‘Chợ số’ ngày càng hái ra tiền nhưng khó quản

09:49, 17/01/2024

Việt Nam có khoảng 57 - 60 triệu người tham gia mua sắm trực tuyến, với giá trị mua sắm trung bình từ 260 - 285 USD/người. Trong báo cáo mới được TikTok công bố, cho thấy trong mùa lễ hội năm 2023, có tới 84% người dùng bị thuyết phục để mua sắn phẩm, dịch vụ của các thương hiệu.

Rõ ràng, "chợ số" hay kinh doanh trên mạng xã hội thông qua các nền tảng công nghệ như TikTok, facebook,... các sàn thương mại điện tử đang có tốc độ tăng trưởng và phát triển rất nhanh. Điều này cũng hoàn toàn dễ hiểu, bởi mua bán trên chợ số diễn ra nhanh, tiện lợi, người mua chỉ cần click (nhấp chuột) là xong mà không phải mất thời gian. Tuy nhiên, chợ số vẫn là câu chuyện khiến nhiều người tiêu dùng bức xúc, hay vì lợi nhuận nhanh mà nhiều người sẵn sàng tiếp tay cho hàng giả, hàng nhái càng khiến cho công tác quản lý nhiều hàng hoá trên chợ số trở nên khó khăn với cơ quan chức năng. 

‘Chợ số’ ngày càng hái ra tiền nhưng khó quản

TikTok trở thành mạng xã hội thu hút người mua sắm nhiều nhất sau khi đặt chân vào Việt Nam.

“Chợ số” ngày càng hái ra tiền vì sức mua lớn

Trong báo cáo của mạng xã hội TikTok thực hiện về hành vi mua sắm của người dùng tại Việt Nam trong mùa Lễ hội 2023, cho thấy có tới 69% người dùng ưu tiên xem video dạng ngắn để tìm hiểu về sản phẩm và dịch vụ. Trong đó, 84% người dùng bị thuyết phục để mua sản phẩm và dịch vụ của thương hiệu.

Theo TikTok "trung bình mỗi ngày có tới 1 - 2 triệu đơn hàng được bán ra thành công trên TikTok Shop", con số khổng lồ dành cho các tín đồ bán hàng trên mạng truyền thông xã hội TikTok. Đến cả đại diện TikTok tại Việt Nam cũng cho rằng đây là số lượng đơn hàng "khủng khiếp"!

Tổ chức nghiên cứu thị trường Nielsen năm 2023 cũng đã khảo sát người tiêu dùng tại bốn thành phố lớn gồm Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng, Hải Phòng. Kết quả cho thấy, người mua hàng online đa phần là người trẻ, ở độ tuổi trung bình là 31, trong đó 58% là nữ, 83% có trình độ đại học trở lên.

Về nghề nghiệp, 78% người mua hàng trực tuyến là nhân viên văn phòng, trong khi chỉ 12% là lao động tự do, 6% là sinh viên. Kết quả khảo sát cũng cho thấy phần lớn người mua hàng online đã kết hôn, với tỷ lên 71%, và 68% có thu nhập hộ gia đình trên 15 triệu đồng.

Một xu hướng lớn cũng được Nielsen chỉ ra là Shoppertainment, tức giải trí kết hợp mua sắm, điển hình là phát trực tiếp (livestream) trên sàn thương mại điện tử tại Việt Nam. Hình thức này nở rộ thời gian qua, thu hút người dùng bởi khả năng dễ tương tác với bên bán, xem sản phẩm chi tiết và có nhiều phiên mang tính giải trí cao. 64% người được hỏi nói đã mua hàng “vô thức” khi xem livestream.

Năm 2023 được ghi nhận là năm khởi sắc vượt bậc của cộng đồng các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SMB) trên nền tảng mua sắm trực tuyến, trong đó có TikTok. Chỉ tính riêng trên TikTok Shop có hơn 2,8 triệu doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa (MSME) Việt Nam đang hoạt động trên nền tảng này.

