Cha đẻ của dòng máy bay chiến đấu lừng danh MiG

09:55, 03/05/2016

Kỹ sư thiết kế máy bay người Nga Rostislav Belyakov, người qua đời 28/2/2014, thọ 94 tuổi, không phải là một cái tên quen thuộc trong các hộ gia đình.


Nhưng chiếc máy bay của ông - MiG, được đặt từ những chữ cái viết tắt tên cơ quan thiết kế hàng không mà Belyakov điều hành trong suốt hai thập niên - thì đã trở thành huyền thoại.

Các máy bay MiG do Belyakov thiết kế nằm trong số các mẫu ấn tượng nhất dưới thời Liên Xô: máy bay tiêm kích ném bom MiG-23 cánh cụp cánh xòe, MiG-25 kích cỡ lớn có thể bay với vận tốc gấp ba lần tốc độ âm thanh, và MiG-29 động cơ phản lực kép được thiết kế nhằm chống lại chiếc US F-16 của Mỹ.

Belyakov nhận chức Tổng giám đốc MiG sau khi nhà sáng lập Artem Mikoyan qua đời năm 1970; ông bắt đầu làm việc cho MiG từ năm 1941, khi đó nhằm tham gia nâng cấp chiến đấu cơ MiG-3 gặp nhiều trục trặc.

MiG trở nên nổi danh với chiếc MiG-15, chiến đấu cơ khiến phương Tây khiếp sợ khi xuất hiện trên bầu trời Triều Tiên hồi năm 1950.

Chiếc MiG-21 cánh tam giác được sản xuất hàng ngàn chiếc. Ảnh: Science Photo Library

"Đây là chiếc máy bay tiêm kích phản lực có thiết kế gọn nhẹ, nhanh, cơ động và hệ thống cánh cụp hiệu quả, làm thay đổi cục diện cuộc chiến trên không trong Chiến tranh Triều Tiên," nhà thiết kế hàng không Jonathan Glancey nói.

Với những ai sống vào thời thập niên 1950 - 1960, tất cả mọi máy bay phản lực của Nga đều được gọi là MiG. Tên của hãng trở thành thuật ngữ chỉ tất cả các chiến đấu cơ hay máy bay ném bom của Nga xuất hiện trên đường băng từ Moscow đến Maputo.

Belyakov trở thành một trong những kỹ sư trưởng thiết kế của hãng MiG, giúp cho ra chiếc MiG-21 cánh tam giác (delta winged), một thiết kế tới nay vẫn được sử dụng, 50 năm kể từ ngày ra mắt. Nhưng thách thức lớn nhất mà Belyakov phải đương đầu xuất hiện trong những thập kỷ sau - đó là nâng thiết kế của hãng lên một đẳng cấp mới như thiết kế cánh cụp cánh xòe và các chuyến bay có thể bay đến rìa vũ trụ. Glancey tin rằng chiếc MiG-25 'Foxbat' khổng lồ, kích cỡ ngang chiếc máy bay ném bom Lancaster của Anh trong Thế Chiến II và bay nhanh hơn đạn - là một trong những thiết kế ấn tượng nhất của Belyakov.MiG-25 di chuyển với vận tốc nhanh đáng kinh ngạc. Mang một động cơ Mach-3, nó được thiết kế để đánh chặn các máy bay ném bom hạt nhân chiến lược tầm xa thế hệ mới của Hoa Kỳ, đặc biệt là nhằm đối phó với máy bay ném bom chiến lược North American B-70 Valkyrie.

Chiếc máy bay quân sự bề ngoài giống chiếc Concorde đã từng bay ở vận tốc Mach-3 tại độ cao 21km: thiết kế tuyệt đẹp, chiếc MiG-25 với đuôi đôi đã trở thành khắc tinh với máy bay ném bom của Mỹ.B-70 Valkyrie của Mỹ mới chỉ dừng ở mức nguyên mẫu và chưa bao giờ đi vào hoạt động, nhưng ít nhất 1.186 chiếc Foxbat đã được xuất xưởng.Thiết kế của Belyakov - thoáng nhìn từ các bức ảnh vệ tinh do thám - thực sự đã làm Lầu Năm Góc lo ngại, và nó đã thúc đẩy Hoa Kỳ phát triển chiếc F-15 Eagle, một trong những chiến đấu cơ quan trọng nhất của Không lực Hoa Kỳ thời kỳ cuối Chiến Tranh Lạnh.Hồi năm 1976, khi một phi công Xô Viết đào thoát đến Nhật bằng chiếc MiG-25, các nhân viên CIA tháo chiếc máy bay thành từng mảnh rồi lắp lại trước khi trả về Liên Xô.

Douglas Barrie, từ Học Viện Quốc tế Nghiên cứu Chiến Lược (IISS), lần đầu gặp Belyakov trong một chuyến đi đến Nga sau khi Liên Xô tan rã.

Chiếc MiG-27 này có thiết kế như máy bay tấn công hơn là phi cơ chiến đấu. Ảnh: Science Photo

LibraryBarrie nói mặc dù đã ngoài 70 tuổi, Belyakov vẫn nhiệt tình tiếp tục làm việc với MiG, dù đó là thời gian cực kỳ khó khăn của hãng. "Liên Xô sụp đổ đã kéo theo việc cắt giảm chi phí quốc phòng, và trong suốt thập niên 1990, một hãng thiết kế từng nổi tiếng và lừng lẫy một thời như MiG phải đối mặt với khó khăn để tồn tại," ông nói. "Thậm chí sau khi không còn đóng vai trò tích cực tại MiG, ông vẫn có thói quen tham dự vào các triển lãm hàng không của Moscow, và thường tham gia trong các cuộc họp báo của MiG," Barrie nói.

