Căng thẳng biên giới Trung-Ấn

10:11, 24/09/2014

Trung Quốc và Ấn Độ có đường biên dài 4.057km, trong khi đôi bên vẫn chưa có được một thỏa thuận chính thức về đường biên. Thế nên xung đột ở đây là khó tránh khỏi.

Binh sỹ Trung Quốc lấn sâu qua biên giới Trung-Ấn

Giới chức quân đội ở New Delhi và Kashmir ngày hôm qua (23/9) cho biết, các binh sỹ Trung Quốc đã hạ trại vào sâu trong khu vực Chumar khoảng 3km, thuộc vùng Ladakh mà Ấn Độ tuyên bố chủ quyền từ hơn 1 tuần trước. Đối lại, các binh sỹ Ấn Độ cũng hạ trại ở gần đó và được lệnh không được rút quân, VietnamPlus đưa tin.

 

Các binh sỹ Trung Quốc và Ấn Độ ở khu vực biên giới.

Theo hãng Reuters, hàng ngàn binh sỹ Ấn Độ và Trung Quốc đã dàn quân “đối mặt nhau” ở các vị trí tại một khu đất bằng rộng lớn trên dãy Himalaya, khiến Tham mưu trưởng quân đội Ấn Độ, Tướng Dalbir Singh buộc phải hủy chuyến thăm Bhutan để theo dõi tình hình. Động thái này cho thấy những bất đồng sâu sắc giữa 2 “người khổng lồ” châu Á, trong bối cảnh 2 quốc gia này đang tìm kiếm những quan hệ gần gũi hơn.

Tranh chấp lãnh thổ Trung-Ấn, với các vụ binh lính Trung Quốc xâm nhập các khu vực mà New Delhi tuyên bố chủ quyền, là một trong những “cái gai” khuấy động cuộc họp thượng đỉnh tại New Delhi giữa Thủ tướng Ấn Độ và Chủ tịch Trung Quốc hôm 18/9. Truyền thông Ấn Độ đã tiết lộ nhiều chi tiết, cho thấy cuộc gặp giữa 2 nguyên thủ của 2 nước này đã diễn ra không mấy suôn sẻ.

Một quan chức chính phủ Ấn Độ cho biết, nước này đã triển khai khoảng 1.500 binh sỹ tại khu vực Chumar, còn con số bên phía Trung Quốc là khoảng 800 và 2 bên không ở trong tình thế đối mặt trực diện mà tách biệt nhau bởi một khoảng cách tương đối.

Trước đó, hãng tin PTI Ấn Độ ngày 20/8 cho biết, nhiều nguồn tin chính thức đã xác nhận, có khoảng 35 binh sĩ Trung Quốc tiến vào lãnh thổ Ấn Độ và đóng trại trên một ngọn đồi ở khu vực Chumar. Họ tuyên bố đó là vùng đất của Trung Quốc, trong lúc vẫn có 300 lính Trung Quốc khác hiện diện ở một khu vực sát đường ranh giới phân chia hai nước gọi là “đường kiểm soát thực tế (LAC)”.

Ấn Độ ráo riết phòng thủ

Ấn Độ đang lên kế hoạch chi 10 tỷ USD để xây dựng một loạt quân đoàn tấn công miền núi, nhằm đối phó với quân đội Trung Quốc, theo Vneconomy.

Dẫn các nguồn tin từ Bộ Quốc phòng Ấn Độ, tờ Times of India số ra ngày 22/8 cho biết, sau khi bố trí loại máy bay chiến đấu Sukhoi-30MKI – loại hiện đại nhất của mình, ở các khu vực chiến lược Tezpur và Chabua, Ấn Độ đã bắt đầu triển khai 6 khẩu đội tên lửa đất đối không Akash (do Ấn Độ tự sản xuất, có thể đồng thời vô hiệu hóa được nhiều mục tiêu trong phạm vi đánh chặn 25 km dưới mọi điều kiện thời tiết) ở vùng Đông Bắc, nhằm ngăn chặn máy bay phản lực, trực thăng và máy bay không người lái của Trung Quốc có những “hành động bất ngờ” trong khu vực.