Các doanh nghiệp tham gia sáng tạo nội dung, quảng cáo, bán hàng, mang đến những nội dung giải trí và thương mại hấp dẫn, cùng đa dạng lựa chọn sản phẩm chất lượng, uy tín cho người dùng. Top 5 ngành hàng bán chạy nhất trên TikTok Shop gồm: Thời trang, Nhà cửa & Đời sống, Sức khỏe & Chăm sóc cá nhân, Điện tử, Làm đẹp.

Theo báo cáo phân tích về thương mại điện tử Việt Nam do công ty dữ liệu YouNet ECI cập nhật đến cuối tháng 12/2023, cho thấy Shopee, TikTok Shop, Lazada và Tiki đang chiếm lĩnh thị trường này. Giá trị giao dịch (GMV) trong tháng 11 của 4 sàn trên đạt 31.195 tỷ đồng và doanh thu tháng 11/2023 tăng 9,3% so với tháng 10.

Trong đó, Shopee tiếp tục độc chiếm ngôi đầu thị phần doanh thu với 72,7% (gần 3/4). TikTok Shop của TikTok giữ 17,2%, Lazada thuộc hệ sinh thái tập đoàn Alibaba (Trung Quốc) chỉ chiếm 9%, và nền tảng Tiki của Việt Nam giữ 1,1%.

Dù mới tham gia thị trường vào quý 4/2022, TikTok Shop tại Việt Nam đã có doanh thu bằng 80% doanh thu của Lazada Việt Nam vào thời điểm đó. Đến quý 1/2023, TikTok Shop chỉ kém Lazada 3,5% doanh thu. Đến quý 4/2023, TikTok Shop vươn lên vị trí thứ 2, chỉ sau "đại gia" Shopee.

Cả TikTok Shop và Shopee đều thu hút khách hàng thông qua các hoạt động livestream bán hàng vào dịp cuối năm. Theo ghi nhận của YouNet ECI, thời trang và phụ kiện là nhóm sản phẩm được mua nhiều nhất trên các sàn vào tháng 11/2023, với doanh thu 8.104 tỷ đồng, gần gấp đôi nhóm ngành xếp thứ hai là làm đẹp (4.617 tỷ đồng).

Kết quả này phần nào nhờ thời trang, phụ kiện và làm đẹp đang hưởng lợi lớn từ hình thức bán hàng qua livestream nhờ sự tăng trưởng của TikTok Shop cùng những đầu tư mạnh dạn gần đây của Shopee cho Shopee Live, theo YouNet ECI.

Đáng chú ý, chương trình Ngày mua sắm trực tuyến Việt Nam - Online Friday 2023 trên Tiktok do Bộ Công Thương chỉ đạo tổ chức đạt thành công ngoài mong đợi khi hashtag #onlinefriday thu hút hơn 1 tỷ lượt tương tác, tạo ra tổng số 50.013 đơn hàng thành công chỉ trong 60 giờ mua sắm trực tuyến.

Khó khăn trong quản lý hàng giả, hàng nhái

Số liệu mua sắm qua mạng xã hội nêu trên, cho thấy kinh doanh trên mạng xã hội đang thực sự bùng nổ và phát triển vượt trội. Nhiều nhóm, ngành hàng từ hàng hoá thiết yếu, công nghệ, thời trang cho tới các loại hàng hoá kinh doanh có điều kiện đều được giới thiệu và bày bán tràn lan trên không gian mạng.

Theo khảo sát, Việt Nam có khoảng 57 - 60 triệu người tham gia mua sắm trực tuyến, với giá trị mua sắm trung bình từ 260 - 285 USD/người. Con số càng khẳng định sức mua của người dân thông qua mạng xã hội là rất lớn.

Tuy nhiên, vấn nạn hàng giả, gian lận thương mại, hàng lậu vẫn câu chuyện khó quản và được truyền thông báo chí nói nhiều trong suốt thời gian qua. Với kiểu kinh doanh không cần đăng ký địa chỉ, không cần thông báo kho hàng hay đăng ký một địa chỉ bán hàng ở địa chỉ khác… các đối tượng đã lợi dụng kẻ hở này để hòng qua mặt cơ quan chức năng. Điều này dẫn đến những khó khăn trong việc quản lý, giảm sát và thanh kiểm tra.