Về đóng góp xuất sắc nhất của Belyakov, theo Barrie thì có thể nói ông chính là người đã có công giúp MiG duy trì vị trí là hãng thiết kế chiến đấu cơ thượng thặng của Liên Xô, vượt lên trên đối thủ Sukhoi. "Điều này thể hiện qua việc MiG được chọn vì đáp ứng được những tiêu chuẩn của không quân đối với máy bay chiến đấu thế hệ thứ năm," ông nói.

"Một máy bay nguyên mẫu của MiG, gọi là Article 1.44, đã được lắp ráp và bay thử nghiệm, nhưng nước Nga trong thập niên 1990 không đủ tiền chi cho phát triển quốc phòng và cuối cùng bỏ dở chương trình này. "MiG hiện vẫn phục vụ trong lực lượng không quân của hàng chục quốc gia trên thế giới, và Việt Nam cũng mới chỉ cho phi đội MiG của mình nghỉ hưu từ cuối năm 2015 sau suốt 50 năm gắn bó. Các bản tin truyền hình về thời gian hỗn loạn vừa qua ở Ukraine cho thấy những chiếc MiG trên đường băng của sân bay Belbek ở Crimea.

Tuy không còn cạnh tranh được với đối thủ Sukhoi kể từ khi Liên Xô sụp đổ, nhưng cái tên MiG sẽ vẫn không biến mất.

Và tuy nguyên mẫu Article 1.44 của MiG chưa bao giờ được đưa vào hoạt động, nhưng máy bay chuyên phục vụ công tác huấn luyện có tên là AT có thể sẽ đưa tên tuổi của MiG đi xa hơn trong thế kỷ 21 này.

Chiến binh thời chiến tranh lạnh. Ảnh: Science Photo Library

Những máy bay do hãng MiG của Rostislav Belyakov thiết kế đã trở thành biểu tượng của sức mạnh không quân Liên Xô.

Sản phẩm thời chiến. Ảnh: Sovphoto/Getty Images

Thiết kế đầu tiên có Belyakov tham dự là chiếc MiG-3, chiến đấu cơ một người lái được đưa vào hoạt động khi Đức tấn công Liên Xô năm 1941.

Chứng tỏ sức mạnh. Ảnh: USAF

Chiếc MiG-15 được thiết kế ngay sau chiến tranh Thế Giới thứ II, sử dụng công nghệ lấy được từ các thiết kế của Đức, đã khiến MiG trở nên nổi tiếng sau khi được đưa vào tham chiến tại Triều Tiên.

Cánh cụp-cánh xòe. Ảnh: US Navy

MiG-23 là thiết kế cánh cụp-cánh xòe duy nhất của MiG được đưa vào sử dụng. Có hơn 5.000 chiếc đã được sản xuất, hiện có một số vẫn đang hoạt động ở Bắc Triều Tiên và Angola.

Quái vật MiG. Ảnh: US Navy

Chiếc MiG-25 khổng lồ có thể bay nhanh gấp ba lần vận tốc âm thanh. Ban đầu nó được thiết kế để bắn hạ máy bay ném bom siêu thanh của Mỹ, dù loại máy bay này của Mỹ chưa bao giờ được đưa vào hoạt động.

Từ Foxbat đến Foxhound. Ảnh: Science Photo Library

Chiếc MiG-25 được thay thế bằng MiG-31, một trong những thiết kế cuối cùng của Belyakov. Loại phi cơ này hiện vẫn đang đóng vai trò quan trọng trong Không lực Nga.

Xuất khẩu thành công. Ảnh: AFP/Getty Images

Được thiết kế nhằm nghênh chiến các chiến đấu cơ phản lực của phương Tây như F-16, chiếc MiG-29 đã trở thành một trong những thiết kế thành công nhất của MiG, giúp hãng tiếp tục tồn tại trong thời kỳ Liên Xô tan vỡ.

Trình diễn. Ảnh: Getty Images

Chiếc MiG-29 của Belyakov là một lựa chọn ưa thích trong các buổi trình diễn hàng không. Với bộ khung chắc chắn nhưng linh hoạt, máy khoẻ, nó có khả năng thực hiện được các màn nhào lộn trên không ít có loại máy bay nào khác có thể làm được.

Chiến đấu cơ của tương lai? Ảnh: BBC

Nguyên mẫu 1.44 của MiG là thiết kế nhằm ứng phó với các đối thủ như F-22 của Không lực Hoa Kỳ. Mẫu này đã thua một mẫu của Sukhoi và chưa bao giờ đi quá được giai đoạn thiết kế nguyên mẫu.

Di sản của BelyakovImage. Ảnh: Science Photo Library

Tuy các chiến đấu cơ MiG nay không còn được sản xuất với số lượng lớn nữa, nhưng hãng MiG vẫn rất bận rộn. Mẫu mới nhất, MiG-35 hiện đang được phát triển.

telecomit.vn theo BBC Future.