Chiến thắng Điện Biên Phủ - sức mạnh Việt Nam, tầm vóc thời đại
Nhân kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2024), ngày 16/4/2024 Đảng ủy Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam đã tổ chức Hội nghị chuyên đề “Chiến thắng Điện Biên Phủ - sức mạnh Việt Nam, tầm vóc thời đại"
Tham dự Hội nghị có Bí thư Đảng ủy, Phó Chủ tịch Vusta Phạm Quang Thao cùng hàng trăm đại biểu là cán bộ, đảng viên thuộc Cơ quan Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam (VUSTA), các Hội thành viên, các Tổ chức khoa học công nghệ trong toàn hệ thống.
Hội nghị nhằm tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên, người làm việc Liên hiệp hội Hội Việt Nam về ý nghĩa, giá trị lịch sử của Chiến thắng Điện Biên Phủ.
Cột mốc vàng trong lịch sử của dân tộc
Trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc ta, chiến thắng Điện Biên Phủ là một trong những đỉnh cao chói lọi, một kỳ tích vẻ vang của thời đại Hồ Chí Minh của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp. Lịch sử cũng đã chứng minh chiến thắng đã tạo cơ sở căn bản và quyết định cho việc đi đến ký kết Hiệp định Giơnevơ về đình chỉ chiến sự ở Việt Nam.
Chiến thắng cũng khẳng định đường lối kháng chiến đúng đắn, sáng tạo của Đảng và sự lớn mạnh, trưởng thành của Quân đội Nhân dân Việt Nam.
Đặc biệt chiến thắng chấm dứt sự đô hộ của chủ nghĩa thực dân Pháp ở 3 nước Đông Dương, mở đầu quá trình sụp đổ của chủ nghĩa thực dân cũ trên phạm vi toàn thế giới.
Tiếp nối chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ năm 1954, dân tộc ta đã viết tiếp bản anh hùng ca chói lọi trong thời đại Hồ Chí Minh, lập chiến công hiển hách Điện Biên Phủ trên không năm 1972; Chiến dịch Hồ Chí Minh năm 1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, đưa cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội; giành được những thành tựu to lớn và có ý nghĩa lịch sử trong công cuộc đổi mới, đưa đất nước ta lên một tầm cao mới, thế và lực mới, chủ động và tích cực hội nhập, hợp tác quốc tế.
Bí thư Đảng ủy, Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam Phạm Quang Thao phát biểu tại hội nghị.
Bí thư Đảng ủy, Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam Phạm Quang Thao nhấn mạnh, Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ gắn với mỗi người dân Việt Nam, một khái niệm không thể thiếu trong lịch sử thế giới, đặc biệt là lịch sử đấu tranh của nhân loại, đấu tranh giai cấp, đấu tranh sắc tộc. Chiến thắng Điện Biên Phủ là một dấu mốc lịch sử vô cùng quan trọng, dấu mốc đầu tiên của những nước nô lệ đứng lên chống các nước đế quốc.
Theo ông Thao, cùng với việc ôn lại lịch sử, Hội nghị còn làm sâu sắc hơn nhận thức về chiến thắng Điện Biên Phủ trong bối cảnh chúng ta đang sống cũng như trong tương lai mai sau.
Chiến thắng mang tầm vóc thời đại
Báo cáo viên tại hội nghị là Đại tá, PGS.TS Nguyễn Mạnh Hà, - Nguyên Phó Viện trưởng Viện Khoa học Lịch sử Việt Nam, nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng Học Viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh nhận định, chiến thắng Điện Biên Phủ là một bản hùng ca bất hủ, thắng lợi rực rỡ của dân tộc Việt Nam anh hùng và cũng là thắng lợi chung của các dân tộc bị áp bức trên thế giới, mở đầu sự sụp đổ của chủ nghĩa thực dân cũ trên phạm vi toàn cầu, cổ vũ và góp phần quan trọng vào phong trào đấu tranh vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ, tiến bộ xã hội của nhân loại.
Đại tá, PGS.TS Nguyễn Mạnh Hà cho biết, đúng như Chủ tịch Hồ Chí Minh đánh giá: “Lần đầu tiên trong lịch sử, một dân tộc bị áp bức đã đánh bại cuộc xâm lược của một đế quốc hùng mạnh, đã giành lại độc lập cho dân tộc, đem lại ruộng đất cho dân cày, đưa lại quyền dân chủ thực sự cho nhân dân”. “Đó là thắng lợi vĩ đại của nhân dân ta, mà cũng là thắng lợi chung của tất cả các dân tộc bị áp bức trên thế giới”. Chính những điều đó đã khẳng định Chiến thắng Điện Biên Phủ năm 1954 có giá trị lịch sử sâu sắc và mang tầm vóc thời đại to lớn.
Đại tá, PGS.TS Nguyễn Mạnh Hà, - Nguyên Phó Viện trưởng Viện Khoa học Lịch sử Việt Nam, nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng Học Viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh.
