Cao Bằng triển khai đồng bộ các giải pháp thực hiện chuyển đổi số

10:38, 19/03/2024

Toàn tỉnh nỗ lực thực hiện chuyển đổi số (CĐS) trên cả 3 trụ cột (chính quyền số, kinh tế số, xã hội số) đều có những kết quả đáng khích lệ. Qua đó, hướng tới mục tiêu thu hẹp khoảng cách số giữa các vùng, miền và mang lại cuộc sống tiện ích, tốt đẹp hơn cho người dân.

Xác định CĐS là một trong nhiệm vụ quan trọng góp phần ổn định kinh tế, tạo động lực thúc đẩy và phục hồi kinh tế, nâng cao năng lực cạnh tranh, hiệu quả sản xuất, kinh doanh…, trong những năm qua, tỉnh triển khai thực hiện đồng bộ, xuyên suốt các nhiệm vụ, giải pháp thực hiện CĐS trên cả 3 trụ cột: Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số. Trong đó, tập trung triển khai 5 nhóm tiện ích và 25 dịch vụ công thiết yếu... theo Đề án 06 về “Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ CĐS quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030”. 

Việc thực hiện thủ tục hành chính được cung cấp qua dịch vụ công trực tuyến được xem là khâu quan trọng, then chốt trong cải cách hành chính. Tỉnh tập trung đầu tư nâng cấp hạ tầng cơ sở công nghệ thông tin, hạ tầng số. Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính được triển khai đồng bộ tại các sở, ban, ngành, địa phương trên địa bàn tỉnh. Đến nay, cổng dịch vụ công tỉnh đang cung cấp 1.753 dịch vụ công trực tuyến (trong đó, 1.233 dịch vụ công trực tuyến toàn trình, 310 dịch vụ công trực tuyến một phần). HĐND tỉnh ban hành nghị quyết giảm phí, lệ phí cho người dân khi thực hiện thủ tục hành chính bằng hình thức trực tuyến. Năm 2023, Cổng dịch vụ công quốc gia ghi nhận toàn tỉnh có tỷ lệ hồ sơ nộp trực tuyến đạt 32,06%, cho thấy những chuyển biến về nhận thức của người dân về các lợi ích, hiệu quả mang lại trong sử dụng dịch vụ công trực tuyến, thực hiện thủ tục hành chính qua môi trường mạng. 

20240318-pg1-Cao-Bằng.jpg

Công chức ngành thuế tuyên truyền hộ kinh doanh ứng dụng chuyển đổi số trong nộp thuế và sử dụng hóa đơn điện tử.

Chính phủ số được đẩy mạnh, các ứng dụng công nghệ được sử dụng ngày càng nhiều, có tính chuyên sâu, trở thành công cụ đắc lực trong giải quyết công việc của lãnh đạo và các công chức, viên chức, qua đó, nâng cao hiệu quả công tác chỉ đạo, điều hành phát triển kinh tế -  xã hội của các cấp chính quyền. Đến nay, tỷ lệ cán bộ, công chức sử dụng phần mềm quản lý văn bản và điều hành đạt 100%. 

Đối với sự phát triển kinh tế của tỉnh, CĐS thúc đẩy phát triển sản xuất, kinh doanh, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, tạo ra nhiều sản phẩm, dịch vụ mới, đáp ứng nhu cầu của thị trường, qua đó giải quyết hiệu quả mối quan hệ giữa Nhà nước, thị trường, xã hội. Trong tổng số 1.476 doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh có 1.392 doanh nghiệp nộp thuế điện tử, 1.324 doanh nghiệp đăng ký sử dụng hóa đơn điện tử. Tỷ lệ người dân từ 15 tuổi trở lên có tài khoản giao dịch tại ngân hàng hoặc các tổ chức được phép khác 385.566 người (đạt 71%). Tổng số lượt người dân sử dụng dịch vụ mobile money đạt 55.264 lượt người (10,18%).

CĐS ứng dụng trong nhiều khâu sản xuất, kinh doanh nông nghiệp, công nghiệp và du lịch. Hệ thống sàn thương mại điện tử Postmart được triển khai giúp kết nối giữa người sản xuất và người tiêu dùng, giúp tiêu thụ nông sản của địa phương thuận tiện, nhanh chóng với 2.400 sản phẩm nông sản tại địa phương được hỗ trợ, trong đó có 65 sản phẩm OCOP với lượng truy cập trên 17.800 lượt. Việc tích cực triển khai các nền tảng số phục vụ du lịch, ứng dụng trong quảng bá, xúc tiến du lịch, phát triển các sản phẩm du lịch điện tử, ứng dụng công nghệ số trong quản lý du lịch, giúp du khách dễ dàng tìm kiếm thông tin về các điểm du lịch, dịch vụ du lịch của tỉnh thuận tiện.

Anh Triệu Ích Toàn, Chủ cơ sở Homestay Lan Rừng xóm Khuổi Ky, xã Đàm Thủy (Trùng Khánh) chia sẻ: Hiện nay, việc làm du lịch, dịch vụ lưu trú của chúng tôi chủ động, hiệu quả hơn rất nhiều từ khi thực hiện CĐS quảng bá trên các ứng dụng Zalo, Facebook hay các trang đặt phòng trực tuyến Booking, Agoda. Nhờ vậy, cơ sở homestay có lượng khách khá đều, trung bình đón hơn 100 khách lưu trú/tháng, trong đó hơn 50% khách đặt trên các ứng dụng đặt phòng trực tuyến và trang mạng xã hội.

Trong đời sống xã hội, CĐS góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân tiếp cận thông tin, dịch vụ, hưởng thụ các giá trị văn hóa - xã hội với các phần mềm cơ sở dữ liệu ngành giáo dục và quản lý hồ sơ giáo dục, quản lý giáo án trực tuyến, sổ điểm trực tuyến… hệ thống học và họp trực tuyến qua nền tảng MicrosoftTeam, cung cấp 91.000 tài khoản cho học sinh, 9.000 tài khoản cho giáo viên. Ngành y tế triển khai nền tảng trạm y tế xã, nền tảng khám, chữa bệnh từ xa (Telehealth), ứng dụng CĐS quản lý y tế tại các trạm y tế xã, bệnh viện, cơ sở y tế giúp việc khám, chữa bệnh thuận lợi hơn, nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh…

Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Triệu Đình Thăng cho biết: Để thực hiện hiệu quả công tác CĐS trong thời gian tới, Sở tiếp tục tham mưu UBND tỉnh bổ sung, hoàn thiện một số nội dung, nhiệm vụ trọng tâm trong Đề án CĐS tỉnh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; tăng cường đầu tư, huy động nguồn lực cho CĐS cả về tài chính, nhân lực và hạ tầng. Tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức, phổ biến sâu rộng về tầm quan trọng, lợi ích của CĐS đến các cấp, ngành, doanh nghiệp và người dân. Nâng cao chất lượng, hiệu quả cung cấp, sử dụng dịch vụ công trực tuyến trên địa bàn tỉnh…./.

Theo https://mic.gov.vn

https://mic.gov.vn/mic_2020/Pages/TinTuc/163104/Cao-Bang-trien-khai-dong-bo-cac-giai-phap-thuc-hien-chuyen-doi-so.html