Cảnh báo những thủ đoạn gian lận thi cử công nghệ cao

10:07, 24/06/2024

Mới đây, Công an thành phố Hà Nội đã cảnh báo một số thủ đoạn cũng như thiết bị thông minh có thể được sử dụng cho mục đích gian lận thi cử trong Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2024.

Thiếu tướng Lê Minh Mạnh, Phó Cục trưởng Cục An ninh mạng và Phòng chống tội phạm ứng dụng Công nghệ cao (A05), Bộ Công an, cho biết từ tháng 5, Bộ Công an đã có nhiều đợt tập huấn, tuyên truyền nhằm đảm bảo tuyệt đối an ninh, an toàn cho kỳ thi, trong đó chú trọng việc bảo vệ bí mật nhà nước với đề thi; phòng ngừa, xử lý các trường hợp gian lận bằng thiết bị công nghệ cao.

Theo ông Mạnh, tình hình sử dụng công nghệ cao để gian lận thi cử diễn biến rất phức tạp. Trên thế giới, đây cũng là vấn đề nhức nhối, như Thổ Nhĩ Kỳ đã phát hiện trường hợp sử dụng AI để gian lận thi cử.

Thí sinh vẫn phải dùng bộ kết nối, tai nghe thu nhỏ hay camera khi gian lận bằng AI nhưng hiện các thiết bị tinh vi hơn.

Bộ Công an cũng nhận định, một số địa phương còn có vướng mắc, cách hiểu khác nhau về quy định đảm bảo an ninh, an toàn cho kỳ thi.

Để đảm bảo yêu cầu “bố trí địa điểm bảo quản vật dụng của thí sinh cách phòng thi 25m”, Bộ Công an đề nghị các Hội đồng thi hướng dẫn thí sinh hạn chế tối đa việc mang vật dụng không cần thiết vào điểm thi.

 Nơi bảo quản đồ dùng của thí sinh có thể bố trí một cách linh hoạt sao cho đồ dùng cá nhân của thí sinh cách phòng dự thi của mình tối thiểu 25m hoặc có thể xa hơn để nâng cao hiệu quả phòng ngừa.

gian lan thi cu

Đối với nơi để xe của thí sinh và nhà dân ở sát điểm thi, các điểm thi có thể bố trí tạm thời khu vực để xe ở ngoài cổng trường, phối hợp với công an xã, phường tuyên truyền cho các nhà dân xung quanh điểm thi nâng cao nhận thức, không tiếp tay cho hành vi tiêu cực.

Theo đó, các địa phương cần tiếp tục quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm túc kế hoạch của Bộ Công an về bảo đảm an ninh, an toàn cho kỳ thi; chịu trách nhiệm toàn diện trước lãnh đạo Bộ Công an về công tác bảo đảm an ninh, an toàn cho kỳ thi tại địa phương; phân công lực lực lượng tham gia bảo đảm đúng người, đúng việc; tăng cường lực lượng, phương tiện hỗ trợ ngành giáo dục bảo đảm an ninh, an toàn cho các khâu trọng yếu của kỳ thi, nhất là khâu in sao đề thi.

Tại Hội nghị Hướng dẫn coi thi tốt nghiệp THPT năm 2024 của Sở GD-ĐT Hà Nội, thượng tá Hà Thị Hằng, phó trưởng phòng Kỹ thuật nghiệp vụ (PA06), Công an thành phố Hà Nội cũng đã hướng dẫn cán bộ coi thi cách nhận biết các loại thiết bị thông minh có thể phục vụ cho việc gian lận thi cử.

Theo đó, đặc điểm chung của những thiết bị này là có hình dạng bên ngoài giống các đồ vật thông dụng hoặc được thiết kế nhỏ gọn gắn với thiết bị thông dụng được phép mang vào phòng thi. Để thực hiện hành vi gian lận, những thiết bị này được liên kết qua 2 phần là trong phòng thi của thí sinh và ngoài phòng thi của các đối tượng hậu thuẫn cho thí sinh.

