Điện thoại thông minh nhận biết được người say rượu
Để giúp con người sử dụng rượu bia chừng mực, có lợi cho sức khỏe các nhà khoa học vừa phát triển thành công một loại cảm biến dùng cho điện thoại thông minh, giúp cảnh báo say rượu.
Các thiết bị đo nồng độ cồn trong máu vẫn là cách tốt nhất để kiểm tra mức độ tỉnh táo của người dùng. Tuy nhiên, nhóm kỹ sư và bác sĩ từ Đại học Pittsburgh đã tìm kiếm một phương án có thể hoạt động mà không cần bất kỳ dụng cụ y khoa nào, nó đang được thử nghiệm. Theo đó, nhóm nghiên cứu giải quyết vấn đề đo lường sự phối hợp thể chất của người uống.
Tính năng mới trên điện thoại thông minh giúp cảnh báo tình trạng say rượu khi người dùng lái xe
Các nhà khoa học chỉ ra trong kết quả công bố của họ: “Nồng độ cồn ở mức lớn hơn 0,8%, tạo ra những thay đổi về tâm lý, biểu hiện chủ yếu thông qua việc suy giảm chức năng nói và vận động thô và vận động tinh”. “Một thước đo về hoạt động tâm lý đặc biệt nhạy cảm với rượu là dáng đi, đòi hỏi sự phối hợp của nhiều hệ thống cảm giác và vận động.” Sau quá trình nghiên cứu, các nhà khoa học đã phát triển ra một loại cảm biến cảnh báo người dùng có mức nồng độ cồn cao dành cho điện thoại thông minh.
Nguyên lý làm việc của điện thoại cảnh báo say rượu là sử dụng cảm biến gia tốc và con quay hồi chuyển tích hợp để đo mức độ lắc lư của cơ thể sang phải trái, lên xuống, tiến và lùi khi bước đi. Các thông số đo được so sánh với dữ liệu cơ sở lúc không uống rượu, nhất là khi độ cồn trong hơi thở đạt tới ngưỡng trên 0,8%.
Cảm biến nói trên đã được thử nghiệm cho nhóm đàn ông từ 21 đến 43 tuổi. Mỗi người có 1 giờ để uống một loại rượu khác nhau để tạo ra nồng độ cồn trong hơi thở là 0,2% (giới hạn pháp lý ở Mỹ là 0,8%). Sau đó 7 giờ tiếp theo, cứ 1 giờ lại đo độ cồn trong hơi thở bằng máy đo hơi thở thông thường, và đo khi người trong cuộc đi thẳng về phía trước 10 bước rồi quay lại, trong lúc điện thoại thông minh được đeo trên thắt lưng. Kết quả, độ chính xác đạt khoảng 90%.
Các nhà nghiên cứu hy vọng với các thử nghiệm chuyên sâu và quy mô lớn hơn sẽ giúp họ biết được cảm biến của smartphone có thể hoạt động chính xác đến mức nào trong thực tế.
Thanh Tùng (T/h)