Cảnh báo đánh cắp tiền mã hóa thông qua Telegram

09:13, 23/12/2024

Trang web chuyên đăng tải các bài báo về phòng chống lừa đảo mạng Scam Sniffer cho biết, trong thời gian gần đây kẻ tấn công đã cài phần mềm chứa mã độc vào các trang web giả mạo được lập ra với mục đích để xác thực tài khoản Telegram của người dùng.

Cụ thể, các đối tượng lập ra nhiều tài khoản X giả mạo người nổi tiếng trong lĩnh vực trao đổi tiền mã hóa, giới thiệu người dùng vào các hội nhóm, group chat Telegram để trao đổi và học hỏi kinh nghiệm kiếm tiền.

Sau khi truy cập, người dùng sẽ được yêu cầu cung cấp thông tin và xác minh danh tính thông qua đường link dẫn tới phần mềm xác thực tự động của Telegram (Verification Bot). Sau đó, người dùng sẽ được chuyển hướng tới trang web giả mạo, yêu cầu cung cấp thông tin cá nhân và chấp thuận để tải về phần mềm với mục đích giám sát hệ thống dữ liệu trong thiết bị của người dùng, đề phòng trường hợp thiết bị có chứa virus. Thực chất, đây là phần mềm mã độc chạy trên lệnh Powershell, được các đối tượng tạo ra để làm tê liệt thiết bị và đánh cắp tiền mã hóa từ các ứng dụng trao đổi tiền có sẵn trong thiết bị của người dùng.

Trước thực trạng lừa đảo trên, các chuyên gia khuyến cáo, người dùng cần đề cao cảnh giác khi nhận được những lời mời, dụ dỗ tham gia đầu tư ngoại hối, tiền ảo; cẩn trọng xác thực tài khoản của đối tượng thông qua các trang web uy tín.

Tuyệt đối không làm theo hướng dẫn của các đối tượng lạ, không tải về các ứng dụng không rõ nguồn gốc. Đồng thời cần trang bị cho mình những kiến thức về lĩnh vực đầu tư và giao dịch tiền mã hóa thông qua các nền tảng và trang web đáng tin cậy và gia tăng bảo mật cho các tài khoản trực tuyến cũng như thiết bị điện tử cá nhân.

Khi bắt gặp dấu hiệu đáng ngờ, người dân cần nhanh chóng trình báo với lực lượng chức năng để kịp thời điều tra và ngăn chặn hành vi lừa đảo.