Chân dung những người có mức sống 1 USD/ngày

08:54, 11/04/2014

Sống ở một nơi giàu có sẽ thật dễ dàng quên rằng có đến 1/6 dân số thế giới đang phải sống trong những điều kiện tồi tàn, không có nguồn lương thực ổn định, không được chăm sóc y tế, không có nhà ở. Theo thống kê, có hơn một tỷ người trên thế giới đang được cho là có mức sống chỉ 1 USD (khoảng 20.000 đồng)/ngày hoặc ít hơn.

Mới đây, tác giả Thomas A. Nazario, người sáng lập ra tổ chức phi lợi nhuận mang tên The Forgotten, đã xuất bản một cuốn sách với những bức ảnh được chụp bởi nhiếp ảnh gia Renée C. Byer, người chiến thắng giải thưởng danh giá Pulitzer. Cuốn sách có tựa đề: “Living on a Dollar a Day: The Lives and Faces of the World's Poor” (Tạm dịch: Sống với chỉ 1 USD/ngày: Cuộc sống và bộ mặt của người nghèo).

Tác giả Thomas A. Nazario cho biết, có ba câu chuyện ám ảnh ông nhất.

Một là chuyện về những đứa trẻ sống ở một bãi rác thải điện tử tại Ghana. Hai là câu chuyện về một gia đình ở Peru sống dựa vào việc tái chế rác. Sống dựa vào rác là điều hết sức bình thường đối với người nghèo, nhưng người mẹ trong gia đình này đã bị hai người chồng lạm dụng, bà không được sống cạnh các con trai vì chúng còn phải đi làm nương rẫy nơi xa, bà phải nuôi tất cả các con gái và tất nhiên con cái không bao giờ được tới trường. Sau câu chuyện hàn huyên với tác giả cuốn sách, bà nhận được món quà là 80 USD – số tiền bằng công sức làm việc 2 tháng của bà. Bà đã quỳ xuống và khóc. Câu chuyện ám ảnh không chỉ vì sự nghèo khổ tột cùng, mà còn vì tình trạng bạo lực gia đình, phụ nữ và trẻ em bị ném vào sự nghèo đói, lạm dụng ra sao.

Câu chuyện thứ ba thực sự chạm vào tận trái tim là về một phụ nữ và gia đình ở Bangladesh. Bà làm việc trong xưởng may khoảng 8-12 tiếng/ngày, sáu ngày rưỡi/tuần, và kiếm được 17 cent/giờ (khoảng 4.000 đồng). Điều tồi tệ nữa là điều kiện sống tại đây, giết người, bạo lực. Người phụ nữ này còn may mắn vì có một người chồng tử tế. Ông cũng đi làm và họ quyết cho con cái đến trường, với hy vọng và mơ ước trong tương lai chúng sẽ thoát nghèo – nếu không phải là ở thế hệ này, thì sẽ là thế hệ kế tiếp.

Một thông điệp mà cuốn sách muốn chuyển tải là: bạn không cần phải là Bill Gates hay Warren Buffet mới có thể giúp đỡ, quyên góp. Tất cả mọi người, đặc biệt là những người ở tầng lớp trung lưu, đều có đủ tiền để ra ngoài ít nhất mỗi tuần một lần và ăn tối nhà hàng. Họ đều có khả năng giúp đỡ người khác. Tất cả chúng ta đều có nhiệm vụ làm cho thế giới tốt đẹp hơn.

Sau đây là những bức ảnh sống động, chân thực về cuộc sống, chân dung của những con người nghèo khổ mà tác giả Renée C. Byer, người chiến thắng giải thưởng Pulitzer, đã chụp.

Subadra Devi đã rời Ấn Độ sau khi một đợt hạn hán giết chết toàn bộ vụ mùa. Bây giờ cô là một người lao động trong dãy Himalaya

Trong một khu ổ chuộtở New Delhi, cậu bé Vishal Singh 6 tuổi phải chăm sóc cho em khi mẹ đi làm vắng

Cậu bé 6 tuổi này phải trông nom đàn bò cho cha ở Ghana. Hoàn cảnh kinh tế của gia đình khiến em không bao giờ được đi học

Cô bé Fati 8 tuổi phải cọ sạch các kim loại phế liệu trong một bãi chứa chất thải điện tử tại Accra, Ghana, và mang nó trong một cái xô đội trên đầu. Em khóc vì đau đớn do đang mắc bệnh sốt rét

Hora Florin, lớn lên trong một trại trẻ mồ côi ở Rumani, hàng đêm nương náu gần lỗ thông hơi nóng dưới lòng đất để giữ ấm

Những người phụ nữ ở Nkwanta, Ghana, đội sắn trên đầu

Cậu bé Alvaro 9 tuổi làm việc trong trại nuôi lạc đà không bướu kể từ khi cha qua đời. Em là một trong số ít các trẻ em trong cuốn sách được đi học

Các cô gái Kayayo ở Accra thu thập chất thải hoặc làm khuân vác cho các cư dân giàu có. Họ thường sống tại những xã gần hoặc trên các bãi chứa của thành phố

Hunupa Begum, 13 tuổi, và Hajimudin Sheikh, 6 tuổi, đang xin ăn ở New Delhi. Begum mù và Sheikh bị chứng bệnh bất thường , chất lỏng tích tụ trong não

 

Ana-Marie Tudor ở Bucharest, Romani. Gia đình em đang phải đối mặt với nguy cơ bị trục xuất

Thảo Nguyên