã làm ở Fairchild mà còn vạch ra một hướng chiến lược hoàn toàn mới, đó là chiến lược thu nhỏ các mạch tổ hợp. Năm 1969, chíp nhớ đầu tiên ra đời, mang nhãn hiệu Intel, và đến năm 1971 là sự ra đời của bộ vi xử lý đầu tiên. Thung lũng Santa Clara bắt đầu được gọi bằng cái tên “Thung lũng Silicon” của Mỹ kể từ một bài báo của Dan Hoefler đăng trên tờ Electronic News. Thời kỳ đầu, giống như Fairchild, Intel chủ yếu cung cấp các sản phẩm phục vụ lĩnh vực quân sự. So với đối thủ chính là hãng Texas Instruments, Intel đã thay đổi đến tận gốc rễ phương thức sản xuất, đặt ra những chuẩn mực cao hơn về mức độ tin cậy. Hai năm sau khi bộ vi điều khiển đầu tiên mang tên TMS1600 của Texas Instruments ra đời, Intel đã đuổi kịp Texas với sản phẩm Intel 8748.
Intel đã vượt qua Texas Intrustment ngay tại Silicon Valley. Ảnh: Internet
Các bộ vi điều khiển đã tạo điều kiện về mặt kỹ thuật cho sự ra đời của các máy tính cá nhân (PC). Năm 1976, hai chàng tài tử trẻ tuổi là Steve Wozniak (26 tuổi) và Steve Jobs (21 tuổi) đã lắp ráp nên chiếc PC đầu tiên, gồm cả một bàn phím và một monitor, nó được gọi là Apple 1. Với sự giúp đỡ về vốn của Arthur Rock, các chàng trai trẻ đã thành lập được hãng Máy tính Apple và nhanh chóng tung ra thị trường sản phẩm PC Apple 2. Đến năm 1978, Apple đã thu được một lợi nhuận hơn 2 triệu USD.
Quá trình hình thành lâu dài của Santa Clara đã được đền đáp một cách xứng đáng với vị thế hàng đầu thế giới trong ngành công nghiệp công nghệ cao và gắn liền với những câu chuyện từ đại học Stanford với hai sinh viên David Packard, Bill Hewlett, tám kẻ phản bội, Intel, Texas, Intrustment và thương hiệu điện thoại lớn nhất thế giới Apple, cuối cùng là cả cái tên Silicon Valley.
Ngày nay, khái niệm "Thung lũng Silicon" được hiểu là nơi ươm mầm và nuôi dưỡng khả năng đổi mới công nghệ, phát minh ra các sản phẩm công nghệ có khả năng liên kết dễ dàng với những "Thung lũng Silicon" khác để trở thành một hệ thống thực sự cho những ý tưởng mới, hình thành một môi trường kinh doanh năng động, nhạy bén. hững yếu tố cơ bản để hình thành nên một “Thung lũng Silicon” là: phải có một nguồn nhân lực chất xám cao; xây dựng trên một địa điểm lý tưởng; có các trường đại học hoặc trung tâm nghiên cứu tạo nguồn nhân lực và phát minh công nghệ mới; và một yếu tố không thể thiếu là tiền bạc.
Bài viết sử dụng tài liệu tham khảo từ:
- Wikipedia Việt Nam
- Tạp chí Tia Sáng
- Kaplan D. A., The Silicon Boys and Their Valley of Dreams, New York (1999), N.Y. Harper&Collins.