Cảnh báo chiêu trò ‘đầu tư tài chính’ và xây nhà trên mạng
Mặc dù cơ quan chức năng liên tục bắt và xử lý nghiêm các đối tượng lừa đảo đầu tư tài chính qua mạng nhưng hiện tượng này vẫn không thuyên giảm. Cùng với nhiều chiêu trò lừa đảo tinh vi khác khiến câu chuyện giao dịch trên không gian mạng trở nên thiếu an toan cho một số bộ phận người dân.
Trước vấn đề nêu trên, Cục An toàn thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông) đã đưa ra cảnh báo về một số thủ đoạn chiêu trò lừa đảo trên không gian mạng và khuyến cáo người dân nâng cao cảnh giác, để tránh mất tiền, tài sản trong những ngày đầu năm 2024.
Cơ quan chức năng khuyến cao người dân hết sức cảnh giác trước các chiêu trò quảng cáo cũng như thực hiện các giao dịch trên mạng xã hội. Hình minh hoạ.
Lừa đảo “đầu tư tài chính” tiếp tục nổi cộm
Thời gian gần đây, Công an tỉnh Thừa Thiên - Huế nhận được thông tin tin tố giác tội phạm liên quan đến thủ đoạn lừa đảo ‘đầu tư tài chính qua mạng xã hội’.
Cụ thể, các đối tượng lừa đảo sử dụng những mô hình kinh doanh trực tuyến qua ứng dụng hay website, quảng cáo lãi suất cao, an toàn và linh hoạt để thu hút nạn nhân.
Ban đầu, đối tượng tư vấn, hướng dẫn nhiệt tình, đầu tư số tiền nhỏ, người đầu tư dễ dàng rút về số tiền thưởng. Đó chính là "mồi câu", dẫn dụ người chơi đầu tư số tiền lớn hơn và không thể rút tiền trên ứng dụng hoặc website.
Tiếp đó, các đối tượng yêu cầu người chơi muốn rút tiền thì phải đóng các khoản tiền để xác minh. Với tâm lý muốn lấy lại số tiền đã đóng, nhiều bị hại đã chuyển cho đối tượng hàng trăm triệu đến hàng tỷ đồng.
Hồi trung tuần tháng 2/2024, Công an thành phố Thanh Hoá cũng đã khuyến cáo người dân về các thủ đoạn lừa đảo qua mạng liên quan đến các vấn đề như: giới thiệu việc làm, bán vé máy bay, cho vay tiền thủ tục nhanh lãi suất thấp…
Theo cơ quan chức năng, lợi dụng nhu cầu của người dân cần tìm việc làm sau dịp Tết Nguyên đán, các đối tượng lừa đảo sử dụng các hội, nhóm tìm việc online trên các diễn đàn, mạng xã hội đăng tải quảng cáo, tìm kiếm lao động như: thực hiện nhiệm vụ trong các trò chơi, bình luận sản phẩm, đánh máy văn bản tài liệu... với hứa hẹn sẽ được nhận ngay tiền công từ một đến vài trăm nghìn đồng mỗi ngày, làm việc tại nhà, không phải đầu tư vốn...
Các đối tượng thường yêu cầu nạn nhân chuyển tiền đặt cọc nhưng sau khi nhận được tiền thì cắt đứt liên lạc với nạn nhân. Các nạn nhân mà đối tượng lừa đảo hướng đến thường là người lao động có thu nhập thấp, thất nghiệp, phụ nữ nuôi con nhỏ, học sinh, sinh viên...
Với chiêu trò cho vay tiền thủ tục nhanh, lãi suất thấp, lợi dụng những ngày đầu năm sau dịp Tết nhu cầu vay tiền để chi tiêu cá nhân, gia đình tăng, các đối tượng sử dụng mạng xã hội giả danh nhân viên ngân hàng, công ty tài chính, đăng quảng cáo cho vay tiền với lãi suất thấp, thủ tục nhanh chóng. Sau đó, chúng tạo hình ảnh giả về việc vay tiền rồi yêu cầu nộp trước nhiều khoản tiền như phí mở hồ sơ, phí bảo hiểm để được giải ngân. Sau khi chuyển tiền xong, người vay không nhận được tiền giải ngân và không liên lạc được với đối tượng.
