Cần tìm giải pháp và cơ chế chính sách phát triển công nghiệp vi mạch bán dẫn Việt Nam”
Cục Công nghiệp công nghệ thông tin và Truyền thông (Bộ Thông tin và Truyền thông) vừa phối hợp Ban Quản lý Khu Công nghệ cao Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức Hội thảo “Giải pháp và cơ chế chính sách phát triển công nghiệp vi mạch bán dẫn Việt Nam”.
Toàn cảnh hội thảo.
Hội thảo được tổ chức để có cơ sở báo cáo, tham mưu Chính phủ cụ thể hóa các cơ chế chính sách ưu đãi thu hút đầu tư và xây dựng chiến lược phát triển dài hạn cho ngành công nghiệp vi mạch bán dẫn Việt Nam.
Theo đại diện Cục Công nghiệp công nghệ thông tin và Truyền thông, nghiên cứu phát triển (R&D) của ngành sản xuất chip (vi mạch) là một trong những hoạt động tốn kém nhất trong các ngành công nghệ hiện đại. Chi phí R&D trung bình ngành này chiếm tới 14,2% doanh thu. Các nền kinh tế lớn thế giới là Hoa Kỳ, Trung Quốc, EU, Hàn Quốc và Nhật Bản đều đã công bố các kế hoạch trợ cấp cho ngành sản xuất chất bán dẫn, tạo nên thế cạnh tranh trong ngành công nghệ thế giới.
Tại Việt Nam, tháng 9/1979, Nhà máy bán dẫn Z181 được thành lập, sản xuất, xuất khẩu diode, transistor. Năm 2005, Trung tâm Nghiên cứu và đào tạo thiết kế vi mạch (ICDREC) ra đời và đào tạo được đội ngũ hàng trăm kỹ sư thiết kế chip, thiết kế thành công một số vi mạch mang thương hiệu Việt.
Tuy nhiên, kể từ khi Nhà máy Z181 dừng việc sản xuất bán dẫn (đầu những năm 90 thế kỷ trước), đến nay, Việt Nam chưa xuất hiện thêm nhà máy sản xuất bán dẫn, chỉ có nhà máy của Intel và một số công ty FDI làm công đoạn máy lắp ráp, gia công, đóng gói.
Ông Nguyễn Thiện Nghĩa, Phó Cục trưởng phụ trách Cục Công nghiệp CNTT-TT, Bộ TT-TT phát biểu tại Hội thảo.
Ông Nguyễn Thiện Nghĩa, Phó Cục trưởng phụ trách Cục Công nghiệp công nghệ thông tin và Truyền thông cho biết: “Đến thời điểm hiện nay, các hoạt động nghiên cứu, thiết kế, sản xuất vi mạch bán dẫn đang được hưởng các ưu đãi cao nhất từ Chính phủ. Tuy nhiên, Việt Nam vẫn chưa có chiến lược, giải pháp, kế hoạch đầu tư bài bản tầm quốc gia để phát triển do đó chúng ta cần có lộ trình, kế hoạch bài bản để cả Nhà nước và tư nhân cùng làm chung với nhau, để cùng nhau nâng cao vị trí của Việt Nam trong chuỗi giá trị công nghiệp vi mạch bán dẫn thế giới”.
Theo các chuyên gia, Việt Nam hiện chưa có kế hoạch phát triển công nghiệp chip bán dẫn tầm cỡ quốc gia, được lên kế hoạch và đầu tư bài bản. Chính phủ chưa có mục tiêu hỗ trợ tài chính để phát triển công nghiệp chip bán dẫn. Ngoài ra, chúng ta đang phụ thuộc 100% nguồn cung chip bán dẫn từ nước ngoài như: Broadcom, Hitachi, Qualcomm, Samsung, SK Hylix; trong khi các công ty trong nước chỉ có Viettel và FPT tham gia với công đoạn thiết kế chip.
Giáo sư, Tiến sĩ Đặng Lương Mô (cố vấn Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh) phân tích, đặc trưng của công nghiệp vi mạch bán dẫn là đầu tư ban đầu lớn; sản phẩm có tính thị trường toàn cầu; thế hệ công nghệ ngắn, cải tiến liên tục. Dù nỗ lực xây dựng nền công nghiệp bán dẫn - vi mạch Việt Nam đã bắt đầu sớm, nhưng đến nay Việt Nam vẫn chưa có một cơ sở chế tạo bán dẫn - vi mạch nào.
“Sản xuất vi mạch đối với Việt Nam ngày nay không còn là vấn đề chỉ để bàn luận trên giấy tờ, mà phải làm gấp, làm tới nơi tới chốn, làm cho thành công. Một nhà máy sản xuất vi mạch bán dẫn gọi là thành công thì phải là thành công 100%, bởi đây là một khoản đầu tư lớn, không thể để cho lãng phí được”, Giáo sư Đặng Lương Mô nhấn mạnh.
Cùng nhận định trên, Tiến sĩ Huỳnh Phú Minh Cường, Phó Trưởng khoa Điện - Điện tử (Trường Đại học Bách khoa Thành phố Hồ Chí Minh) cho rằng, muốn phát triển công nghiệp vi mạch bán dẫn cần có doanh nghiệp thiết kế vi mạch của người Việt Nam. Nhà nước cần có cơ chế, chính sách để hỗ trợ doanh nghiệp, bởi để thương mại hóa một sản phẩm vi mạch bán dẫn cạnh tranh với thế giới rất khó khăn.
Theo Tiến sĩ Huỳnh Phú Minh Cường, một doanh nghiệp khởi nghiệp muốn thiết kế con chip phải mất từ 2-3 năm, chi phí cho các kỹ sư lên tới vài triệu USD, trong khi thị trường đầu ra chưa biết thế nào. Rất khó kêu gọi doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực này. Nhà nước phải có cơ chế, chính sách để kêu gọi đầu tư, đơn cử như nhà nước góp vốn 50-70% vào doanh nghiệp...
Tại Hội thảo, các chuyên gia, doanh nghiệp công nghệ thông tin cũng đưa ra một số định hướng phát triển ngành công nghiệp vi mạch bán dẫn Việt Nam; đề xuất một số chính sách, giải pháp để nâng cao vị trí của Việt Nam trong chuỗi giá trị công nghiệp vi mạch bán dẫn thế giới.
Thiên Thanh (T/h)