Cơ quan thuế Hà Nội tìm cách nắm dòng tiền của gần 370 nghìn shop kinh doanh online

09:07, 17/07/2024

Cục Thuế TP. Hà Nội hiện đang chuẩn hóa cơ sở dữ liệu và định danh của 366.857 shop kinh doanh thương mại điện tử, với doanh thu kê khai, số thuế đã nộp cùng tài khoản ngân hàng. Nửa cuối năm, cơ quan thuế tiếp tục cập nhật số liệu nêu trên đối với các doanh nghiệp có tiềm năng tăng thu lớn trong lĩnh vực này...

Tổng số thu từ hoạt động thương mại điện tử 6 tháng đầu năm 2024 trên địa bàn TP. Hà Nội đạt xấp xỉ 10.000 tỷ đồng.

Thông tin từ hội nghị sơ kết công tác thuế 6 tháng đầu năm, triển khai nhiệm vụ, giải pháp 6 tháng cuối năm 2024 do Cục Thuế TP. Hà Nội tổ chức cho thấy tổng thu ngân sách trên địa bàn thành phố do ngành thuế thực hiện 245.034 tỷ đồng, đạt 64,2% dự toán và tăng 18,5% so với cùng kỳ năm 2023.

THU 10 NGHÌN TỶ ĐỒNG TỪ HOẠT ĐỘNG THƯƠNG MẠI ĐIỆN TỬ

Một trong những dấu ấn nổi bật của ngành thuế Thủ đô nửa đầu năm 2024 đó là thu 10.000 tỷ đồng từ hoạt động thương mại điện tử thông qua việc tập trung quản lý thuế, quản lý đối tượng đối với các doanh nghiệp, hộ kinh doanh, cá nhân có phát sinh doanh thu từ hoạt động thương mại điện tử.

Trên cơ sở kết quả chuẩn hóa mã số thuế cá nhân theo Đề án 06 về phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030, Cục Thuế TP. Hà Nội định danh thông tin được 418 doanh nghiệp sở hữu sàn thương mại điện tử, 668 chủ thể kinh doanh sản phẩm, nội dung số cùng 54 doanh nghiệp cung cấp dịch vụ lưu trú.

"Tổng số thu từ hoạt động thương mại điện tử 6 tháng đầu năm 2024 trên địa bàn TP. Hà Nội đạt xấp xỉ 10.000 tỷ đồng. Trong đó, riêng khối sàn thương mại điện tử đạt 2.500 tỷ; khối doanh nghiệp đạt 6.700 tỷ; khối hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh đạt 700 tỷ".

Báo cáo của Cục Thuế TP. Hà Nội.

Từ đó, cơ quan thuế chuẩn hóa cơ sở dữ liệu về định danh các chủ thể kinh doanh thương mại điện tử, doanh thu kê khai, số thuế đã nộp, tài khoản ngân hàng... của trên 366.857 shop, tương ứng 197.848 mã số thuế.

Con số này tương đương với các hộ kinh doanh truyền thống mà Cục Thuế TP. Hà Nội đang quản lý.

Cục thuế cũng xây dựng được ứng dụng website để tra cứu cơ sở dữ liệu theo tổ hợp các tiêu chí với thao tác đơn giản xử lý nhanh, kết quả chính xác, góp phần nâng cao hiệu quả quản lý thuế đối với hoạt động thương mại điện tử.

Một điểm nhấn đáng lưu ý, đó là việc Cục Thuế TP. Hà Nội phối hợp với UBND quận Hoàn Kiếm thực hiện tổ chức thí điểm quản lý thuế thương mại điện tử trên địa bàn quận Hoàn Kiếm, đẩy mạnh truyền thông, hướng dẫn người nộp thuế kê khai, nộp thuế theo quy định của pháp luật, bước đầu đạt được hiệu quả. 