Trong phòng thi, về cơ bản thiết bị gồm 2 bộ phận là tai nghe và thiết bị thu phát. Tai nghe phổ biến là tai nghe siêu nhỏ, không dây có kích thước bằng hạt đậu, hạt tấm và sử dụng kết nối không dây đến bộ thu phát để nghe được âm thanh do người khác gọi đến và truyền thông tin ra bên ngoài.

Thiết bị thu phát bổ biến được ngụy trang dưới dạng đồ vật thông dụng như thẻ ATM, bút viết, kính mắt, dây thắt lưng, máy tính, đồng hồ thông minh, vòng đeo tay thông minh, nhẫn thông minh…thí sinh có thể giấu trong người, vật dụng cá nhân mang vào phòng thi.

Ngoài phòng thi, ở một vị trí bất kỳ bên ngoài khu vực thi là nơi tiếp nhận thông tin về đề thi do thí sinh gửi ra. Thông tin được chuyển đến các đối tượng giải đề thi và truyền ngược lại tới tai nghe của thí sinh. Các đối tượng bên ngoài sử dụng điện thoại để gọi và kết nối với bên trong.

Thượng tá Hà Thị Hằng cho rằng, để có thể phát hiện thiết bị gian lận được đưa vào phòng thi thì vai trò của cán bộ coi thi rất quan trọng. Cán bộ coi thi có thể phát hiện thông qua quan sát một số đặc điểm bề mặt của vật dụng.

“Xác định các dấu hiệu bất thường khác với tính năng của vật dụng, đảm bảo không có loa và tai nghe, không có màn hình hiển thị hình ảnh, không có bộ phận chức năng truyền thông tin (bluetooth, wifi..) không có lỗ cắm jack nguồn, lỗ mic, ống lắp camera.

Ví dụ máy tính cầm tay bình thường, ngoài bàn phím và màn hình tinh thể, trước mặt sẽ không có bất kỳ một lỗ, khe hở nào; còn máy tình cầm tay có ngụy trang thì chắc chắn có lỗ mic, lỗ cắm nguồn để sạc pin. Khi kiểm tra đồng hồ điện tử, cần quan sát trạng thái hoạt động của đồng hồ, màn hình cảm ứng, các biểu tượng thông báo cột sóng vô tuyến, wifi, bluetooth, NFC hay 3G, 4G có trên màn hình”. Thượng tá Hà Thị Hằng lưu ý nếu có những biểu tượng này, cán bộ coi thi cần thực hiện các biện pháp ngăn chặn đã được quy định tại quy chế thi.

Ngoài ra, để nhận biết thí sinh mang thiết bị gian lận vào phòng thi, cán bộ coi thi cần chú ý quan sát biểu hiện tâm lý của thí sinh. Theo lẽ thường, thí sinh gian lận luôn tìm mọi cách để che giấu hành vi của mình, thụ động, có những biểu hiện khác thường, lo lắng, hồi hộp mất tự nhiên. Dù thời tiết nóng bức nhưng lại mặc áo dài tay, nhiều lớp, cổ áo, túi áo cộm đồ vật, để tóc dài trùm tai, trùm gáy.

Sau khi nhận được đề thi, thí sinh gian lận có thể phát sinh những biểu hiện như: miệng lẩm nhầm đọc đề hoặc đọc phát ra rõ tiếng, quá trình làm bài thi không tập trung, thể hiện chờ đợi thông tin qua thiết bị giấu trong người, ngồi không yên, hay quan sát cán bộ coi thi. Thí sinh gian lận cũng có thể hay để tay lên mặt, vị trí tai vì thiết bị trong tai có thể gây ngứa ngáy khó chịu.

Theo Tạp chí Điện tử Sở hữu trí tuệ & Sáng tạo

(https://sohuutritue.net.vn/canh-bao-nhung-thu-doan-gian-lan-thi-cu-cong-nghe-cao-d226392.html)