Chợ truyền thống 'nỗ lực' thích nghi sau chuyển đổi

14:37, 01/08/2023

Theo Bộ Công Thương, 40% lưu lượng hàng hóa vẫn được lưu thông qua các mạng lưới chợ. Ở khu vực nông thôn còn lên tới 70%. Do vậy, chợ vẫn chiếm vị trí quan trọng trong hoạt động mua bán hàng ngày của người dân Việt Nam.

Để thích ứng và phát triển trong bối cảnh mới, đặc biệt là sau chuyển đổi theo Nghị định số 02/2003/NĐ-CP của Chính phủ về phát triển và quản lý chợ. Hệ thống chợ đã có những bước chuyển mình đáng kể. Thực tế, sau 20 năm kể từ khi có nghị định về phát triển và quản lý chợ ra đời, đã có hơn 600 chợ được xây mới và hơn 1.570 chợ đã được cải tạo, tạo ra mạng lưới chợ ngày càng văn minh, hiện đại hơn.

Việc cải tạo, sửa sang và nâng cấp các chợ truyền thống được xem là cần thiết, bởi nó đã mang đến một diện mạo mới theo hướng hiện đại, ngăn nắp và sạch sẻ hơn. Tuy nhiên, thời gian qua mô hình các chợ chuyển đổi đã bộc lộ không ít bất cập, đặc biệt là trước sức cạnh tranh quá lớn từ các siêu thị, trung tâm thương mại và của hàng tiện lợi.

Khảo sát của Thương Trường, cho thấy không riêng gì các thành phố, đô thị lớn mà các thị trấn, các xã có dân cư đông đúc đã xuất hiện nhiều cửa hàng tiện ích thuộc các hệ thống bán lẻ hiện đại, tiện lợi… Các chuỗi cửa hàng này là một trong những kênh mua sắm được người tiêu dùng quan tâm. Chính điều này khiến sức mua của nhiều mặt hàng tại chợ truyền thống giảm, trong đó, những mặt hàng như hóa mỹ phẩm, quần áo, giày dép... bị tác động nhiều nhất. Các cửa hàng này có không gian mua sắm thoáng mát, tiện lợi, giá cả được niêm yết rõ ràng, thanh toán thuận tiện… nên thu hút người tiêu dùng đến mua sắm hơn. Chưa kể, tại các cửa hàng này còn có nhiều chương trình khuyến mãi, giảm giá và cả dịch vụ giao hàng tận nơi theo nhu cầu của người mua.

Trong bối cảnh đó, dù đã có nhiều đổi mới, nhất là về hạ tầng, song chợ truyền thống vẫn suy giảm đáng kể về số lượng khách. Bà Nguyễn Tuyến Nhung (tiểu thương chợ Mơ, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội), cho biết: “Từ ngày xuống kinh doanh ở chợ mới, lượng khách đến mua tại cửa hàng của bà đã giảm 20-30%. Tuy nhiên, với uy tín gần 30 năm buôn bán, hiện nay phần lớn khách của bà vẫn mua hàng theo phương thức gọi điện thoại và giao hàng tại nhà. Vì thế, hàng ngày bà vẫn ra chợ để duy trì gian hàng tìm kiếm thêm nguồn khách mới”.

Trong khi theo Bộ Công Thương, 40% lưu lượng hàng hóa vẫn được lưu thông qua các mạng lưới chợ. Ở khu vực nông thôn còn lên tới 70%. Do vậy, chợ vẫn chiếm vị trí quan trọng trong hoạt động mua bán hàng ngày của người dân Việt Nam.

Để khắc phục tình trạng này và đưa chợ truyền thống phát triển tốt hơn, Bộ Công Thương đã đưa ra một số giải pháp, trong đó tập trung vào điều chỉnh và xây dựng hệ thống chợ hiện đại, đồng bộ. Ngoài ra, ngay chính bà con tiểu thương cũng đang dần thay đổi phương thức kinh doanh mới, phù hợp hơn với thực tại, nhất là áp dụng công nghệ số trong giao dịch mua – bán.

Theo chia sẻ của bà Nhung, đa phần các chợ truyền thống đang có những thay đổi đáng kể trong phương thức hoat động kinh doanh của mình. Đó cũng chính là cách để các tiêu thương duy trì hoạt động cũng như góp phần duy trì các mô hình chợ truyền thống vốn là kênh bán hàng hàng đầu của người Việt.

Bộ Công Thương cũng khuyến nghị, các tiểu thương, ban quản lý các chợ truyền thống cũng cần xây dựng các phương pháp bán hàng hiện đại, các chương trình kích cầu tiêu dùng, khuyến mại để tăng tính cạnh tranh của chợ truyền thống so với các kênh bán lẻ hiện đại.

Không chỉ nỗ lực thích nghi của những khu chợ đã chuyển đổi, mà thời gian tới, ngay trong cuối năm nay và những năm tới sẽ còn hơn 100 khu chợ khác được cải tạo hoặc xây mới. Rút kinh nghiệm từ những vướng mắc trong quá trình chuyển đổi sẽ là cơ sở để các khu chợ truyền thống mới được vận hành hiệu quả hơn.

Theo thuongtruong.com.vn

(https://thuongtruong.com.vn/news/cho-truyen-thong-no-luc-thich-nghi-sau-chuyen-doi-107014.html)