Châu Phi: thị trường “béo bở” của các doanh nghiệp thương mại điện tử?

13:50, 23/03/2015

(Telecom&IT) - Với tốc độ tăng trưởng kinh tế gần đây cùng tỷ lệ dân số trẻ đang tăng cao của châu Phi liệu các doanh nghiệp công nghệ đang tìm kiếm cơ hội kinh doanh...


Đế chế về truyền thông và Internet tại châu Phi – Naspers đã từng thốt lên rằng sự sụp đổ của một loạt các hãng trong ngành là "một ngày buồn cho ngành thương mại điện tử" ở châu Phi và nguyên nhân chính của sự sụp đổ là do "không có lợi nhuận".

Lý do chính khiến hệ sinh thái thương mại điện tử tại châu Phi rất khó mang lại lợi nhuận:

-    Tính không trung thực: những người giàu có tại châu Phi vẫn chưa thích mua sắm trực tuyến do tình trạng gian lận tại đây khá cao. Điển hình, tại Nigeria, người dân luôn nghi ngờ về tính an toàn khi đưa thông tin cá nhân của họ lên mạng vì lo sợ về sự hoành hành của tình trạng lừa đảo trực tuyến tại quốc gia này. Để thích ứng, nhiều công ty đã triển khai hình thức giao hàng và thu tiền mặt để giảm thiểu sự gian lận, lừa đảo.

-    Chi phí băng thông rộng: Với chi phí băng thông cao, các doanh nghiệp kinh doanh video trực tuyến ở châu Phi đang phải vật lộn để sống còn; thậm chí, hãng dẫn đầu thị trường trong mảng này là Irokotv cũng chỉ chủ yếu dựa doanh thu từ những người châu Phi đã di cư đê tồn tại được.

-    Hệ thống Logistics:  Với sự yếu kém của hệ thống bưu chính, các đơn hàng trực tuyến thường được vận chuyển, giao nhận bằng xe gắn máy, làm tăng chi phí, ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh.

-    Thị trường tự do tại châu Phi: Ở châu Phi, "thị trường" có mặt ở khắp mọi nơi, từ nhân viên bảo vệ cho đến chợ, siêu thị, và thậm chí là cả sạp tạp hóa của các thanh niên thất nghiệp ở các bến xe tại các thành phố lớn. Một công ty thương mại điện tử muốn tồn tại được thì phải đánh bại được những đối thủ trên về mặt giá cả, trong khi đó, việc thanh toán qua hệ thống ngân hàng của các doanh nghiệp đều phải bị chịu thuế. 

-    Thị trường bị xé lẻ: Sự khác biệt về hoạt động thanh toán liên quốc gia, ngôn ngữ, văn hóa và các yếu tố khác buộc các công ty sẽ phải thiết lập các trang web khác nhau ở mỗi quốc gia. Và điều này vô tình lại làm ảnh hưởng đến quy mô của nền kinh tế cũng như hiệu quả phân bổ vốn.

-    Tỷ lệ dân số biết chữ: Thực tế cho thấy, tại các nước như Chad, Niger và Burkina Faso, tỷ lệ dân số biết chữ ít hơn 30% tổng dân số. Do đó, số lượng khách hàng tiềm năng cho các doanh nghiệp thương mại điện tử lại phụ thuộc rất nhiều vào hoạt động đầu tư vào giáo dục toàn dân.

Với các công ty đã nỗ lực giải quyết các vấn đề nêu trên thì liệu kết quả kinh doanh sẽ tiến triển tốt hơn?

Thành lập vào năm 2012, Jumia là nhà bán lẻ trực tuyến hàng đầu tại Nigeria cũng đã gây quỹ được 150 triệu USD từ các nhà đầu tư mới trên kỳ vọng 555 triệu USD đặt ra vào tháng 11/2014. Ngoài Jumia, Konga, OLX, và Souq cũng đã gây quỹ được hàng triệu USD cho các hoạt động kinh doanh tại châu Phi.

Dù vậy, nhưng vấn đề ở đây là họ vẫn không có lợi nhuận dù thị phần mở rộng. Theo danh sách Rocket Internet’s 2014, Jumia có doanh thu thuần là 28 triệu USD nhưng lại bị lỗ tới 32 triệu USD.

Thương mại điện tử ở châu Phi có thể rất tiềm năng; nhưng doanh nghiệp sẽ phải mất rất nhiều thời gian và công sức. Do đó, sự góp sức của các nhà lãnh đạo trong châu lục cũng sẽ là nhân tố rất quan trọng góp sức cho sự thành công của doanh nghiệp.

Sự hội nhập; đầu tư cơ sở hạ tầng như hệ thống bưu điện, hệ thống Internet băng thông rộng, mạng lưới giao thông vận tải; hệ thống thực thi pháp luật trên toàn châu Phi để truy tố gian lận; và nâng cao tỷ lệ biết đọc, biết viết là những bài toán mà châu Phi đang cần phải giải quyết triệt để nếu muốn phát triển ngành thương mại điện tử đầy tiềm năng.