Chia sẻ với phóng viên Thương Trường mới đây, anh Trịnh Quang (Xuân Mai, Hà Nội), cho biết: “Mới đây có mua một cái điện thoại bán trên mạng xã hội, vì thấy người ta quảng cáo nó là điện thoại dòng đời cũ nhưng máy nguyên zin chưa bóc tem. Mình cũng đặt mua một cái, sau 3 ngày hàng đã ship đến tận cửa nhà, mình kiểm tra thì đúng máy nguyên zin, mới cóng”.

“Khốn nổi, vẫn nhãn máy như quảng cáo, nhưng khi chạy ứng dụng như gmail, thì mình mới phát hiện, máy này lại là dòng khác chứ không phải như quảng cáo… rất khó phân biệt. Khi sử dụng, máy giật và lác rất bực mình”, anh Quang bức xúc nói.

Thậm chí, có người từng là một nhân viên vận chuyển, nắm rõ quy luật nhập hàng từ biên kia biên giới. Cũng vì thấy nhu mặt hàng công nghệ lớn lớn, nguồn hàng nhập về rẻ và nhiều, nên người này dần cũng trở thành mắt xích cung cấp hàng cho người kinh doanh online.

Cơ quan chức năng đã nhiều lần khuyến cáo, rằng người dân khi mua hàng online cần chú ý mua hàng phải có hóa đơn, chứng từ, kiểm tra chất lượng hàng hóa kỹ trước khi thực hiện giao kết nhận hàng. Tuy nhiên, những ví dụ nêu trên chi là một trong số hàng ngàn vụ việc mua bán đồ điện tử không rõ nguồn gốc xuất xứ, đó cũng là câu chuyện của mặt trái kinh doanh qua mạng xã hội. Thiệt thòi lớn nhất vẫn thuộc về người tiêu dùng, bởi họ không hiểu hoặc không thể nhận biết được rõ ràng nguồn gốc, chất lượng hàng hoá trên “chợ số”, đang gây nhiều khó khăn cho công tác quản lý và kiểm soat.

Theo quy định hiện nay, thẩm quyền và chức năng quản lý nhà nước về đấu tranh, ngăn chặn và xử lý với hàng giả, hàng kém chất lượng có sự tham gia của nhiều lực lượng như quản lý thị trường, thanh tra chuyên ngành khoa học công nghệ, công an, hải quan, lực lượng kiểm tra văn hóa...

Tuy vậy mỗi cơ quan, đơn vị theo chức năng, nhiệm vụ lại có văn bản quy phạm pháp luật riêng đối với lĩnh vực được giao phụ trách và thực hiện có sự chồng chéo hoặc khác nhau về cách xử lý. Chưa kể, các văn bản được cập nhật, thay đổi thường xuyên, nên có độ trễ nhất định trong việc ra quyết định xử phạt.

Để bảo vệ chính mình, có lẽ người tiêu dùng nên cảnh giác trước việc “tung hô” của các nhãn hàng, bởi đó chính là keyword trong việc quảng cáo sản phẩm mà rất nhiều thương hiệu, cá nhân bán hàng lựa chọn. Vấn đề này khiến cho người xem cảm thấy sản phẩm đó thực sự tốt, cộng thêm các chương trình giảm giá đánh trúng tâm lý không mua thì có cảm giác như đang bỏ lỡ một món hời.

Vì vậy, hãy cố gắng bớt tin những lời nói sáo rỗng qua mạng, thay vào đó tập trung vào bổ sung kiến thức để mình dễ nhận biết và tránh những "bẫy chuột" trên chợ số.

Theo thuongtruong.com.vn

(https://thuongtruong.com.vn/news/cho-so-ngay-cang-hai-ra-tien-nhung-kho-quan-114775.html)