Cơ hội của ngành công nghiệp tỷ USD tại Việt Nam

14:31, 10/10/2023

Công nghiệp bán dẫn (vi mạch) là một trong những ngành công nghiệp đang chiếm ưu thế và Việt Nam đang đón đầu để vươn lên. Chúng ta phải có sự chuẩn bị kỹ lưỡng để đón nhận và phát triển ngành này một cách hiệu quả.

Nhân công làm việc trong nhà máy sản xuất chip bán dẫn.

Tiềm năng của ngành công nghiệp bán dẫn

Theo Bộ TT&T, doanh thu ngành bán dẫn toàn cầu năm 2021 đạt 551 tỷ USD và dự báo sẽ vượt 1.000 tỷ USD vào năm 2031.

Tại Việt Nam, doanh thu ngành công nghiệp điện tử, bán dẫn của Việt Nam năm 2021 đã đạt 130 tỷ USD. Đặc biệt, Việt Nam đã trở thành Top 10 thế giới về xuất khẩu computer và electronic, Top 2 mobile phones exports, Top 8 computer accessories, Top 11 computer device và Top 9 electronic circuit.

Ông Nguyễn Thanh Tuyên, Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp CNTT (Bộ TT&TT) cho biết, nguồn nhân lực cao trong ngành bán dẫn của Việt Nam hiện chủ yếu tập trung trong lĩnh vực thiết kế vi mạch. Việt Nam đã và đang dần hình thành cộng đồng doanh nghiệp thiết kế vi mạch, với hơn 30 doanh nghiệp, hơn 5.000 kỹ sư thiết kế và đang có xu hướng tiếp tục tăng. Đây được đánh giá là một trong các cộng đồng lớn trong khu vực.

Các hiệp hội vi mạch quốc tế nhận định, nếu làm tốt xu hướng phát triển hệ sinh thái doanh nghiệp hỗ trợ và đội ngũ kỹ sư thiết kế chip, kỹ sư điện tử, sẽ giúp Việt Nam tham gia sâu hơn trong các công đoạn trong chuỗi giá trị vi mạch bán dẫn. Khi đó, Việt Nam có thể nghĩ đến tự sản xuất chip từ năm 2030.

Chuyến thăm của Tổng thống Mỹ Joe Biden đến Việt Nam cũng như chuyến công tác của Thủ tướng Phạm Minh Chính đến Mỹ trong thời gian vừa qua, đã mở ra rất nhiều cơ hội, trong đó có cơ hội phát triển khoa học công nghệ và ngành công nghiệp mới, cụ thể là ngành công nghiệp bán dẫn.

Theo Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng, đây là một bước tiến tiếp theo để các tổ chức, doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghiệp bán dẫn của Mỹ và các đối tác Việt Nam triển khai các hoạt động hợp tác, nhằm hướng tới những cơ hội mở rộng thị trường và nâng cao năng lực của Việt Nam trong ngành công nghiệp này.

Tại lễ ra mắt Trung tâm Điện tử, vi mạch bán dẫn, thuộc Khu Công nghệ cao TPHCM mới đây, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cũng đã nhấn mạnh, ngành công nghiệp bán dẫn đóng vai trò ngày càng quan trọng đối với cuộc cách mạng chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, kinh tế tri thức và sẽ thay thế cho mô hình phát triển dựa vào tài nguyên thiên nhiên trước đây.

Cơ hội của ngành công nghiệp tỷ USD tại Việt Nam - Ảnh 2.

Việt Nam có đủ năng lực phát triển ngành bán dẫn tỷ USD

Việt Nam có đủ năng lực phát triển ngành bán dẫn tỷ USD

Tại Hội nghị Thượng đỉnh kinh doanh Việt Nam vừa được tổ chức, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đã khẳng định, Việt Nam có đủ năng lực phát triển ngành công nghiệp bán dẫn. Theo Bộ trưởng, chúng ta có 5 lý do để khẳng định luận điểm này:

Thứ nhất, hệ thống chính trị nước ta được đánh giá ổn định với vị trí địa lý thuận lợi. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ rất quan tâm, chú trọng việc đẩy mạnh hợp tác đầu tư, phát triển ngành bán dẫn ở Việt Nam.

Thứ hai, Việt Nam có nguồn lao động dồi dào trong lĩnh vực kỹ thuật và công nghệ phù hợp với ngành bán dẫn, đồng thời có những đơn vị nghiên cứu, đào tạo uy tín trong lĩnh vực này, cũng như có các doanh nghiệp lớn có nguồn lực và sẵn sàng hợp tác phát triển ngành bán dẫn.

Thứ ba, Việt Nam đã và đang thu hút nhiều tập đoàn lớn trong ngành bán dẫn đến từ các quốc gia phát triển trên thế giới. 

Thứ tư, chúng ta đã và đang tiếp tục xây dựng nhiều cơ chế ưu đãi đầu tư hấp dẫn cho các công ty, tập đoàn ngành bán dẫn.

hứ năm, Việt Nam đã thành lập Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia (NIC) và 3 khu công nghệ cao tại TPHCM, Hòa Lạc và Đà Nẵng, sẵn sàng đón các nhà đầu tư ngành bán dẫn với cơ chế ưu đãi cao.

Về phía Bộ TT&TT, Thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng cũng cho biết, Việt Nam đang xây dựng dự thảo Chiến lược phát triển công nghiệp bán dẫn đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2035. Chiến lược này sẽ đưa ra tầm nhìn và mục tiêu, lộ trình, các nhiệm vụ giải pháp cũng như các chính sách ưu đãi đặc biệt của Việt Nam để phát triển ngành công nghiệp điện tử nói chung và ngành công nghiệp bán dẫn nói riêng.

Trong đó, nhiệm vụ trọng tâm là đẩy nhanh việc Việt Nam tham gia vào hệ sinh thái bán dẫn ở khu vực, đồng thời thu hút các doanh nghiệp bán dẫn trên toàn cầu sản xuất, nghiên cứu phát triển tại Việt Nam.

Theo Báo Điện tử Chính phủ

(https://baochinhphu.vn/co-hoi-cua-nganh-cong-nghiep-ty-usd-tai-viet-nam-102231010093047346.htm)