CPU 6 lõi của AMD có gì hay ?

00:00, 05/06/2010

Có vẻ như AMD đã dẫn trước Intel trong việc đưa thêm lõi xử lý vào trong các chip của mình thông qua việc tiên phong tung ra CPU máy chủ 12 lõi. Mới đây, hãng lại tạo ra cơn sốt mới khi tung ra thêm mẫu chip mới cho các hệ máy tính để bàn với 6 lõi. Đây là động thái cạnh tranh với phiên bản Core i7-980X Extreme Edition của Intel.
 
 Đối thủ này nhanh nhưng lại có giá rất cao – gần gấp 4 lần so với Core i7-930 thông dụng. Với AMD, con đường tiếp cận CPU 6 lõi lại hoàn toàn khác. Theo đó, phiên bản Phenom II X6 1090T Black Edition đầu tiên có mức giá dễ chịu hơn rất nhiều (chỉ đắt hơn chút ít so với X4 965 BE và thậm chí là chỉ nhỉnh hơn vài chục USD so với Core i7-930). Vậy sản phẩm mới này có gì thú vị ?
 


Hai lõi xử lý vật lý bổ sung thêm
 
So với X4 965BE mạnh nhất hiện tại, điểm khác biệt rõ ràng của 1090T chính là 2 lõi xử lý mới. Cả hai chip này cùng sử dụng socket AM3 nên nếu bạn đang sở hữu một bo mạch chủ với socket AM2+ hoặc AM3 và có khả năng hỗ trợ các BXL với công suất điện TDP 125W thì chỉ cần cập nhật BIOS là có thể sử dụng các chip 6 lõi mới. Cụ thể hơn, chúng ta có thông số kĩ thuật của CPU mới từ AMD như sau:
 

 

Tên gọi sản phẩm

AMD Phenom II X6 1090T Black Edition

Xung nhịp vận hành

3.2GHz

Số lõi xử lý vật lý

6

Tên mã

Thuban

Socket sử dụng

Socket AM2+/AM3

Bộ đệm cấp 1

64KB L1 dữ liệu và

 64KB L1 tập lệnh cho mỗi lõi

Bộ đệm cấp 2

512KB cho mỗi lõi

Bộ đệm cấp 3

6MB chia sẻ chung

HyperTransport

200MHz

Bộ nhớ hỗ trợ

Bộ nhớ kênh đôi DDR2/DDR3

Công suất TDP tối đa

125W

 

 Có thể thấy rằng dù CPU mới có thêm 2 lõi nhưng AMD vẫn duy trì được tính tương thích ngược với các bo mạch chủ sử dụng socket AM2+ và AM3 hiện tại. Điều này sẽ cho phép chủ nhân các hệ thống AMD hiện nay nâng cấp CPU mà không cần đổi bo mạch chủ như đối với Intel. Phenom II X6 mới cũng có cùng lượng bộ đệm cấp 3 như với bản X4 nên mỗi lõi xử lý sẽ có ít bộ nhớ hơn khi cần tới. Tuy nhiên chúng đều có bộ đệm L1 và L2 tích hợp sẵn nên đây không phải là điểm yếu lớn. Tương tự như các CPU AM3 hiện tại của AMD, X6 1090T BE mới hỗ trợ cả bộ nhớ DDR2 và DDR3. Trong đó AMD khuyến cáo người dùng nên hướng tới DDR3 để đạt mức hiệu năng tối ưu – đặc biệt trên các bo mạch chủ với chipset 890FX mới.

 

Công nghệ ép xung tự động Turbo Core
 
 Do cùng sử dụng quy trình công nghệ 45nm như X4 965BE, để đảm bảo không vượt quá mức TDP 125W, AMD đã giảm xung nhịp của mỗi lõi từ 3.4 GHz (tương đương như 965) xuống còn 3.2 GHz trên X6 1090T BE. Đây là mức giảm không nhiều nhưng bù lại CPU mới lại có trang bị một công nghệ hết sức mới: Turbo Core. Nó cho phép ép xung các lõi đơn khi CPU chưa chạm mốc công suất TDP tối đa (thường thấy khi các ứng dụng không sử dụng hết toàn bộ lõi).
 
AMD cho biết các lõi có thể tự đưa xung nhịp lên 3.6 GHz khi cần thiết. Điều này cũng có nghĩ là khi chạy ứng dụng với yêu cầu xử lý đơn lẻ (một tiểu trình) thì một lõi sẽ tự động chạy ở 3.6 GHz để xử lý các tác vụ nhanh hơn. Tuy nhiên hiện tại có không nhiều các ứng dụng chạy một tiểu trình, bản thân Windows đã hỗ trợ đa tiểu trình song song.
 