Không chỉ vậy, các đối tượng còn giả mạo các thương hiệu, doanh nghiệp đưa ra các chương trình tri ân, tặng quà, khuyến mại: Đối tượng lừa đảo sử dụng mạng xã hội hoặc gọi điện thoại, mạo danh các công ty có thương hiệu như Công ty FPT, Siêu thị Điện máy xanh,... liên hệ với nạn nhân để thông báo các chương trình khuyến mãi, tri ân tặng quà, tổ chức các cuộc thi hay thông báo khách hàng đã trúng thưởng các phần quà có giá trị cao như xe máy SH, điện thoại Iphone, sổ tiết kiệm có giá trị vài trăm triệu đồng... Sau đó, đối tượng yêu cầu nạn nhân chuyển tiền vào tài khoản do đối tượng chỉ định để làm thủ tục nhận thưởng. Nhưng sau khi nhận được tiền, các đối tượng cắt đứt mọi liên lạc với nạn nhân và chiếm đoạt tiền.
Với thủ đoạn tinh vi trên, các đối tượng đã thực hiện chiếm đoạt tiền của nhiều nạn nhân. Để kịp thời ngăn chặn tình trạng này, cơ quan chức năng đề nghị người dân khi phát hiện các trường hợp có dấu hiệu lừa đảo như trên, người dân cần báo ngay cho cơ quan Công an nơi gần nhất để giải quyết vụ việc theo quy định.
Lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua quảng cáo xây nhà
Mới đây, ngày 20/02, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Lý Nhân (Hà Nam) đã bắt khẩn cấp Đinh Văn Cường (SN 1990), trú tại thôn 4 Thượng Vỹ, xã Nhân Chính, huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam về hành vi “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” thông qua hình thức quảng cáo lừa đảo xây nhà trên mạng xã hội.
Trước đó, qua công tác nắm tình hình, Đội Cảnh sát hình sự Công an huyện Lý Nhân phát hiện có 1 đối tượng liên tục sử dụng các trang mạng xã hội Facebook có tài khoản “Nhà gỗ Bảo Lâm” và “Nét đẹp Cổ truyền” chạy quảng cáo có khả năng thi công, xây dựng nhà gỗ các loại với các hình ảnh, thiết kế đa dạng, hấp dẫn... sau đó yêu cầu các chủ đầu tư có nhu cầu làm nhà gỗ chuyển tiền đặt cọc nhưng thực chất nhằm lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Tại cơ quan Công an, trước tài liệu, chứng cứ thu thập được, Đinh Văn Cường khai nhận do làm ăn thua lỗ, nợ tiền của nhiều người nên đã nảy sinh ý định lừa đảo chiếm đoạt tài sản thông qua mạng xã hội.
Đối tượng liên tục sử dụng các trang mạng xã hội Facebook chạy quảng cáo có khả năng thi công, xây dựng nhà gỗ các loại với các hình ảnh, thiết kế đa dạng, hấp dẫn... sau đó yêu cầu các chủ đầu tư có nhu cầu làm nhà gỗ chuyển tiền đặt cọc nhưng thực chất nhằm lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Với các thủ đoạn trên, từ đầu năm 2023 đến nay, Đinh Văn Cường đã lừa đảo chiếm đoạt tài sản của nhiều bị hại ở các tỉnh, thành phố trên cả nước với số tiền chiếm đoạt 2,5 tỷ đồng.
Trước tình trạng trên, Cục An toàn thông tin, Bộ Thông tin và Truyền thông cảnh báo người dân cần nâng cao tinh thần cảnh giác khi thực hiện giao dịch trên mạng xã hội. Người dùng cần tìm hiểu, kiểm tra và xác minh kỹ thông tin của người cung cấp, chất lượng sản phẩm trước khi giao dịch qua mạng xã hội hay bất kỳ trang web nào, tránh để các đối tượng lợi dụng lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Theo Tạp chí Thương Trường