43.000 doanh nghiệp, cá nhân bán hàng online bị rà soát, kiểm tra thuế
Nửa đầu năm, Tổng cục Thuế rà soát, kiểm tra gần 43.000 doanh nghiệp, cá nhân về khai, nộp thuế. Qua đó, phát hiện và xử lý 4.560 trường hợp vi phạm, truy thu và phạt gần 300 tỷ đồng.
Thực hiện công tác chấn chỉnh hoạt động thu nộp thuế đối với các tổ chức, cá nhân kinh doanh trên môi trường mạng, bán hàng trực tuyến, thời gian qua, nhiều tổ chức, cá nhân bán hàng online đã bị kiểm tra, truy thu do chưa kê khai nộp thuế. Việc rà soát này được ngành thuế đưa ra trong bối cảnh tăng quản lý với thương mại điện tử, từ giao dịch trên các sàn tới kinh doanh trực tuyến, livestream.
Thống kê từ Tổng cục Thuế cho biết, 6 tháng đầu năm, cơ quan này rà soát, kiểm tra gần 43.000 doanh nghiệp, cá nhân về khai, nộp thuế. Nhóm này đã nộp gần 9.980 tỷ đồng, tăng khoảng 3.480 tỷ đồng so với cùng kỳ. Cơ quan thuế cũng xử lý 4.560 trường hợp vi phạm, truy thu và phạt gần 300 tỷ đồng.
Theo quy định, tổ chức, cá nhân khi kinh doanh phải đăng ký thuế, theo đó người bán sẽ thực hiện kê khai với cơ quan quản lý các thông tin định danh (họ tên, tuổi, nghề nghiệp, địa chỉ...) để phân biệt với người nộp khác, sau khi đăng ký, họ sẽ được cấp một mã số thuế, bắt đầu kinh doanh.
Thông thường, trường hợp chưa đăng ký thuế phải chịu các khoản phạt, như chậm đăng ký kinh doanh, kê khai, thuế nộp chậm. Trong đó, hai lỗi đầu tiên khoảng 15 triệu đồng.
Còn số thuế phải nộp được cơ quan quản lý tính trên tổng doanh thu, tỷ lệ thuế VAT hàng hóa, dịch vụ và thu nhập cá nhân với từng lĩnh vực kinh doanh. Chẳng hạn, cá nhân phân phối, cung cấp hàng hóa sẽ có mức thuế phải nộp là 1,5% trên doanh thu. Sau đó, khi đã có quyết định xác định mức thuế phải nộp, nếu chậm nộp sẽ bị tính phạt chậm nộp ở mức 0,03% một ngày.
Theo thống kê, cả nước có 3,1 triệu hộ, cá nhân kinh doanh, trong đó tỷ lệ không nhỏ người bán online chưa đăng ký, kê khai và nộp thuế. Để siết quản lý, một trong những giải pháp được ngành thuế thực hiện là kết nối, chia sẻ dữ liệu với các bộ ngành.
Theo Tổng Cục thuế, hiện cơ quan này ghi nhận trên 663.000 lượt kết nối với cơ sở dữ liệu dân cư của Bộ Công an. Họ cũng chia sẻ thông tin với Bộ Công Thương về 929 sàn thương mại điện tử, đối chiếu dữ liệu của 53.000 người kinh doanh từ 383 sàn, trong đó có nhiều sàn chiếm thị phần lớn như Shopee, Lazada, Sendo, Voso, Tiki...
Tại Hà Nội, tỷ lệ rà soát khớp nối thông tin căn cước công dân và mã số thuế đạt hơn 99,8%. Qua đó, cơ quan thuế định danh được hàng trăm chủ sàn thương mại điện tử, hàng nghìn cá nhân kinh doanh qua mạng. Số thu 6 tháng trong lĩnh vực thương mại điện tử của Thủ đô đạt trên 10.000 tỷ đồng, trong đó thuế cá nhân (gồm livestream) tăng 79%.
Với ngành ngân hàng, Bộ Tài chính cho biết đã nắm thông tin từ 144 triệu tài khoản thanh toán, tăng hơn 20 triệu tài khoản so với cuối tháng 4. Trong đó, khoảng 10 triệu tài khoản của tổ chức và 134 triệu tài khoản cá nhân tại 96 của ngân hàng.
Theo Tạp chí Thương Trường