Trong nhiều thử nghiệm phần mềm, ít khi CPU mới của AMD chạy ở xung nhịp cao hơn 3.36 GHz.

 

 Song song với 1090T BE, AMD cũng dự định sẽ cho ra mắt thêm một số phiên bản Phenom II X6 khác với xung nhịp thấp hơn gồm  1075T (2.8 GHz), 1055T (2.4 GHz)… Trong đó sẽ có cả mẫu tiết kiệm điện với công suất tiêu thụ chỉ 95W so với mức 125W nói chung của dòng 6 lõi.

 

Phiên bản phần mềm quản lý OverDrive hỗ trợ Turbo Core và 6 lõi
 
Bên cạnh đó, AMD cũng đã nâng cấp cho bộ phần mềm Overdrive của mình cho phép ép xung các BXL Black Edition một cách dễ dàng hơn đồng thời hỗ trợ tốt các chip Phenom II X6 1090T mới. Đây cũng là cách dễ dàng nhất mà người dùng có thể kiểm tra được liệu công nghệ Turbo Core mới có làm việc hiệu quả hay không. Overdrive cũng có chức năng quản lý tốc độ vận hành cảu chipset cầu Bắc tích hợp trong BXL và bus HyperTransport. Tuy nhiên, để Overdrive hoạt động hiệu quả, bo mạch chủ mà bạn sử dụng phải hỗ trợ AOD (AMD Overdrive).
 
Hiện tại, một số nhà sản xuất RAM cũng đã đưa ra các thanh nhớ với bộ hồ sơ Black Edition cho phép nó hoạt động với hiệu năng cao hơn trên các hệ thống có AOD và CPU Phenom II.
 


 AMD cho biết các bo mạch chủ với chipset dòng 8 sẽ hỗ trợ tốt các BXL 6 lõi. Tuy nhiên người dùng với các bo mạch chủ dòng 7xx sẽ phải tham khảo tại website nhà sản xuất tương ứng để biết liệu mình có thể cập nhật BIOS để sử dụng các chip mới hay phải nâng cấp tổng thể. Danh sách tổng hợp bạn có thể tham khảo thêm tại: http://www.xtremevn.com/forum/showthread.php?p=65548

 

Chipset AMD 890FX với nhiều công nghệ mới
 
 Song song với CPU 1090T, AMD cũng tung ra chipset dòng 800 để tạo ra nền tảng mới cho các CPU 6 lõi của mình. Ngoài các tính năng cơ bản của dòng 700, các thế hệ mới là những chipset đầu tiên sử dụng công nghệ SATA 6Gb/giây và hoạt động độc lập trên bus PCI-Express. Trong đó, mẫu 890FX được nhắm tới những người dùng cao cấp. Nói một cách đơn giản, nó sẽ thay thế 790FX hiện tại trên thị trường. 890FX có cùng 42 kênh PCI-E 2.0 tương tự như đàn anh đi trước nhưng lại có thể “nuôi” được 4 card đồ họa và 7 thiết bị ngoại vi khác trên các kênh đơn lẻ.
 
Trong đó AMD để dành 4 kênh cho chipset cầu Nam SB850. Đáng chú ý, 890FX mới có khả năng hỗ trợ IOMMU 1.2, đây là công nghệ giúp cải thiện khả năng ảo hóa (Virtualization) và nâng cao hiệu năng cho các ứng dụng máy ảo (điển hình như XP Mode của Windosw 7 hay các phần mềm VMWare…).
 
Bản thân SATA 6Gb/s mới của AMD cũng có thiết kế dựa trên nguyên tắc chuyển đổi FIS và không chiếm dụng hết băng thông hoặc làm trì hoãn mệnh lệnh tới các thiết bị khác – giảm thiểu tình trạng máy tính ì ạch mỗi khi phải truy cập đĩa cứng. 890FX cũng là chipset đầu tiền sử dụng bộ điều khiển mạng Ethernet tốc độ Gigabit tích hợp của AMD thay vì gắn bó với các giải pháp quen thuộc từ Marvell hay Realtek.
 
Cuối cùng, bộ tạo xung sẽ được tích hợp cho chipset cầu Nam để nâng cao hiệu năng và độ tin cậy của dữ liệu. Mặc dù nó vẫn là dòng 65nm nhưng rất nhỏ gọn (chưa tới 80mm vuông).

 

Hoàng Linh