 

Khu vực tranh chấp giữa Ấn Độ và Trung Quốc.

Công trình phát triển tên lửa Akash được Ấn Độ triển khai từ thập niên 1990. Sau nhiều lần thử nghiệm, hệ thống vũ khí này đã được chuyển giao cho các lực lượng vũ trang Ấn Độ từ năm 2008. Theo báo trên, việc triển khai loại tên lửa mới tại Đông Bắc nằm trong “kế hoạch toàn diện”, nhằm đạt mục tiêu răn đe tin cậy dọc đường kiểm soát thực tế dài 4.057 km với Trung Quốc.

Trước đó, mạng tin Want China Times dẫn một bản tin trên tờ Hindustan Times (Ấn Độ) cho hay, nước này đang lên kế hoạch chi khoảng 620 tỷ rupee (tương đương 10 tỷ USD), để xây dựng một loạt những quân đoàn tấn công miền núi, nhằm đối phó với quân đội Trung Quốc tại khu vực dọc theo biên giới phía Đông Bắc giữa hai quốc gia.

Biên giới Trung-Ấn vẫn tiềm ẩn sự đối kháng

Việc Trung Quốc liên tục “xâm lấn”, vượt qua đường kiểm soát thực tế - LAC đã khiến tình hình biên giới Trung-Ấn ngày càng trở nên căng thẳng.

Tháng trước, hôm 17/8, binh sỹ Trung Quốc đã băng qua LAC, tiến sâu vào đất Ấn Độ từ 20 - 30 km tại Burtse ở phía bắc Ladakh. Ấn Độ được cho là đã triển khai một đội phản ứng nhanh tới đây, song binh sỹ Trung Quốc đã từ chối rút lui. Theo Want China Times, một phát ngôn viên quân đội Ấn Độ đã “hạ bớt căng thẳng” bằng cách tuyên bố, đó là khu vực dọc biên giới nơi hai nước có quan điểm khác nhau về LAC.

Trao đổi với tờ Thời báo Hoàn cầu, ông Triệu Cán Thành, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu châu Á - Thái Bình Dương thuộc Học viện Nghiên cứu quốc tế Thượng Hải cho rằng, việc Ấn Độ tăng cường phòng thủ dọc biên giới của nước này không phải là điều bất ngờ. Do những bất đồng về cách xác định LAC, nên binh sỹ Ấn Độ và Trung Quốc đã nhiều lần đối đầu ở khu vực này. Theo ông Triệu, những hành động gần đây của Ấn Độ rõ ràng là "không có lợi" cho quan hệ giữa nước này với Trung Quốc.

Tuy nhiên, trên thực tế, Trung Quốc gần đây đã tăng cường hoạt động khắp Tây Tạng và Tân Cương, đều tiếp giáp với vùng Ladakh. Trong thời gian qua, Trung Quốc thường xuyên tổ chức các cuộc tập trận với nhiều loại máy bay chiến đấu hiện đại trên khu vực cao nguyên Thanh - Tạng giáp Ấn Độ. Những hoạt động này đã khiến giới chức Ấn Độ cảm thấy lo ngại.

Rồi tháng 4 năm ngoái, quân lính Trung Quốc cũng đã vượt qua biên giới với Ấn Độ tiến vào khu vực Ladakh và dựng trại, gây căng thẳng với binh lính Ấn Độ trong suốt ba tuần. Giới chức cấp cao hai nước đã phải dàn xếp với nhau bằng một thỏa thuận để hai bên cùng rút quân.

Còn mới đây, trong một tuyên bố bằng văn bản, Bộ Quốc phòng Trung Quốc cho rằng, nhận thức của 2 bên về đường ranh giới không giống nhau và quân đội nước này tôn trọng các hiệp định đã ký giữa 2 nước. Tuyên bố ghi rõ: "Biên giới giữa 2 nước cho đến nay vẫn chưa được phân định rõ. Nếu có vấn đề gì xảy ra ở khu vực biên giới, cả 2 bên có thể đạt được một giải pháp phù hợp thông qua đối thoại và tham vấn."

Thanh Trà (tổng hợp)