Đối với công tác phòng chống gian lận hóa đơn điện tử, Cục Thuế TP. Hà Nội chủ động nghiên cứu xây dựng công cụ rà soát rủi ro hóa đơn điện tử dựa trên 09 tiêu chí để nhận diện rủi ro phục vụ công tác kiểm tra tại bàn và công tác thanh kiểm tra tại trụ sở người nộp thuế, hướng tới thanh kiểm tra điện tử.

Theo đó, 6 tháng đầu năm 2024, cục thuế đã hoàn thành 6.687 cuộc thanh tra, kiểm tra với tổng số thuế truy thu, truy hoàn và phạt là 1.531 tỷ đồng; giảm khấu trừ là 363 tỷ đồng; giảm lỗ là 2.296 tỷ đồng.

Cũng theo Cục Thuế TP. Hà Nội, hiện 100% các doanh nghiệp kinh doanh bán lẻ xăng dầu trên địa bàn thành phố Hà Nội hoàn thành việc xuất hóa đơn điện tử theo từng lần bán hàng. Để ghi nhận những thành tích xuất sắc trong công tác quản lý thuế, Cục Thuế TP. Hà Nội là 1 trong 7 đơn vị được Bộ Tài chính khen thưởng đột xuất về thành tích xuất sắc trong công tác triển khai áp dụng hóa đơn điện tử bán lẻ xăng dầu.

Hiện cục thuế đang giao chỉ tiêu cho từng cán bộ, công chức thực hiện đăng ký hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền năm 2024, trọng tâm là ngành nghề kinh doanh vàng bạc, dịch vụ golf...

TẬP TRUNG SỐ HOÁ QUẢN LÝ THUẾ

Nhận định về kết quả triển khai thời gian qua, Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Hà Minh Hải ghi nhận và đánh giá cao những kết quả Cục Thuế TP. Hà Nội đã thực hiện được trong 6 tháng đầu năm 2024, trong đó có việc triển khai công tác cải cách hành chính, chuyển đổi số và đề án 6 của Cục Thuế TP. Hà Nội.

Trong thời gian tới dự báo có nhiều khó khăn, thách thức, lãnh đạo UBND TP. Hà Nội đề nghị Cục Thuế TP. Hà Nội tiếp tục bám sát chỉ đạo của Thành ủy, UBND TP. Hà Nội và Tổng cục Thuế trong công tác quản lý thu ngân sách. Đồng thời, cần bám sát chỉ đạo và tăng cường công tác phối hợp với cơ quan công an và các đơn vị có liên quan thực hiện thành công Đề án 06, nhất là việc hợp nhất số căn cước công dân với mã số thuế

"Từ đó, tạo ra môi trường liên thông về hệ sinh thái trong quản lý thuế, quản lý công dân và hạn chế đa tình trạng trốn thuế, gian lận thuế”, ông Hải nhấn mạnh.

Tổng cục trưởng Mai Xuân Thành đề nghị Cục Thuế TP. Hà Nội tập trung quản lý thuế với thương mại điện tử, tiếp tục đẩy mạnh chuyển đổi số.

Để hoàn thành tốt công tác quản lý thuế và thu ngân sách nhà nước, ông Mai Xuân Thành, Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế, đề nghị Cục Thuế TP. Hà Nội tiếp tục bám sát và tập trung triển khai chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Tài chính, UBND TP. Hà Nội và Tổng cục Thuế. 

"Tập trung triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp quản lý thu, thực hiện nghiêm kỷ luật, kỷ cương trong chỉ đạo, điều hành quản lý thu ngân sách; triển khai công tác quản lý thuế với thương mại điện tử, tiếp tục đẩy mạnh chuyển đổi số, hiện đại hóa trong công tác quản lý thuế", lãnh đạo Tổng cục Thuế yêu cầu.

Bên cạnh đó, tập trung thực hiện tốt Đề án 06, triển khai hóa đơn điện tử và đặc biệt đẩy mạnh triển khai hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền tạo ra thói quen tiêu dùng mới cho người dân và doanh nghiệp; đồng thời nâng cao chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp.

