Cẩn trọng với bẫy lừa khi mua vàng online ngoài hệ thống chính thức

14:53, 21/04/2025

Khi việc tiếp cận các kênh mua vàng chính thống gặp khó khăn, không ít người dân đã lựa chọn tìm đến các nền tảng mạng xã hội như Facebook, Zalo, Telegram... để thực hiện giao dịch mua bán vàng. Tuy nhiên, hình thức này tiềm ẩn nhiều rủi ro, đặc biệt là nguy cơ bị lừa đảo hoặc tham gia vào các giao dịch không minh bạch.

Trong bối cảnh giá vàng trong nước liên tục xác lập những mức đỉnh mới, nhu cầu giao dịch vàng của người dân không ngừng gia tăng. Nhiều người lựa chọn hình thức mua vàng online qua ứng dụng của các ngân hàng và doanh nghiệp kinh doanh vàng để tránh phải xếp hàng, chen lấn.

Tuy nhiên, không ít người gặp trục trặc trong quá trình giao dịch qua các nền tảng chính thống, từ đó chuyển sang mua bán vàng trên mạng xã hội mà không lường trước những rủi ro pháp lý và nguy cơ bị lừa đảo, mất tiền.

Hiện nay, nhiều ngân hàng lớn như Vietcombank, BIDV, VietinBank, Agribank cùng các thương hiệu vàng uy tín như DOJI, SJC… đã triển khai ứng dụng giao dịch vàng trực tuyến. Theo lý thuyết, người dân chỉ cần vài thao tác trên điện thoại là có thể đặt mua vàng miếng, vàng nhẫn và đến quầy nhận hàng. Tuy nhiên, phản ánh từ người dùng cho thấy quá trình này không phải lúc nào cũng suôn sẻ.

Liên quan đến những biến động gần đây trên thị trường vàng, trong báo cáo gửi Ủy ban Kinh tế và Tài chính của Quốc hội, Ngân hàng Nhà nước cho biết giá vàng tăng mạnh là xu hướng chung của cả thị trường quốc tế và trong nước.

Tuy nhiên, mức chênh lệch giữa giá mua - bán trong nước và giá vàng thế giới đã giảm đáng kể so với năm 2024, khi từng lên tới 18 triệu đồng/lượng (tương đương khoảng 25%).

Đến nay, mức chênh lệch chỉ còn khoảng 2–4 triệu đồng/lượng, tương đương 3–5%, thậm chí có thời điểm giá mua vàng miếng SJC thấp hơn giá vàng thế giới quy đổi.

Mua vàng online qua những kênh không chính thức tiềm ẩn nhiều rủi ro, đặc biệt là nguy cơ bị lừa đảo hoặc tham gia vào các giao dịch không minh bạch.

Điều này cho thấy hiệu quả bước đầu từ các biện pháp quản lý thị trường vàng trong thời gian qua, giúp thu hẹp khoảng cách giữa giá vàng trong nước và quốc tế.

Về công tác quản lý, Ngân hàng Nhà nước đã có tờ trình báo cáo Thủ tướng Chính phủ đề xuất xây dựng nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 24/2012/NĐ-CP ngày 03/4/2012 về quản lý hoạt động kinh doanh vàng.

Trong thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục quản lý chặt chẽ thị trường này theo chỉ đạo của Chính phủ, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương để đảm bảo hoạt động kinh doanh vàng tuân thủ quy định pháp luật; đồng thời hoàn thiện khuôn khổ pháp lý phù hợp thực tiễn.

Ngày 18/4, Văn phòng Chính phủ đã ban hành văn bản truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc về tình hình giá vàng trong nước. Phó Thủ tướng yêu cầu Ngân hàng Nhà nước chủ trì, phối hợp các cơ quan theo dõi sát diễn biến thị trường tài chính, tiền tệ, ngoại hối và vàng, khẩn trương thực hiện các giải pháp ổn định thị trường.

Đồng thời, tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi đầu cơ, thao túng, trục lợi; đẩy mạnh truyền thông để ổn định tâm lý người dân, theo đúng chỉ đạo tại Văn bản số 1483/VPCP-KTTH ngày 04/4/2025.

Tính đến 9h10 sáng ngày 19/4, giá vàng miếng SJC tại Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn được niêm yết ở mức 113,5 triệu đồng/lượng (mua vào) và 117,5 triệu đồng/lượng (bán ra), giảm mạnh 3,5 triệu đồng/lượng ở chiều mua và 2,5 triệu đồng/lượng ở chiều bán so với mức đỉnh ghi nhận chiều hôm trước.

Trước đó, trong tuần qua, giá bán vàng SJC đã vọt lên tới 120 triệu đồng/lượng, tăng tới 13 triệu đồng so với đầu tuần (14/4), riêng ngày 16/4, giá vàng tăng sốc tới 7,5 triệu đồng/lượng.