Đại tá, PGS.TS Nguyễn Mạnh Hà cũng đã nêu bật 5 chủ đề quan trọng về chiến thắng Điện Biên Phủ cách đây 70 năm.
Thứ nhất, lý do tại sao có trận chiến Điện Biên Phủ?
Thứ hai, tại sao Pháp và Việt Nam cùng lúc lựa chọn Điện Biên Phủ làm trận quyết chiến chiến lược. Từ chỗ không có trong kế hoạch tác chiến của tướng Navarre cũng như kế hoạch tác chiến Đông Xuân năm 1953-1954 của Việt Nam, Điện Biên Phủ đã trở thành trung tâm kế hoạch tác chiến.
Thứ ba, Đại tá Nguyễn Mạnh Hà nêu bật, làm rõ và khẳng định tác giả chuyển phương châm từ “đánh nhanh, giải quyết nhanh” sang phương châm “đánh chắc, tiến chắc”.
Thứ tư, nguyên Phó Viện trưởng Viện lịch sử quân sự Việt Nam cũng phân tích những điểm đặc sắc nhất về nghệ thuật quân sự làm nên chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ của Việt Nam.
Thứ năm, nhấn mạnh sức mạnh Việt Nam, tầm vóc thời đại của Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ như thế nào.
Đại tá, PGS.TS Nguyễn Mạnh Hà cho hay, sau 70 năm, các nhà nghiên cứu càng nhận thấy rõ, chiến thắng Điện Biên Phủ là sự kiện có một không hai trên thế giới, mà như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói: Đây là một cột mốc bằng vàng của lịch sử, nó đánh dấu nơi chủ nghĩa thực dân lăn xuống dốc và tan rã.
Về sức mạnh của Việt Nam trong chiến thắng Điện Biên Phủ, PGS.TS. Nguyễn Mạnh Hà nhấn mạnh, chiến dịch Điện Biên Phủ là sự kết tinh cố gắng của toàn dân, toàn quân chúng ta với khẩu hiệu: “Tất cả cho tiền tuyến, tất cả cho chiến thắng Điện Biên Phủ”.
Tất cả các tỉnh ở Bắc Bộ, ngay cả địa bàn Tây Bắc đều dồn sức cho Điện Biên Phủ với một tâm niệm đây là trận đánh quyết định. Trong đó, tỉnh đóng góp nhiều nhất là Thanh Hóa. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, Bác Hồ, chúng ta đã có một đường lối rất đúng đắn, đó là tập hợp được quần chúng nhân dân, đoàn kết lại tạo nên sức mạnh.
“Nếu không có sự đóng góp của Nhân dân, 26 vạn dân công thì hơn 5 vạn bộ đội cũng rất khó khăn trong việc làm nên chiến thắng. Sức mạnh Việt Nam chính là lần đầu tiên, chúng ta đã đánh thắng hình thức tập đoàn cứ điểm”, PGS.TS Nguyễn Mạnh Hà khẳng định.
Về tầm vóc thời đại của chiến thắng Điện Biên Phủ, theo PGS.TS Nguyễn Mạnh Hà đã thể hiện ở hai khía cạn. Đầu tiên, đó là chưa bao giờ trong lịch sử quân sự thế giới, một quân đội một dân tộc nhược tiểu như Việt Nam thời điểm đó, lại đánh thắng, và bắt sống hơn 10 nghìn quân Pháp, là một cường quốc quân sự ở phương Tây tại Điện Biên Phủ.
Việc đánh thắng này có ý nghĩa rất lớn, do 80% chi phí chiến tranh do Mỹ đảm nhận, nên đánh thắng thực dân Pháp ở trận đánh này, đồng nghĩa với chúng ta đã đánh thắng đế quốc Mỹ.
Khía cạnh thứ 2, chiến thắng Điện Biên Phủ đánh dấu sự thất bại của chủ nghĩa thực dân cũ của Pháp. Chiến thắng này có sức lan tỏa, mang lại cảm hứng cho các dân tộc thuộc địa theo gương Việt Nam giành độc lập dân tộc.
Năm 1960, 16 nước ở Châu Phi đã đứng lên tuyên bố giành độc lập. Hệ quả là từ tấm gương Việt Nam. Từ năm 1962, nhân dân Angiêri bắt đầu đứng lên giành chính quyền từ thực dân Pháp.
Có thể nói, chiến thắng Điện Biên Phủ có sức cổ vũ rất lớn với phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc của các nước trên thế giới.
“Người ta hiểu rằng, một dân tộc nhỏ bé nhưng có quyết tâm, đoàn kết, dưới sự lãnh đạo, đường lối đúng đắn sẽ đánh thắng bất kỳ kẻ thù nào. Đây chính là tầm vóc thời đại của chiến thắng Điện Biên Phủ”, PGS.TS Nguyễn Mạnh Hà nói.
Theo Tạp chí Kinh tế Môi trường
https://kinhtemoitruong.vn/chien-thang-dien-bien-phu-suc-manh-viet-nam-tam-voc-thoi-dai-87170.html