8 GIẢI PHÁP HOÀN THÀNH NHIỆM VỤ THU NGÂN SÁCH

Triển khai nhiệm vụ trong 6 tháng còn lại của năm 2024, Cục Thuế TP. Hà Nội quyết tâm hoàn thành toàn diện các chỉ tiêu được giao, trong đó lưu ý 8 giải pháp trọng tâm.

Một là, tập trung theo dõi tiến độ thu ngân sách, đánh giá, phân tích các yếu tố tác động đến số thu, tiến độ thu ngân sách cụ thể từng địa bàn, từng khu vực, từng sắc thuế cũng như tình hình sức khỏe của doanh nghiệp để có biện pháp quản lý thu, chống thất thu phù hợp, hiệu quả.

Hai là, duy trì hoạt động đối thoại với doanh nghiệp, đẩy mạnh công tác hỗ trợ, đặc biệt là giải pháp hỗ trợ bằng phương thức điện tử để hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho người nộp thuế.

Tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất trong việc thực thi chính sách pháp luật thuế, qua đó giúp doanh nghiệp, người nộp thuế duy trì ổn định, mở rộng và phát triển sản xuất kinh doanh.

Ba là, tiếp tục thực hiện việc rà soát, chuẩn hóa dữ liệu mã số thuế cá nhân theo Đề án 06; tiếp tục nghiên cứu bổ sung các giải pháp để điện tử hóa, số hóa các khâu, các bước để hỗ trợ người nộp thuế, nâng cao chất lượng dịch vụ kê khai, nộp thuế, hoàn thuế điện tử.

Tăng cường, đẩy nhanh tiến độ hoàn thuế giá trị gia tăng đồng thời áp dụng quản lý rủi ro trong phân loại hồ sơ hoàn thuế giá trị gia tăng đảm bảo hoàn thuế đúng đối tượng, chính sách pháp luật.

Năm 2024, Cục Thuế TP. Hà Nội được giao 408.547 tỷ đồng dự toán thu ngân sách nhà nước; trong đó, thu nội địa gần 380.000 tỷ đồng. Với số thu trên, Hà Nội là địa phương được giao dự toán cao nhất trong cả nước.

Bốn là, tập trung chống thất thu thuế đặc biệt ở các lĩnh vực rủi ro cao, đẩy mạnh công tác kiểm tra tại trụ sở cơ quan thuế, tập trung vào các doanh nghiệp có dư địa khai thác tăng thu lớn theo chuyên đề: thương mại điện tử, chuyển nhượng vốn, chuyển nhượng bất động sản, nhà đất, chuyên đề chống gian lận hoàn thuế, gian lận hóa đơn điện tử.

Năm là, rà soát, chuẩn hóa, phân loại nợ, thực hiện các biện pháp xử lý, thu nợ thuế theo quy định.

Tập trung thu hồi các khoản nợ liên quan đến đất của các dự án do chính quyền địa phương quản lý, kết hợp giữa đôn đốc thu hồi nợ đọng với tháo gỡ khó khăn vướng mắc cho doanh nghiệp, người nộp thuế.

Sáu là, tiếp tục đẩy mạnh hiện đại hóa công tác thu nộp, hiện đại hóa công tác quản lý thuế đối với các hình thức kinh doanh mới trên nền tảng kinh doanh số...

Bảy là, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đồng thời đẩy mạnh công tác luân phiên, điều động, chuyển đổi vị trí công tác nhằm tăng cường đào tạo, nâng cao năng lực cán bộ và ngăn ngừa tiêu cực; tăng cường và giữ nghiêm kỷ cương, kỷ luật đối với cán bộ.

Tám là, đẩy mạnh công tác phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; thực hiện tốt công tác tiếp dân, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo kịp thời.

Theo VnEconomy

https://vneconomy.vn/co-quan-thue-ha-noi-tim-cach-nam-dong-tien-cua-gan-370-nghin-shop-kinh-doanh-online.htm